Chuộc tội – Minato Kanae

Cùng tác giả với “Thú tội (Kokuhaku)”, “Chuộc tội” được thuật lại dưới lời kể của bốn cô bé Sae, Maki, Akiko và Yuka về cuộc đời của chính họ sau khi chứng kiến người bạn của mình là Emily bị sát hại.

Ghi lại phần giới thiệu về tác giả Minato Kanae trước mình đã nói ở bài về cuốn “Thú tội” (chi tiết hơn ở đây): Đây là một tác giả mới, được mệnh danh là nữ hoàng của thể loại “truyện trinh thám có cái kết gây ức chế (イヤミス-iyamisu)”. Thể loại này là viết tắt của iya イヤ (khó chịu) và misteryミステリー (trinh thám), chỉ riêng một thể loại mà đọc xong cảm thấy uất ức, khác với thể loại mà án được giải quyết xong ở đoạn cuối, thể loại iyamisu này thường chuyên đặc tả về khía cạnh nội tâm và biến đổi tâm lí của nhân vật nhiều hơn là vụ án. Minato Kanae bắt đầu viết sau khi lập gia đình và sinh con ở tuổi 27, hiện tại kiêm làm nội trợ ở nhà và tiểu thuyết gia.

(Chú ý: có tiết lộ vài chi tiết truyện, nhưng sẽ không lộ kết thúc)

Nội dung truyện xoay quanh cuộc sống của bốn cô bé Sae, Maki, Akiko và Yuka sau cái chết của người bạn tên Emily. Một ngày bình thường như mọi ngày của rất nhiều năm trước, năm cô bé học tiểu học chơi chung với nhau, vẫn những trò chơi thường lệ, lần này là tập để chuyền 100 quả liên tiếp. Chiều cũng dần tối, thì một người đàn ông đã tiến đến và “lựa chọn” Emily là người phù hợp nhất để giúp ông ta sửa điều hoà, nhưng kết cục khi mọi người phát hiện ra thì Emily đã bị xâm hại và thậm chí còn mất mạng. Dưới sự phân phó của Maki, bốn cô bé đều đi thực hiện việc của mình, Sae thì ở lại canh Emily, Maki đi gọi giáo viên, Akiko đi thông báo cho mẹ Emily và Yuka thì đi báo cảnh sát. Không ai có thể ngờ được, hành động của bốn cô bé này lúc đó đã hằn sâu vào tiềm thức và ám thị vào trong cuộc sống của chính họ sâu sắc tới như thế nào, để mười lăm năm sau, tưởng chừng cả bốn người đều có cuộc sống viên mãn, nào là cưới chồng sang Thuỵ Sĩ, nào là giáo viên tiểu học dũng cảm, nào là sắp sinh con, nhưng dưới bề mặt tưởng chừng phẳng lặng yên bình ấy là cái bóng đen đầy bi kịch của quá khứ vẫn đang hằn sâu.

Cuốn “Chuộc tội” này cũng được viết theo bố cục khá giống với cuốn “Thú tội”, câu chuyện được kể lần lượt dưới giọng kể của từng nhân vật, và cũng theo trình tự thời gian, câu chuyện trước có gây ảnh hưởng liên hoàn tới câu chuyện của người tiếp theo, bắt người đọc phải tự xâu chuỗi những tình tiết nhỏ trong các câu chuyện để ghép lên bức tranh hoàn chỉnh. Cách viết này rất hay, và đặc biệt đặc sắc khi người viết có thể phô diễn được cái tài miêu tả cảm xúc nội tâm của nhân vật, và đây lại chính là sở trường của Minato Kanae. Đọc mà cảm thấy sợ vì tác giả viết quá khớp mọi thứ, diễn biến tâm lý quá tự nhiên, nói một câu hơi sáo rỗng thì có cảm giác ở giây phút tác giả viết ra những câu chữ ấy thì bà đã hoá thân mình hoàn toàn vào nhân vật để suy nghĩ, và gạt mọi thứ khác sang một bên rồi.

Đơn cử một chi tiết mình cho là khá đắt, là hình ảnh người anh trai trong mắt Akiko, lúc nào cũng là một “con gấu”, từ đầu cho tới cuối, từ lúc cô định vị bản thân mình là một con gấu và gia đình mình là gia đình gấu, và rằng cô không có quyền vượt quá định vị bản thân mình mà trèo cao lên với những thứ vốn không được ban tặng cho cô, những sự vượt cấp này chỉ đem lại bất hạnh tột cùng mà thôi. Có một câu người ta nói, người xung quanh nhìn thấy người điên thì thương họ, nhưng có thể thật sự trong thế giới người điên ấy người ta đang sống rất hạnh phúc cũng không biết chừng. Ở thế giới của mỗi người đều có những hệ quy chiếu thực sự khác nhau, và ở trong thế giới của Akiko kia người ta không thể dùng những thước đo thông thường mà đánh giá được, và Minato Kanae đã rất tài tình để khắc hoạ nên được cái thế giới nội tâm khác thường của cô bé từ lúc hình thành tới lúc xây nên định kiến vững chắc và tác động như thôi miên vào cái nhìn thế giới của cô bé như thế nào.

Những đứa trẻ và cả những người lớn trong truyện đều bị ám ảnh bởi một điều gì đó, đọc chi tiết đôi lúc hơi khiên cưỡng nhưng ngược lại thì dù sao mình cũng hi vọng nó khiên cưỡng một chút để mình còn vững niềm tin là đây không phải chuyện đời thực, bởi nó đen tối quá. Nhưng cũng bởi nó đen tối quá, mà lại viết quá thật, nên nhiều lúc mình có cảm giác được đây là câu chuyện ở ngay bên ngoài kia, ở một thị trấn nào đó không khí chắc là cũng trong lành như trong bài miêu tả, ở đó thế giới quan của mỗi người đều đã méo mó vặn vẹo tới không thành hình, để người ta không biết nổi thế nào là đúng thế nào là sai.

Có thể sẽ có những truyện mình đọc xong cảm thấy hiểu được lý do tại sao người ta lại hành động như vậy và thông cảm cho hoàn cảnh của họ, nhưng chắc chắn không phải ở trong câu chuyện này. Ở thế giới quan của mẹ Emily thì cô chỉ chạy ra ngoài tìm kiếm con mình, nhưng không biết được đã vô tình đẩy Akiko tới sứt đầu chảy máu, rồi để cô bé lớp 4 đã phải giữ chuyện ấy trong mình để tới thành một niềm ám ảnh rất nhiều năm sau, hành động ấy đặt ở thế giới của mẹ Emily thì không quan trọng, nhưng ở thế giới của Akiko thì lại là chất xúc tác cho bước ngoặt quyết định cuộc sống của em sau này rồi đó thôi. Đọc “Chuộc tội” để rồi cùng trăn trở về chính cái ngưỡng “công lý” trong bản thân mình, tới đâu thì mình cho là đúng có thể thông cảm, tới đâu thì mình phải trách hành động của họ, và tới đâu nữa thì mình phải nhận thức một cách rõ nét, thế giới quan của họ đã bị lệch rồi, lệch với mình quá xa và lệch với tiêu chuẩn người bình thường trong mình quá xa để có thể dùng tư duy thường mà thông cảm, chỉ có thể dùng khiển trách và hình phạt để chấn chỉnh lại nó về “bình thường” thôi.

Một điểm nữa mình đọc xong cảm thấy khá ấn tượng là việc nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục gia đình trong việc phát triển của trẻ, cũng như khẳng định lại sự xuất hiện của bất kỳ ai trong cuộc đời của người khác đều có thể để lại những chuyển biến vô cùng to lớn mà người ta không hề cố tình và cũng chẳng may phát hiện. Một đứa trẻ như Maki bị gò ép phải chững chạc bằng những lời khen của gia đình và những người xung quanh, vô hình chung cũng hình thành thói quen dùng những lời khen để “điều khiển bạn bè”, như bảo Akiko đi báo án vì em ấy chạy nhanh chẳng hạn. Chính kiểu như vì người ta có ưu điểm abc nên hay đi làm việc xyz đi vì việc đó cần nhiều kỹ năng đó cũng là một cách ám thị nhẹ lên đối phương, đương nhiên ở cuộc sống những người bình thường thì có lẽ tác động sẽ không sâu đậm nhường ấy, nhưng quay lại ở địa phương này mỗi người đều mang trong mình một bộ lọc nhạy cảm trước mọi tác động, nên chuyện sẽ khác. Hay hình ảnh người cảnh sát trong Yuka như một đại diện chính nghĩa, nhưng lại ấm áp và cảm thông cho cô chứ không như người mẹ lúc nào cũng thiên vị người chị của mình chẳng hạn, hoặc là hình ảnh nỗi sợ hãi đã ám ảnh Sae không thể trở thành người lớn, tất cả cũng vốn đều chỉ là những nhận thức rất nhỏ rất nhỏ, nhưng nó lặp đi lặp lại lặp đi lặp lại lặp đi lặp lại liên tục làm lấn át những nhận thức bình thường khác về thế giới, tới cái ngưỡng mà chính nhận thức nhỏ này thay đổi góc nhìn thế giới chứ những thứ xung quanh không thể nào cân bằng điều dị thường ấy về lại với bình thường được nữa rồi.

Hành động trong truyện đương nhiên đã được phóng đại lên khoảng vài lần, để ta thấy được rõ nét cái gì là đúng, cái gì là sai, ấy vậy mà có những lúc chính những thước đo đạo đức trong lòng còn bị lung lay không phân phải trái, đây quả là một thành công khi xây dựng cốt truyện và tình tiết của cuốn này. Tuy thi thoảng tình tiết hơi “cường điệu”, hơi “trùng khớp” một cách vô lý, nhưng riêng về cách miêu tả tâm lý và tầng lớp nghĩa cộng với cảm giác khó chịu bức bối sau khi đọc truyện thì “Chuộc tội” xứng đáng là một cuốn nên đọc để suy ngẫm, và quả đúng với tên thể loại iyamisu này, đọc xong khó chịu phát rồ =.=.

Đánh giá tổng thể: 4/5⭐️

Leave a Reply

%d bloggers like this: