Hồ – Yoshimoto Banana

Một câu chuyện rất đời thường mà dường như có thể tìm thấy nghe thấy được ở đâu đó len lỏi trong những con phố ở Nhật Bản, với một cô bé Chihiro là kết tinh của một chuyện tình đẹp giữa người mẹ là một mama xinh đẹp ở một quán rượu cùng với ông bố là một ông chủ nhỏ ở một thị trấn vùng ven nào đó, và với người yêu của cô, Nakajima, cũng với những vấn đề khúc mắc của riêng bản thân mình, rồi họ học cách để hiểu và tìm chỗ đứng của mình trong cuộc đời của đối phương, tất cả đều được tả rất thực, thực tới nỗi cái màu buồn nhuốm lên toàn bộ câu chuyện, chắc có lẽ không ít người như mình cảm nhận được sự đồng cảm trong vài tình huống, để rồi khi đóng truyện lại thì tiếng vọng của nỗi buồn ấy dường như vẫn âm vang trong không gian.

Nguồn ảnh: Tiki

Câu chuyện được kể dưới lời của Chihiro, giới thiệu thêm một chút thì cô là nghệ sĩ vẽ tranh, học trường nghệ thuật và đang theo đuổi một dự án vẽ cho một toà nhà sắp bị phá huỷ, theo lời giới thiệu của người bạn mình. Người mẹ thân yêu của cô đã qua đời nên chuyển tới Tokyo và sau đó anh Nakajima, một nghiên cứu sinh, cũng thỉnh thoảng tới ở qua đêm, hai người họ còn cách người yêu một khoảng mơ hồ.

Truyện khá ngắn và mình chắc sẽ còn đọc lại, đọng lại trong mình có một số lời văn mình khá thích, vì cảm thấy đồng cảm với nhân vật Chihiro, đôi khi mình cũng tìm thấy suy nghĩ của chính mình trong những quan niệm về tình yêu mà Chihiro đã đúc kết ra xoay quanh những câu chuyện của những người xung quanh cô:

“Tôi nhận ra điều đó bởi lẽ sự thận trọng của tôi thật giống cung cách của mẹ đối với bố. Càng yêu bao nhiêu càng thận trọng bấy nhiêu cũng là đặc trưng của mẹ.”

“Tôi nghĩ quan trọng nhất không phải là đấu tranh để xoá đi sự khác biệt, mà là thấu hiểu sự khác biệt và lý do tồn tại của những người khác.”

“Sau khi thoát ra khỏi trạng thái trên tớ lại bị tình yêu của mẹ mình nuốt chửng, tình yêu thấm sâu vào tớ như một món canh mùi vị đậm đặc. Tớ cảm thấy dòng chảy tình cảm của bà giống như một tấm áo có quá nhiều nếp gấp không cần thiết.”

Khen một chút ở câu cuối này, đương nhiên dịch giả đã chuyển đạt rất thành công nên mới có những lời văn đẹp tựa như vậy, nhưng hình ảnh gốc nó quá đẹp và quá thật mà hiện tại mình không tìm được từ ngữ nào diễn tả. Gần đây mình có hơi đam mê thơ haiku (có giới thiệu ở đây) thì có một cách sáng tác thơ là đặt hai hình ảnh tưởng chừng không liên quan, nhưng ẩn dụ sự so sánh trong đó, khi người ta hiểu được ý đồ của người viết sẽ thấy sự so sánh đó vô cùng tài tình. Ở câu văn cuối cùng này cũng vậy, hình ảnh “một món canh mùi vị đậm đặc” để ví cho tình yêu quả là một nét vô cùng phá cách, nhưng không hiểu mọi người có như mình không, khi đọc hết câu dường như có thể mường tượng được cả cảm giác tận hưởng nhưng lại có phần hơi ngao ngán, nhưng vẫn không lỡ xa rời, một hương vị quen thuộc và từ từ khắc sâu, chỉ bởi một hình ảnh so sánh ngầm dường như có phần đơn giản. Trong cuốn này còn rất nhiều hình ảnh gợi sắc gợi âm thanh gợi cảm giác như vậy, tất cả ngôn từ cứ trôi đi, chỉ còn man mác nỗi buồn, nhưng khi dừng lại một đôi câu trong truyện và nghĩ về nó mới thấy được hết sự tinh tế.

Tựu chung lại thì mình thấy đây là tác phẩm mà phần đa những chi tiết chính đều được thể hiện qua hội thoại và mối quan hệ của hai nhân vật Chihiro và Nakajima, tình cảm được khắc hoạ nó đẹp, mong manh đượm buồn nhưng chân thật vô cùng, cũng như mặt hồ có thể phản chiếu lại đủ mọi sắc thái, tình cảm của người với người cũng muôn hình vạn trạng, tưởng như rất gắn kết tinh tế nhưng lại thoắt mơ hồ tan biến trong mông lung. Thế nhưng điều tích cực nhất là cả hai đều cùng hướng về sự chấp nhận và thấu hiểu một cách chủ động chứ không đòi hỏi về đối phương, cả hai đều cố gắng quả là một mối quan hệ lý tưởng, và cũng chỉ có như thế mới giúp cả hai giải quyết được khúc mắc trong lòng.

Đọc xong mới biết cuốn này cùng dịch giả với cuốn Sa môn không hải mà mình đã review ở đây, dịch rất rất hay TT_____TT. Khen thêm là bìa quá đẹp, nên đánh giá chung sẽ cao hơn chút^^

Đánh giá chung

Rating: 4 out of 5.

(đoạn sau này có chứa thông tin tiết lộ nội dung truyện)

Đọc tới gần cuối và tìm hiểu thêm mới biết cuốn này được viết dựa trên giáo phái Aum shinrikyo (chân lý tối thượng), khắc hoạ hình ảnh thời điểm họ đang bắt đầu đi tuyển quân và những đứa trẻ trong truyện là những đứa trẻ đã thoát khỏi nơi đó. Giáo phái này là thủ phạm gây nên những vụ xả khí độc ở nhiều ga lớn trên đường tàu điện ngầm của Nhật, gây hậu quả nghiêm trọng và ác mộng lại tới rất nhiều người, đến nay ở Tokyo không còn thùng rác công cộng nhiều cũng một phần do vụ đó tổ chức này đã thả các túi chứa chất lỏng độc hại quanh ga. Đọc tới đây mình lại nhớ lại cuốn “Ngầm” tập hợp các bài báo của Haruki Murakami phỏng vấn những người liên quan và xây dựng lại tiến trình sự kiện cũng như cung cấp thêm thông tin về tổ chức, rất chân thực.

One Comment

Leave a Reply

%d bloggers like this: