Sống – Dư Hoa

“Sống” kể về cuộc đời thăng trầm của một người tên là Phú Quý, mảnh đời ấy bất thường tới đáng buồn, nhưng tới một lúc nghĩ lại thì nó đáng buồn hơn gấp vạn lần bởi có lẽ nó không bất thường đến vậy, mà một cuộc đời mà có lẽ có thể thấy được ở bất kỳ làng quê nào.

Để dẫn nhập một chút thì mình xin kể một câu chuyện riêng tư hơi dài dòng về cuốn này. Dư Hoa là một nhà văn xuất sắc của văn học hiện thực Trung Quốc hiện đại, cuốn này cũng là một trong những cuốn tiêu biểu của ông. Mình đã đọc từ năm ngoái, cũng đã tính viết về nó nhưng cứ xoá đi viết đi viết lại mà vẫn cảm thấy vô cùng bế tắc, gần đây nói chuyện với một người bạn TQ cũng vừa đúng lúc bạn đó vừa đọc xong nên quyết tâm viết vài dòng về cuốn này, đặng lấy tinh thần còn chuyển qua cuốn tiếp theo.

Có hai điều mà mình muốn giới thiệu và cũng là lý do mình khá thích cuốn này: nội dung đơn giản nhưng có nhiều nút thắt cao trào, và văn tả rất hay.

Để tóm gọn lại câu chuyện của “Sống” thì thực ra vô cùng đơn giản, tác giả viết về cuộc đời của một người nông dân tên Phú Quý từ lúc trẻ tới lúc về già, bối cảnh là xã hội Trung Quốc thời kỳ đổi mới, nội dung hiện thực đơn giản nhưng những dòng văn tả và tình huống tầng lớp đẩy lên cao trào làm mình đọc không dứt nổi, và thực sự đã đọc cuốn này liền một mạch tới kết thúc, hay quá nên đọc liền mạch, và vì buồn quá nên không dám mở lại mà chỉ gập sách lại để hồi tưởng lại một vài chi tiết truyện.

Mình vẫn nhớ ở đầu có câu mà bản dịch tiếng Việt ghi là “khuôn mặt trái xoan bánh mật của cô ấy vẫn còn lấp lánh trước mặt tôi”, không rõ là do người dịch tiếng Việt dịch hay hay là người viết quá xuất sắc, hoặc có lẽ là cả hai, đã khắc hoạ một hình ảnh rất bình thường một cách vô cùng sống động và độc đáo đến vậy. Có lẽ do từ năm ngoái mình bắt đầu đam mê thơ haiku (đã giới thiệu ở đây) nên rất thích những miêu tả đặc sắc của một lát cắt, một khoảnh khắc trong cuộc sống, và trong cuốn này có rất nhiều miêu tả đắt giá như vậy, khi đọc cảm giác đang xem một bộ phim điện ảnh màn hình rộng, có những lúc không gian lắng đọng lại và cảnh quay đang lướt dần qua từng góc cạnh, đặc tả không gian cảm xúc của từng người từng người. Cuốn này cũng đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim, chắc cũng sẽ rất đẹp rất hay nhưng mình hiện tại chưa muốn xem, một là cảm xúc trong truyện vẫn còn đang nóng hổi chưa muốn phải chịu đau thương thêm một lần nữa, và hai lả bản thân quá thích truyện nên có lẽ sẽ khó chấp nhận việc phim thay đổi một vài chi tiết.

Câu chuyện tới đó thôi, còn phần sau đây là sẽ chứa chi tiết tiết lộ nội dung truyện, ai muốn đọc thì xin hãy dừng ở đây để đi đọc truyện và quay lại sau :D.

Bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời của Phú Quý là canh bạc định mệnh, canh bạc đã làm hắn mất không chỉ tiền bạc, tất cả gia sản và sự giàu có hào nhoáng mà cha ông để lại, hắn còn mất đi cả tương lai và phẩm cách, bắt đầu bước vào một cái hố đen không đáy mà mỗi lần vấp ngã lại là một lần lọt sâu hơn. Càng đọc càng thấy Dư Hoa ác với nhân vật của mình quá, nhưng gập sách nghĩ lại thì thực ra phải nói là cuộc sống bạc bẽo quá, vì những mảnh đời bất hạnh như vậy chắc ngoài kia không thiếu, mình đọc mà buồn quá tới không thể rơi được nước mắt, đọc mà cảm giác tim chùng lại. Cuộc đời của Phú Quý như ngọn đèn leo lắt, thắp cho ông một chút hi vọng rồi lại tạt cho một gáo nước lạnh, như người vợ tần tảo Gia Trân luôn bên cạnh cũng sống khổ sở rồi mất vì bệnh nhũn xương quái ác; rồi con trai Hữu Khánh bị mất vì người ta lấy máu bán cho người quyền quý, đánh đổi mạng sống con ông để cứu sống người ta; rồi con gái Phượng Hà là đứa ngốc nghếch tưởng mệnh dài thì lại mất vào thời điểm tưởng chừng hạnh phúc nhất: có chồng và đang chuẩn bị sinh con; người con rể Nhị Hỷ rồi chăm chỉ ngoan hiền thương vợ, tưởng sẽ được hưởng phúc cùng nhau thì lại mất do bốc vác, và cuối cùng người tưởng bên cạnh ông tuổi già là Khổ Căn rồi cũng bỏ ông mà đi bởi một cái bệnh có lẽ chỉ có người thiếu ăn lâu năm mới mắc phải: bội thực.

Cuốn này có rất nhiều rất nhiều đoạn mà đọc thấy gai mình, nghĩ lại vẫn thấy dâng lên một cảm xúc bức bối khó chịu, nhưng mình nghĩ ấn tượng sâu đậm nhất chắc là chi tiết mà đoạn người con trai Hữu Khánh mất. Thằng bé được gọi lên tưởng là nhận trách nhiệm vinh quang, tưởng là mình hiến máu cứu người nên đã rất vui rất vui, để rồi những kẻ lắm tiền từng chút từng chút một hút đi mạng sống của em. Lúc đọc đoạn này chỉ vài trang giấy thôi, nhưng mình vừa đọc vừa lẩm nhẩm trong đầu: đừng mà, đừng mà, dừng lại đi, hãy để em nó được sống, nhưng không, kết cục là người ta nhẫn tâm tới mức nào mà rút hết máu của một đứa trẻ, để rồi người nhà đưa đi là một cậu bé lanh lợi, nhận về là một cái xác không hồn. Đọc mà bức bối, bực bội, khó chịu, bực bội hơn nữa là cái chuyện này nó có thể là sự thật, có thể đang diễn ra ở đâu đó thật chứ không phải là câu chuyện tưởng tượng, có lẽ ấy mới là cái bực mình nhất.

Dư Hoa dùng cả cuốn sách này, và cả cái kết rất phũ phàng dường như chỉ nói một điều: đây mới là cuộc sống, sẽ có những cuộc sống như vậy, sẽ không có cái kết có hậu cho tất cả, cũng sẽ chẳng có cái gọi là ác giả ác báo, những gì xảy ra vẫn sẽ diễn ra, và rồi ta vẫn phải sống mà thôi. Ngoài ra trong cuốn này cũng phản ánh rất nhiều chi tiết gợi tới giai đoạn lịch sử này của Trung Quốc, ví dụ cải cách văn hoá, cũng nhiều chi tiết châm biếm và trào phúng rất rất hay, chỉ phải cái là nó hay ở chỗ quá cay đắng và đau buồn.

Dự tính tiếp theo của mình là muốn đọc cuốn “Văn thành 文城” của cùng tác giả, do đi đâu cũng thấy các bạn thích đọc sách giới thiệu, là cuốn cuốn sách được đánh giá cao nhất trên douban (trang nổi nhất về đánh giá sách/phim/etc ở TQ) trong năm 2021, tiếc là vẫn chưa có bản dịch mà đọc tiểu thuyết dày trang lại của một người có văn tả với ngôn ngữ đa dạng thì mình cũng chưa đủ dũng khí nhảy hố lắm. Xin trích lại một phần lời dẫn của cuốn Văn thành, nội dung chính là về một anh rời quê hương đi nhưng trong lòng vẫn đau đáu tìm về một miền đất thực sự trong tim, để kết thúc bài này (dù hơi lạc đề) và đặt một cái mốc quyết tâm trong năm nay sẽ nhảy hố.

Anh ta vốn không thuộc về nơi đây, quê gốc ở một nơi xa rất xa về phương Bắc. Vì ôm trong lòng một lời hứa mà anh đã rời bỏ quê hương gốc rễ, phiêu bạt tới nơi đây. Trong những ngày tháng sau này, anh đã được tiếp xúc với những trái tim chân thành ấm áp, nhưng cũng đã phải đối diện với những người mang dòng máu lạnh lùng tàn nhẫn. Cuối cùng anh ta uổng công vô ích, thứ nhận được lại chỉ là bao nước mắt và lo lắng của nhiều người.
“Văn thành ở đâu vậy?”
“Nhất định sẽ có một nơi tên là “văn thành”.

-Trích một phần lời dẫn truyện của cuốn “Văn thành”.

Đánh giá chung

Rating: 4 out of 5.

One Comment

Leave a Reply

%d bloggers like this: