Cách kết hợp xem phim và học ngoại ngữ

hay là cách mình nguỵ biện cho việc dành nửa thời gian không ngủ ít ỏi để xem phim

Nếu có thể làm hai việc xem phim và học ngoại ngữ trong cùng một lúc thì đúng là điều tuyệt vời nhất rồi. Đương nhiên, mỗi người đều có cách học và phương pháp khác nhau, cũng sẽ hợp với các kiểu học khác nhau. Mình thấy đây là cách rất hợp với mình, nếu thấy có thể hợp với thói quen và sở thích của mình thì bạn cũng có thể thử xem sao ^^.

Vì sao nên xem phim?

Phim có rất nhiều ưu điểm hơn việc bạn nghe nhạc hay xem anime. Thật ra trước đây mình nghe nhạc nhiều hơn xem phim rất nhiều, vì trong lúc nghe nhạc mình có thể làm được việc khác, không phải tập trung phần lớn tinh thần như khi xem phim. Có một điểm đặc biệt trong lời nhạc là nhiều khi ngữ pháp và từ vựng có thể bị cố ý sử dụng không chuẩn xác, để tạo hiệu quả về giai điệu. Vậy nên không phải hoàn toàn lúc nào bạn bê nguyên một câu hát mang đủ ý nghĩa ra, viết liền lại thành một dòng sẽ tạo thành một câu có nghĩa và có thể áp dụng trong đời thường được. Xem anime cũng sẽ giúp ích rất nhiều, nhưng những văn cảnh trong anime thường được hình tượng hoá lên hơi quá, và có nhiều ngôn ngữ từ vựng mà phần lớn người Nhật không hiểu, nên dù có sử dụng cũng không thể đạt được hiệu quả giao tiếp. Trong khi đó, phim mang lại cho bạn một cái nhìn đa chiều hơn về xã hội, văn cảnh gần gũi với những câu nói mà bạn có thể bê y nguyên vào đời sống thật.

Lựa chọn phim để xem

Có cả tá phim hay ho đủ thể loại để có thể lựa chọn, mà ngoài phim cũng còn hằng hà sa số chương trình giải trí tạp kĩ, podcast, hay đơn giản là mấy video ngắn ngắn youtube cũng sẽ rất giúp ích cho việc học ngoại ngữ. Ví dụ xin được giới thiệu một kênh youtube mà mình đã đăng kí từ rất lâu rồi, của một anh Nhật tên là Hajime Shachou, lượt view cái nào cũng vài triệu và lượt đăng ký kênh cũng khoảng 3tr500k rồi. Anh này làm video ngắn, có phụ đề (bật cc để nghe), làm đủ thứ trên đời, ví như nghe đồn bỏ mentos vào coca sủi bọt thế là đi mua cả tá mentos dán quanh người rồi nhảy vô bồn đầy nước coca để thử, hoặc như cái vid dưới đây là mua tất cả nước uống có ở cửa hàng tiện lợi về, mỗi loại lấy một ít trộn vô uống thử coi có vị gì.

Giữa rất nhiều vô số kể lựa chọn ấy, hãy chọn phim nào mà mình thích (có thể tham khảo phim mình viết cảm nhận ở đây, hoặc gợi ý phim theo các thứ tiếng ở đây), thích là được. Lý tưởng nhất là phim nên có phụ đề 2 thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng mình dự định học thông qua phim, cũng là tiếng thoại của nhân vật trong phim). Có rất nhiều nguồn để kiếm phụ đề cho phim, các bạn có thể tìm ở đây. Đương nhiên các phim được nhiều người đánh giá cao hơn thì cũng sẽ mang lại lợi ích nhất định, hoặc các phim phù hợp với khả năng của bạn cũng sẽ giúp theo dõi tiện hơn.

Những điều học được từ phim

Thứ mình muốn học được đầu tiên ở việc xem phim này không phải là luyện khả năng nghe, mà trước hết là gỡ cho mình khỏi cái rào cản ngại nghe ngôn ngữ. Lúc mình mới bắt đầu học tiếng Pháp, vì bản thân có ấn tượng không hề tốt với con người, văn hoá và nước Pháp nói chung (nhưng lúc đó lại có vài lí do thích hợp để đi học tiếng Pháp), nên mình không chủ động nghe tiếng Pháp ngoài giáo trình bao giờ. Kết quả là nghe bài nghe trong sách cũng không thông, chứ chưa nói là tới lúc giao tiếp với người bản xứ. Mục tiêu học ngoại ngữ của mình là có thể giao tiếp được bằng ngôn ngữ đích, vậy nên không thể nào chấp nhận chuyện không nghe được. Sau đó mình chợt nhận ra, ví như tiếng Nhật, mình xem rất nhiều phim nên cảm thấy văn hoá rất gần gũi thân thuộc, cũng không bị sợ nghe tiếng Nhật nữa.

Language is the road map of a culture.
It tells you where its people come from and where they are going.
‒Rita Mae Brown

Điều thứ hai cũng quan trọng không kém, như mình đã nhắc ở trên, là kéo mình lại gần hơn với con người và văn hoá của quốc gia ấy, cũng góp phần nào khẳng định lại động lực học, tại sao mình lại muốn bỏ thời gian công sức ra để học ngôn ngữ này. Mình bắt đầu nghe ngôn ngữ mình học từ lúc còn chưa biết rõ mặt bảng chữ cái của ngôn ngữ đó, chỉ đơn giản là để thử thả mình vào không gian của ngôn ngữ. Nếu bạn không hiểu văn hoá lịch sự của người Nhật, chắc cũng khó lòng hiểu được tại sao cụm từ すみません(sumimasen) có thể mang cả hai nghĩa “cảm ơn” và “xin lỗi”.

Đương nhiên không thể nhắc tới phim có thể giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ bằng cách nâng cao rõ rệt khả năng nghe, và nếu làm đúng phương pháp thích hợp có thể giúp cải thiện cả 3 kĩ năng còn lại. Khi nghe đủ số lượng câu nhất định của một ngôn ngữ, lượng từ vựng và cách diễn đạt của bạn sẽ tăng lên đáng kể. Thậm chí còn có vài người đã phát triển và theo đuổi phương pháp học 10,000 câu. Theo Wikia (link gốc), phương pháp này đòi hỏi bạn học 10,000 câu ở ngôn ngữ đích, yêu cầu là với mỗi câu bạn phải đọc to lên bằng ngôn ngữ đích, hiểu tất cả các từ trong câu, hiểu nghĩa cả câu và chép lại câu đó. Phương pháp mà mình áp dụng cũng gần giống như thế này, chỉ là đơn giản và lượng công việc phải làm có vẻ ít hơn một chút (do lười).

Có phim rồi thì làm gì?

Thì… xem thôi.

Mục đích đầu tiên của việc xem phim đương nhiên là để xem các nhân vật thể hiện như thế nào, cốt truyện dẫn tới đâu, này kia rồi, nhưng khi mình muốn hoàn toàn học được ngôn ngữ đó, mình sẽ xem lại phần mình thích rất nhiều lần, xem tới khi nào mình nghe được tất cả các từ thì thôi. Sau đó mình sẽ xem lại một lần nữa với phụ đề ở ngôn ngữ mình đang học để kiểm tra lại xem mình đã “đoán từ” đúng hay chưa. Nghe thì có vẻ rất nhàm chán, nhưng nếu bộ phim đó bạn đã rất thích rồi, thì xem lại một vài lần sẽ càng thích hơn thôi (đừng xem quá tới mức ngán là được), hoặc chỉ xem lại các đoạn mình thích thôi. 45 phút một tập phim có thể sẽ tới gần 1000 dòng thoại, tức là bạn xem 1 bộ phim đã đạt tới ngưỡng 10,000 câu kia rồi. Đương nhiên phim sẽ có trùng lặp rất nhiều, nhưng để thấy khối lượng thoại trong phim là vô cùng nhiều, và nếu bạn có thể tận dụng được việc giải trí này giúp ích cho việc học thì quá tốt rồi.

Tóm lược lại, cần làm gì đây?

1. Chọn phim hay

2. Xem phim

3. Xem lại lần nữa

4. Ngồi căng tai nghe coi người ta nói gì

5. Xem lại lần nữa với phụ đề

6. Thấy câu nào hay thì chép lại

7. Lúc nào buồn chán nhớ lại mấy câu chép rồi ấy xong xào xáo viết tản mạn cho nguy hiểm :> Tới khi mình có thể viết được một vài câu dù là đơn giản, mình đã cảm thấy quá trình thuận lợi và tiến gần được hơn đích rất nhiều rồi, cũng có thêm động lực để tiếp tục hơn nữa.

Chúc may mắn (và vui) với phim ;).

Leave a Reply

%d bloggers like this: