Kindle: mẹo sử dụng

Kindle là thiết bị đọc sách sử dụng công nghệ e-ink giúp đọc sách điện tử với chất lượng màn hình hiển thị sắc nét và không hại mắt ;). Vì là sách điện tử nên hạn chế là khi đọc không có cảm giác vật lý về việc giở sách hay mùi giấy (tuy vài nxb bây giờ xài giấy lởm mùi hắc hắc, thà không có mùi còn hơn…), thay vào đó có rất nhiều điểm lợi, tỉ dụ như kho ebook khổng lồ bằng rất nhiều thứ tiếng, tiết kiệm được rất nhiều tiền và cả thời gian công sức mang vác nếu muốn đọc khi di chuyển hoặc du lịch.

Điểm lợi to lớn nữa là có thể đồng bộ giữa máy đọc sách Kindle và các ứng dụng Kindle trên các thiết bị di động và máy tính.

Định dạng sách Kindle

Kindle hỗ trợ các định dạng file sau:

Microsoft Word (.doc, .docx)
Rich Text Format (.rtf)
HTML (.htm, .html)
Text (.txt)
Archived documents (zip , x-zip) and compressed archived documents
Mobi book
Hình ảnh với các định dạng JPEGs (.jpg), GIFs (.gif), Bitmaps (.bmp), and PNG images (.png).
Adobe PDF (.pdf) (thử nghiệm)

Nếu bung máy thì có thể sử dụng KOreader (link ở đây) để đọc epub, hướng dẫn thì ở rất nhiều nơi (mình vẫn giữ file cài đặt, nếu cần có thể liên hệ ;)). Tuy nhiên, đọc epub trên Kindle không được mượt lắm, và mình siêu ghét cái phông chữ có của KOreader nên cài rồi để đó chứ không dùng. Tốt hơn hết là mất công một chút mà lúc đọc thoải mái hơn thì vẫn tốt hơn, có rất nhiều cách đơn giản và không tốn thời gian để chuyển sách về đúng định dạng cần thiết.

Quản lý sách và định dạng sách

Calibre (link ở đây): quản lý danh mục sách rất tốt, có ứng dụng cho các hệ điều hành. Calibre cho phép convert qua lại giữa các định dạng với số lượng lớn, sắp xếp sách theo tên tác giả, thể loại, từ khoá đặt riêng.

Trang web online: Có rất nhiều trang web cho phép chuyển định dạng sách mà không cần cài đặt, mình hay dùng trang web này (chuyển từ epub sang kindle) hoặc này (chuyển qua lại giữa các định dạng sách điện tử).

Một số địa chỉ tải ebook

Tiếng Việt: tve-4u, DTV ebook, ebookvi, luv-ebook (ngôn tình).

Tiếng nước ngoài: Ebookee, Gutenberg, Loyal Books, Avxhome, Bookzz, Library Genesis.

Ngoài ra sách trả phí trên amazon cũng không mắc, nhiều khi có sách cần mà có bản cho Kindle thì có thể mua để tiết kiệm chi phí (rất nhiều).

Gửi sách trực tiếp tới Kindle

Cái dây kindle của mình hơi bị dài, mỗi lần cắm lại lười nên thường toàn gửi qua email, sách được chuyển về đúng định dạng khớp với kindle, lại không cần cắm dây, vô cùng tiện lợi =)). Trước hết phải đăng ký một email gốc vào kindle, sau đó đăng nhập amazon bằng địa chỉ đã đăng ký trên kindle và cài đặt các địa chỉ email cho phép gửi tới kindle của mình ở đây.

kindle
Approved Personal Document Email List là danh sách các email được phép gửi trực tiếp tới Kindle. Có thể thêm nhiều email khi lựa chọn “Add a new approved email address”, sẽ có mail xác nhận tới địa chỉ email đăng ký, sau khi xác nhận có thể gửi sách từ địa chỉ mới đăng ký này.
kindle
Send-to-Kindle email settings là danh sách các địa chỉ email của Kindle và các thiết bị sử dụng ứng dụng Kindle được nối với phần mềm này (có thể đổi tên cho dễ nhận biết). Mỗi thiết bị riêng biệt sẽ có địa chỉ nhận khác nhau, địa chỉ này có thể thay đổi khi chọn “Edit”. Khi gửi trực tiếp tài liệu từ địa chỉ email ở mục trên tới 1 địa chỉ email ở mục này, tài liệu sẽ được lưu trữ trên Cloud và tải trực tiếp về thiết bị tương ứng với email đó.

Cuối cùng là chỉ cần gửi đúng định dạng file mà Kindle cho phép là có thể bật wifi ở Kindle lên nhận sách rồi.

Quản lý thông tin trên Kindle

Gửi trực tiếp thông tin trang đang đọc tới kindle qua Send to Kindle của Amazon.

Xem lại tất cả các ghi chú ở Your Highlights của Amazon.

Chụp ảnh màn hình bằng cách bấm cùng lúc vào góc trên bên trái và góc dưới bên phải của màn hình, màn hình nháy lên 1 lần là hình đã được chụp. File hình ảnh chụp màn hình sẽ được lưu ở ngay thư mục gốc của Kindle với tên file screenshot_[ngày tháng năm, thời gian].png.

Theo dõi thời gian sử dụng Kindle

Một điều vô cùng… chuối là bác Kindle không cho phép người dùng theo dõi lại thời gian mình sử dụng thiết bị. Đương nhiên đọc sách là một khoảng thời gian hưởng thụ, không phải đang ganh đua với ai, nhưng ghi chép lại thời gian mình đầu tư cho nó để có hướng thay đổi hợp lý cũng là điều rất cần thiết, ít nhất là với mình. Tìm kiếm hoài cuối cùng cũng thấy, sử dụng chức năng quản lý của cha mẹ dành cho trẻ con… Kindle Freetime.

kindle
Ngoài trang chủ của Kindle, có thể thấy ngay lựa chọn Kindle Freetime.
kindle
Kindle sẽ yêu cầu cài đặt các thông tin về tên, ngày sinh, thời gian đọc dự kiến hàng ngày của “đứa con” của mình. Sau đó nhập “mật khẩu quản lý của bố mẹ” vào. Mật khẩu này mỗi lần vào đọc hoặc thoát ra khỏi Freetime đều cần nhập nên mình lấy mật khẩu ngắn dễ nhớ cho tiện. Thường mình sẽ chỉ thêm 1 quyển nào mình đang đọc và muốn track lại thôi.
kindle
Thông tin sẽ được hiển thị ở đây, số trang đã đọc, thời gian đọc, số từ tìm kiếm theo từng ngày.

Về em Kindle của mình

Trước mình sử dụng Kindle Touch trong khoảng thời gian khá dài, sau đó mới chuyển sang dùng Kindle Paperwhite và dùng mãi tới bây giờ, gần đây mới ra Voyage rồi Oasis nhìn cũng thấy hay ho nhưng chắc mình sẽ còn gắn bó với em này dài dài. Trong các khoản đầu tư về thiết bị điện tử thì mình cảm thấy em Kindle này là sản phẩm hài lòng và sẽ đi cùng mình được lâu nhất, giá cả cũng không quá mắc (~$100 cho bản có quảng cáo, có đèn nền). Đầu tư một chiếc để nâng cao tinh thần đọc sách cũng là một lựa chọn hợp lý đấy chứ ;).

2 Comments

Leave a Reply

%d bloggers like this: