Lang-8
Lang-8 là một trang web theo dạng mạng xã hội giúp người tham gia luyện viết thông qua việc giúp đỡ nhau chỉnh sửa bài viết. Cụ thể hơn là, bạn có thể đăng bài bằng ngôn ngữ bạn đang học và sẽ được những người bản xứ hoặc những người cũng đang theo học ngôn ngữ đó chỉnh sửa giúp, ngược lại bạn cũng có thể giúp những người đang học các ngôn ngữ mà bạn biết chỉnh sửa câu văn của họ. Việc làm hai chiều này không chỉ là một hình thức “cho và nhận”, mà bản thân mình khi giúp người khác sửa tiếng Việt cũng giúp mình nhận ra người nước ngoài kể cả có học ngữ pháp từ vựng bao nhiêu đi chăng nữa, cho dù viết đúng ngữ pháp đúng chính tả nhưng đọc vẫn hoàn toàn nhận ra không phải người bản xứ viết, và dở nhất là nhiều khi ý muốn truyền đạt lại bị hiểu sai.
Người sáng lập ra trang web là Hỷ Dương Dương (喜洋洋), với mong muốn thành lập mạng xã hội trao đổi về ngôn ngữ từ khi còn đang học ở Đại học Kyoto và du học ở Thượng Hải, Trung Quốc. Trang web được xây dựng đưa vào sử dụng từ năm 2007, với ý tưởng đầu tiên nảy ra khi anh học tiếng Trung (Hỷ Dương Dương sinh ra ở Trung Quốc và lớn lên ở Nhật Bản) cùng với một người bạn Trung Quốc đang học tiếng Nhật, hai người viết và trao đổi với nhau để sửa chữa. Trang web hiện nay được quản lý bởi Lang-8 Inc, với CEO Hỷ Dương Dương, đặt trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản.
L-point

Trên cơ sở khuyến khích “cho và nhận”, lang-8 sử dụng hệ thống điểm “L-point”, đơn giản là bạn giúp đỡ người khác nhiều thì bạn sẽ nhận được giúp đỡ nhiều hơn, để đảm bảo người tham gia không chỉ nhận được sự giúp đỡ từ mọi người ở đây, mà bản thân mỗi người đều đóng góp phần mình trong việc giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ trong việc học ngoại ngữ. “L-point” có thể kiếm được khi chỉnh sửa bài viết của người khác, được nhận lời cảm ơn (thank points) và được những người khác cùng chỉnh sửa bài viết đó đánh giá là tốt (native nods).
Xếp hạng theo điểm “L-point” dựa trên điểm nhận được trong vòng 3 ngày gần nhất, vậy nên càng giúp đỡ người khác nhiều, bản chỉnh sửa của bạn càng chính xác (sẽ được nhận nhiều đánh giá tốt từ người dùng khác) thì sẽ được nhận điểm “L-point” cao hơn. Khi nhận được điểm “L-point” cũng như thứ hạng cao, bài viết của bạn sẽ có khả năng được đưa lên thứ tự ưu tiên hơn, có cơ hội được nhiều người đọc và sửa chữa cho hơn. Bạn có thể xem điểm “L-point” của mình ngay tại trang thông tin cá nhân chính (xem hình), điểm L của mình là 15440, xếp hạng theo 3 ngày gần nhất là thứ 18 trong số những người học tiếng Trung và thứ 60 trong số những người học tiếng Nhật. Ở dưới thì có 3 biểu tượng lần lượt là số bài viết mình đã chữa (46), số lời cảm ơn được nhận (34) và số lượt đồng tình với chỉnh sửa của mình từ những người dùng khác (124).
Premium – Tài khoản trả phí
Hiện tại mình đang sử dụng tài khoản miễn phí, nhưng tài khoản trả phí cũng kèm theo rất nhiều ưu đãi hấp dẫn. Ưu tiên quan trọng nhất là các bài viết từ tài khoản trả phí sẽ được đưa lên trang đầu, ghim thứ tự ưu tiên trong một khoảng thời gian nhất định nên chắc chắn sẽ nhận dược nhiều đánh giá chỉnh sửa hơn. Tính năng quan trọng tiếp theo (làm mình cay cú rất nhiều lần và chắc sớm muộn cũng sẽ trả phí vì chức năng này thôi) là không hạn chế số lượng ngôn ngữ học (tài khoản miễn phí bị hạn chế là 2 ngôn ngữ). Ngoài ra người dùng trả phí cũng có thể chèn hình ảnh vào trong bài viết, tải bài viết cùng với các chỉnh sửa dưới dạng PDF, ẩn quảng cáo, tìm kiếm chuyên sâu hơn và chỉnh sửa hình nền.
Lợi thế và hạn chế của việc sử dụng Lang-8
Lợi thế lớn nhất của việc sử dụng Lang-8 là có thể nhận được nhận xét (miễn phí) từ những người bản xứ, và luôn luôn có những người rất tích cực sửa chữa tỉ mẩn cụ thể và giải đáp tất cả những thắc mắc mà người học có thể nghĩ ra khi học ngoại ngữ. Hiện tại thì trang web thống kê lượt người sử dụng tới 750,000 người dùng từ 190 quốc gia khác nhau và sử dụng 90 ngôn ngữ, nên đây chắc hẳn là một nguồn tài nguyên hữu ích nếu biết cách khai thác hợp lý.
Tuy nhiên, Lang-8 có rất nhiều mặt hạn chế mà mình phải xác định trước khi tham gia để tìm ra cách sử dụng công cụ này một cách hiệu quả nhất. Cũng như rất nhiều mạng xã hội khác, số lượng người dùng tiếng Trung và tiếng Nhật, cũng như số người học tiếng Anh đông một cách áp đảo (!!). Điều này rất tốt khi bạn học tiếng Trung và tiếng Nhật, ngoài ra biết tiếng Anh (có thể nhận được sửa chữa từ người nói tiếng Trung, người Nhật, ngoài ra có thể tăng điểm L-point bằng việc sửa chữa các bài viết tiếng Anh). Ngược lại, điều này sẽ thành hạn chế nếu bạn học các ngôn ngữ khác, tuy chỉ là hạn chế chứ không phải hoàn toàn khó khăn, nhưng cũng nên lưu ý về điểm này.
Ngoài ra, do tính chất miễn phí, chia sẻ dựa trên nguyên tắc “cho và nhận”, nên thường các bài viết ở đây rất ngắn, và đa phần chỉ là nhật ký, dưới 10 câu. Mình đã từng thấy có những bạn đăng bài viết IELTS lên đây, nhưng thường sẽ không được sửa chữa, hoặc sửa chữa rồi thì khi mình nhìn qua thấy cũng không hợp lý lắm. Bản thân các dạng bài viết tranh luận như ở IELTS, SAT hay GRE đều đòi hỏi người học phải có lượng kiến thức nhất định về dạng bài này, kể cả người bản xứ nhiều khi cũng không rõ cấu trúc cũng như các tiêu chí của bài viết nên cũng khó đánh giá hợp lý cách viết được. Theo ý kiến của mình, Lang-8 chỉ nên sử dụng khi muốn kiểm tra về chính tả, lỗi ngữ pháp cơ bản, hoặc muốn sử dụng ngôn ngữ giống với người bản xứ nhất trong các văn cảnh thường ngày mà thôi.
Đăng ký và cách sử dụng




Ngoài việc sửa chữa bài theo từng câu, người dùng cũng có thể đăng các nhận xét, trao đổi để giải thích sâu hơn về phần bài viết của những người dùng khác. Lang-8 cũng cung cấp hệ thống “nhóm” hỗ trợ chia sẻ thông tin trong mạng lưới lớn hơn.
Mình mới sử dụng ứng dụng này chưa lâu, nhưng với hai ngôn ngữ mà mình học ở đây thì đều nhận được nhận xét và sửa chữa trong vòng vài giờ đồng hồ nên tương đối tiện dụng, có điều hơi lười không viết thôi… Hi vọng có thể nhờ website này mà tập được thói quen viết tốt hơn. Nếu không nghĩ ra đề tài gì để viết thì có thể tham khảo ở đây và đây. Hai trang này đưa ra 400 chủ đề để viết về tất cả các vấn đề trong cuộc sống, từ đơn giản đến phức tạp, đòi hỏi các kĩ năng khác nhau từ miêu tả, so sánh tới nghị luận nên viết hết chắc chắn là sẽ rất tốt rồi :).
Good luck ;).