Cùng anh ngắm hoa sơn tra – Ngải Mễ

Phải làm thế nào mới có thể dốc lòng yêu một người? Đây là câu nói vang lên trong đầu mình liên tục mỗi khi lật giở truyện, cũng như mỗi lần nghĩ lại về các tình huống trong truyện hay chính lúc này đang ngồi viết cảm nhận đây, cũng vậy….

Thông tin chung

Tên tác phẩm: Cùng anh ngắm hoa sơn tra 山楂树之恋

Tên tác giả: Ngải Mễ 艾米

Độ dài/tình trạng xuất bản: 47 chương – đã hết

Năm: 2012

Một vài đường dẫn quan trọng: Truyện tiếng Trung 

Bìa truyện bản tiếng Trung

Giới thiệu nhân vật

Thu là con gái của một gia đình mà bố mẹ đều bị đấu tố trong cách mạng văn hoá, (Đại Cách mạng văn hoá giai cấp vô sản 无产阶级文化大革命 kéo dài từ năm 1966 tới 1976 dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông nhằm loại bỏ các phần tử “tiểu tư sản” gây ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia (địa chủ, phú nông, phần tử phản cách mạng, phần tử xấu, phái hữu)). Ở cái thời đó, họ ganh đua với nhau xem ai cách mạng hơn, ai yêu nước hơn, nếu không đánh đập chỉ điểm người khác thì bị coi là thuộc phái hữu, phản cách mạng.

Nếu không chỉ điểm người khác, đấu tố tích cực thì biết đâu một ngày mai chính mình cũng sẽ bị đem ra đấu tố. Bản thân Thu hồi nhỏ khi chơi với bạn bè cũng nhại lại các cuộc đấu tố, khi mà ở đó người ta mắng chửi nhau chỉ vì tích trữ lương thực, là vì dùng lời lẽ không đúng mực khi nói về chủ tịch Mao Trạch Đông, là vì đi ăn hàng, là “mang tư tưởng tiểu tư sản”. Tới khi chính mẹ Thu cũng bị lôi ra đấu tố, rồi bị bạn bè xa lánh, Thu mới ngấm được chuyện mình khác mọi người là như thế nào. Thu thấm thía được mình không bao giờ có thể ngẩng đầu lên được, không những nghèo mà còn không có tương lai, một khi đã về nông thôn là không thể về lại thành phố, làm chuyện gì đến đoạn thẩm tra tư cách đều không thể qua được. Người như Thu không biết là đáng thương hay đáng trách. Thu đã được dạy đào tạo từ nhỏ tư tưởng của chủ tịch Mao là đúng, người xuất thân hèn kém như Thu cả đời cũng không thể thay đổi số phận được. Thu luôn cố gắng làm tất cả, làm công như nam giới, cật lực gánh cát, không ngại khó khăn làm đêm vất vả để kiếm một đồng hai hào mỗi ngày giúp đỡ đần phần nào gánh nặng trong nhà.

Cây sơn tra (minh hoạ) Nơi Thu và Ba gặp nhau lần đầu Source: http://treepicturesonline.com/red-hawthorn.jpg

Thu không dám mơ tới những điều cao sang, khi Tân nói cứ vay rồi sẽ có tiền trả, Thu đã rất thực tế nhắc đến tương lai ở nông thôn của mình, chỉ cần không nợ không tạo gánh nặng cho mẹ là may rồi chứ nói chi đến chuyện trả nợ nữa. Ở trường mình cũng đã từng nói chuyện với mấy bạn Trung Quốc, từ nhỏ đã được dạy là ghét Nhật, cũng như người Việt Nam mình từ nhỏ đã được tiêm vào đầu cái tư tưởng ghét Tàu rồi vậy.

Trong lúc mông muội thơ bé thì năng lực phán đoán và lập trường còn chưa vững vàng, đương nhiên phần đa sẽ tiếp nhận hoàn toàn các thông tin thu thập được và coi nó là chuẩn mực. Đến khi lớn lên, nếu có khả năng tiếp cận tri thức mới và nảy sinh xung đột thì một người mới có thể tự nhận thức và phán đoán đưa ra lựa chọn về cách hiểu của bản thân. Thế nhưng, đối với những người như Thu, từ nhỏ đến lớn đều chỉ tiếp xúc với một chiều một luồng văn hoá, thì biết phải thay đổi thế nào? Thu được dạy như thế, thấm nhuần tư tưởng, nên mọi điều Thu suy đoán đều theo hướng ấy, rằng tất cả những điều yêu thương lãng mạn đều chỉ là “tư tưởng tiểu tư sản”.

“Không phải bịa, mà là thi vị hoá. Thế giới tồn tại khách quan, nhưng mỗi người cảm nhận thế giới một khác, con mắt nhà thơ nhìn thế giới sẽ thấy một thế giới khác.” – Ba là một người nói chuyện đầy tính “văn học” như vậy đấy. Thu nhận nhiệm vụ về thôn thu thập tư liệu để xây dựng sách giáo khoa, rồi gặp Ba đang chơi nhạc ở dưới gốc cây sơn tra, và “Cùng anh ngắm hoa sơn tra” là chuyện tình rất đẹp rất nên thơ giữa hai người ấy…

Vài suy nghĩ

Khi đọc truyện đã có nhiều đoạn mình đã nghĩ nam chính là Lâm (con trai gia đình Thu ở nhờ) chứ không phải Ba. Lâm là một chàng trai hiền lành chân chất, không rõ Lâm có yêu Thu hay chỉ đơn giản là có cảm tình và muốn bảo vệ cô gái bé nhỏ ấy, nhưng những hành động của Lâm hoàn toàn có thể làm bất cứ ai rơi lệ. Người ta có lẽ chỉ nhớ Tân luôn giúp Thu, kiếm đường phèn rồi dõi theo Thu, lo lắng Thu đi làm vất vả, nhưng đâu nhớ chính lần đầu đi kiếm hồ đào cho mẹ Thu chính là Lâm. Lâm không nghĩ được nhiều như Tân, không nói ngọt được như Ba, chỉ đơn giản là thấy Thu cần nên đi bộ xa tới rách giày để mang về sớm cho Thu thôi.

Thật sự chẳng qua Thu không cho Lâm một cơ hội nào cả, tất cả những gì Thu có thể đáp lại, cho dù là đan áo hay là khâu giày đều chỉ là hàm ơn mà thôi. Đọc tới những đoạn Thu nghĩ về Lâm, đắn đo so sánh Lâm với Ba, mình đã những tưởng truyện sẽ đi theo hướng rất thực tế là để hai người đến với nhau, nhưng kết cục vẫn là một mối tình đẹp về một cô gái vì ấn tượng với tiếng đàn mà rơi vào lưới tình mà không thoát ra được. Lựa chọn của Thu, lựa chọn của tác giả để cô gái ấy được thả mình trong chuyện tình lãng mạn ấy thôi, cũng hay.

怎么能用心去爱一个人?

Phải làm thế nào mới có thể dốc lòng yêu một người? Đây là câu nói vang lên trong đầu mình liên tục mỗi khi lật giở truyện, cũng như mỗi lần nghĩ lại về các tình huống trong truyện hay chính lúc này đang ngồi viết cảm nhận đây, cũng vậy. Có thể người ta rất dễ dàng để nhận ra, mình có cảm tình với ai, ai là người ánh mắt mình luôn kiếm tìm trong đám đông, ai là người mình luôn muốn nói chuyện hàng ngày không dứt, ai là người mình yêu từ tận đáy lòng, nhưng có lẽ, có dùng cả đời cũng không thể nắm được làm thế nào mới tốt cho người mình yêu, làm thế nào để yêu người ấy. Tác giả Ngải Mễ dường như dẫn người đọc suy ngẫm lại về câu hỏi này với “Cùng anh ngắm hoa sơn tra”. Tình yêu trong truyện quả thực rất đẹp, đẹp vì rất giản đơn rất thuần khiết.

Thu trong sáng lắm, và tình yêu của Thu cũng trong sáng chân thật hơn bất kỳ ai. Thu không biết yêu nhau người ta phải làm gì, tới lúc Tân ôm hôn Thu cũng không hiểu, chỉ thấy trong lòng khác lạ, nhưng Thu biết hờn ghen khi người ta nhắc đến vợ chưa cưới của Tân, biết nhớ Tân, biết đau lòng thay cho Tân. Chỉ là, cách suy nghĩ của Thu ngây ngô như một đứa trẻ mà thôi. Có lần, vì phải về nhà sớm mà Thu để Tân lại ngoài tìm chỗ ngủ, lại lo anh không tìm được chỗ mà chết rét. Những tưởng chỉ suy nghĩ đến vậy, Thu nghĩ cả đêm, nếu Tân chết thì mình chết theo, vậy là ở bên nhau mà không dị nghị, rồi nhớ tới mẹ già em nhỏ, lại nghĩ mình phụng dưỡng xong rồi sẽ chết theo là ổn. Không dừng ở đó, mấy hôm Thu còn đi hỏi thăm trạm xá xem có ai bị chết rét không, rồi bồn chồn không biết nên biên thư về chỗ Tân hỏi thăm hay không, không hỏi thì nóng ruột mà hỏi rồi thì lại sợ lộ tình cảm của hai người.

Cứ như vậy tình cảm của cả hai lớn dần lớn dần, hành động theo tiếng gọi của trái tim. Vì nhớ mà muốn gặp, chứ không phải gặp nhau để thể hiện nỗi nhớ. Lại nghĩ bây giờ các phương tiện liên lạc sẵn có, để mặc định yêu nhau là phải nhắn tin phải hỏi thăm phải thế này thế khác, chứ không còn là vì nhớ nhau nên muốn gặp nhau, không gặp được nhau nên đành nhắn tin… Phải chăng tình yêu cũng vì thế mà hời hợt hơn rất nhiều?…

Nhớ nhất về tình yêu của hai người chắc là chi tiết Thu chuẩn bị thú nhận với anh về tình yêu của mình. Lúc ấy Thu nhớ đến tình tiết trong “Tây Du Ký”, Tôn Ngộ Không tránh không nói tên vì tên yêu quái bốn thầy trò phải đối mặt có một chiếc bình mà chỉ cần gọi tên sẽ bị hút vào trong đó và tan thành nước. Thu sợ chỉ cần thổ lộ với anh rồi sẽ đắm chìm trong tình yêu ấy mà không thoát ra được mất.

Một chuyện tình thật đẹp, thật giản đơn mà cũng thật sâu đậm.

Tới tận những dòng cuối cùng.

Kết

Tác giả Ngải Mễ kết câu chuyện bằng đôi lời của chính nhân vật “Thu” của đời thực. Một câu chuyện rất đẹp vì quá gần mà cũng quá xa, xa với thời đại và nơi mình đang sống, xa cả về thời gian và không gian nhưng sao cảm giác thực vô cùng, và cũng buồn vô tận……….

“Thế giới khách quan chỉ có một, nhưng thế giới chủ quan trong lòng mỗi người, hoặc nói, thế giới khách quan phản ánh trong lòng mỗi người, lại vô cùng khác nhau”.

Đánh giá tổng thể: 8.0/10.0⭐️.

One Comment

Leave a Reply

%d bloggers like this: