Việc lựa chọn ngôn ngữ nào để bắt đầu học là trước hết tuỳ do sở thích của bản thân, sau đó là do tính tới yêu cầu của công việc và xu hướng của xã hội. Mỗi ngôn ngữ đều có những phần khó của riêng nó, và việc chọn ngôn ngữ học chính xác có thể làm tăng động lực học cũng như giúp việc học nhiều ngôn ngữ hiệu quả hơn. Trong bài viết này mình sẽ đưa ra một vài thông tin tham khảo cần thiết để lựa chọn một ngôn ngữ.
Hệ ngôn ngữ

Sơ đồ các hệ ngôn ngữ và các ngôn ngữ chính. Nguồn: Guardian (2015)
10 ngữ hệ phổ biến theo trang vistawide (xếp theo thứ tự)
- Indo-European (Ấn-Âu): sử dụng ở châu Âu và một phần châu Á, các ngôn ngữ thông dụng có thể kể đến như Anh, Nga, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, v.v…
- Sino-Tibetan (Hán-Tạng): sử dụng ở Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á, ví dụ như tiếng Trung Quốc, tiếng Thái, v.v…
- Niger-Congo: sử dụng ở Châu Phi, tiếng Swahili được sử dụng nhiều nhất (các học giả polyglot mà mình biết đều học ngôn ngữ này).
- Afro-Asiatic (Phi-Á): sử dụng ở châu Phi và một vùng châu Á, phổ biến nhất là tiếng Ả rập.
- Austronesian (Nam Đảo): ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương, được sử dụng nhiều nhất là Java, Tatalog, v.v…
- Dravidian: ở Nam Á, chủ yếu là Ấn độ, các ngôn ngữ thuộc hệ này như: Telugu, Tamil (cũng được rất nhiều polyglot học), v.v…
- Altaic: ở Trung Á, ví dụ như tiếng Mông Cổ.
- Japanese: nói bởi các dân tộc Nhật Bản (Ainu, Japanese, Okinawa,…), có nhiều tài liệu cũng tính tiếng Nhật và tiếng Hàn thuộc về hệ Altaic hay Macro-Altaic, nhưng cũng có nhiều học giả khác tranh cãi cần phân biệt hệ này do các tính chất khác biệt.
- Austro-Asiatic (Nam Á): dùng ở phía Nam của châu Á. Tiếng Việt thuộc hệ ngôn ngữ này.
- Tai-Kadai: ở Đông Nam Á và miền nam của Trung Quốc.
Độ phổ biến của một ngôn ngữ
Danh sách 10 ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới theo trang babbel (2016)
- Tiếng Trung Quốc: Ngôn ngữ mà cứ 6 người trên thế giới thì có 1 người sử dụng được, phổ biến ở khắp nơi trên thế giới.
- Tiếng Tây Ban Nha
- Tiếng Anh
- Tiếng Hindi
- Tiếng Ả Rập
- Tiếng Bồ Đào Nha
- Tiếng Bengali
- Tiếng Nga
- Tiếng Nhật
- Tiếng Punjabi/Lahnda
Độ khó của một ngôn ngữ
Tuy có rất nhiều danh sách các ngôn ngữ khó trên thế giới, việc đánh giá một ngôn ngữ là khó hay dễ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, và đương nhiên do đó việc nhận định một ngôn ngữ là khó hay dễ chỉ mang tính chất tương đối. Các lý do thường thấy khi mọi người nhận xét đánh giá một ngôn ngữ là khó có thể kể đến như: chữ Hán nhiều nét khó nhớ (Trung, Nhật), ngữ pháp khó-phân chia giống đực cái (Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha,…), phát âm khó (Hàn, Trung), học đã lâu mà không thấy tiến bộ (Anh).
Bạn cũng có thể nhận thấy phát biểu độ khó này hoàn toàn là từ góc nhìn của một người Việt Nam đi học tiếng nước ngoài, có thể lấy ví dụ đơn giản là một bạn đến từ Trung Quốc sẽ không gặp khó khăn trong việc nhớ các nét và viết chữ Hán ở tiếng Nhật (ngược lại, họ sẽ gặp khó khăn trong việc đọc các chữ này), hoặc một vài người Nhật không hay sử dụng các chữ thuộc bản chữ cái alphabet cũng sẽ gặp khó khăn khi viết các chữ này một cách nhanh chóng (tin mình đi, mình đã từng gặp một bác Nhật chỉ biết viết bảng alphabet bằng chữ viết hoa chứ không thể viết theo kiểu chữ thường).
Thế nhưng…
Tất cả thông tin phía trên hoàn toàn chỉ mang tính chất tham khảo để biết nhiều hơn về tình hình chung của các ngôn ngữ trên thế giới, không mang tính tuyệt đối vì mình chỉ tìm một danh sách trên google, và có nhiều danh sách khác nhau có vài điểm sai khác. Ví dụ nếu bạn chọn học một ngôn ngữ do độ phổ biến của nó, nhất định là sẽ học tiếng Trung rồi. Thế nhưng, thông tin nhiều người sử dụng chỉ mang tính chất tương đối, vì ngay bản thân trong tiếng Trung có bao nhiêu phương ngữ mà bạn có thể hiểu hết được? Bản thân người Trung Quốc khi đi đến các vùng miền khác nhau cũng không hiểu được đối phương nói gì nữa là một người học ngoại ngữ đi sử dụng tiếng Trung đó. Số người thực sự sử dụng ngôn ngữ đúng phiên bản các phát âm và cách viết cũng như cách sử dụng từ và ngữ pháp như bạn học thực sự rút lại còn bao nhiêu? Hay như chọn ngôn ngữ học vì dễ, rồi cuối cùng lại không sử dụng hoặc không có hứng thú mà bỏ ngang thì cũng phí hoài công. Điều thực sự mình muốn nhắc đến để chọn một ngôn ngữ là phần dưới đây.
Tiêu chí để chọn một ngôn ngữ
Việc chọn ngôn ngữ không giống đọc chỉ đường, không có một tấm biển cụ thể nào chỉ cho bạn biết phải đi đâu cả. Ảnh: Yilan, Taiwan (2016).
Điều đầu tiên nhất định là hứng thú để học ngôn ngữ đó. Hứng thú này có thể bắt nguồn từ rất nhiều câu chuyện khác nhau mà chắc chắn mỗi người sẽ có những trải nghiệm rất khác biệt. Thay vì cân đo đong đếm ngôn ngữ nào có thể làm đẹp cho CV, hay học một ngôn ngữ đang hot hot thì sẽ thấy “ngầu”-thiên hạ đều học cớ chi mình không học, thì sao không thử theo nghĩa ngược lại, học một thứ mình thích, đam mê và tiến lên vì nó, sẽ thấy tiến bộ rất nhanh và mở ra những con đường hoàn toàn mới mà bản thân mình từ đầu không hề dự tính (có thể đọc thêm về những con đường mới mà tiếng Nhật mở ra cho mình ở con đường học tiếng Nhật của mình). Các lý do tạo hứng học có thể kể đến như: thích văn hoá, nghe bạn bè hay sử dụng nên thấy hay, muốn đi du lịch tới quốc gia đó, đi du học, muốn tìm hiểu rõ hơn về ngôn ngữ mình đang sử dụng (nên học ngôn ngữ gốc để hiểu rõ hơn, ví dụ như học tiếng Trung sẽ hiểu rõ hơn tiếng Việt đó).
Việc thứ hai là tính khả thi của việc học ngôn ngữ đó (tình hình sách vở, lớp học, thầy giáo, bạn bè,…). Chuyện này cũng rất quan trọng, vì muốn học một ngôn ngữ mà tài liệu không đầy đủ thì khác nào chưa bắt đầu đại sự đã gặp vô vàn trở ngại. Một điều vô cùng may mắn là ở Việt Nam hiện tại thì tài liệu học ngoại ngữ tương đối nhiều và đầy đủ, ngoài ra kiếm trên mạng cũng có rất nhiều người tải lên tài liệu rất đầy đủ (tuy nhiên mình ủng hộ mua sách gốc hơn, trước là ủng hộ tác giả, sau là thấy sách đẹp và mắc tiền tự dưng sẽ có quyết tâm học tốt hơn).
Việc thứ ba là khả năng và mục đích sử dụng ngôn ngữ đó. Học một ngôn ngữ tốn rất nhiều thời gian và công sức, nên việc đầu tư hợp lý cho nó là điều quan trọng trước hết, mà muốn đầu tư có hiệu quả thì phải hiểu rõ mục đích bản thân muốn sử dụng nó là gì. Có thể lấy ví dụ như đối với tiếng Trung, mục đích ban đầu của mình chỉ là nghe được phim mà không cần phụ đề tiếng Việt, có thể không cần viết cũng được, nên hiện tại khả năng nghe của mình tương đối ổn, còn khả năng viết và nói thì hơi í ẹ chút, nhưng nếu mình không đặt mục tiêu từ đầu mà cố gắng vươn cả 4 kỹ năng thì sẽ vừa mất phương hướng vừa khó tự thoả mãn bản thân và đâm ra nản. Điều thứ hai cần chú ý ở mục này chính là cơ hội, khả năng để sử dụng ngôn ngữ đó, học xong mà bỏ đó thì cũng phí. Ví dụ như bản thân mình đang rất thích tiếng Quảng Đông (Cantonese) và cũng đã bắt đầu học được một thời gian nhưng do không có bạn bè, không biết sử dụng ở đâu nên dần dần hứng thú cũng suy giảm và giờ là bỏ hẳn, cũng vẫn chưa tìm lại được lý do để học tiếp dù khá thích ngôn ngữ này.
Điều tiếp theo là yêu cầu của công việc và lợi ích mà nó mang lại cho bạn. Điều này thì không phải nói thêm gì nhiều nữa, có lợi thì hiển nhiên là quyết tâm học lên cao và duy trì được dài hơn rồi.
Vài lời
Viết một bài về thông tin các hệ ngôn ngữ, cách đánh giá độ khó của một ngôn ngữ nhưng cuối cùng những tiêu chí mà mình nhắc đến để chọn một ngôn ngữ lại hoàn toàn không liên quan tới những phần ở trên là do bản thân mình thấy chỉ cần mình có quyết tâm bắt đầu, thì ngôn ngữ khó hay “dễ” đều chỉ là tương đối, nhưng nếu mình không xác định rõ mục tiêu học thì sẽ dây dưa rất lâu thời gian mà không thể tiến bộ được (như việc học tiếng Trung của mình vậy). Biết được một ngôn ngữ thuộc về hệ ngôn ngữ nào có thể cho bạn cái nhìn tổng quan hơn về sự liên hệ giữa ngôn ngữ mà bạn định học và các ngôn ngữ mà bạn đã biết, biết được ngôn ngữ được đánh giá là “tương đối khó” hay không để bạn có thể xác định được rõ lượng thời gian và tâm tư mình phải đổ vào để vượt qua cái “khó” ấy, và cuối cùng điều để duy trì việc học một ngôn ngữ chỉ là lòng đam mê mà thôi.
Việc gì cũng vậy, dục tốc bất đạt, cứ từ từ là làm được thôi. Ảnh: Hualian, Taiwan (2016).
Bản thân mình khi chọn các ngôn ngữ đều có những lý do rất riêng, mỗi ngôn ngữ là một câu chuyện dài mà nếu có hứng thú thì có thể tìm đọc tại đây (Anh, Nhật, Trung, Đức, Hàn). Việc chọn ngôn ngữ nào phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như mình đã nhắc tới ở trên, nhưng nếu cho bản thân mình lựa chọn lại thứ tự học các ngôn ngữ thì sẽ bắt đầu với Anh, Trung, Esperanto, Nhật, Hàn, Pháp (thay vì Đức) rồi mới tính đến các ngôn ngữ khác. Tiếng Anh là một ngôn ngữ quá phổ biến và tính là tương đối cơ bản nên nhất định phải học trước, rồi tiếng Trung cũng nên học từ sớm để quen dần với cách phát âm (tư duy nói tiếng Trung cũng gần tiếng Việt nên khi học sẽ không gặp nhiều khó khăn như các ngôn ngữ khác), sau đó là học Esperanto để biết được nguồn gốc của ngữ pháp. Hiện tại mình vẫn chưa bắt đầu học được Esperanto do có quá nhiều việc khác làm bận rộn (cộng lười biếng) nhưng nhất định sẽ học trong một tương lai rất gần.