Nhật ký học tiếng Nhật 0-N1 trong 2 năm

Nhật ký học tiếng Nhật từ 0-N1 

Biểu đồ trên là tóm tắt quá trình của mình với JLPT, kể từ ngày 25/5/2012 là ngày đầu tiên bước vào lớp tiếng Nhật ở Núi Trúc, bắt đầu tập viết từng chữ Hiragana, trải qua 4 kỳ thi N, kết thúc thi ở N1 năm 2014 và cuối cùng hết duyên ở buổi coi thi kỳ tháng 12 năm 2016. 

Tất cả quá trình học của mình từ chưa biết gì tới N1 có thể chia thành 3 giai đoạn chính 0-N3, N3-N2 và N2-N1. 

Giai đoạn từ 0-N3

Cũng có rất nhiều cái duyên dẫn mình tới học tiếng Nhật, nhưng lúc đó không ngờ là sẽ gắn với tiếng này mãi để rồi đang ở Nhật như thế này. Mình không học trước khi đến lớp, nên hôm đầu vào lớp rất hoảng là các bạn trong lớp đều đã biết hết bảng kana (link post bảng chữ tiếng Nhật) mà mình chưa biết gì. Điều may mắn là Núi Trúc dạy tương đối chậm nên mình cũng không bị với mà vẫn theo kịp được, có điều học cái gì cũng phải kiên trì thì mới thành công được (bằng chứng là hồi đó học đâu như có 4-5 lớp 6A, lên tới B còn 1-2 lớp và tới cuối kỳ của lớp C thì còn nửa lớp…). 

Khoảng thời gian này thì giáo trình gần nhưduy nhất mà mình sử dụng là Minna no Nihongo, và tất cả kiến thức cũng chỉ từ đây. Mình có tập viết kanji thêm ở 2 quyển Basic kanji, nhưng các kanji trong hai quyển này đều được đề cập trong giáo trình Minna. Nếu bạn đã đọc các bài viết khác trong trang này của mình thì có thể đã nghe mình nhắc chuyện này rất nhiều lần rồi, nhưng mình xin phép được nhắc lại một lần nữa: Minna no Nihongo hay hơn mọi người tưởng rất nhiều. Mình ghi chép lại chi tiết hơn về cách mình học sử dụng giáo trình này ở đây, cũng như đã tổng hợp ngữ pháp ở đây.

Trong khoảng thời gian này mình đang học đại học năm hai và bắt đầu đi làm thêm nên thời gian học không có nhiều, ngoài thời gian lên lớp thì mỗi tuần mình dành khoảng 2 buổi, mỗi buổi 3-4 tiếng nữa để học. Tổng cộng thời gian học là ở trên lớp 10 tiếng, ở nhà (cộng cả thời gian lăn lộn lười biếng) thì khoảng 10 tiếng nữa là 20 tiếng/tuần trong vòng 1 năm. 

Giai đoạn từ N3-N2

Đây là giai đoạn mình học chăm chỉ nhất, cũng là giai đoạn duy nhất mình cảm nhận được thái độ nghiêm túc trong việc ôn thi cũng như cảm thấy bản thân có bước tiến rõ rệt trong việc học tiếng Nhật. Trước đây kỳ thi tiếng Nhật được tính theo kyuu, từ thấp nhất là 4 kyuu (tương đương N5), 3 kyuu (N4), 2 kyuu (N2) và 1 kyuu (N1), cấp thi N3 ở giữa 3 kyuu và 2 kyuu xưa. Tuy so sánh thế này cũng hơi khập khiễng vì thi kyuu cũ và thi N mới có cấu trúc đề khác nhau, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy khoảng cách xa giữa 3 kyuu và 2 kyuu của ngày xưa. Kỳ thi N mới thêm N3 nhưng khoảng cách từ N3 tới N2 vẫn rất xa. Mình đỗ N3 điểm tương đối cao nên hồi đó cứ tiếc mãi sao không thi N2, vì hồi đó mọi người có câu nói là thi mà điểm gần tối đa một cấp là thi lên cấp trên chắc chắn đỗ. Tới lúc coi đề N2 mới thấy may mà mình đăng ký N3… vì đề N2 khó hơn N3 RẤT NHIỀU!!

Ngay lập tức mình phải đặt mục tiêu chăm chỉ hơn nếu muốn đỗ N2. N3 có thể nói là mức dành cho dân chơi nghiệp dư, thì con đường tới N2 là khởi đầu bán chuyên rồi. Mình vạch ra rất nhiều kế hoạch rồi lại bỏ do bận và liên tục trì hoãn (thời gian này mình bắt đầu đi dạy tiếng Nhật và dạy tiếng Việt cho người Nhật). Lúc này mình quyết định đăng ký lớp học N2 ở VJCC và tới giờ vẫn nghĩ đó là quyết định hoàn toàn đúng đắn. Lớp đọc và lớp nghe sử dụng nhiều giáo trình riêng, phương pháp đọc nhanh và nắm bắt cách tìm thông tin với từng dạng câu hỏi. Lớp ngữ pháp sử dụng giáo trình Shin-Kanzen, giải thích từng mẫu ngữ pháp một. Lớp từ vựng kanji là lớp không có hiệu quả với mình nhất (do lười), do thầy người Nhật dạy giải thích cũng kỹ nhưng mà (nhắc lại lần nữa, do lười) nên không thấm lắm. Quan trọng nhất là các lớp này đều rất nhiều bài tập về nhà, mà buổi sau chữa bài buổi trước nên nếu không làm đủ thì tới lớp cũng không có ý nghĩa, điều này giúp mình có động lực học hàng tuần và duy trì đều đặn hơn. 

Tuy nhiên tới đây thì kiến thức của mình bắt đầu cảm thấy hổng hơn so với mọi người, ngữ pháp thì có thể miễn cưỡng hiểu nhưng từ vựng và kanji thì quả thực gần như bằng 0 (ngoài vốn từ vựng minna thì mình không biết gì và chữ Hán thì Núi Trúc không chú trọng dạy). Mình bắt đầu bổ sung thiếu sót bằng các biện pháp hơi cực đoan (có thể tạm gọi là học tiếng Nhật theo kiểu điên), tức là thiếu đâu bổ đấy, và bằng thời gian ngắn nhất có thể. Trước hết là mình học hết toàn bộ Kanji (chỉ cố gắng nhớ mặt chữ, cách viết, âm Hán Việt và ý nghĩa cơ bản) trong 1 tháng (cách mình đã học ở đây). Sau đó mình bắt đầu học theo core2k/6k/10k, tham khảo thêm ở đây và cách mình đã học ở đây.

Giai đoạn từ N2-N1

Thời gian này mình gần như không học thêm kiến thức mới gì. Lý do một phần là điểm N2 cũng tương đối cao và thời gian ôn thi N2 đã học quá trâu, nên muốn xả hơi, phần nữa là bắt đầu vào năm cuối đại học hoàn thiện các môn, khoá luận, tìm việc, suy nghĩ sự đời, hết hứng thú với tiếng Nhật và chuyển qua các thứ tiếng khác, chia tay người yêu, nói chung là vân vân và mây mây các lý do… Tới bây giờ mình vẫn không hiểu thế lực thần bí nào đã giúp mình thi đỗ N1 hồi đó, nhưng suy tính lại có thể gom trong mấy lý do có khả năng nhất là:

– Mình đi dạy tiếng Việt cho người Nhật, tham gia các hoạt động tiếp xúc với người Nhật rất nhiều dẫn tới phải ép bản thân nói tiếng Nhật nhiều hơn. Dạy tiếng Việt cho người Nhật đều là dạy 1-1, và buổi đầu tiên đi dạy run tới mức tối hôm trước đó mình đứng trước gương cả vài tiếng đồng hồ để tập mấy câu mà mình nghĩ là sẽ dùng tới hôm sau. Thời gian đó đi dạy cũng rất xa (30-45 phút đi xe máy+gửi xe các kiểu) nên thường lúc đi và về mình sẽ nghĩ lại về các câu, xem đã nói đúng hay sai (việc này đúng là không nên, mình cũng ngã xe mấy lần vì tội vừa đi vừa nghĩ…). Mình thấy việc quan trọng nhất để thấy tiến bộ nhanh trong việc học ngoại ngữ là phải xem xét lại những gì mình đã học, cố gắng vận dụng nhiều nhất có thể và học từ những gì mình sai. Có rất nhiều tình huống mình thấy với những gì mình biết chắc chắn có thể ứng phó được, nhưng thực tế đến lúc gặp sự thì không thể nói được câu nào. Vậy nên thay vì gặp sự rồi lúng túng, mình bắt đầu tập cách tưởng tượng tình huống và nghĩ ra những câu có thể nói đối với cả hai bên, cách này luyện phản xạ tiếng Nhật rất tốt, cũng giúp cho mình cả trong phần nghe hiểu tốt hơn nữa.

– Mình đi làm thêm cho một công ty, ngồi văn phòng làm lặt vặt và thường phải dịch tài liệu Nhật-Việt, Việt-Nhật hoặc đọc tìm hiểu thông tin tiếng Nhật rất nhiều. Hai chị sếp đều rất giỏi tiếng Nhật nên hay chữa phần dịch cho mình, hồi đầu dịch ngu dịch lởm hay bị mắng nữa, nhưng mắng đúng nên không thấy tủi thân mà chỉ thấy xấu hổ phải cố hơn thôi. Mình không được học về dịch thuật, cũng không học tiếng Nhật chính quy nên mỗi lần gặp vấn đề thường không có người để hỏi, bù lại kỹ năng tra cứu và tổng hợp thông tin lên cao. Trong khoảng thời gian này phải đọc tài liệu tiếng Nhật rất nhiều, nếu có khái niệm không rõ phải tìm đọc giải thích ở các trang tiếng Nhật nên khả năng đọc bắt từ và nắm ý được nâng cao. 

– Mình xem rất nhiều phim Nhật/show Nhật/truyện Nhật. Thời gian tiếp xúc với tiếng Nhật một ngày tương đối nhiều, nên có lúc mình tư duy bằng tiếng Nhật luôn, nên cảm thấy kiến thức tiếng Nhật tiếp thu vào cũng tập trung và hệ thống hơn. 

Đương nhiên cách học ôn lên N1 thì mỗi người sẽ có một phương pháp khác nhau, vì tới cấp độ này thì mọi người đều đã có kiến thức nhất định về tiếng Nhật, cũng như có mục tiêu khác nhau của mình về việc sử dụng tiếng Nhật. Với “cách” của mình là thiên về tăng tiếp xúc với tiếng Nhật để ngấm một cách tự nhiên. Cách này thì về cơ bản là không tốn thời gian thực sự học, có thể tận hưởng việc học ngôn ngữ thông qua các hoạt động giải trí mà mình thích, vào thời điểm phù hợp với sinh hoạt của bản thân. Tuy nhiên, nhược điểm là ngữ pháp của mình đoạn N1 không vững (10 câu ngữ pháp khi đi thi sai cả 10…), ưu điểm là điểm đọc và nghe rất cao (mình thi nghe đa phần đều gần tối đa).  

Hy vọng những chia sẻ của mình có thể giúp ích phần nào trong quãng đường học tiếng Nhật của mọi người. Khi mình mới bắt đầu học tiếng Nhật cũng không nghĩ là sẽ tiến xa và gắn bó với nó đến vậy, nhưng tin mình đi, một khi bạn đã bắt đầu học tiếng Nhật và bỏ công tìm hiểu về nó, sẽ có ngày “nghiện” ngôn ngữ này giống mình thôi ;). Chúc may mắn ^__^ ~

6 Comments

  1. Mình thắc mắc chút, từ T5/2012 đến T12/2016 là 4.5 năm chứ nhỉ? Sao lại là 2 năm từ 0 đến N1 nhỉ?

  2. core2k/6k/10k là gì vậy chị? chị có thể edit lại link cho bọn em xem với được không ạ?

  3. Chị Yu ơi em bấm vào link 2k/6k/10k nhưng không vào được nữa. Chị có thể cho em xin lại link đấy được không ạ?

Leave a Reply

%d bloggers like this: