Nghệ thuật bài trí của người Nhật – Marie Kondo

Đây là một cuốn sách rất nổi tiếng về việc dọn dẹp theo phương pháp phân loại (decluttering), phương pháp trong cuốn sách được đặt tên riêng là KonMari theo tên tác giả là Marie Kondo.

Thông tin chung

Tên sách: 人生がときめく片づけの魔法

Tên tiếng Anh: The Life-Changing Magic of Tidying Up: The Japanese Art of Decluttering and Organizing

Được dịch ra tiếng Việt với tên “Nghệ thuật bài trí của người Nhật”.

Tên tác giả: 近藤麻理恵 Marie Kondo

Vài suy nghĩ

Điều ấn tượng đầu tiên đối với mình khi thấy hình ảnh chị tác giả lần đầu tiên trên chương trình là khi chị giới thiệu nghề nghiệp của bản thân, là tư vấn dọn dẹp (片づけコンサルタント – organizing consultant). Suy nghĩ đầu tiên của mình là “Ơ, đây cũng được gọi là nghề à?”, việc dọn dẹp thì không có gì khó, và mỗi người đương nhiên đều có cách làm riêng của mình nên riêng chỉ nghe tới khái niệm nghề tư vấn đã làm mình cảm thấy có gì đó rất hấp dẫn thôi thúc tìm đọc sách để hiểu kỹ hơn. Sau khi đọc xong và áp dụng được một thời gian, thì mình thấy phương pháp này rất hữu hiệu, nên tiện thể viết lại vài điểm tóm gọn mà mình đã rút ra được và sử dụng trong cuộc sống.   

1. Dọn dẹp theo loại đồ dùng, chứ không phải theo vị trí

Một thói quen thường thấy của mọi người khi bắt tay vào dọn dẹp là sẽ lên kế hoạch ngày hôm nay/tuần này dọn khu vực này, ngày khác dọn khu vực khác, vậy nên việc thu dọn không được hoàn chỉnh và khó phát hiện ra những đồ vật lặp lại cùng chức năng và xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau không cần thiết. Theo phương pháp KonMari, dọn dẹp là một sự kiện trọng đại mà bạn phải dành cho nó một khoảng thời gian đủ dài, chuyên tâm hoàn thành tới hết. Điều đầu tiên là phải phân loại đồ dùng (quần áo, sách, đồ dùng nhỏ, v.v…) sau đó gom tất cả đồ đạc trong nhà thuộc loại đó lại cùng một vị trí rồi mới bắt đầu bước tiếp theo.

Lấy ví dụ như bản thân mình, khi dọn dẹp mới phát hiện ra mình có nhiều sách, giấy đến vậy: trong tủ sách, đáy tủ quần áo, cạnh bàn học, tủ nhỏ bàn học, trong các cặp sách mang theo định đọc nhưng chưa đọc, tủ ngoài phòng khách, gần chỗ ngồi ngoài phòng khách,… Kết quả là có những lúc mình không kiểm soát được tình hình đọc sách của bản thân, cụ thể là mình đang đọc cuốn nào, cuốn nào sẽ đọc, mình có những cuốn nào và dự kiến nên mua cuốn nào thêm nữa. Trước giờ mình chỉ dọn theo từng vị trí, đặt sách vào đúng vị trí thì thấy rất gọn gàng rồi, nhưng hoàn toàn không tiện dụng. Sau khi gom lại được hết sách rồi, thì mình mới nắm rõ được tình hình và bắt đầu các bước tiếp theo.

2. Học cách vứt đồ

Cho dù có muốn gọn gàng đến mấy nhưng nếu trữ quá nhiều đồ không cần thiết thì có lẽ không thể nào sinh hoạt một cách tối ưu được. Điểm chính trong sáng kiến dọn nhà KonMari chính là “chỉ giữ lại những thứ mang lại niềm vui”. Khi chạm vào vật đó, có cảm thấy rung động, có thấy tiếng gọi lưu giữ lại từ trái tim hay không (触ったときに、ときめくか 持っていて心がときめくかどうか). Việc này tốn rất nhiều thời gian, vì thực sự phải gấp từng chiếc quần áo, giở lại từng quyển sách, chạm vào từng món đồ mới có thể quyết định được. Tuy nhiên, cũng chính quá trình đó giúp hiểu hơn những đồ vật nào là thực sự cần thiết đối với cuộc sống của mình.

Một cách nghĩ rất hay nữa mà tác giả đưa ra, là nếu cảm thấy khó khăn khi vứt đi một cái gì đó, hãy thử cảm ơn nó vì đã xuất hiện trong cuộc đời bạn. Ví dụ như ai cũng sẽ có trong tủ đồ một vài chiếc quần/áo “khi nào gầy sẽ mặc”, nhưng kết quả là hoặc cân nặng không thay đổi hoặc khi gầy thì sở thích đã thay đổi không còn muốn mặc nữa, nhưng chưa sử dụng lần nào nên cảm thấy tội lỗi khi vứt đi, mặc dù biết chắc chắn cho dù có giữ lại cũng sẽ không động tới. Lời khuyên đưa ra là, thay vì suy nghĩ tội lỗi khi vứt bỏ, hãy nghĩ đến niềm vui của mình khi mua món đồ đó, và cảm ơn nó đã mang lại niềm vui cho mình vào thời điểm đó. Giờ đây nó đã làm trọn nhiệm vụ của mình rồi, nên có thể bỏ đi được rồi.

Đặc biệt là khi dọn tới những món đồ được người khác tặng, hay mang nhiều kỷ niệm, việc vứt bỏ càng trở nên khó khăn. Đương nhiên dọn dẹp không có nghĩa là vứt bỏ hoàn toàn mọi thứ, mà thay vào đó, là một cơ hội hoàn hảo để suy nghĩ lại về những gì thật sự cần thiết với bản thân. Dọn dẹp về bản chất không phải là vứt đi thứ gì, vứt đi càng nhiều càng tốt, mà thực sự là ngẫm nghĩ xem bản thân để sống, để sinh hoạt một cách thoải mái thì cần những thứ gì. Còn những vật vứt đi là vì nếu không có, vẫn không sao. Những vật kỷ niệm, những quà tặng, tuy không dùng tới nhưng nếu thiếu nó đi cảm thấy bản thân không vui thì cũng không cần phải miễn cưỡng tối giản quá làm gì, chỉ cần mọi thứ ở đúng vị trí của nó thì nhiều đồ cũng vẫn có thể tiện ích được. 

3. Đặt vị trí cho mọi thứ

Mọi thứ đều nên có vị trí cố định của nó, nên đặt ở trong hộp hoặc ngăn tủ cố định, và tốt nhất là nên dán nhãn. Quay lại ví dụ với việc xử lý đống sách của mình, mình đã chia thành 3 vị trí chính: trong tủ sách để truyện dự định đọc (lập danh sách riêng), cạnh bàn học chỉ để sách giáo trình và sách học, non-fiction, truyện tranh và truyện đã đọc (thỉnh thoảng muốn đọc lại một vài đoạn) để ngoài tủ phòng khách. (Nhờ việc phân loại như thế này, mình đã cắt giảm được hoàn toàn việc mua sách tháng vừa rồi vì nhận ra sách chưa đọc còn quá nhiều…………).

Một mẹo nhỏ nữa là trước khi mua bất kỳ thứ gì, thì thay vì nghĩ mình sẽ dùng nó làm gì, hãy nghĩ xem mình sẽ đặt nó vào đâu, tự khắc sẽ lập được tư duy dọn dẹp khi gặp bất cứ đồ dùng gì. 

Ngoài ra còn rất nhiều mẹo nhỏ, ví dụ như quần áo cũ rồi thì không nên giáng cấp thành quần áo mặc ở nhà, vì nhiều khi kết quả là bạn cũng chẳng động tới chúng; hay cách gấp quần áo, cách dọn đồ theo từng nhóm đồ dùng, v.v… rất hay ho nhưng tính khả thi cho việc áp dụng thì phụ thuộc vào từng người. Việc dọn dẹp cũng nên biến thành một thói quen, vì vậy càng phải được điều chỉnh thích hợp với cách sống của mỗi người thì mới duy trì được. Vậy nên đây là một quyển sách rất thú vị mà mình rất cho những ai muốn có cái nhìn nghiêm túc hơn về việc dọn dẹp. 

Xin trích lại một câu trong sách để kết thúc bài viết:

“Khi bạn hoàn tất dọn dẹp căn nhà của bạn, cuộc sống của bạn cũng theo đó mà thay đổi.”

Đánh giá tổng thể: 8.0/10.0⭐️.

2 Comments

Leave a Reply

%d bloggers like this: