Deep work – Cal Newport

Một cuốn sách rất hay về cách để tập trung 😀

Thông tin chung

Tên sách: Deep work (tạm dịch: Làm việc tập trung)

Về tác giả: Cal Newport, phó giáo sư ngành khoa học máy tính ở Đại học Georgetown (#22), tác giả của trang blog Study Hack

Một vài đường dẫn quan trọng: Giới thiệu sách trên trang chủ

Những gì mình học được

Hồi xưa rất xưa, mình cho rằng làm nhiều việc cùng một lúc thì mới được tính là làm việc hiệu quả, nhưng vài tháng trở lại đây rất nhiều vấn đề nảy sinh làm mình phải nhìn nhận lại vấn đề này. Rất may trong lúc đang hơi mông lung thì tìm đọc được cuốn về làm việc tập trung này. Trong cuốn sách, Cal Newport đưa ra hai khái niệm:

deep work: chỉ những công việc mang tính chuyên môn cao, cần được thực hiện trong trạng thái tập trung cao độ để đẩy khả năng lên mức cao nhất. Chính nỗ lực khi thực hiện các công việc này giúp tạo ra giá trị mới và nâng cao năng lực bản thân.

shallow work: chỉ những công việc có tính máy móc lặp lại, thường thực hiện trong trạng thái không tập trung. Ví dụ như: trả lời tin nhắn hay email, v.v…

 

Nửa đầu cuốn sách được dành để giải thích tầm quan trọng của “deep work”, càng tập trung thì hiệu quả công việc càng cao, ví dụ có một bài viết tầm 3000 từ phải nộp, mỗi ngày viết lắt nhắt không tập trung thì thời gian sẽ tốn hơn rất nhiều là ngày cuối cùng bị hạn nộp đè ép, 3000 từ có khi sẽ viết được trong vòng vài tiếng… (mình tin chắc đa phần mọi người đều đã từng có trải nghiệm này).    Đại loại chúng ta có thể cùng công nhận là việc tập trung làm việc đem lại rất nhiều lợi ích, vậy cụ thể là có gì? Xin mời đọc sách :). Trước hết là phải xác định một mục tiêu rõ ràng cho việc tập trung này, giữa chừng mà tâm lý bị lung lay hãy hỏi lại bản thân, việc mình đang chuẩn bị làm có thật sự là chuyện mình cần làm hay không. Dưới đây là các quy tắc chính và những điều mình nghĩ là có thể áp dụng được ngay (hoặc đang áp dụng nhưng chưa thực sự tuân thủ).

#Quy tắc số 1: làm việc tập trung, cụ thể là đặt quy tắc cho bản thân về thời gian “deep work”  

Có vài chế độ mà mọi người có thể áp dụng:

  • monastic: hoàn toàn cắt đứt với bên ngoài, xa lánh xã hội :);
  • bimodal: chia thành 2 phần 1 phần tập trung vào làm việc, 1 phần cho các hoạt động khác, ví dụ thứ 2-6 sẽ làm việc như trâu, t7-cn các hoạt động còn lại;
  • rhythmic: tạo thành thói quen thường xuyên, ví dụ 7-9h tối hàng ngày sẽ học ngoại ngữ, tất cả các việc khác có thể dời qua thời điểm khác;
  • journalistic: đẩy tất cả các khung giờ có thể vào “deep work”, ví dụ hôm nay dậy sớm, có thể đặt luôn 2h học từ mới, hoặc hôm nay xong việc về sớm, có thể đặt 2h làm việc này nọ chẳng hạn.

Quan trọng nhất là:

when you work, work hard. when you’re done, be done.

(tạm dịch: khi làm việc, làm hết mình. khi công việc đã kết thúc, để nó ở đó.)

#Quy tắc số 2: quản lý sự rảnh rỗi  

Khi làm việc không tránh khỏi một vài cám dỗ từ những “shallow work”, đương nhiên những công việc này cũng có ý nghĩa (ví dụ như nhắn tin có thể làm lên tinh thần học hành, trả lời email cho một cuộc hẹn quan trọng v.v…) nhưng điều quan trọng hơn là nó sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng công việc “deep work” quan trọng hơn mà mình đang làm. Để phòng tránh điều này thì nên có lịch cụ thể cho các công việc “tưởng ngắn mà dài” như vậy.

Ví dụ như việc lên mạng, tưởng ngắn 5-10 phút nhưng có thể kéo dài tới … lúc đi ngủ, cách xử lý là đặt khoảng thời gian cố định cho việc giải trí, ví dụ 10 giờ tối sẽ trả lời tin nhắn trong 30p-1h gì đó. Lúc 7-9h đang “deep work” mà bị phân tán không biết có nên kiểm tra hộp thư hay không, thì hãy cố gắng tự nhắc bản thân là 10h là đến giờ được coi rồi, không cần vội :). Mình bắt đầu áp dụng cái này, nhưng sợ lỡ các tin quan trọng nên vẫn luôn để điện thoại và sẽ nhắn người nhà và bạn bè là có gì quan trọng hay gấp thì hãy gọi điện.

Mỗi lần bạn chuyển từ công việc này sang công việc khác, tâm trí vẫn sẽ phần nào còn lưu luyến ở công việc cũ (Cal Newport gọi nó là attention residue – thặng dư chú ý), nên bạn chuyển qua lại giữa các công việc khác nhau càng nhiều, thì sức tập trung càng suy giảm. Do vậy, trước khi làm việc nên tập trung các tài liệu cần thiết, đặt câu hỏi và mục tiêu rõ ràng, cố gắng không phân tán trong thời gian đủ dài để đạt được sự tập trung cao độ nhất.      

#Quy tắc số 3: Kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội   

Chuyện này thì do tính chất công việc, tính cách cá nhân nên không có lựa chọn đúng cho tất cả mọi người, tuy nhiên có một điều rất hay mà Cal Newport nhắc tới, là đừng coi mạng xã hội là cách duy nhất để giải trí. Đương nhiên khi buồn chán, suy nghĩ việc khó không được thông suốt, thì việc truy cập các mạng xã hội và lướt qua các thông tin là điều vô cùng đơn giản, và có thể mang lại sự thú vị ngay tức thì.

Tuy nhiên, việc gì lặp lại một cách quá mức cũng không phải là điều tốt, đặc biệt là khi nó ảnh hưởng đến mục tiêu chính trong cuộc sống. Thật sự, mạng xã hội tốn thời gian hơn bạn tưởng rất nhiều, và việc xem xét lại ý nghĩa của việc tiêu tốn thời gian vào mạng xã hội là một điều thực sự nên làm.

#Quy tắc số 4: Xử lý các “shallow work”  

“Deep work” đòi hỏi thời gian và công sức rất nhiều, nên không phải lúc nào chúng ta cũng nên bật trạng thái này. Thêm vào đó, “shallow work” cũng là một phần rất quan trọng, có những việc có thể xử lý mà không cần suy nghĩ quá nhiều, đối với những việc đó thì nên đặt khoảng thời gian riêng để xử lý, ví dụ buổi tối khoảng 10-11h sẽ làm các công việc như: trả lời tin nhắn, chuẩn bị đồ đạc hôm sau, dọn phòng, v.v…  

Ở phần này có một mẹo rất hay cho việc trả lời email mà cũng có thể áp dụng với việc trả lời tin nhắn (công việc). Đó là hãy bắt người đối diện phải tìm hiểu nhiều hơn, tốn thời gian hơn khi trả lời cho bạn, bằng cách đặt câu hỏi cụ thể và đòi hỏi thông tin có chiều sâu. Ngược lại, bạn cũng nên dành nhiều thời gian hơn để cung cấp thông tin đầy đủ cho mỗi email của mình, tránh email qua lại nhiều lần lãng phí thời gian.  

Tổng kết, nên có thời gian tập trung “deep work” cho mục tiêu chính 4-6h 1 ngày, và các việc làm phụ khác cũng phải được đặt khung thời gian riêng. Mình đã áp dụng sắp xếp công việc theo “time block” từ vài tháng nay rồi, nhưng mức độ tuân thủ vẫn chưa đủ cao, sẽ cố gắng nghiêm túc với bản thân hơn và hi vọng sẽ chia sẻ phương pháp quản lý thời gian của mình trong một ngày không xa, khi nó hoàn thiện và hợp với nhịp sống của mình hơn.

Đánh giá tổng thể: 8.0/10.0⭐️.

5 Comments

Leave a Reply