The power of habit – Sức mạnh của thói quen

The power of habit chứng minh cho người đọc thấy được tầm quan trọng của thói quen. Chúng ta vẫn lầm tưởng tất cả hành động hàng ngày đều là kết quả của quá trình suy nghĩ thận trọng và ý chí quyết định của bản thân, nhưng sự thực đã được khoa học và lịch sử chứng minh là ngược lại.

Thông tin chung

Tên sách: The power of habit (tạm dịch: sức mạnh của thói quen)

Tác giả: Charles Duhigg, là nhà báo người Mỹ, chuyên viết cho New York Times, và đã được giải Pulitzer năm 2013

Một vài đường dẫn quan trọng: amazon goodreads

Những điều mình học được

Chính những thói quen đã xây dựng hầu hết các hành động hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, con người không tự phân biệt được thói quen nào là tốt, thói quen nào là xấu. Chìa khoá dẫn đến thành công là xây dựng được những thói quen có lợi cho bản thân và dần dần hạn chế các thói quen có hại. Chú ý nhỏ là thói quen rất khó để bỏ hoàn toàn, nếu bạn đã từng có thói quen đó thì nó sẽ rất dễ lặp lại trong tương lai một cách vô thức, nếu bạn không cố duy trì thói quen mới.

Cuốn sách được chia làm 3 phần: phần một nói về cấu trúc hình thành thói quen, phần hai đưa ra cách xây dựng thói quen và phần 3 là các thói quen của xã hội. Sách có rất nhiều câu chuyện hay từ thực tế được phân tích kỹ lưỡng, nên lúc đọc cũng thấy rất thú vị, ví dụ như câu chuyện kem đánh răng tại sao trở nên phổ biến, hay cách thay đổi dựa trên nguyên tắc này mà hãng xịt phòng có thể tăng doanh số nhiều lần, v.v…

Ngoài những câu chuyện đọc giải trí rất hay kia, bản thân mình học được ba điều lớn từ cuốn sách này về việc xây dựng thói quen:

Một, trước hết thói quen chính là các vòng lặp của cue (gợi ý) – routine (hành động mang tính lặp lại) – reward (phần thưởng). Bắt đầu là não nhận tín hiệu từ gợi ý, bắt đầu điều khiển cơ thể thực hiện hành động mang tính lặp lại với mong muốn được nhận phần thưởng. Ví dụ điển hình nhất là khi cảm thấy căng thẳng (stress) thì sẽ hút thuốc lá, gợi ý ở đây chính là khi căng thẳng, cơ thể sẽ gửi tín hiệu về não để bắt đầu hành động đi lấy thuốc và hút, nhằm nhận được phần thưởng là cảm xúc thoải mái sau khi hút thuốc lá.

“Cue (gợi ý)” hướng não điều khiển cơ thể trong vô thức và quyết định sẽ thực hiện theo thói quen nào. Thường các yếu tố để xác định một “gợi ý” này nằm trong năm mục chính: địa điểm, thời gian, trạng thái cảm xúc, người khác, hoặc hành động ngay tiếp theo đó. Ví dụ ở phần trên gợi ý cho việc hút thuốc chính là trạng thái cảm xúc căng thẳng, nhưng có thể đối với người khác thì trạng thái cho việc hút thuốc là do yếu tố thời gian, sau khi uống rượu chẳng hạn. “Reward (phần thưởng)” giúp não bộ quyết định thói quen này là có giá trị, cần phải nhớ để được lặp lại.

Hai, dựa vào lý thuyết này thì chúng ta có thể chỉ cần thay đổi “routine (hành động)” để xây dựng một thói quen mới. Lại lấy ví dụ về việc hút thuốc, nếu muốn bỏ thuốc thì chỉ cần đơn giản là tìm một hành động khác mỗi khi “gợi ý” xuất hiện, thay thế cho hành động hút thuốc mà vẫn dẫn đến “phần thưởng” là cảm xúc thoải mái hơn, chẳng hạn như nhai kẹo cao su hoặc nói chuyện với bạn bè. Vấn đề đặt ra quan trọng nhất là phải xác định rõ ràng và đơn giản hoá “gợi ý”, sau đó là định nghĩa cụ thể “phần thưởng”. Chuyện này cần thời gian và quyết tâm, theo sách thì cách tốt nhất là nên ghi lại thói quen mà mình muốn bỏ, tìm kiếm các chuỗi hành động, thời gian, địa điểm thường dẫn đến hành động đó và ghi lại các quy luật.

Ba, xây dựng một thói quen đã khó, duy trì thói quen đó lâu dài lại càng khó hơn, điều này đòi hỏi đồng thời bạn phải rèn luyện được ý chí mạnh mẽ cho bản thân. Trước tiên, phải nghiêm khắc với bản thân, cố gắng hết sức để tuân thủ những điều mà mình đã đưa ra, rồi phải chuẩn bị phương án cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Tiếp đến là phải làm những việc yêu cầu lịch trình rõ ràng cụ thể và rất khó, nghiêm khắc. Điều này sẽ giúp giữ ý chí của bạn luôn trong trạng thái được hoạt động, có ý thức về cách hành động của bản thân.

Cuốn này được mọi người đánh giá chủ yếu theo hai luồng ý kiến, một là quá sáo rỗng toàn các câu chuyện lặp lại, hai là khen rất hay và dễ áp dụng. Bản thân mình nghiêng về ý kiến thứ hai nhiều hơn, quy tắc tuy đơn giản nhưng cũng nhờ vào đó mà rất dễ áp dụng, ngoài ra các câu chuyện trong sách cũng được viết rất cô đọng dễ hiểu, giúp mình có thêm nhiều kiến thức thực tế mới.

Đánh giá tổng thể: 8.5/10.0⭐️.

 

2 Comments

Leave a Reply

%d bloggers like this: