Tên đầy đủ của cuốn này là: The Organized Mind: Thinking Straight in the Age of Information Overload, sách về cách quản lý sắp xếp lượng thông tin khổng lồ trong thời đại ngày nay dưới góc nhìn của một nhà thần kinh học (?).

Cuốn này cấu trúc ba phần, phần đầu về lý thuyết chung, phần hai về quản lý sắp xếp những cái cụ thể (nhà cửa, thế giới xung quanh, thời gian, thông tin để ra quyết định, thế giới kinh doanh), phần ba là mấy cái chắc ổng không biết xếp vô đâu nên để đây. Trước hết thì cuốn này đọc như leo roller-coaster vậy, mình đọc với tâm thế là đọc một cuốn self-help để đầu óc thoáng đãng hơn khi bắt đầu một tháng mới, kết quả là tới hai chương cuối của phần hai, bắt đầu vào các lý thuyết xác suất thống kê cực chuyên môn (Bayesian rồi fourfold tables này nọ), đây chắc chắn không phải là một cuốn sách có thể vừa nghe nhạc chill chill vừa đọc, mà là một cuốn phải đặt giấy bút và note bên cạnh vừa đọc vừa ngẫm (mà mình tốn 2 tuần vẫn thấy như mê cung).
Phần đầu của cuốn này là mình học được nhiều nhất, ý tưởng chính nhất là hiện tại chúng ta phải đối mặt với lượng thông tin quá lớn, kéo theo số quyết định trong ngày cũng quá lớn. Những điều này thì cũng không quá mới, có rất nhiều sách hoặc những vĩ nhân cũng nói đến chuyện này, ví dụ cực đoan như Steve Jobs hay Mark Zuckerberg giảm số lượng quyết định trong ngày bằng việc bỏ quyết định ở việc ăn mặc, thông qua việc ăn cùng một thứ mặc cùng một thứ chẳng hạn. Ở đây có một lý thuyết khá dễ hiểu là mỗi khi đưa ra một quyết định gì đó, bạn cũng phải trả vào đó một cái giá. Các neuron thần kinh khi chạy cũng cần oxy và glucose để hoạt động, và bất kể một dòng trạng thái facebook, một video youtube hay một câu chuyện trả lời vội với bạn bè thì đều tốn năng lượng này, và nó đang dần lấy đi sự minh mẫn của bạn đối với những quyết định ví dụ như nên đầu tư vào cổ phiếu nào chẳng hạn. Não bộ thì có hai bộ lọc sức chú ý (“attentional filter”) là “sự thay đổi” và “tầm quan trọng”, nên nếu không muốn não bộ bị ảnh hưởng nhát gừng và tiêu tốn năng lượng một cách vô ích thì nên giảm tối đa sự thay đổi đối với những thứ không quan trọng, não sẽ tự động quyết định theo lịch sử cũ, do đó tốn ít năng lượng hơn.
Tiếp theo phần trên, thì để hoạt động được một cách trơn tru thì não bộ có 4 hệ thống chính: “mind-wandering mode (trạng thái thả hồn trên mây)”, “central executive mode (trạng thái tập trung cục bộ)”, “attentional filter (bộ lọc sức chú ý)” và “attentional switch (công tắc điều hướng chú ý)”. Tên gọi của bốn hệ thống này cũng đã nêu rất rõ cách vận hành của chúng, nghiên cứu (trích trong sách) cũng cho thấy năng lượng để bật công tắc điều hướng tốn hơn rất nhiều so với năng lượng tiêu tốn trong trạng thái tập trung cục bộ, cũng có nghĩa là ai đó có thể làm chủ được thời gian và làm việc tập trung thì không những có thể làm được nhiều việc hơn, mà còn ít mệt mỏi hơn, hay nói một cách khoa học là “less neurochemically depleted (bớt suy nhược thần kinh)”. Thử suy xét lại bản thân mình thì đúng là, một khi đã tập trung vào làm việc nghiêm túc và vào được guồng thì nó cuốn đi rất nhanh, làm được rất nhiều việc, nhưng hôm nào cứ ôm 2-3 việc cùng lúc, ví dụ vừa viết bài vừa phải kiểm tra và trả lời email, thì y như rằng hôm đó về mệt nhoài…
Còn một điểm nữa bác tác giả nhắc tới một luận điểm của Allen (tác giả của phương pháp Getting Things Done (GTD) khá nổi tiếng) là não bộ sẽ luôn luôn trong trạng thái luyện tập cho những việc mà mình chưa làm vì có một cơ quan sẽ nhắc chúng ta sợ hãi việc mình quên không làm việc này. Tuy nhiên bản thân việc não bộ cứ lặp đi lặp lại việc luyện tập công việc của tương lai này gây ra một tác dụng xấu là ảnh hưởng tới chất lượng làm việc của công việc hiện tại, nên nên có chỗ để quăng tất cả mấy suy nghĩ lệch ray đó ra một chỗ, nhiều người dùng sổ tay nhỏ kèm theo cũng là vì cái này. Ngoài lề một chút thì mình cố gắng áp dụng GTD khá lâu rồi (chắc sẽ viết 1 bài về cách quản lý của mình riêng, tại mới thay đổi khá nhiều nên để xài quen rồi sẽ viết), và có một cái thói quen mấy năm nay là kiểu gì cũng phải có một cái file hàng ngày để quăng tất cả suy nghĩ linh tinh vào, tránh nghĩ viển vông, mọi người có thể tham khảo hình dưới (đã xoá bớt vài chi tiết nhạy cảm :”>). Đọc ở đây mới thấy đúng mình làm cái này theo và có hiệu quả thật, cái file này và sổ tay đóng vai trò như bộ nhớ ngoài để tránh RAM não mình quá tải.
Tới phần thứ hai, mở đầu là làm thế nào để quản lý đồ đạc trong nhà một cách hợp lý. Cuốn này thì không chuyên theo kiểu MariKondo hay gì gì đó khác nên nó chỉ có lý thuyết khá khái quát, mình rút ra được một điều mình sẽ cố áp dụng là những thứ thường dùng thì phải ở trên, những thứ không dùng thì phải bỏ sang cạnh, hoặc cất đi làm sao để nó không xuất hiện khi mình lựa chọn hàng ngày. Quay ngược lại phần ở phía trên thì chính việc mình để đồ đạc xuất hiện ra quá nhiều sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho não bộ mỗi khi lựa chọn hàng ngày. Vậy nên sau khi coi cái này mình đã nghĩ ra một hệ thống mới cho việc sắp xếp, ví dụ như đồ đạc sẽ chia thẳng thành ngày thường và ngày đi chơi chẳng hạn, vậy thì khi chọn đồ ngày thường sẽ chỉ phải chọn trong thư mục ngày thường thôi, không bị phân tán bởi những lựa chọn bên chỗ ngày đi chơi (mà chắc chắn sẽ không chọn tới). Có ba quy tắc nhỏ cho việc phân loại: nếu đã phân loại thì phải phân đúng, nếu không thể phân thì cứ để nó vô “chưa phân loại”, khi tìm kiếm cũng sẽ đơn giản hơn; dùng những hệ thống có sẵn thay vì sáng tạo thêm mới và vứt đi những thứ mình chắc chắn không xài.
Một chương nữa là về quản lý thời gian, có hai khái niệm khá hay ho về những người hay trì hoãn là “rest-seeking procrastinator (những người trì hoãn ham nghỉ ngơi)” và “fun-task procrastinator (những người trì hoãn ham vui)”. Mình chắc xếp vào loại thứ hai, tức là những người thay vì làm việc quan trọng thì tìm những công việc đơn giản hơn vui hơn để làm sau đó lấy đó làm lý do trì hoãn, tỉ dụ đáng ra phải học nhưng lên đây viết blog chẳng hạn…

Đây có công thức này khá hay, tức là mình sẽ càng trì hoãn hơn khi mà thời gian hoàn thành cái đó quá dài, nhiều cám dỗ và đã trì hoãn quá lâu, ngược lại sẽ muốn làm việc đó hơn khi có tự tin vào bản thân, và giá trị khi hoàn thành công việc đó lớn. Có thể dựa vào công thức này để tìm cách chế ngự lại cơn trì hoãn trong mình, mình có thể tự nghị đến ví dụ như:
– chia nhỏ công việc ra thành nhiều việc cụ thể nhỏ hơn
– làm việc trong không gian bớt những thứ gây xao nhãng (dọn gọn bàn học, tắt thông báo, etc.)
– việc gì phải làm ngay (có quy tắc 5 phút (phiên bản khác: 2 phút) là những gì có thể làm được dưới 5 phút thì nên làm ngay, rồi quy tắc 5 giây là đã quyết việc gì phải làm ngay trong dưới 5 giây vì sau 5 giây não sẽ tự lười v.v…)
– tăng thêm tự tin, tự định nghĩa giá trị cho công việc, v.v….
Đó là tất cả những gì mình nghĩ là mình sẽ thu nhận được khi đọc cuốn này sau khi đọc tiêu đề, nhưng tới lúc đọc cả cuốn thì còn thu lượm được khá nhiều kiến thức khác mà để giải thích thì khá là dài, ví dụ như một vài dự án “crowd resourcing (nguồn lực cộng đồng)” hay dùng Bayesian model để tính khả năng mình bị dính bệnh nếu có kết quả dương tính, v.v…
Cuốn này tựu chung lại thì từng phần từng phần khá hay nhưng viết hơi rườm rà, không hiểu lắm ý tưởng của tác giả khi bảo trong thời đại này cần rút gọn thông tin, sau đó bem vào đầu 1 tỷ thông tin và không cho ra đầu cuối gì hết? Tác giả đi lạc hướng không thấy lối về luôn… nên ai đọc hãy chú ý là coi nửa đầu và nửa cuối là hai quyển khác nhau nhé, nửa đầu là sách về quản lý suy nghĩ, nửa sau là về cách xử lý thông tin lượng lớn thông qua vài trường hợp cụ thể (xác xuất trong y học, trong kinh doanh).
Đánh giá chung: 4/5⭐
Tự dưng tìm được cái blog hay hay ^^ mình cũng viết blog nè nhưng lâu rồi không update (tên Anntalic) Cảm ơn review của bạn nha.