Mình với tối giản

Đợt này phong trào tối giản này có vẻ khá hot ở Việt Nam, mình cũng tiếp xúc với tư tưởng này từ khá lâu và đang trong quá trình chuyển dịch dần theo hướng tối giản. Đợt này chăm lên rồi nên chắc sẽ cố viết một loạt bài chia sẻ về trải nghiệm về tối giản của mình.

Trước hết bắt đầu với việc định nghĩa tối giản là gì? Cắt nghĩa thì là giản lược tới mức tối đa, hiểu một cách nông thì là càng ít càng tốt, đương nhiên với mỗi người giới hạn “ít” sẽ khác nhau. Nhắc tới từ này chắc hẳn là phần đa sẽ nghĩ về một căn phòng không có đồ chi hết, nền bóng loáng, ở đó có một anh/chị chủ nhân mặc đồ đen trắng, mở ra một tủ đồ toàn áo phông một màu (haha), lúc đầu mình biết đến cụm từ này thì cũng có một liên tưởng tương tự. Cách đây tầm gần chục năm chăng, có một chương trình về anh Fumio Sasaki sống cách vô cùng tối giản, căn phòng không có giường tủ đồ nội thất lớn gì cả, bát đũa tất cả mọi thứ đều chỉ có một (coi hình nè).

Những căn nhà 'tối giản' - Báo Công an Đà Nẵng
Hình ảnh anh Fumio Sasaki, chắc là người nổi tiếng nhất ở phong cách này rồi ^^

Đây chắc là hình ảnh điển hình nhất của minimalist (người theo chủ nghĩa tối giản), đồ đạc ít nhất tới mức có thể. Người Nhật thì mình có theo dõi anh Shibu (https://www.youtube.com/channel/UCWVO0OICQ1Q-8JBr_3hGKPw) vì ảnh có một cái blog khá là cun ngầu, liệt kê hết 300 món ảnh sở hữu luôn (đố bạn liệt kê được tất cả những gì bạn đang sở hữu đấy xD). Ngoài ra tìm từ khoá minimalism thì có thể ra hàng nghìn vạn tấm ảnh căn phòng trống không, nhưng thế này nghe có cực đoan quá không nhỉ? Lúc đầu mình cũng mua 5 cái áo sơ mi và 2 quần âu rồi vứt hầu như toàn bộ quần áo đi, sau đó cứ vài lần du lịch, rồi bạn bè tặng đồ, các thứ nó lại phình ra, mình mới nhận ra mình đang theo đuổi những thứ bề mặt quá, không phải là lối sống nên không duy trì được, và nó đi ngược lại mục đích ban đầu của mình khi bắt đầu theo tối giản.

Thế nhưng dần dà mình hiểu hơn một chút, tối giản không chỉ đơn giản là vứt hết sạch đồ đi, mà là tạo không gian cho những thứ thật sự có giá trị. Nếu bạn có thể có tình yêu với 1000 bộ đồ, thì bạn không cần thiết phải vứt chúng đi làm gì, như mình hay coi mấy người sưu tập túi xách á, nhìn vậy nhưng họ có thể kể rõ từng cái từng cái mua ở đâu câu chuyện thế nào kỷ niệm ra sao, họ có tình yêu đủ để san sẻ cho từng ấy món đồ thì chẳng phải vứt đi cái gì làm gì. Theo đó, nếu bạn có tình yêu đủ chia sẻ cho 100 bộ đồ mà sắm về tới 300 thì rõ ràng là quá tải rồi. Thế nên cái trước nhất là phải hiểu rõ được bản thân mình muốn gì, sức tải tới đâu để quyết được mức độ của việc tối giản. Nhân nói về chuyện quần áo thì trước mình cũng không vứt được đồ đâu, áo quần mặc nghìn năm rồi béo không chui nổi nữa rồi nhưng vẫn không nỡ vứt, sau đó coi chương trình “Tôi là diễn thuyết gia” của TQ (mình có để link ở dưới) thì thấy anh này cũng theo chủ nghĩa tối giản, 1 năm vứt 1000 bộ đồ, 700 ngày chưa mua đồ mới, nói một câu làm mình thấy siêu thấm: “Dáng người mới là trang phục đẹp nhất!”. Từ đó là bớt mua sắm những đồ không hạp với mình hẳn, cố gắng luyện tập cho đỡ béo nữa, đấy chính là khi mình áp dụng được việc bớt mua đồ thừa thãi để dành tâm trí cho việc phát triển bản thân nội tại.

Dáng người mới là trang phục đẹp nhất. Xem full ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=Mh80sO_sYak

Để tới đây là một hành trình khá dài, mình có viết một vài bài giới thiệu sách về tối giản và dọn dẹp ở đây và ở đây. Mình sẽ không viết về việc làm thế nào để vứt đồ và dọn dẹp, hay là các bước dần để trở thành minimalist gì đó nữa, vì có quá nhiều người đi trước viết và diễn đạt đầy đủ lắm rồi, mình sẽ viết về một số quy tắc lớn trong quá trình tối giản của mình nhé. Sau một thời gian hơn một năm theo dõi khá nhiều minimalist và thực hành áp dụng theo thì mình cũng đã dần mường tượng được cái lối sống tối giản phù hợp với bản thân mình nhất, được xây dựng trên mấy quy tắc sau:

  1. Đặt tên và cố định vị trí
  2. Nghĩ về mọi thứ theo một dòng chảy
  3. Giảm tối đa sự lựa chọn trong cuộc sống hàng ngày

Đặt tên và cố định vị trí

Quy tắc này đơn giản như câu tóm tắt ở trên thôi, tất cả mọi đồ đạc, vật dụng, suy nghĩ, vân vân và mây mây đều nên có vị trí của nó, và trừ khi đang được sử dụng, thì nó phải luôn ở đó. Nếu xét tới đồ đạc trong phòng thì phải có chỗ cố định cho chúng, ví dụ cặp sách về nhà thì phải có đúng chỗ của nó. Căn hộ mình ở khá nhỏ và có khu vực bếp và vệ sinh dùng chung với một bạn nữa, nhưng mình vẫn cố gắng chia đồ đạc theo từng khu một cách khá triệt để (chắc sẽ giới thiệu kỹ hơn ở các bài sau). Lấy ví dụ là đôi giày khi mình đi về nhà, mình sẽ xếp gọn lại và đã tập được nó thành một thói quen, để hồi năm ngoái có bữa say vất vưởng về nhà rồi vẫn tỉ mẩn lau giày cho sạch rồi xếp gọn ghẽ quay hướng giày ra ngoài. Nghe thì đơn giản nhưng với mình khá là khó, vì ở Nhật đi lại nhiều, đau chân, về tới nhà là chỉ muốn hất tung giày dép lên trời để tận hưởng cảm giác được giải phóng, chứ ở đó mà lau với dọn (lol). Mấy bạn Nhật cũng toàn chuyên gia về nhà giày đi đằng giày tất đi đằng tất đó thôi chứ mình cũng chẳng ngoại lệ gì, nhưng khi tập được cái này, sáng dậy nhìn thấy đôi giày sẵn sàng cảm thấy được ngay niềm vui nho nhỏ để bắt đầu buổi sáng bước ra ngoài ^^.

Ngoài ra mình có thêm một quy tắc nhỏ hơn là khi đồ vật trả về thì phải được chuẩn bị sẵn sàng cho lần sử dụng tiếp theo. Lấy một ví dụ nữa là đồ đạc đi du lịch, mình hay thích đi chơi mà khi đi đâu vẫn phải mang dụng cụ của mình theo mới được, nhưng mỗi lần chuẩn bị đều rất mất công. Sau này mình đã tập được một thói quen: chia ra làm 2 loại là gói 2 ngày và gói 7 ngày là hai hành trình mình hay đi nhất, trong mỗi gói thì sẽ xếp đủ đồ cho chuyến du lịch 2 ngày và 7 ngày, sau đó mỗi lần đi du lịch về thì sẽ ngay lập tức làm đầy lại túi đó về lại trạng thái chuẩn bị. Ví dụ đi 7 ngày cầm 7 gói dầu gội, nhưng mới chỉ dùng hết 2-3 do xài đồ khách sạn chẳng hạn, thì mình sẽ bổ sung thêm 2-3 gói vô để về trạng thái ban đầu. Lần sau có lẽ rất lâu mới đi du lịch dài 7 ngày, nhưng tới lúc chuẩn bị giở ra đã thấy đầy đủ rồi cảm thấy đỡ được bao công luôn!.

Trên đây là đồ vật, ngoài ra các tài liệu online chẳng hạn, cũng nên có quy tắc riêng cho nó, có vị trí riêng. Có một lối thoát cho mình đỡ lười việc dọn dẹp này là luôn có một khu misc (đồ chưa phân loại). Cái nào chưa phân loại được ngay thì tống vô đây (cả vật lý và files), đây cũng là một cách phân loại, sau đó khi nào có thời gian sẽ từ từ lục ra để chia vào đúng nhóm của nó. Chính vì việc có khu “chưa phân loại” được đặt tên này thì có thể đảm bảo được tất cả mọi thứ đều có nhà riêng cho nó, tránh việc gặp phải quá nhiều thứ không khớp với phân loại sẵn có, dẫn tới bùm luôn hệ thống phân loại ;(.

Nhờ việc có vị trí cho mọi thứ thế này mình có thể nắm bắt được tương đối về những thứ mình đang sở hữu, tránh được việc mua trùng lặp, cũng tránh luôn được việc mua đồ linh tinh do mỗi khi mua sẽ phải nghĩ xem vị trí của nó ở đâu trong không gian và cuộc sống của mình. Sau khi thực hành khá nhuần nhuyễn quy tắc này thì lâu lâu mới phải đi tìm kính :)), hoặc ở xa cũng có thể nhắn cho bạn lấy chính xác một thứ đồ nào đấy ở ngăn thứ mấy góc nào chỗ nào cạnh cái gì chẳng hạn, rồi thì bớt mua sắm vô tội vạ nữa, làm chủ được đồ đạc (thay vì để nó chiếm hết không gian của mình).

Nghĩ về mọi thứ theo một dòng chảy

Thật ra cái này khá liên quan tới quy tắc số 1 của mình, nhưng ở đây nhấn mạnh vào “sự việc” hơn, mặc dù trong khi làm sự việc đó cũng có thể sẽ liên quan đến rất nhiều đồ vật. Nếu nghĩ quy tắc trên là theo không gian thì quy tắc dưới này chính là đặt mọi thứ theo vị trí sử dụng hợp lý. Cụ thể hơn thì chính là cần suy nghĩ về các hoạt động thường ngày của mình theo một dòng chảy nối tiếp, tới mức cực đoan lý tưởng thì có thể xây dựng routine (chuỗi thói quen) cho những khoảng thời gian trong ngày.

Ví dụ cụ thể thì ở đây mình có hình chụp lại một phần trong cái ghi chú mình đang xây dựng về tất cả các đồ mình đang sở hữu. Ý tưởng này là xây dựng lúc ở Việt Nam trong đợt dịch này, do mình vẫn kẹt ở đây chưa sang được Nhật nên cũng chưa thể hoàn thiện được cái ghi chú này, nhưng chắc chắn lúc xong sẽ chia sẻ lên blog này. Quay lại chủ đề đang chia sẻ thì đây là phần mình liệt kê những đồ bao gồm trang điểm và chăm sóc cơ thể, mình chia theo hai dòng chảy: sử dụng buổi sáng và sử dụng buổi tối. Trong đó mình chia thành đơn giản dành cho những ngày vội và phức tạp dành cho những ngày rảnh rỗi. Khi đặt mọi thứ theo dòng chảy này giúp mình có thể nhìn ra ngay lập tức mình đang thiếu cái gì, hoặc thừa cái gì, cụ thể hơn chắc đợi đến lúc ghi chú xây dựng xong rồi sẽ chia sẻ tiếp :D.

Đối với công việc cũng tương tự như vậy, buổi tối mình tạo lập thói quen viết nhật ký, chuẩn bị đồ đạc cho sáng hôm sau, đọc sách rồi đi ngủ chẳng hạn, tất cả đã thành một dòng chảy rồi, thì mình sẽ mường tượng ngay được những thứ mình cần cho quá trình đó, sau đó gom hết vô một hộp, tới khi đồng hồ nhảy báo đi ngủ và định đi ngủ thì lôi hộp đó, xài hết đồ trong hộp là hết chu trình rồi đi ngủ. Nghĩ về mọi thứ theo dòng chảy thế này có thể giản lược được cả về đồ đạc và suy nghĩ.

Giảm tối đa sự lựa chọn trong cuộc sống hàng ngày

Việc giảm sự lựa chọn này khá nổi tiếng khi Mark Zuckerberg và Steve Jobs công bố tủ đồ với một loại áo, và chia sẻ mình dùng cùng một thứ để giảm số lượng quyết định trong ngày. Đương nhiên mình thì không hướng tới một thứ quá cực đoan như vậy, nhưng logic ở đây vẫn tương tự như vậy, khi phải trải qua quá nhiều sự lựa chọn trong một ngày thì năng lực quyết đoán khi đối mặt với sự lựa chọn quan trọng sẽ bị giảm sút gây tới phán đoán không chính xác, chọn nhầm chọn sai.

Có một khái niệm trong tiếng Anh gọi là decision fatigue (tiếng Nhật là 決定疲れ) cần nhắc rõ ở đây, là một khái niệm tâm lý học chỉ việc quá mệt mỏi sau khi phải đưa ra quá nhiều quyết định. Mỗi lần đưa ra một quyết định thì rất dễ hiểu là bản thân cũng phải sử dụng một lượng năng lượng nhất định, và tới khi đã quyết định quá nhiều rồi thì sẽ dễ sai lầm, sẽ không ai muốn vì buổi sáng chọn quần áo mất thời gian quá mà lúc sau chọn cổ phiếu sai lầm đâu nhỉ (lol). Tình trạng này có thể được giảm bớt khi giảm bớt sự lựa chọn, chủ đề này mình có viết giới thiệu 2 cuốn Art of War ở đây và cuốn Organized Mind ở đây.

Lấy ví dụ cho quy tắc này thì có thể quay lại ví dụ mình mới lấy ở mục trên về việc buổi tối chuẩn bị cho ngày hôm sau. Cuối ngày trước khi đi ngủ rồi, sau khi đi ngủ xong não lại tích được nhiều dopamin rồi nên cố gắng quyết thêm được nhiều thứ thì hôm sau bớt phí năng lượng vào mấy cái đó (à lại nhớ có cuốn Why we sleep nói về ích lợi của việc ngủ khá hay, mình đã viết giới thiệu ở đây).

Một ví dụ khác là mình mới dọn lại điện thoại lần thứ n, thôi mình xài nó nhiều giờ trong ngày nên đầu tư cho nó xíu vậy. Trước thì màn hình của mình kín đặc mọi thứ rất kinh dị, điện thoại của mình năm 2017 kinh dị như này, và tới 2019 nó giản lược thành như này và bây giờ 2020 là như hình dưới đây.

Giải thích qua thì áp dụng triệt để quy tắc giảm lựa chọn, khi trên màn hình có quá nhiều thứ bạn sẽ phải đối mặt với n câu hỏi mỗi khi nhìn vào màn hình: chọn folder nào nhỉ? chọn folder xong lại tới chọn phần mềm nào nhỉ? sau đó khả năng cao là bị gây xao nhãng bởi rất nhiều folder khác và/hoặc ứng dụng khác trong cùng thư mục. Sau khi mình giản lược còn thế này thì khi mở điện thoại, mình có 4 lựa chọn: viết ghi chú/ôn tập, đọc báo, học từ mới hoặc các việc khác, tiết kiệm được rất nhiều “sức lựa chọn”. Trong thư mục các việc khác mình đặt những ứng dụng mình chắc chắn một ngày/tuần sẽ bấm vào một lần ở cuộc sống hiện tại, sẽ thay đổi vị trí nếu có ứng dụng ở trang 2, 3 mình hay xài. Ở đây có thể thấy thiếu rất nhiều thứ hay thấy ở trang nhất điện thoại mọi người như: lịch, điện thoại, danh bạ, v.v…, vì mình đã tối giản hết, và giờ cần gì sẽ gọi ra bằng Siri. Như vậy ví dụ khi mình cần đặt báo thức, mình đã nghĩ đến việc đặt báo thức rồi nên chỉ cần truyền đạt y hệt cho Siri: “set me an alarm for 5AM tomorrow”, Siri sẽ giúp mình việc đặt báo thức. Chuyện này tiện dụng hơn hẳn trước đây, phải mở vô thư mục có cái icon báo thức, xong chọn app, chọn giờ, xong ở đó lại có lựa chọn về nhạc chuông, thế là lại phân tán đi chọn nhạc chuông rồi cài đặt snooze này nọ, tốn tới vài phút trong khi cách mới này chỉ cần vài giây.

Viết tới đây cũng khá dài rồi, sau khi viết xong, diễn đạt được những quy tắc của mình thành lời thì bản thân suy nghĩ của mình cũng cảm thấy thoáng hơn khá nhiều, hi vọng có thể duy trì được những việc này lâu dài, hoặc tìm được cách thích hợp để dung hoà với cuộc sống của mình một cách thoải mái nhất. Nếu bạn cũng có quy tắc hay ho hoặc suy nghĩ nào về chủ đề này thì nhớ chia sẻ cho mình nghe với nhé :D!

2 Comments

Leave a Reply

%d bloggers like this: