Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei – Higashino Keigo

Câu chuyện mở ra bằng hình ảnh Kiryu Eriko cải trang thành bà lão 70 tuổi để đột nhập vào lữ quán, chuẩn bị cho ngày công bố di thư liên quan đến việc thừa kế khối gia sản đồ sộ của ông Ichigahara Takaaki. Cô một mực đòi ở căn phòng Inoichi, cũng chính là căn phòng đã xảy ra vụ hoả hoạn chết người cách đó nửa năm, và ngay đêm đầu tiên cô ở đây cũng có án mạng xảy ra, phải chăng ngọn lửa chết chóc từ nửa năm trước vẫn đang nhen nhóm chờ đợi bùng cháy đâu đây?

Cuốn này chắc thuộc dòng trinh thám kinh điển, hay ở chỗ được viết dưới ngôi thứ nhất nên tâm lý và biến chuyển của nhân vật cũng được khắc hoạ một cách rất rõ nét. Tương tự như những cuốn khác của Keigo, chi tiết hay và đắt giá vẫn được đưa xuống cuối cùng, vẫn là nghệ thuật sử dụng không gian và thời gian xen kẽ tài tình như rất nhiều cuốn khác nên đọc cảm thấy rất hút. Đây cũng vẫn là một câu chuyện cùng motip: tất cả mọi người ở trong một khu vực kín, vài vụ án mạng diễn ra và các mối quan hệ bắt đầu chồng chéo, tới đoạn kết thì lật ngược lại mấy chỗ hơi rối, nhưng tựu chung lại là một tác phẩm trinh thám kinh điển rất đáng để đọc. Nhân vật được xây dựng phức tạp vừa đủ, số lượng nhân vật “làm nhiễu” cũng vừa phải, mẹo phá án đủ để bất ngờ, cũng không quá khó hiểu để nắm bắt, nói chung là một tác phẩm khá trọn vẹn.

Nếu không xét cuốn này viết từ năm 1994 thì sẽ thấy vài điểm vô lý có thể tạm nhắm mắt cho qua nhưng nếu soi thì đọc cũng hơi bực mình. Đơn giản và không tiết lộ nhiều nội dung truyện thì nhân vật ngôi thứ nhất năm nay hơn 30 tuổi, cải trang thành bà già 70 tuổi mấy ngày liền mà không ai phát hiện ra, kể cả thanh tra lâu năm, tóc giả và kỹ nghệ makeup có phần hơi xịn quá, đường đi của nhân vật không rõ ràng, biến chuyển tâm lý của nhân vật nam hơi khiên cưỡng và ngoặt gấp. Động cơ của chị nữ chính cũng hơi bị ảo, và cũng vẫn như nhiều nhân vật nữ khác trong truyện của Keigo, chả ai bình thường và được kết cục tốt đẹp cả =)).

Không muốn tiết lộ quá nhiều nội dung, nên ở đây chỉ nói thêm một chút về vài câu chuyện bên lề. Cuốn này mình chưa đọc bản tiếng Nhật, nhưng bản tiếng Việt dịch làm mình có vài chỗ hơi khúc mắc, có một số chỗ là văn hoá Nhật mình hi vọng bạn dịch có thể chú thích nhiều hơn để những ai không rõ văn hoá cũng có thể hiểu được chẳng hạn, hoặc có một số chỗ không thoát ý: ví dụ hình ảnh kiệu vàng là lấy nhà giàu này, hay như lý do nhà trọ này có tên là Kairoutei, cũng chỉ giải thích do kiến trúc chứ không cắt nghĩa chữ trong tên Kairoutei, hoặc tại sao nhân vật nữ chính lại xúc động khi được gọi bằng tên (ở Nhật thì chỉ rất thân mới được gọi bằng tên, đặc biệt là nếu khác giới nữa thì chỉ có người yêu mới gọi tên thôi), hoặc có chỗ kêu “người yêu” xong mọi người xung quanh thấy lạ (không biết gốc có phải là “người tình” nên xung quanh thấy lạ không nhỉ?). Hơn nữa mình không hiểu sao không có sơ đồ hình ảnh để dễ tưởng tượng, vì trong truyện có một vài đường di chuyển từ phòng này qua phòng khác trong lữ quán, cộng với có mẹo nhỏ ở phần di chuyển này, theo như đọc Conan lâu năm thì sẽ có một cái sơ đồ xong vẽ hướng đi thì người đọc dễ tưởng tượng hơn, mà rõ ràng tìm thử trên mạng thì bản tiếng Nhật có sơ đồ, không hiểu sao bản Việt thì cắt mất nữa…

Nguồn: https://ameblo.jp/tokoya-tenchou/entry-12571885818.html

Theo comment của bạn Sarochan mình đã đi kiếm thử trên bản phim xem sơ đồ thế nào, thì thấy sơ đồ ở dưới (khu hành lang は có số phòng ngược lại), chắc đây mới là đúng rồi :)).

Cuốn này vừa ra mình đã chạy ra Nhã Nam để mua ngay rồi đọc xong và viết review luôn, đọc cảm thấy khá thoải mái kiểu thư giãn vì nó không quá nặng nề, yếu tố trinh thám đủ đúng tinh thần Keigo như trong mấy cuốn của serie thám tử Yukawa, không quá nặng xã hội hay tình cảm, không bị dằn vặt quá, fan Keigo và trinh thám không nên bỏ qua, nói chung là ổn ^^!

Đánh giá chung:

Rating: 3 out of 5.

7 Comments

  1. Hi bạn, mình tình cờ đọc được bài cảm nhận này và thấy phần cảm nhận có tâm ghê 😀 Ban đầu đọc mình cũng không chú ý lắm tới tên các phòng, nhưng khi xem sơ đồ phía trên mình lại có hơi nhiều thắc mắc liên quan đến tên các phòng, thứ tự phòng trong truyện. Mình thấy sơ đồ trên hơi sai sai thì phải, phòng của Yuka nên ở phía khu vườn có hồ thì đúng hơn. Và còn phòng của Yuka là Hanosan, nhưng đoạn Kiriyu hỏi Kanae đoạn gần cuối thì lại là phòng Hanosan hôm xảy ra hỏa hoạn là phòng trống. Đoạn này không biết có nhầm lẫn gì không nhỉ?

    1. Bạn đọc được tiếng Nhật đúng ko, ở trong link bài mình đăng bạn đó cũng thắc mắc y hệt thế, đúng là có lỗi chỗ đó thật, nếu Yuka ở Hanosan thì phải vòng cả qua hành lang (Ở 1 hay 2 phía hồ như bạn nói sẽ hợp lí hơn thật).

      Bạn hỏi hay quá mình cũng mới giở lại truyện coi, theo mô tả là Yuka đối diện Naoyuki, còn Takehiko ở bên cạnh (chắc là cạnh Yuka?) (p.260) thì sơ đồ bị lộn tên chỗ phòng 1 với 3, nếu phòng 1 bây giờ tên đúng là Hanosan thì hợp lí với phần viết là hôm hoả hoạn thì phòng này trống :/, tiện chạy qua.

  2. Lúc bạn mới thấy là sai mình cũng thoáng nghĩ giống bạn hay là sai nên mới cắt sơ đồ, nhưng mình nghĩ nguyên tắc dịch thì có sao phải bê nguyên vậy chứ, hoặc cắt bớt thì phải chú thích lý do đầy đủ, dịch giả nhiệm vụ chính là chuyển ngữ chứ đâu phải kiêm biên tập cho bác Higashino Keigo luôn đâu :)).

    Ngại quá fan trinh thám nhưng mấy cái sơ đồ này mình dốt nên đọc không thấy sai, cảm ơn bạn đã dẫn chứng cụ thể :)).
    Nghĩa là theo đúng truyện thì Naoyuki và Takehiko phải ở cạnh nhau, và Takehiko ở đối diện với phòng Yuka, Yuka phải ở mé bên hồ để tiện đi lại nhỉ, thế thì cả sơ đồ này và phần viết tiếng Việt đều quá rối rồi 🙁

    Cái này có cả phim nữa, bạn tham khảo coi thử phim xem có sơ đồ giải thích không :)), khi nào rảnh mình cũng sẽ coi thử xem sao.

    //edit: mình đã tìm phim và thấy sơ đồ, update trên kia rồi đó, đúng như tụi mình đoán là nó phải lật ngược lại mới đúng…

    1. Phim này mình cũng xem qua rồi, nó có một số thay đổi so với truyện đó (cách thức chạy trốn của Maho, phòng ở của Takehiko,…), có phần hợp lý hơn so với sơ đồ trong bản truyện tiếng Nhật. Và mình cũng có xem qua bản truyện tiếng Trung (về tên phòng) thì những chỗ mình thắc mắc trong bản dịch tiếng Việt cũng được giải đáp, mình nghĩ 90% là dịch thuật hoặc biên tập có sai sót 😀 (nếu xem được bản Nhật thì sẽ tốt hơn). Giờ thì mình cũng có lòng tin tưởng cái sơ đồ trong truyện và tự nhủ rằng có một lối đi gần nhất nào đó ở phía hành lang để vào vườn :))

      À về động cơ của nữ chính thì mình nghĩ, ngay từ lúc bị bóp cổ cô ấy đã biết được Jiro kia đã lừa cô ấy, vì bị lừa tình nên đem lòng căm hận và tìm cách trả thù. Bởi một người như nữ chính, rất yêu JIRO mà bị phản bội thì đúng là sẽ có tâm lý trả thù như vậy. Lên kế hoạch để tìm được kẻ tòng phạm rồi trả thù và kết thúc tất cả. Còn Jiro kia thì, có những phân đoạn 2 người gặp nhau trong lữ quán cũng có một chút hint để biết được cô ấy sợ và hận đến thế nào.

  3. Bạn biết cảm nghĩ của mình khi đọc xong dòng cuối là gì không? (Hơi spoiler chút xíu nên các bạn chưa đọc sách đừng xem comment của mình)… Nhân vật TÔI đang ngồi thuật lại, hay viết lại câu chuyện này vào thời khắc nào, khi cảnh cuối TÔI đang chìm dần vào… cõi khác. Mình chỉ lấn cấn mỗi chỗ đó, còn lại thì rất enjoy quyển này, haha

Leave a Reply

%d bloggers like this: