Bí quyết thi HSK6

Hết nợ với tiếng Trung rồi hú hú!!!!!

Con đường tiếng Trung của mình rất trắc trở, tại chẳng đi học theo trường lớp nào, cũng chẳng đi ôn gì lại không bị ép buộc phải học nên cứ lười lười, cuối cùng đợt vừa rồi 12/7 đã thi được HSK6 rồi, thế là từ nay bai bai em tiếng Trung, bớt được một cái nợ canh cánh trong lòng hehe.

Kết quả của mình như bảng dưới đây ^^ không quá cao nhưng mình cảm thấy vô cùng mãn nguyện rồi. Kỳ thi HSK là kì thi năng lực tiếng Trung (giản thể) phổ biến nhất, được chia thành 6 cấp từ HSK1 (sơ cấp) tới HSK6 (cao cấp). HSK6 có ba phần nghe đọc viết, mỗi phần 100 điểm, tổng là 300 điểm, trên 180 điểm là đỗ, không tính điểm liệt (đối với ai dùng để đi nộp học bổng thì có thể sẽ có thêm yêu cầu các môn đều phải trên 60 điểm), chi tiết hơn về kỳ thi này mình đã giới thiệu ở đây. Điểm màu xanh bên phải là điểm trung bình của các bạn thi cùng kỳ với mình trên toàn thế giới, chứng tỏ mình vẫn ở nửa bên điểm cao của phân phối điểm thi, mừng quá :”D.

niềm hạnh phúc nhỏ bé :”)

Sau phần ăn mừng nhảy múa thì tới nội dung chính của bài viết này là mình muốn chia sẻ một số bí kíp thi, về nguyên tắc thì đáng ra mình phải chia sẻ nhiều hơn về quá trình ôn thi, nhưng quả thực là lần này mình quá lười nên không ôn gì cả mà đã đi thi… nên không chia sẻ được gì thêm. Một số kế hoạch siêu phàm mình đã từng vẽ ra ở đây, đâyđây, mình tự đánh giá là kế hoạch rất tốt nhưng có lẽ không hợp với người lười như mình…

Nói qua chút về hành trình học tiếng Trung của mình thì mình hoàn toàn tự học, kiến thức nghiêm túc sách vở thì chắc có 6 quyển tiếng Trung mình đã tóm tắt ngữ pháp ở đây: quyển 1, quyển 2, quyển 3, quyển 4, quyển 5, quyển 6, sau đó thì đi thi HSK4 đỗ hồi cách đây rất lâu rồi, cũng không học thêm tử tế gì. Tuy nhiên, mình sử dụng tiếng Trung khá nhiều, có một bạn ̶n̶̶g̶̶ư̶̶ờ̶̶i̶ ̶y̶̶ê̶̶u̶ ̶c̶̶ũ̶ mình rất thân cũng hay nói chuyện bằng tiếng Trung, rồi đi làm thêm ở quán nhiều người Đài, mình dạy các bạn ấy tiếng Nhật, các bạn ấy dạy ngược lại mình tiếng Trung nữa nên dần dần đọc được cả phồn thể và giản thể mà không bị sợ. Chuẩn bị cho kỳ thi HSK6 lần này mình sẽ nói qua theo 3 phần nghe đọc viết. Phần đọc thì mình đọc khá nhiều báo tiếng Trung, rồi weibo rất hay lượn lờ đọc tin minh tinh này nọ, cũng thỉnh thoảng sẽ đọc một cuốn tiểu thuyết tiếng Trung nên đọc có lẽ lên kha khá. Phần nghe thì mình hay coi phim có phụ đề tiếng Trung, còn có đam mê là xem show giải trí của Trung Quốc (chắc sẽ có bài giới thiệu riêng) nên tới lúc đi thi thì trình cũng lên tạm tạm so với trước rồi. Phần mà mình lo lắng nhất là phần viết vì bình thường ít khi viết tiếng Trung, lại còn hay lẫn phồn thể và giản thể với cả chữ Hán của tiếng Nhật, nên sau khi đăng ký thi đã mua một cuốn viết ở bên trường Đại học Hà Nội về để lên tinh thần (Kết quả là tới sát hôm thi vẫn chưa đọc, 12 thi định 11 đọc thì ngay trước đi thi tụi bạn tốt rủ đi ăn sushi nên …) Đấy nói chung về cơ bản là không ôn gì, nên thi mà được điểm thế này hoàn toàn dựa vào bí kíp khi thi :)).

🙌

Kỳ thi HSK6 như mình đã nói ở trên có 3 phần khác nhau, do lười học nên mình đã dành hẳn 1 tiếng ngay trước kì thi để tính chiến lược thi, áp dụng và may mắn là khá thành công (nếu không thành công thì bài viết này đã vào thùng rác chứ không ở đây đâu :”) ).

Trước tiên là phần nghe, phần nghe của HSK chia thành 3 phần: 1, 2, 3.

Phần 1 có 15 câu hỏi ngắn với 4 lựa chọn, trước khi bắt đầu phần này thì có khoảng 1 phút để kiểm tra loa thử loa các kiểu, nên nên đọc trước và hiểu rõ các đáp án, nếu được thì dự đoán thử nội dung đại khái sơ lược của bài nghe, khi nghe có chuẩn bị sẽ dễ bắt đúng nội dung hơn. Phần 1 này lướt qua rất nhanh nên lúc nghe phải cẩn thận kẻo chỉ cần 1s lơ là là sẽ bay luôn đáp án. Thường câu này sẽ rất đánh đố nên không chắc những chữ xuất hiện trong phương án trùng với những chữ nghe được đã là phương án đúng, cần hiểu thật rõ câu hỏi và nắm ý chính đoạn hội thoại chứ đừng cố gắng bắt từng từ một.

Phần 2 có 3 đoạn hội thoại, mỗi đoạn tương ứng với 5 câu hỏi. Do số lượng câu hỏi rất nhiều nên cố gắng đọc lướt qua tất cả các đáp án trước là không thể, cách mình làm là đọc đáp án số 1 của tất cả các câu, sau đó ước lượng thật nhanh câu hỏi của đáp án đó sẽ là như thế nào. Thường những câu cuối cùng sẽ hỏi về tiêu đề bài nói, hoặc ý tổng quát chính này nọ, nên nếu không kịp thì phân bố thời gian lướt nhanh đáp án 1 của 4 câu trên, để đến lúc nghe trúng vào phần đó thì biết được chính xác vị trí. Ở phần này thì có hai dạng dễ gây sai sót là lỡ mất một câu thì sẽ dễ lỡ các câu tiếp theo vì không biết đang nghe đến đâu, và chọn đáp án trước khi nghe câu hỏi dẫn tới bị sai cơ bản (ví dụ câu hỏi hỏi đáp án nào sai, mình lại chọn đáp án đúng). Cách phòng tránh là phải xem trước được càng nhiều càng tốt, sau khi đoán được sơ qua nó sẽ ở đoạn nào thì tập trung nghe ở đó, và phải nghe được một vài đáp án để quyết định phương hướng rồi mới chọn, tránh trường hợp bắt được một đáp án chọn luôn, tới lúc câu hỏi hỏi ngược lại thì không kịp vãn hồi rồi.

Phần 3 cũng tương tự phần 2, nhưng nội dung phức tạp hơn vì là đoạn văn nhiều từ mới, nhưng vì là đoạn văn nên kết cấu sẽ dễ theo dõi hơn phần 2 rất nhiều, chú ý phương pháp như trên và cẩn thận kẻo sót câu, nếu không thấy nhắc tới câu mình đang theo dõi thì phải lập tức ngó xuống câu dưới xem.

Tiếp tới phần đọc, phần đọc cũng chia thành 4 phần 1, 2, 3, 4; càng về sau càng dài và phức tạp. Sức tập trung của mình không cao nên quyết định sẽ làm từ phần khó trước, lộn từ phần 4 trở về ngược lại. Khi làm ngược kiểu này thì dễ không khống chế được thời gian nên mình cố gắng phân bố thời gian sát sao, cụ thể là phần này có 50 câu trong 50 phút thì thời gian cho một câu không được quá 1 phút.

Phần 4 là chọn đáp án trả lời cho cho các câu hỏi về một đoạn văn, có 20 câu hỏi tương ứng với 4 đoạn văn. Như ở trên có nói thì cả phần đoạn văn này mình cố gắng hoàn thành trong vòng 20 phút, tức là với mỗi đoạn mình chỉ có 5 phút vừa đọc vừa trả lời. Mình có hai cách làm, một là với đoạn văn nào chủ đề có vẻ quen thuộc hoặc tương đối ngắn thì mình sẽ dành 2 phút để đọc lướt, nắm ý từng đoạn, sau đó đọc câu trả lời, trả lời xong rà soát lại đối với đoạn văn; cách thứ hai là đối v ới đoạn dài phức tạp nhiều chữ ngại đọc thì mình sẽ tìm từ câu hỏi trước, khoanh vùng đúng đoạn hoặc 1-2 câu cần đọc và đọc đi đọc lại để trả lời câu hỏi.

Phần 3 là điền câu vào đoạn văn trống, có 10 câu tương ứng với 2 đoạn văn. Phần này khá dễ ăn điểm, phương pháp nhỏ là chú ý tới các đại từ liên kết và chủ ngữ của câu, nhiều khi đọc lên nghĩa tiếng Việt khá sát, nhưng phải quan tâm đến cả ngữ pháp mới có thể chọn được phương án chính xác nhất.

Phần 2 có 10 câu điền từ vào các đoạn văn. Phần này mình làm bằng cảm giác là chính, thường thì sẽ không biết hết được tất cả các từ, nhưng có những từ mình biết thì rất chắc chắn về từ loại và nghĩa nên có thể loại trừ được các phương án khác. Với bài tập này nên nhìn nhanh từ theo cột (những từ cùng vị trí), xem vị trí nào mình chắc chắn được nhất thì chọn trước, sau đó loại trừ vài phương án thì sẽ chọn dễ hơn.

Phần 1 có 10 câu tìm câu có lỗi sai. Phần này thì đáng ra nên đọc trước sách và nắm vững ngữ pháp, nhưng ngữ pháp mình siêu yếu nên không kịp làm gì hết, trước khi đi thi có lên wenku baidu tìm một tài liệu siêu cơ bản về chữa lỗi cho câu, sau đó rút ra được vài lỗi phổ biến, còn lại là dùng cảm giác để đoán, nên chắc phần này là sai nhiều nhất. Có thời gian hơn thì chắc là sẽ tốt hơn, nhưng theo tổng kết sơ thì có vài lỗi nên xét ngay từ đầu là: câu có thiếu chủ/vị/bổ ngữ (nếu cần) hay không, trạng thái chủ động/bị động hoặc chủ ngữ có tương xứng hay không, một số cấu trúc quen thuộc với 是 有 把 có hợp lí hay không, từ loại hoặc ý nghĩa từ sử dụng có hợp lý không? Về cơ bản lỗi sẽ thuộc mấy loại trên nên cứ nhìn một lượt là quen.

Cuối cùng là phần viết, mình có mua cuốn 21 ngày luyện viết có vẻ cũng khá nổi tiếng, mình đọc qua cũng thấy rất hay nhưng (again) lười nên chỉ rút ra 2 điểm chú ý cho ngày thi, và ngày thi cũng là lần đầu tiên mình viết bài HSK6 haha. Ở phần viết này thì bạn sẽ đọc một đoạn văn dài khoảng 1 trang – trang rưỡi, sau đó tóm tắt lại bằng từ ngữ của mình trong vòng khoảng 400 ký tự. Chú ý là tất cả phải do bạn nhớ, không được dùng nháp để ghi chép, hôm thi mình còn ghi chép ra giấy tứ tung, sau đó tới lúc bắt đầu viết thì bị giám thị thu giấy… Hai điểm chú ý cho bài thi thì có một là, phải hiểu đoạn văn tổng nói gì, thường sẽ là một bài học triết lý nào đấy, thì phải nắm được điểm này và đặt cho bài viết một cái tên; hai là chú ý tới các chi tiết: người-thời gian-địa điểm-nguyên nhân-diễn biến-kết quả. Điểm chú ý thứ hai này khá quan trọng, vì trong bài viết có một số tên riêng, nếu đọc lướt rất dễ quên nên mình để tâm nhớ mặt chữ cho các tên riêng này, sau đó là tóm lược sự việc theo hướng ba phần nguyên nhân diễn biến kết quả, đến lúc viết lại cũng rất rõ ràng rành mạch theo logic đó là được.

Hi vọng mấy chia sẻ của mình có ích với ai đó cũng đang vật vã vì kỳ thi này, chúc mọi người thi tốt ^^!

4 Comments

  1. uầy. ko học gì mà đỗ điểm cao quá. anh thấy cách học thông qua báo đài tin tức cũng hợp lý. huống hồ đây là học ngôn ngữ thì càng va chạm nhiều càng tốt nó sẽ nhớ lâu hơn. chúc mừng em nhé ^^

  2. trời đất. đạt trình độ Advance ở cả 3 thứ tiếng Anh, Nhật, Trung. Bạn thật giỏi. Cảm ơn b đã chia sẻ kinh nghiệm học cho mình

  3. Giỏi quá đi thôi! Mình cũng đang mò mẫm làm quen với tiếng Trung, dù biết là không dễ dàng gì nhưng sẽ cố gắng để một ngày nào đó có thể đạt được đến trình độ này (có khi chục năm nữa vẫn chưa được nữa không chừng hihi)!

Leave a Reply

%d bloggers like this: