Bàn phím cơ là gì? Tại sao nên mua

Đa cấp tới đây…

Thật ra hồi trước tự dưng một đêm mình mất ngủ nên tìm kiếm thử bàn phím cơ, sau đó nghiện luôn và hai hôm sau đó đã ôm một em về, dùng tới giờ đã được hai tháng và cảm giác vô cùng mãn nguyện, nên tiện thể ở đây chia sẻ cho mọi người về em bàn phím này một chút hehe.

Điểm khác biệt lớn nhất của bàn phím cơ so với bàn phím thông thường là bộ phận tiếp nhận sự nhấn phím. Ở bàn phím thông thường (rubber dome) thì bộ phận này là một miếng cao su, nhiều khi nối liền cả bàn phím, nên có nhược điểm là không có cảm giác bấm êm, tốc độ nhận phím tương đối chậm. Ai mà xài bàn phím cũ ở ngoài quán net thì chắc cũng từng có trải nghiệm bấm A mà chữ S bên cạnh cũng nhận luôn rồi nhỉ, đó là do miếng cao su nhiều khi bị dính kẹp nhau, rồi có những nút phải ấn mạnh hơn hẳn các nút khác thì mới nhận nữa. Đối với bàn phím cơ thì mỗi phím đều có một “bộ máy” riêng ở bên trong với lò xo kim loại (gọi là switch) cho trải nghiệm gõ ưu việt hơn.

Phần quan trọng nhất ở bàn phím cơ là switch, có các loại khác nhau như hình dưới. Hồi chọn phím này mình mất cả tiếng đồng hồ lên youtube để nghe tiếng từng loại, cái này hoàn toàn là do sở thích của từng người thôi. Thường thì sẽ phân loại theo 3 dòng: Linear, Tactile và Clicky. Linear thì như tên gọi (ví dụ như Red switch) thì sẽ đi đúng đường thẳng, không có mấu dừng, bấm phím sẽ cảm nhận được phím đi thẳng xuống dưới. Phím này cũng khá nhẹ, tiếng động nhỏ nên hay được giới thiệu cho dân văn phòng. Tactile thì khi gõ sẽ gặp một cái mấu nhỏ phản hồi lại lên tay mình, đây cũng là thời điểm mà bàn phím ghi nhận phím bạn vừa nhấn. Loại điển hình cho cái này là Brown (loại mình mua) thì tiếng nghe khá đằm và phím cũng nặng hơn Red một chút. Clicky thì ngoài việc phản hồi lại mỗi phím bấm thì còn có thêm tiếng “cách” trả lại nữa, loại phổ biến nhất là Blue switch. Ngoài ra ở bảng dưới còn mấy khái niệm khác: actuation force là lực tác động tới điểm nhận phím, key travel là khoảng nhún của phím.

dhfymqp
Các loại phím cơ bản

Ở hình trên thì ngoài switch cơ cơ bản thì còn có topre là Capacitive non-contact switch (công tắc điện dung không tiếp xúc), đại loại là lai giữa switch cơ với membrane cơ bản (vừa có rubber vừa có ring) nên gõ vừa nhẹ lại vừa nhận chuẩn. Phím này mắc lắm nên mặc dù gõ thử ké rất thích nhưng vẫn chưa đủ can đảm để cắn răng mua.

Sau khi biết sơ về bộ máy thì yếu tố tiếp đến cần lưu ý là kích cỡ của bàn phím. Bàn phím thông thường đầy đủ (fullsized) thì sẽ có cả phím di chuyển và bàn phím số (numpad) ở bên cạnh, nhưng ngoài ra còn rất nhiều kích cỡ khác, có thể tham khảo hình ở dưới rất rõ.

Nguồn: https://switchandclick.com/2020/03/20/the-ultimate-guide-to-all-keyboard-sizes-full-tkl-75/

Mình có người bạn xài phím 40% nhìn rất gọn rất đẹp, nhưng lúc gõ số với ký hiệu thì hơi dị chút xíu, ngoài ra ví dụ 60% thì không có phím mũi tên hoặc phải từ tenkerless trở lên thì mới có numpad, mỗi bàn phím đều có cách bố trí phục vụ mục đích khác nhau nên phải tính rõ xem định dùng bàn phím nào để mua kích cỡ phù hợp. Bản thân mình không dùng phím numpad quá nhiều, nhưng lại rất cần phím mũi tên di chuyển nên mình dự kiến mua 60% hoặc 65%, kích cỡ nhỏ gọn tiện mang vác nhưng vẫn đủ chức năng.

Tiếp tới thì có một cái đặc biệt của bàn phím cơ là có thể thay nắp phím (keycap), và nếu thay được nắp hịn thì cảm giác gõ sẽ lại được cải thiện thêm lên một tầng cao mới. Loại thì cũng có nhiều, nhưng hay thấy nhất là ABS và PBT. Nhựa ABS thì nhược điểm là gõ một thời gian sẽ bị bóng, dễ bay chữ, điển hình là bàn phím của Macbook là dùng loại nhựa này, máy cũ của mình gõ khoảng vài năm thì bay mất vài phím, phím nào cũng bóng bóng thành vệt đầu ngón tay nhìn rất mất thẩm mỹ. Nhựa PBT thì bề mặt nhám hơn, tiếng đục hơn nhưng dễ vỡ, mình đã từng thấy có anh bạn mình đăng hình phím PBT vỡ tan do gõ quá khủng… Hiện tại thì mình mới coi như nhập môn bàn phím cơ nên phím có sao xài vậy, hiện tại là ABS, khi nào mờ bóng như bàn phím mac cũ thì sẽ xem xét đổi lên PBT ^^.

Ngoài ra thì lúc biết tới bàn phím cơ xong đi lượn một vòng mới biết thêm có cái gọi là artisan keycap (phím nghệ thuật). Ví dụ như có phím do người Việt làm với hình ảnh Vịnh Hạ Long như ở dưới, nhìn đã thấy siêu nghệ thuật rồi, phải cái giá hơi đắt xíu thôi. Mình thích cách bàn phím cơ của mỗi người khác nhau có thể tự tạo ra cá tính riêng cho mình bằng cách thay đổi một số phím như thế này :D. Thú chơi phím này ở Nhật có vẻ cũng khá phát triển, mình đã bookmark được cửa hàng yushakobo này ở đây để khi nào rảnh tới ngó xem sao.

Nguồn: https://drop.com/buy/the-eye-key-mini-scene-artisan-keycap-ha-long-bay/photos#photos

Bàn phím của mình mua là Keychron K6 (mới ra được mấy hôm về VN là mình mua luôn, siêu may mắn). Lý do mình chọn bàn phím này là có switch brown đúng tiếng mình thích, phím có hiển thị của mac và kết nối được luôn không cần cài đặt thêm gì, có kết nối dây và kết nối không dây (mình thường dùng không dây hơn, và do chỉ gõ chữ chứ không chơi game nên không quá quan ngại về độ trễ của phím). Sau trải nghiệm hơn tháng thì cảm thấy vô cùng hài lòng với bàn phím này, hi vọng em ấy sẽ đi cùng mình thêm nhiều năm tháng nữa ^^. Kết bài là video mình nghịch quay thử đang gõ bàn phím này, lúc nào cũng để đè lên bàn phím butterfly của mac (haha). Đấy từ hồi mua cái bàn phím này là chăm viết blog hơn hẳn…

thứ lỗi máy quay rung theo nhịp quạt…

3 Comments

  1. sau này mà em lên level chơi custom keycaps thì chắc tốn tiền lắm đấy.
    cái key halongbay kia đã tầm 50 đô rồi =))

Leave a Reply

%d bloggers like this: