Factfulness – Hans Rosling

Cuốn này là cuốn sách hay nhất của mình năm 2018 (̶m̶̶à̶ ̶t̶̶ớ̶̶i̶ ̶g̶̶i̶̶ờ̶ ̶2̶̶0̶̶2̶̶0̶ ̶m̶̶ớ̶̶i̶ ̶v̶̶i̶̶ế̶̶t̶ ̶v̶̶ề̶ ̶n̶̶ó̶̶.̶̶.̶̶.̶).

Cuốn này có tên đầy đủ là Factfulness: Ten Reasons We’re Wrong About the World–and Why Things Are Better Than You Think: 10 lý do chúng ta hiểu sai về thế giới, và tại sao mọi thứ đang tốt hơn bạn tưởng. Cuốn sách đề cập đến 10 bản năng, hay lỗi tư duy mà chúng ta gặp phải khi đọc dữ liệu, dẫn tới hiểu nhầm sâu rộng về tình hình hiện tại của thế giới: thực ra nó không tồi tệ như những gì chúng ta suy tính.

Cuốn sách mở đầu bằng một bài kiểm tra khá vui cho thấy việc hiểu nhầm tình trạng đang trầm trọng như thế nào.Ở bài kiểm tra ấy có những câu hỏi kiểu như: ở những nước thu nhập thấp thì tỉ lệ học sinh nữ học hết cấp 1 là bao nhiêu phần trăm? A. 20, B. 40, C.60. Nghe mấy câu này mình đều có xu hướng chọn số nhỏ nhất, nhưng đáp án cho câu này là C.60. Một điều bất ngờ khác là ổng đã đưa bài kiểm tra này cho rất nhiều tầng lớp khác nhau: học sinh, giáo viên, nhà báo, v.v… thậm chí cả những nhà nghiên cứu nhưng kết quả nhận về chỉ dưới 10%-20% số người trả lời đúng, tỉ lệ này còn thấp hơn khi cho tinh tinh (chimpanzee) đi trả lời vì tỉ lệ đúng của chúng sẽ tiệm cận với 33% lol.

Tại sao con người, thậm chí là những nhà nghiên cứu với kiến thức sâu rộng, lại hiểu sai như vậy, mà đây là sai một cách vô cùng hệ thống, là do những bản năng tác giả nêu ở dưới đã làm ảnh hưởng tới các phán đoán này.

Kiến thức và ví dụ trong cuốn này khá nhiều và rộng, mình ghi chép lại một chút ở mỗi chương như dưới đây (tên tiếng Việt do mình tự dịch).

The Gap Instinct (bản năng lưỡng phân)

Theo bản năng này thì con người thường nghĩ về thế giới theo hướng lưỡng phân (dichotomy) tức là chỉ có hai thái cực, ví dụ như giàu và nghèo, hay ví dụ trong sách là nước đang phát triển và nước phát triển. Thực ra phần lớn số người trên thế giới nằm ở khoảng giữa giàu và nghèo, và phần lớn số quốc gia nằm ở giữa mức đang phát triển và phát triển, nên nếu muốn nhận định đúng về tình hình thế giới thì phải chú ý tới phân khúc ở giữa đó thay vì hai cực. Ngoài ra thì cách thể hiện biểu đồ khác nhau, có thể do dụng ý của người tạo biểu đồ, cũng ít nhiều làm thay đổi cách chúng ta nhận định một cách sai lầm về “khoảng cách” giữa các phân loại.

Để tránh cái này thì phải chú ý quan tâm tới thứ gì chiếm đa số, thay vì để ý đến điểm cực đại cực tiểu để có cái nhìn phản ánh được bộ phận lớn hơn

The Negativity Instinct (bản năng tiêu cực)

Lúc nào cũng nghĩ thế giới đang tồi tệ đi, chẳng qua là do lượng tin tức tiêu cực mà chúng ta phải nghe hàng ngày. Ví dụ như đợt này tin tức covid có quá nhiều ở khắp mọi nơi, ngày nào cũng có thể thấy được những tin kiểu nước nào ở đâu đang tăng bao nhiêu ca, nhưng bẵng đi một thời gian khi quốc gia đó kiểm soát được dịch bệnh rồi thì lại không thấy tin đâu nữa, và còn lại trên mặt báo chỉ đầy rẫy những tin tăng làm chúng ta có ảo tưởng là số ca bệnh đang tăng ở tất cả mọi nơi.

Ngoài lề chút thì có cái tương tự này là feedback khi đi ăn ở nhà hàng, thường có điểm gì khó chịu hoặc cực kỳ bực mình thì người ta mới hay viết, nên nhiều khi cái feedback đó không phản ánh được hoàn toàn độ hài lòng của khách hàng, mà còn dễ dẫn tới stress cho chủ quán vì đọc đâu toàn mấy cái chê bai. Mình đi ăn mà thấy ngon thì thỉnh thoảng thấy giấy sẽ ngồi viết khen quán, khen món để có gì ai đọc thì cân bằng cảm xúc, đọc xong đỡ bị tiêu cực quá :D.

Lời khuyên ở đây là không nên quá bất ngờ khi thấy tin xấu, và nghe thấy tin xấu thì phải tự hỏi mình xem nếu tin tốt ngược lại thì có tới được đến mình không hay bị gì đó cản trở. Tin xấu nhiều khi cũng chưa chắc đã xấu hẳn, chẳng qua do quan sát tốt hơn, hoặc đã bị làm sai lệch do tâm trạng/tình cảm của người tường thuật.

The Straight Line Instinct (bản năng đường thẳng)

Con người thì có một bản năng nữa là sẽ dựa trên trực giác để suy đoán về những gì mình không nhìn thấy, và ở đây là cứ nhìn thấy đường thẳng thì sẽ nối tiếp đường thẳng đó dài ra, nhưng trên thực tế biểu đồ ngoài đường thẳng còn rất nhiều đường khác. Ví dụ mà bác ấy nhắc mọi người nhớ là mấy đứa trẻ hồi dưới một tuổi thì phát triển như thổi, nhưng sau đó tốc độ chậm dần lại, nên có thể thấy ngay biểu đồ phát triển của một người từ lúc sinh ra sẽ không phải là một đường thẳng mà là một đường cong, và có người tới cấp 2 3 gì đó là đường nó sẽ đi ngang luôn (tức là không lớn thêm nổi T.T).

The Fear Instinct (bản năng sợ hãi)

Đại loại là con người khi nhìn thấy những thứ nguy hiểm sẽ thường tự tưởng tượng rồi thêm mắm dặm muối nữa vô cho nó đáng sợ hơn. Có ví dụ nêu ra là trong 40 triệu chuyến bay thì chỉ có 10 chuyến hạ cánh thất bại dẫn đến tai nạn, tính ra có 0.000025 phần trăm, nhưng người ta không chú ý tới số 40 triệu kia mà chỉ phóng đại sự đáng sợ của 10 chuyến thất bại. Cần phải phân biệt giữa cái “frightening” (hiểm nguy gì đó cảm nhận được) và “dangerous” (hiểm nguy thực sự). Có một công thức để tính được ngay là:

hiểm nguy = độ nguy hiểm x khả năng chúng ta gặp phải

Tính theo kiểu này mới phản ánh đúng thực tế là chúng ta nên lo lắng cho việc bị tai nạn xe hơn là gặp khủng bố, mặc dù gặp khủng bố nghe chừng có vẻ nguy hiểm hơn nhiều, nhưng khả năng gặp phải (ở VN?) là quá thấp.

The Size Instinct (bản năng kích thước)

Mỗi khi mình nhìn thấy một con số thì thường có vài suy nghĩ về nó luôn, nhưng thực ra nên cẩn trọng đặt nó vào so sánh với nhiều con số khác thì mới có được một cái nhìn đúng nhất. Không có con số nào phản ánh được đúng thực trạng nếu đứng một mình.

Quy tắc nổi tiếng 80:20 cũng có thể được áp dụng để khống chế bản năng này bằng cách để ý tới thứ chiếm 80% tổng số, nếu để ý tới vài mục quan trọng trước thì có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian lãng phí coi từng mục một.

The Generalization Instinct (bản năng khái quát hoá)

Lỗi sai kiểu này gọi là thầy bói xem voi đó, chỉ xem một bộ phận mà phán đoán toàn thể, chỉ dùng một ví dụ để đưa ra định nghĩa cho cả tập lớn. Ngay cả khi “quá bán” của một tập xác định đã là A thì cũng cần phải xem xét rõ nó là 51% hay 99%, phải nhớ rõ là khi khái quát hoá một thứ gì đó cũng tức là gần như phủ nhận hoàn toàn thiểu số.

Để khái quát hoá được đúng nhất thì phải nắm chắc được các đặc tính của nhóm mình đang nhận định. Mà để làm được việc này thì phải trải qua rất nhiều bước, có thể tưởng tượng đơn giản như xếp sách vào các ngăn của ô tủ vậy, để các phân loại được tối ưu thì phải hiểu rõ trong một nhóm cho phép sai khác tới mức nào, sự khác/giống nhau giữa các nhóm.

Một ví dụ nữa mình thấy cũng rất hay là thường những cá thể nổi bật trong một tập sẽ được chú ý hơn, nên nhiều khi sẽ dùng tính chất của cá thể đó để mô tả tập luôn, ví dụ như thấy có một vài chất hoá học độc hại thì kết luận tất cả các chất hoá học đều độc hại. Lời khuyên là nghĩ ngược lại, đối với tính chất ngược lại thì có đủ để kết luận tập có tính chất hoàn toàn ngược lại hay không?

The Destiny Instinct (bản năng sứ mệnh)

Mọi thứ đều thay đổi, cho dù là nhỏ nhất, và thường là do thay đổi nhỏ quá mà chúng ta không nhận ra được, giống con ếch thả vô nồi nước sôi thì sẽ nhảy ra ngay, nhưng thả vô nồi nước mát xong đun lên thì chỉ cảm nhận được nóng dần dần và tới lúc chín rồi vẫn chưa nhận ra mình phải nhảy ra ngoài ấy. Tất cả những yếu tố văn hoá hay chế độ đều không phải là hiển nhiên, tất cả các quan niệm đều đang dần dần thay đổi, muốn biết thay đổi lớn thế nào thì về trò chuyện với các cụ là biết liền ^^.

The Single Perspective Instinct (bản năng đơn giản hoá)

Lỗi này là thấy phương pháp A hay quá nên đi đâu cũng xài mà quên mất là phải nhìn sự vật sự việc dưới con mắt đa chiều hơn. Hồi xưa từ lúc học đại học kiến thức chuyên ngành, mình đã được dạy là không bao giờ được dùng một cuốn textbook để học mà phải dùng từ 2 tới 3 cuốn cùng chủ đề, vì mỗi người sẽ có cách định nghĩa và lý giải khác nhau, người học phải tham khảo đủ nhiều để tự có lập trường của riêng mình.

Lời khuyên là muốn giải quyết vấn đề thì không được chỉ dùng búa mà phải kiếm được cái hộp dụng cụ đầy đủ.

The Blame Instinct (bản năng đổ lỗi)

Ai ai cũng có vẻ khá hứng thú trong trò chơi tìm thủ phạm, dưới hình thức này hay khác, mà không biết nó có một nhược điểm chết người là cho dù tìm ra được thủ phạm rồi thì cũng chưa chắc đã giải quyết được vấn đề, và đã lãng phí thời gian tìm thủ phạm và tập trung vào một khía cạnh nhỏ đó mà quên đi rất nhiều mảng khác đáng ra có thể hỗ trợ cho việc sửa lỗi sai. Việc đổ lỗi này không chỉ cá nhân mà còn là vấn đề hệ thống, ví dụ như bệnh giang mai ở Nga thì gọi là bệnh Ba Lan, ở Ba Lan thì gọi là bệnh Đức, ở Đức gọi là bệnh Pháp, ở Pháp thì gọi là bệnh Ý, ở ý thì lại gọi là bệnh Pháp. Như đợt covid này thì Trump đại hiệp gọi là Chinese virus vậy đó, bản năng là chúng ta phải túm ngay một kẻ “ngoại lai” không liên quan để đổ lỗi cái đã, không cần phải điều tra thêm nhiều.

Thế nên khi xem xét gì đó thì phải để ý tới nguyên nhân, chứ không phải đối tượng, và khi chuyện đó được giải quyết thì phải xem xét tới cả quá trình chứ không phải là “ai”.

The Urgency Instinct (bản năng cấp bách)

Người ta rất hay bị vướng vào những thời khắc kiểu bây giờ không quyết thì sẽ toi ngay, nhưng ngược lại càng những lúc như thế càng cần tập hợp dữ liệu đầy đủ.

Practice

Nguồn: Factfulness p.318

Tri thức đúng bao giờ cũng tốt hơn, và luyện cách chống lại những bản năng này thì cho mình một cái nhìn đúng hơn về tri thức, tuy là vẫn tránh không khỏi bản năng, nhưng dù sao cũng là con người, có sai mới có sửa rồi đúng hơn, tốt hơn được đúng không ;D.

Trên đây là tóm tắt qua những gì mình đã học được và thấy hay ho ở cuốn này, ngoài ra trong sách có viết rất nhiều ví dụ thực nghiệm khoa học, các số liệu từ nhiều nguồn (mình đã tra thử một số và nguồn chính xác), ngôn ngữ viết cũng kiểu hài hài thú vị nên đọc rất hấp dẫn, có thể đọc đi đọc lại được.

Đánh giá chung

Rating: 5 out of 5.

One Comment

  1. đọc review của em làm anh cũng nhớ đến quyển “Enlightenment now” của Steve Pinker. 2 quyển có vẻ cũng cùng đưa ra luận điểm là xã hội đang tốt lên, do thông tin xấu nhiều lên mình mới có suy nghĩ tiêu cực là xã hội đang tệ đi. Nhất định đọc quyển Factfulness sau khi hoàn thành xong bộ khắc kỉ kinh điển 😀 Cám ơn em đã review có tâm

Leave a Reply

%d bloggers like this: