Thuật đọc sách của nhà tư vấn – コンサルタントの読書術

Cuốn này viết về chiến lược đọc sách thế nào để có thể có hiệu quả tốt nhất, cách viết rất gẫy gọn, ngắn, phương pháp thực tế có thể áp dụng trực tiếp.

コンサルタントの読書術 確実に成果につながる戦略的読書のススメ | 大石哲之 | ライティング | Kindleストア | Amazon

Tác giả bày tỏ rất nhiều quan điểm cá nhân về việc đọc sách, bản thân mình tìm thấy rất nhiều suy nghĩ tương đồng, nhiều thứ mình cũng áp dụng và học được rất nhiều điều mới, giúp mình cải cách suy nghĩ về việc đọc sách.

Đầu tiên là không nên đọc sách quá rộng nhưng lại nông. Đây là lỗi lớn nhất của mình, thấy cái gì hay hay cũng đọc. Tác giả có nhắc đọc sách mà không có mục đích thì có thể biết được rất nhiều kiến thức vụn vặt, nhưng thật ra những kiến thức đó không nối tới đâu cả nếu bản thân ngay từ đầu không có một hệ thống rõ ràng. Thay vì tiếp tục mòn mỏi nhặt nhạnh những mảnh vỡ các kiểu thì lập một khung xương rõ ràng rồi đắp thịt vô thì kết quả sẽ dễ nhận thấy hơn.

Nối tiếp ý trên, tác giả cũng nêu quan điểm một cuốn sách thật ra chỉ có khoảng 10% là có ích và có ý nghĩa thực sự với người đọc, đương nhiên không đồng nghĩa với việc 90% còn lại là vứt đi, nó chỉ mang ý là mỗi người chỉ có thể tìm được cỡ đó ý nghĩa trong một quyển sách thôi. Vậy nên thay vì cố gắng tìm kiếm vắt kiệt tri thức trong một cuốn thì nên kiếm 10-20 cuốn cùng thể loại cùng vấn đề để tham khảo và tự xây dựng cho mình một hệ thống lập trường cá nhân.

Trước khi đọc sách cần suy nghĩ rất kỹ mình cần gì từ cuốn sách đó, thậm chí có thể cực đoan là chỉ đọc chương có câu trả lời cho câu hỏi của mình, còn lại thì bỏ. Sách cũng được chia làm các loại khác nhau, và kiến thức nhận được ở mỗi loại sách cũng khác nhau nên để giúp đỡ việc xác định được rõ ràng hơn bản thân nên kỳ vọng gì ở mỗi cuốn sách, tác giả cũng chia sách làm 4 loại chính và nêu rõ nội dung khái quát:

  • Sách thành công (sách chiến thuật): thường là kể về kinh nghiệm của tác giả. Đọc những cuốn này có thể lấy được gợi ý, lời cổ vũ động viên, thêm cơ hội, nhìn được mọi thứ từ góc nhìn khác chẳng hạn. Sử dụng tốt nhất sau khi đã nắm được hết kiến thức về mảng đó, và cần thêm một gợi ý gì đó khác mới.
  • Sách nguyên tắc cơ bản (framework): sách này viết về những kiến giải của tác giả về những nghiên cứu ví dị thực tế, áp dụng rất tốt để hiểu được cách vận hành cơ bản của thế giới, từ đó học được những kỹ năng cơ bản để áp dụng thực tế.
  • Sách chủ đề: tổng hợp các thông tin về cùng một chủ đề, giúp người đọc có một cái nhìn bao quát, nắm được các từ khoa cơ bản, có thể xác định được phạm vi kiến thức của mảng đó, cũng như kiểm tra qua được độ hiểu biết của bản thân: còn thiếu gì, đã biết gì, tiếp tới phải tìm hiểu phần nào
  • Sách giáo khoa: thường rất tốn thời gian, cần lựa chọn để đúng với mức tiếp thu của bản thân. Tác giả có nói câu rất hay mà mình cũng đồng tình: sách đọc mãi không hiểu thì nên bỏ, một là sách viết dở, hai là sách quá tầm với, ba là sách chả liên quan gì đến mình, chỉ có trong 3 khả năng đó thôi mà cái nào thì cũng không có lợi ích hết nên bỏ là đúng. Có thể bỏ trong một khoảng thời gian, bổ sung lại thêm kiến thức cơ bản rồi quay lại cũng được.

Trước khi đọc thì cần xây dựng rõ hệ thống, tính ngược lại từ kết quả để xem được mình muốn đọc cái gì, sau đó mới bắt đầu đọc một cách chủ động, thay vì thụ động để chữ chạy qua đầu rồi cái gì hay thì nhớ lại.

Đối với việc đọc sách thì có hai cách tiếp cận phổ biến: đọc rộng nhưng nông, và đọc kỹ trong khoảng hẹp; mỗi thứ đều có lợi ích riêng. Mình thì trước giờ vẫn theo phe thứ nhất, còn tác giả chắc là cực đoan của phe thứ hai, nhưng đọc xong cuốn này mình đã có vài điều chỉnh để dung hoà cái cực đoan của bản thân trong việc lựa sách quá vớ vẩn. Điều rút ra lớn nhất là phải có kế hoạch hợp lý và kỳ vọng, dự đoán nhất định trước khi đọc sách.

Mình chọn đọc cuốn này vì cảm thấy mình đọc sách tạp nham quá mà đọng lại không nhiều, đương nhiên cuốn nào đọc rồi thì nội dung đại khái đều có thể thuật lại được nhưng cảm giác không thực sự hiệu quả. Cuốn này đúng đã là chìa khoá cho mình thoát khỏi cái vòng lặp tuần hoàn xấu này, để nhìn lại việc đọc sách của bản thân một cách có mục đích hơn.

Đánh giá chung:

Rating: 4 out of 5.

Leave a Reply

%d bloggers like this: