Lập mục tiêu 2021

Lười đủ rồi chăm lên nào tôi ơi :)).

Bắt đầu lên kế hoạch năm mới vào một ngày chủ nhật đầu tiên của 2021 ^^ Trước hết thì năm 2020 mình bắt đầu được vài thói quen nhỏ khá có ích mà mình sẽ cố gắng tiếp tục trong 2021.

Đầu tiên là một thói quen mà năm vừa rồi mình cảm thấy khá hiệu quả, là để trống ngày chủ nhật, và suy nghĩ ngày chủ nhật là ngày đầu tiên của một tuần. Việc để trống ngày chủ nhật là mình học được từ một chị ở trên youtube (mariana study corner), sau đó để hợp với nhịp sống của bản thân hơn thì mình đã đổi chủ nhật thành ngày đầu tiên của tuần. Điểm này khá lợi thế ở chỗ ở hai điểm: một là khi ngày thứ hai (ngày làm việc đầu tiên) tới thì mình sẽ không bị cảm giác mệt mỏi khó bắt đầu, vì thực ra mình đã bắt đầu bật mode chiến đấu từ chủ nhật rồi; hai là với ngày chủ nhật mình vẫn tự do thiết kế các hoạt động được, bao gồm cả việc “trả nợ” cho những ngày trong tuần để mục tiêu không bị lùi quá xa.

Tiếp theo là thay vì để mục tiêu năm mới là mục tiêu năm cũ mà đã lên kế hoạch từ năm kia thì mình đã chia nhỏ mục tiêu theo tháng, ví dụ để đạt được A thì chia nhỏ cái đó thành 12 khúc rồi mỗi tháng sẽ viết mục tiêu là hoàn thành A/12 đó. Việc chia nhỏ này rất hay được xài trong công việc, nhưng năm rồi mình áp dụng vào bản thân thì thấy khá hợp lí. Cái này cũng có cơ sở khoa học là khi đạt được một cái gì đó thì não sẽ tiết ra nhiều dopamin hơn, gây hưng phấn và lại tạo động lực vui vẻ hơn, nên việc “hoàn thành một cái gì đó” vô cùng quan trọng. Năm nay sẽ thử cải tiến phương pháp này hơn một chút bằng việc chia nhỏ mục tiêu hơn nữa theo tuần, và kết hợp với viết tổng kết theo tuần luôn. Trước giờ mình lên kế hoạch theo tháng, và viết tổng kết ngày nên nhiều lúc vẫn có cảm giác bị chạy theo deadline, tới lúc cực quá là buông lười luôn, cuối năm nhìn lại mới thấy cũng như trong công việc, lên kế hoạch và tổng kết phải song hành với nhau.

Điều cuối cùng muốn chia sẻ ở đây là việc làm thế nào để tìm ra được mục tiêu. Chỉ có xác định được bức tranh lớn về cuộc đời, thì mục tiêu năm mới thực sự phát huy tác dụng. Khi có được bức tranh lớn, có định hướng rõ ràng thì việc xây dựng mục tiêu năm sẽ không còn mông lung, khi thực hiện cũng có động lực hơn. Bản thân mình có những lúc đột nhiên mất phương hướng, không biết điểm mạnh yếu của bản thân và không biết nên tiến đi đâu về đâu, cũng có thể do bản thân yêu thích quá nhiều thứ khác nhau, sức lực phân tán, ngược lại lại không quá gắn bó với một sở thích gì cụ thể. Chuyện này có điểm không tốt lắm là không thể xây dựng được “thương hiệu cá nhân” khi mà mọi khả năng đều chỉ tàng tàng. Cũng may năm vừa rồi đọc được một cuốn khá hay tên là 世界一番優しい「やりたいこと」の見つけ方 (cách dễ nhất trên thế giới để tìm ra điều mình muốn làm), đã giúp mình định hình lại được những cái tốt của bản thân, hướng muốn đi. Trong đó có một câu khá hay:

“Nếu chú ý khắc phục điểm yếu thì sẽ làm được công việc có thành tựu như mọi người và cảm giác nhàm chán.
Nếu phát huy được điểm mạnh thì sẽ làm được công việc có thành tích nổi bật và cảm giác thành tựu.”

世界一番優しい「やりたいこと」の見つけ方 (cách dễ nhất trên thế giới để tìm ra điều mình muốn làm)

Đúng là để thoả mãn bản thân thì phải hướng theo cái mạnh của mình. Lý tưởng nhất là những điều mình làm phải là điểm giao nhau giữa điều quan trọng với bản thân, điều mình thích và điều mình giỏi. (coi hình dưới)

半年間も悩んでいたのに、やぎぺーさんの"自分らしさの図"をつかったら、1日で自分の道が拓けた話|あやのん|note
Nguồn: internet

Thực sự sống tưng đó năm, mục tiêu năm nào cũng viết cả trang A4 nghe có vẻ rất hiệu quả, nhưng thực sự năm nào cũng chỉ đạt được một nửa là nhiều, rồi cũng quên luôn kế hoạch dài hơi, hoặc kế hoạch dài hơi chỉ là một mảng màu lờ mờ. Nhờ cách này mình đã có một cuộc đối thoại trực tiếp với bản thân để hiểu mình hơn. Cách để tìm ra 3 điều này thì cũng khá giống những bước chuẩn bị khi viết hồ sơ xin việc: tự trả lời những câu hỏi như hồi nhỏ thích làm gì nhất, kỷ niệm thất bại nhớ nhất là gì, v.v… Những dạng câu hỏi này có khá nhiều, có thể tham khảo ở đây. Những câu hỏi nghe chừng đơn giản, nhưng thực sự chỉ có ngồi nghiêm túc lại thành thật với bản thân từng câu từng câu một thì mình mới cảm thấy đang lắng nghe được những ước muốn thật sự của bản thân, từ đó mới biết được đường phát triển.

Sau khi xác định được hình ảnh tương lai mình hướng tới, việc còn lại là cụ thể hoá nó theo các khoảng thời gian nhỏ hơn (năm > tháng > tuần > ngày) và cố gắng gắn theo lịch trình đó thôi :D. Khi cụ thể hoá này thì mình chia mục tiêu thành các phần nhỏ hơn, tương ứng với các phần trong lịch (đã ẩn 1 số).

một phần phân loại trong lịch của mình

Các đề mục này sẽ giúp mục tiêu được hệ thống hơn, giúp ích khi tổng kết đánh giá lại cuối kỳ (tháng, quý) sẽ dễ theo dõi hơn. Ví dụ mục học hành (study) mình chia ra làm những thứ có ích cho nghề nghiệp tương lai (career) sẽ có độ ưu tiên cao hơn, và những thứ cũng học nhưng hơi tốn thời gian và chưa có liên kết trực tiếp tới việc làm (extra), ngoài ra độ ưu tiên thấp hơn nữa là sở thích, nhưng cũng là phần không thể thiếu để cân bằng. Mình có học được là phải lên phần nào kế hoạch cho cả việc chơi bời và các sở thích, nếu không nó sẽ ngốn rất nhiều thời gian trong vô thức. Tuy bản thân là người thích kế hoạch nhưng thường lại lập những kế hoạch hơi siêu thực, hi vọng với những chỉnh sửa và quyết tâm này thì năm nay kế hoạch của mình sẽ sát với thực tế hơn, cũng mong bài viết này có ích cho ai đó đang chuẩn bị viết mục tiêu năm mới :D.

À tiết lộ mục tiêu nho nhỏ nữa là năm nay quyết tâm viết blog chăm hơn, cố gắng cố gắng mỗi tuần 1 bài :D. Chia sẻ hôm nay tới đây là hết, chúc mừng năm mới ^^!~

Leave a Reply