Dịch bệnh: kẻ thù nguy hiểm nhất – Michael T. Osterholm

Cuốn sách này viết chính về tầm quan trọng của y tế công cộng thông qua việc phân tích cụ thể các dịch bệnh mà tác giả đã trải qua. Theo tác giả, dịch bệnh truyền nhiễm là sự kiện đáng sợ nhất trong số 4 sự kiện có sức mạnh gây ảnh hưởng tiêu cực lên toàn cầu: chiến tranh nhiệt hạch, thiên thạch va chạm Trái đất và biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Nếu một thứ gì đó giết chết trên mười triệu người trong vài thập kỷ tới, rất có thể, thay vì chiến tranh, nó sẽ là một loại virus có khả năng lây nhiễm cao. Không phải tên lửa, mà là sinh vật. Hiện tại, một trong những nguyên nhân dẫn đến tương lai đó là do chúng ta đã chi số tiền khổng lồ vào việc tạo dựng những mối đe doạ hạt nhân, thế nhưng lại đầu tư rất ít vào hệ thống ngăn chặn dịch bệnh. Chúng ta không sẵn sàng cho dịch bệnh tiếp theo.”

Bill Gates
Dịch bệnh kẻ thù nguye hiểm nhất

Ở đây tác giả là người trong ngành Y tế công cộng nên có cách kể chuyện rất chi tiết vào những tình huống khi phát hiện ra bệnh lạ tới lúc kết luận nó là dịch bệnh và các biện pháp liên quan. Có lẽ là do tác giả cũng là người hâm mộ truyện trinh thám (Sherlock Holmes) mà viết những việc lần theo dấu vết của người mắc bệnh như một công tác điều tra tội phạm thứ thiệt, cũng phải mài gót giày trên từng nẻo đường, chú ý quan sát tới từng chi tiết để tìm ra điểm chung giữa các bệnh nhân, từ đó có các biện pháp phòng chống thích hợp.

Cuốn này có tất cả 21 chương, mỗi chương về một chủ đề cụ thể bắt đầu từ những điều chung xung quanh bệnh truyền nhiễm như sức lây lan từ một ca nhỏ, công tác cụ thể, phương thức lây truyền, vắc xin, kháng sinh, phương cách truyền nhiễm và cả những chương nhắc tới những căn bệnh cụ thể như HIV, Ebola, SARS, Zika. Mỗi chương đều bắt đầu với một câu trích dẫn để nhấn mạnh ý kiến của tác giả, sau đó sẽ dẫn dắt độc giả tới các thông tin ai, cái gì, ở đâu, khi nào và tại sao một số căn bệnh trở thành mối đe doạ với thế giới.

Ngoài những kiến thức nhỏ mà mình thu nhận được từ cuốn này thì khi đọc khá mông lung, có cảm giác giống như một cuốn nhật ký của tác giả (tiến sỹ y khoa, Giám đốc trung tâm nghiên cứu về Bệnh truyền nhiễm ở Minnesota, Mỹ) và những đóng góp của ông thông qua các sự kiện, mặc dù mình nghĩ nó hướng tới những độc giả phổ thông như mình, nhưng các thông tin giải thích và con số quá ít hoặc mù mờ.

Đọc xong thì thu nhận được tầm quan trọng của việc chuẩn bị đối phó với các dịch bệnh, cũng như biết được một số khái niệm cơ bản về bệnh truyền nhiễm cũng như những sự kiện xung quanh một số căn bệnh truyền nhiễm nổi trội trong 3 thập kỷ vừa qua. Nếu có thêm các thông tin con số chi tiết hơn thay vì viết kiểu chuyện kể khoa học chung chung không rõ thì mình cảm thấy sẽ học được nhiều hơn, nên như hiện tại thì sẽ đánh giá không cao lắm.

Đánh giá chung:

Rating: 3 out of 5.

Leave a Reply

%d bloggers like this: