Tư tưởng chính của cuốn này là thứ dẫn dắt cuộc đời của bạn không phải là đam mê, mà chính là năng lực. Một công việc tuyệt vời rất hiếm và rất “đắt giá”, bản thân một người muốn đạt được công việc đó cũng phải có những giá trị tương đương để trao lại. Theo đúng lời của tác giả có nói và mình cũng rất thấm, là bạn phải thật tốt thật giỏi một cái gì đó trước khi kỳ vọng có thể tìm kiếm được một công việc tốt.

Nói một chút về tên tiêu đề và tác giả, thì tiêu đề cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt là “kỹ năng đi trước đam mê” nhưng mình thấy thích tiêu đề tiếng Anh hơn, dịch láo thì đại loại chắc là “giỏi có quyền” hoặc trực dịch là “giỏi để không ai bơ được” chẳng hạn. Câu này là tác giả trích dẫn lại của diễn viên, nghệ sĩ hài Steve Martin. Tác giả này viết rất dễ hiểu dễ đọc, chợt nhận ra là những cuốn của tác giả này học được rất nhiều, mình thậm chí đã viết bài về 2 cuốn khác và cũng thực hành rất nhiều từ hai cuốn đó: Deep work và Digital minimalism, cuốn này là cuốn viết trước hai cuốn mình đã từng đọc.
Cuốn sách này đi theo 4 quy tắc, để chia sẻ từ từ ở đây.
Quy tắc đầu tiên là đừng theo đuổi đam mê, hoặc nếu muốn theo đuổi đam mê thì phải có nhận thức rõ ràng là đam mê rất hiếm và thực sự rất nguy hiểm. Thường thì thoả mãn với công việc thì là do có sự tự chủ, thành thạo và gắn kết, đam mê có chăng chỉ là chất xúc tác để cày công việc đỡ cực hơn thôi, còn mốc để mình tận hưởng phải xây dựng dựa trên 3 cái trên. Ở đây có đoạn bác tác giả cà khịa Steve Jobs suốt ngày kêu phải theo đuổi đam mê nhưng chính mình cũng không làm được, đọc cũng hay ho :)). Nhưng bản thân mình nghĩ là Steve Jobs chắc về sau mới phát hiện được khi có đam mê thì mọi việc dễ dàng như thế nào, nên mới khuyên mọi người là đam mê là cần thiết, nhưng chắc chắn không phải là tất cả. Trong khi chưa tìm được đam mê thì nên cố hết sức mình đã, sau đó đam mê sẽ nảy ra và lại sẽ thúc đẩy mình đi xa hơn.
Ở quy tắc đầu tiên này cũng có một câu trích dẫn mà mình khá thích “studio musician: the tape doesn’t lie” (đối với người làm nhạc, bản ghi không bao giờ nói dối), tất cả mọi thứ đều được thể hiện trên sản phẩm, nên cho dù anh có dẫn dắt rồi thêu dệt những thứ xung quanh hoa mỹ đi chăng nữa, nếu bản thân kết quả không có giá trị thì tất cả đều gần như vô nghĩa. Đương nhiên quá trình cũng không kém phần quan trọng, nhưng tựu chung lại thì không giỏi thì kiểu gì cũng chịu thiệt :)).
Quy tắc thứ hai là cái mình tâm đắc nhất, cũng chính là tên tiêu đề của cuốn này, nói về tầm quan trọng của kỹ năng gốc. Ở đây có một khái niệm mình khá thích là “the craftsman mindset (tư duy người thợ lành nghề)”. Thay vì nghĩ theo “the passion mindset (tư duy người theo đuổi đam mê)”, chú tâm hơn vào việc thế giới có thể cho mình cái gì, thì tư duy người thợ lành nghề hướng tới việc những gì bạn có thể đóng góp cho thế giới hơn. Cũng tức nghĩa là, bạn nên cố gắng làm tốt những thứ đang làm, đương nhiên là ngoại trừ những thứ như tác giả đã nhắc: việc đang làm có thể làm bạn khác biệt bởi những kỹ năng riêng và giá trị, việc đó không vô dụng hay gây ảnh hưởng xấu đến thế giới, và việc đó không ép bạn phải làm với những người bạn ghét.
Nếu chỉ chú ý vào những gì mà công việc ấy cho bạn thì sẽ xảy ra một hiệu ứng rất đáng tiếc là để ý quá mức đến những gì công việc ấy không cho bạn, những thiếu hụt của công việc ấy, dẫn tới rơi vào mê cung thất vọng và chẳng lúc nào vui được. Thay đổi cách nghĩ, mọi thứ đều bắt nguồn từ bản thân thì mình sẽ chủ động và muốn làm các thứ hơn nhiều.

Quy tắc thứ ba là tầm quan trọng của việc kiểm soát, cũng như cách làm thế nào để thoát được các bẫy kiểm soát. Khi mình chưa đủ mạnh thì không nên kiểm soát quá nhiều, đưa quyền kiểm soát nhiều hơn cho những người đang làm việc thực sự. Cái này mình thấy sẽ cảm nhận rõ hơn khi bạn phải dẫn dắt nhiều người để hướng đến một công việc, trước đây mình nghĩ mình đủ sức để kiểm soát kết quả tới từng chi tiết, nhưng thực sự rất mệt và người làm chung cũng chẳng vui vẻ gì, nhưng sau khi cảm thấy quá ngợp và chia sẻ trách nhiệm, mọi chuyện tốt đẹp hơn rất nhiều.
Quy tắc cuối cùng là phải hiểu rõ cách đặt sứ mệnh cho bản thân. Cụ thể là ý tưởng tốt nhất cho cách đặt các mục tiêu chính là tìm kiếm ở vùng biên của những khả năng hiện tại, một nơi nào đó chỉ hơi vượt quá so với đỉnh của bản thân hiện tại. Mình thấy cái này khá thấm, càng đặt mục tiêu xa càng thấy mờ mịt nhiều hơn, ngược lại đặt mục tiêu gần vừa đủ, và khi số bước chân cố gắng của mình ít vừa đủ thì khả năng bản thân mình vượt lì để tiến lên sẽ cao hơn rất nhiều, kéo theo khả năng thành công cũng cao hơn.
(sẽ edit thêm sau, phải post thôi không hoàn hảo nữa :(( )
Đánh giá chung:
giỏi để không ai bơ được–> mình thích câu dịch này
Đề tài cuốn này thú vị quá. Cảm ơn bạn vì đã review