Chia sẻ nhỏ trước khi vào chủ đề chính là thơ Haiku thì phát hiện ra blog của mình hồi đầu kể rất nhiều chuyện về bản thân, về sau thì review sách nhiều hơn nên không viết được những thứ mang tính cá nhân mấy, nhật ký độ này cũng toàn là bookmark chứ không có suy nghĩ riêng của bản thân quá nhiều, cũng không tốt lắm nên cùng với mục tiêu năm mới cố gắng viết blog thì mình sẽ cố gắng output nhiều hơn những thứ thú vị hay ho hơn ^^.
Vào đề chính thì dạo này khoảng nửa năm trở lại đây chắc do ở nhà cũng có nhiều thời gian hơn nên bị nghiện xem thơ Haiku =)), trong khi hồi xưa đọc cứ buồn cười tại sao con ếch nhảy xuống ao mà cũng thành thơ, giờ bắt đầu hơi thích Haiku rồi mới thấy ngày xưa tục thế nào. Tất cả những gì mình viết trong bài này đều là cảm nhận thiển cận của bản thân, nếu có sai khác gì thì mọi người cùng trao đổi để tìm hiểu rõ hơn về thể thơ này nhé. Bài thơ con ếch hồi xưa cứ cười là:
古池や 蛙飛びこむ 水の音 – 松尾芭蕉
Nơi chiếc ao cũ này, con ếch nhảy vào, tiếng nước động (tự dịch)
Hồi xưa đọc thì đã nghĩ là con ếch nhảy vào cái ao mà cũng thành thơ, dị thật, rồi thì giờ đọc kha khá haiku rồi mới thấy được cái khung cảnh của haiku phải đọc một cách khá tĩnh tâm từ từ, rồi nghĩ về khung cảnh và những câu chuyện xung quanh đó mới thấm được cái hay. Mỗi bài thơ haiku tuy rất ngắn nhưng đều là một lát cắt rất đắt giá về một khoảnh khắc nào đó rung động trong cuộc sống. Cảnh vốn rất tĩnh, góc nhìn bắt đầu từ nơi rất rộng là cái ao cũ với không gian thanh bình, sau đó ánh mắt ở câu thứ hai được hướng tới hình ảnh con ếch đang động, câu chuyện chuyển từ tĩnh sang động, sau đó lại trở về một tiếng động ở câu cuối gợi như một tiếng vang vọng trong không trung, lại kéo góc nhìn ra không gian lớn hơn. Trong tĩnh có động trong động có tĩnh, khắc hoạ được cả thời sắc và không gian để người đọc tràn được vào đúng lát cắt mà tác giả đã dự tính chỉ trong vòng 17 chữ, quá đỉnh cao.
Phân tích thêm một chút về độ hay của bài này, đây cũng được coi là câu thơ đầu tiên của Basho để mở ra thời đại thơ Haiku mới. Câu này nghĩa đen theo lời là “nghe được tiếng của ếch nhảy xuống cái ao cũ”, nhưng cũng có thể hiểu được một cách rộng hơn là “không gian yên tĩnh tới mức nghe được tiếng con ếch nhảy xuống cái ao cũ”, và rồi tiếng động trong khoảnh khắc đó dừng lại ngay để trả lại sự yên tĩnh trống vắng lạnh lùng cho cả không gian được vắng vẻ được mở ra bởi mấy chữ “nơi ao cũ”. Hình ảnh mở đầu không chỉ đơn giản là “cái ao” mà là “cái ao cũ”, làm người ta có thể tưởng tượng ra được trước mắt hình ảnh cái ao lấp ló sau đám cỏ dại giữa không gian dường như đã bỏ hoang rất lâu, cũng có vẻ như thời gian đã dừng lại ở nơi ấy. Đúng lúc đó thì có một con ếch nhảy xuống ao, tất cả xung quanh tĩnh lặng tới mức từ khoảng cách cũng có thể cảm nhận được tiếng con ếch nhảy xuống. Đương nhiên còn khá nhiều thứ để khen nữa, ví dụ như chữ や (ya) ở sau câu đầu tiên, mình dịch đại thành “này”, nhưng trong haiku thì chữ ya đặt thường đóng vai trò nhấn mạnh hoặc cắt cảnh, ở đây để nhấn vào không gian xảy ra sự việc là cái ao cũ, mở ra một hình ảnh vô cùng tĩnh lặng thanh tịnh.
Đã nói qua về bài haiku cũng khá kinh điển, để viết một chút giới thiệu về thể loại thơ này. Quy tắc đầu tiên là thể thơ này tiếng Nhật gồm có 17 âm tiết, chia thành ba câu lần lượt có 5-7-5 âm tiết, đương nhiên đối với cao cấp thì có thể phá luật lệ này, câu đầu có thể dài hơn, hoặc tổng có thể khác 17 chữ nhưng khi đó phải cực kỳ mạo hiểm và có lý do cẩn thận mới có thể phá quy tắc (nếu rảnh sẽ kiếm một số bài đỉnh cao khi phá quy tắc để phân tích sau). Chú ý là các âm ya yu yo nhỏ không tính là một âm tiết, nhưng âm ngắt tsu nhỏ thì tính là một âm tiết.
Quy tắc thứ hai là phải có từ để chỉ mùa trong năm (季語), từ này có thể là rõ là mùa xuân hạ thu đông, hoặc những biểu tượng đặc trưng cho mùa: hoa anh đào mùa xuân, lá đỏ mùa thu chẳng hạn, hoặc có những từ gợi mùa khá tinh tế, đến lúc có bài thơ có thì lại phân tích sau vậy. Số lượng từ chỉ mùa này vô cùng nhiều, có rất nhiều tuyển tập, có những từ chỉ mùa bao hàm những nét nghĩa rất riêng độc đáo. Ví dụ như 畳替 (tatami gae), dịch nghĩa là thay tấm chiếu mới. Ở Nhật thì thường các phòng Nhật đều được trải bằng chiếu tatami là một loại chiếu đan bằng cói dày bằng rơm ép chặt dày 2-3 cm, cỡ nhỏ hơn cái giường đơn của Việt Nam mình, do chiếu bằng rơm nên dùng lâu sẽ cũ hỏng, cuối năm người ta hay sửa chiếu để đón năm mới, nên từ này cũng được coi là từ biểu thị cho mùa đông.
Về cơ bản chỉ có hai quy tắc đó, ngoài ra còn các thứ phải tuân thủ khác ví dụ như chỉ nên dùng một từ chỉ mùa, cách điều khiển góc nhìn, cách dùng các từ ngắt và nhấn mạnh câu, rồi thì viết không được quá rõ ràng mà phải gợi cảnh, khi có một từ đã chỉ rõ không gian rồi thì không cần lặp thêm từ khác để giải thích, vân vân và vân vân, nói chung là càng đọc càng thấy nó tinh tế.
Mình sẽ viết thêm về một số câu haiku mà mình khá thích. Trước hết là có một chương trình tên là プレバト (purebato) chuyên mời các nghệ sĩ tới để đánh giá tài năng về các mảng khác nhau ví dụ vẽ tranh, viết thư,… trong đó haiku cũng là một hạng mục và hình như đã kéo dài hơn 10 năm. Mọi người sẽ đến viết thơ theo một chủ đề, và có một cô giáo sẽ chấm điểm, phân tích và sửa thơ, mình ngồi coi cô này ham quá tới mức những người xung quanh chỉ cần nghe thấy giọng cô là lại hỏi: ê đang xem haiku à =)).
Đầu tiên là câu này:
色変えぬ松. 高座に遺す. 扇子一本 – 三遊亭円楽
Cây tùng không thay lá, nơi sân khấu vẫn còn lưu lại, một chiếc quạt nan tre (tự dịch)
Câu này vốn là nghệ sĩ rakugo (một loại hình kịch nói của Nhật, thường chỉ có một người kể chuyện diễn nhiều vai) Sanyutei Enraku viết tặng cho đại sư phụ của mình là nghệ sĩ rakugo vĩ đại Katsura Utamaru mới qua đời. Câu này đã được cô giáo (hình nhỏ ở góc) sửa lại và nó vô cùng tinh tế mà mình dịch không sát được hết nên sẽ từ từ giải thích. Đầu tiên thơ lần này là chủ đề về lá đỏ và mùa thu. Mọi người thường hay liên tưởng đến hình ảnh đỏ rực khắp nơi, lá đỏ là nói tới mùa thu, nhưng ở đây người ta dùng một từ chỉ mùa rất tinh tế là “cây tùng không thay lá”. Đây là từ chỉ mùa thu vì trong lúc tất cả những cây xung quanh đều đổi màu thay lá sang nhuộm màu đỏ hoặc màu vàng nâu, chỉ có cây tùng vẫn giữ màu xanh không biến đổi. Hình ảnh này ngoài việc gợi không gian hiện tại đang là mùa thu, còn nhấn mạnh vào những thứ không đổi theo thời gian vẫn còn bền vững mãi.
Tiếp theo là đến chữ 高座 (chỗ ngồi trên cao) mình dịch là trên sân khấu, nhưng thực ra đây sát nghĩa là chỗ ngồi trên cao, gợi thẳng đến rakugo luôn vì các nghệ sĩ hay ở trên sân khấu cao và kê đệm ngồi để kể chuyện. Một từ này đã chuyển cảnh từ không gian cây ngoài trời lên đến sân khấu, nửa câu đầu vừa gợi cảnh vừa gợi thời gian, và bây giờ đã biết là trọng tâm của cả bài thơ là về rakugo. Tiếp theo đến chữ 遺す mà mình dịch là còn lưu lại, cùng âm đọc này nhưng có rất nhiều chữ Hán, nhưng ở đây người ta chọn chữ “di” trong “di chúc, di thư” để nhấn mạnh ý đây là đồ của người đã mất truyền lại cho đời sau. Vậy người ta để lại cái gì, chính là một chiếc quạt nan tre mà hay dùng trong khi diễn rakugo, cũng là biểu tượng truyền đời từ sư phụ tới đệ tử. Cả câu thơ đọc lên ý chỉ tuy nghệ sĩ đã mất, nhưng những tư tưởng và văn hoá nghệ sĩ để lại vẫn sẽ còn, như cây tùng mãi xanh cho dù bốn phía đã chuyển đỏ. Góc nhìn cũng rất đa dạng, từ không gian rộng tới không gian hẹp, cảm giác như đang coi phim điện ảnh với máy quay từ góc flycam cảnh trời đất rộng màu đỏ mùa thu nổi lên cây tùng xanh, rồi góc máy lia vào trong rạp diễn, rồi dừng lại ở một góc phóng to vào hình ảnh nan quạt còn lưu lại lẻ loi trên đệm ngồi, nghe như tiếng kể chuyện rakugo vẫn vang trong không trung. Trời ơi sao mà nó sâu sắc TT___TT.
Giải trí một chút là cũng 17 chữ thì ngoài Haiku với những quy tắc và sự tinh tế ngầm kia, thì còn có một thể thơ khá giống là Senryuu 川柳, chỉ cần tuân thủ quy tắc 575 âm tiết, đọc nhẹ nhàng hơn. Ví dụ hôm nọ mình coi có giải thơ Senryuu với chủ đề “tạm biệt nhé mỡ ơi” của một phòng tập gym (từ khoá là カーブス サヨナラ脂肪川柳 nếu ai muốn coi).
わかってる コロナの前から 太ってた – おんじ
tui biết rõ rồi mà, trước khi có dịch covid này, đã béo lắm lắm rồi (tự dịch)
Từ trước covid đã béo rồi chứ không phải là đến đợt này ở nhà nhiều mới béo nha =)). Một câu chuyện rất cô đọng trong 17 chữ, đúng yêu cầu giữ bất ngờ ở phút chót.
Có rất nhiều bài thơ Haiku mình thích mà ngồi phân tích sẽ rất lâu, thôi đăng bài này rồi đặng từ từ sưu tập vài câu hay hay rồi lại viết bài nữa vậy ^^.
Chị Yuu ơi chị chia sẻ một chút về phương pháp khi chị mới bắt đầu đọc sách tiếng Nhật được không ạ?
bài viết này hay quá, a cũng quan tâm đến haiku nhưng chưa tìm được bài nào phân tích dễ hiểu cả ngôn ngữ lẫn hình ảnh bối cảnh như này. arigatou gozaimasu hihi
thế ạ :)) may quá có người đọc, khi nào em chăm chăm sẽ dịch tiếp những câu em thích để đăng ạ :D.
bài con ếch làm anh nhớ đến truyện totochan, trong đó có nhắc đến. còn rakugo làm anh nhớ đến rakugo sunshine, ông người mỹ diễn rakugo rất vui trên nhk 🙂
Bài viết chất lượng quá! Thơ haiku cô đọng súc tích mà hàm ý sâu xa, nói ít hiểu nhiều, tinh thế quá :d