Mind over money – Tâm làm chủ tiền bạc – Claudia Hammond

Nội dung chính của cuốn này là thông qua các thực nghiệm quan sát tâm lý con người trên những vấn đề liên quan đến tiền bạc, từ đó giải thích mối quan hệ và suy nghĩ của người với tiền, dựa trên đó đưa ra những lời khuyên làm sao có thể “làm chủ” được tiền bạc.

nguồn ảnh: amazon

Trước hết nói về tiêu đề sách mình thấy khá hay, chơi chữ của cụm từ quen thuộc “mind over matter” nghĩa là tâm làm chủ, tức là mình có thể suy nghĩ một cách lý trí và điều khiển tình huống bằng đúng những điều mà mình muốn chứ không phải bị ngoại cảnh tác động gây ảnh hưởng. Ở đây cũng là làm cách nào thông qua những thí nghiệm để hiểu rõ hơn được thực chất mình đã bị lừa vào những cái bẫy suy nghĩ như thế nào, từ đó từng bước tránh rơi vào bẫy, hoặc cao cấp hơn nữa là có thể sử dụng những bẫy tâm lý này để làm chủ tiền bạc tốt hơn.

Cuốn này có tổng cộng 15 chương chính với 263 thí nghiệm, mỗi chương trả lời cho một vài câu hỏi liên quan đến tiền, về cơ bản thì khá vụn vặt và khó theo dõi nhưng do mình đọc sách thuộc thể loại này cũng khá nhiều và một số thí nghiệm đã từng đọc qua nên chỉ cần theo dõi những thông tin mới nên vẫn có thể nạp vào được một vài thông tin rất thú vị. Ở đây cũng nhắc một số ví dụ đề cập ở cuốn Think Fast and Slow (tư duy nhanh và chậm) của Daniel Kanehman (cuốn sách hay nhất một năm nào đó của mình) và cuốn Predictably Irrational (sự phi lý có thể dự đoán được) của Dan Ariely, hai cuốn này đều rất hay và mình cũng tâm đắc, nhưng do lượng kiến thức hơi nhiều nên lười mãi vẫn chưa viết được review, sẽ cố gắng từ từ rồi viết (ai hay đọc blog mình chắc sẽ thấy câu này rất quen hic).

Như đã nhắc ở trên có tổng cộng 15 chương và mỗi chương trả lời cho nhiều câu hỏi khác nhau, ví dụ như tại sao tiền vừa có hại vừa có lợi, tại sao có lúc mình lại tiêu nhiều hơn mình cần, rồi tại sao lại ham muốn nhiều tiền, tới những câu nghe chừng hơi vô lý như tại sao nói tiếng Đức lại giúp tiết kiệm tiền chẳng hạn. Đương nhiên có một số logic mình thấy hơi khiên cưỡng, một số thí nghiệm trên số lượng người quá ít nên mình cũng không tin tưởng lắm, nhưng được cái rất hay là cuốn này có trích dẫn đầy đủ toàn bộ những thí nghiệm ở phần cuối để ai có hứng thú có thể tra cứu, bản thân mình cũng đã tra cứu thử và thấy các thí nghiệm đã tra đều được đăng trên các nguồn đáng tin cậy, có thể tham khảo được. Do thông tin quá vụn vặt nên chắc mỗi người đọc sẽ thu thập được những thông tin khác nhau, bản thân mình thì thấy có mấy cái hay ho như ở dưới đây.

Đầu tiên là thường thì mình quyết số tiền to sẽ quyết rất ngu hơn khi quyết những số tiền nhỏ, ví dụ mua xe hay mua máy tính chẳng hạn, tiền có khi lệch tới 1-2tr nhưng rất có xu hướng tặc lưỡi bỏ qua, trong khi ngoài chợ bó rau chục ngàn cũng cân nhắc lên xuống. Lý do cho việc này là bởi vì con người hay có xu hướng so sánh sự thay đổi giá bằng phần trăm chênh lệch so với giá trị, ví dụ 1-2tr ở xe máy chỉ là vài phần trăm, nhưng 10-20 nghìn ở bó rau là tận 5-60% nên sẽ đắn đo nhiều hơn. Một cái nữa là về “psychological moneybag” (tạm dịch là túi tiền phân chia theo tâm lý), cũng khá liên quan đến quyết định tiền bạc này. Đây là một ví dụ mình thấy khá hay và nhớ nhất ở cuốn này, là một ví dụ rất điển hình ở kinh tế hành vi. Một người phụ nữ sau khi mua vé xem phim mất 160$, đến rạp chiếu phim nhưng không tìm thấy vé đâu, lúc đó rất thất vọng, hỏi có bao nhiêu phần trăm là người đó sẽ bỏ tiếp số tiền 160$ khác để mua lại vé? Ở một trường hợp khác tương đối tương tự, nếu một người phụ nữ chưa mua vé nhưng cầm theo 160$ để chuẩn bị mua vé, nhưng tới rạp thì làm rơi mất, hỏi có bao nhiêu phần trăm là người đó sẽ bỏ ra 160$ khác để mua vé? Hai trường hợp này tưởng chừng giống nhau, nhưng ở trường hợp 2 có nhiều người lựa chọn mua vé lại hơn, mặc dù về cơ bản thì số tiền mất là như nhau, nhưng theo tâm lý thì ở trường hợp 1 chúng ta đã mất vé, nên ít muốn mua lại hơn, còn ở trường hợp 2 thì chúng ta chỉ mất tiền thôi, còn theo tâm lý thì cho dù có mua đi chăng nữa cũng chỉ trả 1 lần tiền vé. Ấy là do tâm lý đã lừa chúng ta là có nhiều túi tiền khác nhau, và khi tiêu vé ở trường hợp 2 mới là lấy ra từ túi tiền cho vé xem phim, trong khi thực chất tiền đều ở 1 túi và cả 2 trường hợp đều là chúng ta đang tiêu một số tiền như nhau.

Tiếp nữa là một hiệu ứng đã được nhắc tới khá nhiều, có một cuốn tiếng Việt bạn mình có giới thiệu mà mình chưa coi, nhưng cũng viết khá rõ về cái này, tên là “Hiệu ứng chim mồi“. Về cơ bản là các nhà đặt giá đã lợi dụng những cái bẫy tâm lý để đặt ra mức giá rất ảo, đưa ra nhiều lựa chọn nhưng về bản chất là bẫy chúng ta vào một số lựa chọn có lợi nhất cho họ. Ví dụ như đặt giá 3.99 nghe cho rẻ nhưng thực chất là 4 đô, hoặc đặt 3 mức giá từ 1-3 với 1 rẻ nhất, nhưng mức 1 và 3 sẽ kiểu rất vô lý, nên người dùng sẽ hướng tới chọn mức 2 do so sánh với 1 và 3, trong khi thực tế mức 2 cũng quá đắt và thừa thãi, chỉ cần chọn 1 là đủ chẳng hạn. Nghiên cứu cho thấy là hiệu ứng này càng mạnh hơn khi chúng ta nhận được thông tin từ nguồn đáng tin cậy, và khi chúng ta đang buồn =)). Một giải thích khác nữa là chúng ta hay có xu hướng nghĩ tới những gì chúng ta mất nhiều hơn là những gì chúng ta đạt được, ví dụ sẽ dễ lấy 2 làm mốc, lựa chọn 3 thấy đắt quá vô lý, còn lựa chọn 1 rẻ nhưng chất lượng lởm quá nên cũng vô lý, 1 và 3 đã quá nhiều bất lợi nên bỗng nhiên 2 sẽ nổi bật lên, dù thực tế là nó không có điểm lợi nào quá nổi bật, nhưng nó lại dễ được lựa chọn vì không có điểm bất lợi nào nổi bật.

Lời khuyên ở đây là thay vì đặt nó vào so sánh với những thứ đang ở cửa hàng, hay so sánh với những thứ tương tự thì phải có một hình dung rõ ràng về thứ mình muốn. Cái này không chỉ đúng với việc mua đồ vật mà đúng với mọi thứ, đương nhiên là rất khó làm, nhưng lý tưởng là bản thân phải có lập trường, giống như khi xếp hình vậy đó, phải tưởng tượng được mảnh ghép mà mình đang tìm kiếm là gì, sau đó tìm đúng mảnh đó, ghép vô, xong. Nếu bạn không dự định mua một thứ đắt đỏ, thì không nên bị mấy thứ đó cám dỗ khi đi ra cửa hàng, nên muốn làm chủ suy nghĩ về tiền thì phải học cách mạnh mẽ chống lại mấy hào quang đó đi :)).

phát hiện ra bài viết này hơi lắm chữ nên chèn thêm cái hình và câu chuyện hơi không liên quan để thư giãn nè, đây là sách mình mua ở hội sách dọn kho Nhã Nam, cộng với cái túi “reader gonna read” bốc thăm may mắn lấy được ^^ ở đây đã có 1 cuốn viết rì viu và 1 cuốn sắp lên rồi nha, chăm chỉ chưa 😀

Một cái nữa mình thấy có thể nói là điều mình học được thấm nhất từ cuốn này là càng nghèo càng quyết định tiền sai lầm và thường thì người nghèo rất khó để được cảm thông, cho nên rút ra là gì, muốn được thư thả thoải mái thì hãy cố tích nhiều tiền và giàu lên thôi. Cái này nghe khá là cực đoan, nhưng gần đây mình nghe được một câu từ một youtuber mà mình hay coi, có nói “お金は心に余裕を持てる” (tạm dịch: có tiền thì mới mở được tấm lòng), mình thấy rất đúng và liên quan trực tiếp tới nội dung này luôn. Giải thích dễ hiểu thì khi không có tiền thì mỗi lựa chọn liên quan đến tiền bạc bị quá nhiều yếu tố chi phối, ngoài ra việc ngày nào cũng nghĩ tới việc phải kiếm tiền, việc kiếm tiền đã quá gánh nặng thì không gian của não bộ sử dụng cho việc đưa ra phán đoán chính xác sẽ bị hạn chế lại rất nhiều, hiển nhiên sẽ kéo đến một kết quả không tránh khỏi là đưa ra quyết định sai lầm thôi. Còn về vế thứ hai thì do không ở chung hoàn cảnh giống nhau, nên sự cảm thông càng khó đạt được, khi mà có tự do khỏi những ràng buộc tiền bạc thì mới có thời gian suy nghĩ những cái khác. Có rất nhiều thí nghiệm đã tiến hành (mời đọc thêm sách) để củng cố cho một điều hiển nhiên nhưng rất quan trọng: tiền càng hiếm càng chiếm nhiều phần trong tâm trí, cho nên nói người giàu khổ vì nhiều tiền chưa chắc đã đúng đâu nha.

Ngoài ra còn khá nhiều điều vụn vặt, ví dụ như là muốn quẹt thẻ thì trước khi quẹt hãy nghĩ về số lượng tiền giấy tương ứng với số tiền sắp quẹt, thấy nhiều quá sẽ rén mà tiêu bớt đi, hoặc là biết tiếng Đức thì sẽ tiết kiệm được tiền hơn vì suy nghĩ bằng tiếng Đức thì động từ không chia thì tương lai, tức là lúc nào cũng phải nghĩ đến chuyện tương lai rồi (cái mà suy nghĩ thay đổi dựa theo ngôn ngữ này mình cũng thấy khá hay vì bản thân cũng có kha khá trải nghiệm, sẽ cố gắng tìm đọc thêm vài cuốn liên quan chủ đề này để tìm hiểu sâu hơn), hoặc là xài tiền thì đừng mua “đồ vật” mà hãy mua “trải nghiệm“, vì đồ vật càng ngày mình sẽ càng chán nó, còn trải nghiệm thì sẽ chồng lên nhau và ngày càng đáng giá và phong phú hơn. Cuốn này cũng cho nhiều kiến thức thí nghiệm hay ho, đọc thể loại này khá vui nên ai có hứng thú về tâm lý và hành vi, kiểu những gì chi phối quyết định của chúng ta thì có thể tìm đọc cuốn này hoặc 2 cuốn mình nhắc ở trên, 3 tác giả này đều viết rất khoa học, có giá trị tham khảo cao.

Để kết bài giới thiệu cuốn sách, và cô đọng lại những gì phải học phải làm sau khi đọc xong cuốn này thì nhắc nhớ một câu của Nam Cao: “Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất…“, ông viết văn hiện thực nhưng đúng về khía cạnh tâm lý mà nhìn sang thì là như vậy đó. Vậy nên, nếu muốn làm người tốt, muốn làm chủ tư duy, muốn tâm trên tiền thì phải cố kiếm tiền mà giàu lên nha…

Đánh giá chung

Rating: 3 out of 5.

2 Comments

  1. thật thú vị vụ nói tiếng Đức tiết kiệm tiền hơn, mình đã tìm được bài của đh Yale về vấn đề này. Thanks!

Leave a Reply