Bối cảnh là vào cuối thời Đường ở Trường An, Nhật Bản cử nhà sư Không Hải đi học giáo lý Phật giáo và Dật Thế sang học Nho giáo ở Trung Quốc. Câu chuyện mở ra đầy ma mị với hình ảnh một con mèo đen và những câu chuyện thần bí xung quanh nó, sau đó mọi thứ tiến triển phức tạp hơn sau mỗi tập, hình ảnh con mèo xuất hiện từ đầu và cũng có nhắc lại nên chắc vậy mà khi chuyển thể thành phim điện ảnh, đạo diễn Trần Khải Ca đã đặt tên là “Yêu miêu truyện” (mình chưa coi nhưng chắc sẽ dành một ngày nào đó rảnh rảnh để xem thử). Kết thúc cả 4 tập thì tác giả đã vẽ ra một cách lý giải của riêng bản thân mình về những sự kiện xung quanh Đường Hoàng đế Đường Huyền Tông và Dương Quý phi Dương Ngọc Hoàn.

Nội dung cụ thể thì đơn giản như phần mở đầu mình đã giới thiệu qua, là cuộc hành trình của hai cậu du học sinh người Nhật Bản trên đất Đại Đường, những người họ gặp gỡ, những câu chuyện nhỏ hơn mở ra lồng ghép và cách họ xử trí với những sự kiện lạ lùng trên mảnh đất ấy. Có quá nhiều chi tiết nhỏ lẻ mà cả 4 tập liền mạch với nhau chứ không hẳn là mỗi tập một câu chuyện nên mình sẽ không đi quá sâu vào chi tiết nữa mà viết một số “khúc mắc” của bản thân khi đọc chuyện cũng như mấy cái hay ho mà mình thấy sau khi đọc.
Đầu tiên là có lẽ đây là lần đầu tiên mình đọc tác phẩm lấy bối cảnh Trung Quốc của một nhà văn Nhật Bản, nên cảm thấy các phần giải thích có phần quá rườm rà, ví dụ như giải thích cả hoạn quan là gì, giải thích đủ mọi thứ trong cung. Đương nhiên với độc giả Nhật Bản còn chưa quen thuộc với nền văn hoá thì việc viết cụ thể thế là cần thiết, nhưng với mình đọc quá nhiều truyện Trung Quốc thì thấy rất ngán và chỉ muốn bỏ qua sao cho nhanh. Ngoài ra có một số đoạn từ cuốn này sang cuốn khác nội dung y hệt cảm giác như y từng chữ luôn á, mình không/chưa tìm lại để coi chỗ nào giống hệt chỗ nào, nhưng thi thoảng lại thấy deja-vu, tác giả cứ phải lặp đi lặp lại những câu giải thích, rồi những chi tiết chuyện tới từng từ vựng để người đọc có thể theo dõi cụ thể hơn chăng? Thậm chí không biết là do bản dịch hay do bản gốc mà có chỗ trong một đoạn đã lặp rồi chứ chưa nói quyển này quyển khác, ví dụ trang 52 quyển 3:
“Dù không biết chính xác hoàng đế sẽ rời Trường An khi nào và bằng cách nào, nhưng ngài ấy cảm nhận được bầu không khí ấy đang lẩn khuất quanh đây. Dù không biết ai đang mưu tính cuộc nổi loạn và nó sẽ diễn ra khi nào, nhưng ngài ấy cảm nhận được bầu không khí ấy đang lẩn khuất quanh đây. ” (phần in đậm là phần lặp). Mình không rõ là có dụng ý văn học gì hay không đây? À đương nhiên cũng phải nói dịch giả cuốn này dịch rất hay, có những từ hay cách biểu đạt mình thấy rất thơ rất văn học, có những cách diễn đạt mà mình tin chắc là có đọc bản gốc cũng không thể tìm được từ tiếng Việt hay mà phù hợp đến vậy để diễn tả lại, cho nên giọng dịch Việt cũng là một trong ít những thứ kéo mình đọc được hết 4 cuốn.
Tiếp theo thì cách kể chuyện của cuốn này tương đối khô khan. Hầu như không có tả cảnh hay tả nhân vật, tất cả đều đang hoạt động, hoặc đang bị tác động của một ai đó khác, mọi người mọi thứ đều đặt trong một không gian xoay vần chứ không có những lát cắt chững lại để người đọc kịp hình dung không gian. Vậy nên nhiều khi đọc mình còn cảm thấy không phải đang đọc truyện của bối cảnh hơn nghìn năm trước, mà là bối cảnh thời hiện đại ấy vậy, nhân vật cũng có hình dung khá mơ hồ. Thêm nữa là quá nhiều bức thư làm cho mình cảm thấy mạch truyện chính không đi được tới nơi tới chốn, tác giả phải nhồi nhét các loại giải thích vào cho một nhân vật “tôi” nào đó viết thư và kể lể lại n chuyện, đọc rất mất hứng…
Không tránh khỏi so sánh nhưng cùng thời Đường thì mình thích cách mô tả của cuốn “Trâm” hơn (chắc sẽ viết bài viết sau, có thì sẽ dẫn link về lại đây), xen kẽ tả cảnh nên có hình dung không gian khá tốt, hoặc nói về ma quái thì năm ngoái 77 cuốn “Người tìm xác” đã cho mình cảm giác linh dị vô cùng hấp dẫn, nên đọc phần linh dị ở trong này có hơi hụt hẫng. Điểm sáng nhất đối với mình là thi thoảng lắm lắm có xen kẽ một số triết lý nhà Phật, thì lại không đủ hấp dẫn như một cuốn ngôn tình xuyên không (hơi nhảm) mình rất thích là “Đức Phật và nàng” (cuốn này chắc cũng sẽ có bài viết riêng, từ thùng nháp rồi sẽ chui ra thôi). Tuy 4 cuốn là dung lượng kfhá lớn để thoả sức thể hiện mọi thứ nhưng do tiết tấu chầm chậm, lại còn lặp, rồi các nhân vật không được khắc hoạ quá rõ nét mà gần như chỉ là “công cụ” để kể câu chuyện, như miếng răng cưa để tác giả đẩy từ bí ẩn đến giải đáp, chứ không cho nhân vật không gian để tự có những thay đổi trong thân mình. Ví dụ anh bạn Dật Thế từ đầu tới cuối đọc có khi còn quên mất là anh ta đang học chữ Nho, ảnh chỉ xuất hiện với vai trò là đặt câu hỏi để Không Hải trả lời (hình thức AMAs thời xưa?).
Thỉnh thoảng lắm lắm thì tác giả có chiêm một chút triết lý nhà Phật vào và mình thấy khá thích cách giải thích trong truyện, ví dụ “niết bàn” bình thường chỉ được hiểu là một từ dịch từ chữ nirvana trong tiếng Phạn, nghĩa thường được hiểu khi đọc kinh là mọi phiền não đều đã bị tắt, nhưng nghĩa này của từ gốc trong cuộc sống hàng ngày được dùng là “thổi tắt ngọn lửa”. Sự khác biệt rất nhỏ nhưng rất căn bản ở đây là “tắt” và “thổi tắt”, vì vế sau có hình ảnh con người xuất hiện với ý chí và hành động của riêng họ, chứ không phải một cách bị động theo trạng thái sẵn có. Theo đó thì Không Hải rất khuyến khích việc học tiếng Phạn nguyên thuỷ để hiểu được kinh phật một cách thấu đáo hơn.

Nguồn: https://original-sho.com/blog/2450/
Trích thêm một đoạn mà mình rất thích trong cuộc trò chuyện giữa Không Hải và người bạn Dật Thế của mình:
“Vậy nên cậu tin rằng số mệnh của cậu là đến được Trung Hoa?”
“Ờ, đúng vậy.” Không Hải đáp gọn lỏn.
“Nhưng dù cậu tin hay không tin vào mệnh trời, thì nếu thuyền đến thuyền vẫn sẽ đến, còn thuyền không đến thì thuyền sẽ không đến cơ mà.”
“Phải.”
“Chẳng hoá ra là tin hay không tin thì vẫn như nhau sao?”
“Đúng rồi.”
Nghe đến đó Dật Thế không biết phải nói sao.
“Thế mới gọi là số mệnh. Nhưng nếu tớ tin, thì lòng tớ sẽ thanh thản đến phút cuối cùng, dù thuyền có bị đắm hay đến được đích.”
“Cái gì cơ!?”
“Đó chính là Phật pháp vậy.”
Xin lạm bàn thêm một chút về thứ đã cuốn hút mình ở cuốn này, cũng chính là chủ đề về Phật giáo lại dưới ngòi bút của một tác giả Nhật. Sa môn (沙門) là một danh xưng chỉ người tu hành, ở Việt Nam mình thì có thể nghe thấy tỳ kheo (nam) và tỳ kheo ni (nữ) phổ biến hơn, mình có tìm hiểu thử hoá ra cũng là cùng một ý nghĩa. Không Hải là một vị cao tăng có thật trong lịch sử, mình đã từng nghe tên và rất ngưỡng mộ hồi tìm hiểu về thư pháp Nhật Bản, ông còn được gọi với danh xưng là 五筆和尚 (ngũ bút hoà thượng) vì có giai thoại (cũng được kể trong truyện) là ông cầm 5 cái bút (2 tay 2 chân và miệng) để viết một chữ “thụ”, dám viết thư pháp ở bức tường ngay cạnh Vương Hi Chi (nhà thư pháp nổi tiếng của Trung Quốc, còn có danh xưng là “thư thánh”).
Đây là thứ mình biết về Không Hải trước khi đọc truyện, sau mới biết ông là người đã mang Mật tông từ Trung Quốc về Nhật, cũng là người sáng tạo ra Chân ngôn tông dựa trên đó. Nói một chút về cái Mật tông này thì đây là một nhánh của Phật giáo Đại thừa. Phật giáo thì chắc nhiều người cũng biết là được chia ra thành Tiểu thừa (Phật giáo nguyên thủy, chỉ thờ Phật Thích Ca, chỉ có người nào tu hành mới được giải thoát, không thể cứu vớt người khác), và Đại thừa (cải cách thêm nhiều, thờ thêm các vị Phật khác đặc biệt là thờ cả Bồ Tát, cho rằng các phật tử cũng có thể được cứu vớt). Mật thừa có tên gọi này vì chỉ dành cho những vị cao tăng đã có tu vị và sự giác ngộ nhất định, ví dụ như trong truyện thầy Huệ Quả cũng chỉ truyền lại cho một đệ tử ruột và sau này Không Hải muốn học cũng phải chờ đợi mãi đó. Tư tưởng Mật thừa thì trên mạng có khá nhiều, nếu ai hứng thú thì có thể tìm hiểu từ tư tưởng căn bản của Đại thừa trước, mình sẽ không lan man thêm về phần này.
Chuyện lịch sử Dương Ngọc Hoàn và Hoàng đế Đường Huyền Tông chân tướng thực sự như thế nào thì có rất nhiều điển tích và lời đồn khác nhau, cuốn này viết bởi người Nhật nên được hiểu theo cách của người Nhật là lưu lạc cùng Cao Lực Sĩ sang Nhật thì cũng không có gì quá mới lạ. Hình ảnh Dương Ngọc Hoàn trong kịch Nhật mình cũng đã từng có lần thấy trên quảng cáo. Lý giải và kiến giải về phần này thì mình chắc phải đợi xem phim coi đạo diễn Trần Khải Ca giải thích như thế nào rồi rảnh sẽ viết thêm.
Câu chuyện ngoài lề một chút là bộ 4 cuốn này bìa đẹp, nội dung cũng dạng mình thích nên mình đã đặt lên đặt xuống rất nhiều lần, cuối cùng cũng một lần ham hố mà ôm cả bộ về. Những cuốn như thế này mình rất hay đắn đo khi mua vì thường sẽ không đọc lại, mà mình đọc khá nhanh nên thời gian được giải trí so với số tiền bỏ ra cảm thấy không đáng lắm TT__TT. Và đúng là bộ này đọc xong thấy hơi tiếc tiền một chút :(, cũng có cái “lợi” là do mua mắc tiền và đã mắc công ôm sang Nhật rồi nên phải cố mà đọc cho hết. Hồi ở Việt Nam mình cũng cầm lên đặt xuống cuốn này rất nhiều lần, theo goodreads lưu lại là mình đã mua cuốn này từ 8/12 mà mất tận 3 tháng mới hoàn thành (thực ra là đa phần là mình đọc trên chuyến bay Việt – Nhật vừa rồi, à tin lại ngoài lề của ngoài lề là mình đã quay lại Nhật, nên hi vọng sẽ có một số bài viết về cuộc sống bên này ^^).
Tựu chung lại thì mình thấy cuốn này có lối kể chuyện hơi lê thê giải thích nhiều, lại không hợp gu mình đoạn thiếu nhiều tả cảnh và chuyển biến tâm lý nhân vật, nó giống như một ký sự của người xưa về một chuỗi sự kiện đã xảy ra nhiều hơn. Tuy nhiên vì vậy nên nó tương đối dễ đọc, cũng có thể góp nhặt được một vài kiến thức về Phật giáo, cũng như là một tác phẩm ca ngợi tài năng của Không Hải, các chi tiết về nhân vật này đều không sai khác lịch sử, vẫn đúng tính cách nên suy cho cùng mình vẫn đánh giá là tạm ổn.
Đánh giá chung
=。= chị cũng đang dịch truyện Nhật, quả thật các bác Nhật rất thích lặp lại câu cú như chỗ em in đậm ý.
Và đúng là thỉnh thoảng đôi chỗ trong quyển này lại đc nhắc lại ở quyển sau.
Có 1 điều dại dột của c là đọc hết 2 tập thì lúc ấy chưa có tập 3,4. Quá vật vã nên chị tìm phim để đọc. Ôi, phim chán kinh dị. Xong lại biết kết thúc mất rồi nên c ko đọc nổi tập 3,4 nữa.
vâng công nhận các bác viết thế làm mình đọc như kiểu bị ngẫn ấy =)) em kiểu đọc nửa tập 3 xong 1-2 tuần sau mới đọc tiếp, tự dưng thấy đoạn y hệt tưởng mình cầm lộn cuốn chứ…
em chưa xem phim nhưng em đoán phim sẽ cho Không Hải hơi phụ (phim TQ mà KH là đại diện Nhật), truyện thì ít nhất kết thúc vẫn đẩy KH chính nên có lẽ đỡ dở hơn đấy ạ 😀