Cuốn này viết về một thế giới giả tưởng mà ở đó lính cứu hoả không chữa cháy mà có nhiệm vụ đi đốt sách, tất cả các loại ấn phẩm giấy in đều sẽ bị xoá bỏ một cách triệt để. Nhân vật chính là một anh lính cứu hoả tên Montag, đã làm công việc này cả chục năm, có gia đình êm ấm, tương đối điển hình trong xã hội lúc đó. Một cuộc gặp gỡ của anh với “nàng thơ” của mình đã gợi nhiều câu hỏi trong chính anh, về lý do tại sao phải đốt sách, và những cuốn sách kia rốt cục có ý nghĩa vai trò gì. Đương nhiên hành động tò mò này là bị cấm ở thời không trong sách, nên những giác ngộ của anh này lúc đó đã biến cuộc đời anh này đi vào một ngã rẽ hoàn toàn khác.

Hồi học tiếng Anh mình đã đọc cuốn này lần đầu tiên cùng với mấy cuốn kinh điển khác được giảng dạy trong trường học ở bên Mỹ, nhưng hồi đó chỉ đọc để học tiếng Anh thôi, giờ đọc lại mới thấy khá là thấm (lần này đọc bằng tiếng Việt thấy hơi trúc trắc, cũng có lẽ do nội dung gốc vốn đã khá thơ và khá dị rồi). Lần này đọc lại mới cảm thấy cuốn sách này nói về đôi chút chính bản thân mình trong hiện tại, đọc cảm thấy “vỡ” ra được rất nhiều, không rõ đó có phải ý đồ của tác giả hay không, nhưng có lẽ sách kinh điển được coi là kinh điển cũng có lý do của nó, ở bất kỳ thời đại nào người ta đều có thể nghe được tiếng vọng của sự tương đồng ở một đôi câu chữ.
Ở cái thế giới này, tất cả các cuốn sách đều không được phép tồn tại, ngay như bìa sách màu đỏ này cũng rất đẹp, nhìn là thấy bùng cháy rồi :)). Mình rất nhớ tên cuốn sách này vì con số 451 độ F (khoảng 232 độ C) kia, vì sau khi tra cứu mới biết đó là nhiệt độ tự bốc cháy của giấy in sách, là nhiệt độ mà giấy sẽ tự bốc cháy cho dù không tiếp xúc trực tiếp với nguồn lửa. Đọc cái tên của cuốn sách đã thấy mở ra một cánh cửa về cái thế giới dị hợm ấy, nơi mà người ta dùng những khẩu súng khè lửa đốt tận gốc những cuốn sách một cách không hề khoan nhượng, và hành động đó được tất cả mọi người đồng tình cổ vũ, đáng ngạc nhiên là hầu như chẳng một ai mảy may nghi ngờ hay suy nghĩ về tính đúng đắn của hành động đó.
“Nội quy của lính cứu hoả bao gồm
1. Nhanh chóng đáp lại tín hiệu báo động.
2. Phóng hoả tức thì.
3. Đốt mọi thứ.
4. Trở về trạm phóng hoả trình diện ngay.
5. Sẵn sàng đợi báo động khác. “
Mọi thứ được thiết lập như những cái máy, cứ đọc nội quy sẽ thấy tất cả đã được lập trình kín kẽ không có một khe hở, không một ai được phép đọc sách trước khi đốt nó, chưa phải nói là có thời gian để cân nhắc xem cuốn sách ấy có nên tồn tại hay không.
Đương nhiên thế giới như vậy chỉ có trong giả tưởng, và tác giả đã vẽ lên cái thế giới giả tưởng đó để ẩn dụ cho những hình ảnh khác nhau mà chắc có lẽ mỗi người đọc đều có những kiến giải riêng. Bản thân mình thấy khá giật mình ở việc đọc quá nhiều mà thiếu đi thời gian suy ngẫm, cái blog này vốn lúc đầu sinh ra cũng là để giải quyết vấn đề bản thân mình không cân bằng được việc nạp thông tin vào và xử lý cũng như xuất thông tin ra, nên thành ra bị loạn chữ. Việc các cuốn sách kinh điển bị tóm tắt lại quá gọn, và dần rồi người ta không dành thời gian để tận hưởng nó, hay là việc giống như bà vợ của anh nhân vật chính bị cuốn vào thế giới trong tivi, coi nó là gia đình, là chuyện tác giả nghĩ ra từ những năm 50 của thế kỷ trước mà cảm tưởng như đến nay vẫn còn nguyên hình ảnh. Tất cả đều là những thông tin “không bắt cháy”, những thông tin có giá trị hơn trong sách thì đều đã được xử lý hết, chỉ còn lại những thông tin vô thưởng vô phạt như cái quảng cáo lặp đi lặp lại trên xe buýt, hay những câu chuyện không đầu không cuối, và thậm chí người ta còn cấm cả những hành lang lan can ở ngoài để tránh người ta trao đổi với nhau thông tin, để “cái giếng” của mỗi người càng ngày càng nhỏ lại, để người ta thấy tự vui trong thế giới nhỏ của mình, gây ra một cảm giác sai lầm là mình đang chuyển động trong khi bản thân vẫn mắc kẹt nơi đáy giếng.
“Sách” ở đây mình hiểu là một hình tượng hoá của những kiến thức gợi mở, nhưng bản thân “sách” không thể giúp được chúng ta. Thời đại trong truyện đốt sách vì sách gợi mở nhiều suy nghĩ, và bởi vậy nó là mầm mống của nguy hiểm, mà phòng thì hơn chữa nên đốt hết là cách giải quyết an toàn nhất. Có một luận điểm khác mình thấy cũng khá hay là cho dù có sách đi chăng nữa, thì để tiếp thu được lợi ích của sách thì phải đầu tiên là đảm bảo chất lượng thông tin, sau đó là sự thư nhàn để có thể từ từ hấp thu những thông tin từ sách, và cuối cùng là “quyền được hành động dựa trên những gì ta học được từ sự tương tác của hai cái trước”. Đọc tới đây phải dừng lại để tự hỏi bản thân về thói quen đọc, liệu đã chọn đúng sách, liệu đã dành đủ thời gian ngẫm nghĩ về một cuốn, liệu có thực sự đối mặt một cách chủ đích với sách hay chưa, hay chỉ đơn giản là để sách cũng như kiến thức trôi đi mất?
Cuốn này mình khá thích, chắc một thời gian nữa sẽ lại đọc lại vì nó gợi suy nghĩ rất nhiều. Kết bài bằng một câu trích dẫn mình vẫn nhớ từ lần đọc đầu:
Thỉnh thoảng chúng ta cần phải bận tâm. Đã bao lâu rồi em không thực sự bận tâm? Về một chuyện quan trọng, về một cái gì đó có thật?
Đánh giá chung:
Trong cuốn này có một thuật ngữ khá hay là “Gasoline Refugee”, chỉ những người luôn luôn di chuyển từ nơi này đến nơi khác trong khi họ không thực sự có một đích đến cụ thể. Có nhiều perspective trong cuốn sách đang dần dần trở thành hiện thực trong xã hội.