Một cuốn sách rất cụ thể và chi tiết từng bước để làm thế nào tìm được thời gian thực hiện những thứ mà mình muốn, giúp ích cho những ai đang băn khoăn không biết quản lý thời gian như thế nào có thể tham khảo và áp dụng tuỳ theo lối sống của bản thân. Mình sẽ chia sẻ nội dung sách cùng với những thứ mình đã làm, và sẽ làm sau khi đọc.

Mình đọc cuốn này vì dạo này cảm thấy làm việc rất không hiệu quả, mất tập trung rất nhiều mà dùng đủ cách từ các cuốn mình đã đọc và áp dụng từ trước đến nay đều không giúp mình chút nào. Cuốn này làm mình cuốn hút từ tên tiêu đề Make time (tạm dịch: tìm ra thời gian) với ý tưởng chính là một ngày thành công không phải là một ngày có hiệu suất cao, mà là một ngày làm được việc mà mình muốn làm. Cho dù có thể làm được rất nhiều việc để rồi sau đấy ngày qua ngày trôi đi mà không nhớ được mình đã thực hiện những việc gì, mỗi người chẳng khác nào cái máy chạy theo những bảng danh sách việc cần làm như những phần mềm đã được lập trình sẵn. Thay vào đó, mỗi ngày chỉ cần hoàn thành được MỘT việc quan trọng nhất thì cảm giác thành tựu cũng có thể đạt được và tự bản thân sẽ có thêm năng lượng được cổ vũ để làm nhiều việc khác hơn. Cái ý tưởng này thì cũng không mới, mình cũng có lúc đã từng viết note đầu ngày rồi nhưng chưa duy trì được, trong cuốn này viết cụ thể nhiều thứ hơn nên sẽ ghi lại những thứ mình chưa làm được, hoặc chưa duy trì được để thêm vào trong thói quen hiện tại.
Có một câu mà mình khá là giật mình là theo nghiên cứu thì mỗi người trung bình dùng điện thoại 4 tiếng, và coi ti vi 4 tiếng một ngày, vậy tính ra mấy cái xao nhãng này cũng đúng bằng thời gian làm việc full-time rồi (hic), tức nghĩa là nếu mình có thể bằng cách nào đó sử dụng thời gian hợp lý hơn thì có thể làm được thêm vô số việc. Ở thời hiện đại này thì có hai thứ làm mình rất lãng phí thời gian, một là busy bandwagon (đoàn tàu bận rộn): lúc nào chúng ta cũng bị ngộp thở bởi những email liên lạc từ người khác, rồi những lịch trình kín mít hay những danh sách việc phải làm kéo dài dằng dặc, thực ra tới lúc nhìn lại thì việc thực sự mình muốn làm hoặc phải làm không nhiều, mà trong đó toàn là những thứ bị cuốn theo hoặc phụ thuộc quá nhiều vào người khác; thứ thứ hai là infinity pools (bể vô tận): những ứng dụng hoặc các nguồn tin khác được cập nhật liên tục, lúc nào cũng có tin mới nên kéo dẫn chúng ta vào cảm giác bắt buộc phải cập nhật hàng ngày để không bị tụt hậu. Hai cái bẫy này đã trở thành trạng thái mặc định, do rất nhiều lý do viết kỹ trong sách mà mình lười nhắc lại, nhưng điều quan trọng ở đây là vì nó đã trở thành mặc định nên nếu muốn vượt qua nó thì phải có những biện pháp khác nhau, phải tạo được những khoảng trống thì nhờ đó đầu óc mới có thể minh mẫn suy nghĩ và bình tĩnh hơn được.
Cuốn sách này được viết khá rõ ràng và cụ thể, không có những câu chuyện thành công đa cấp kiểu anh A anh B sau khi thực hiện cái này đã kiếm được 1 tỷ đô nhờ vào việc làm việc 100 tiếng 1 ngày hay gì đó đại loại thế, tất cả đều dựa trên một lý thuyết cố định thể hiện ở hình sau:

Cụ thể là có bốn bước, đầu tiên là phải xác định được HIGHLIGHTS (điểm sáng) của ngày hôm đó, hay nói cách khác là việc mà bạn sẽ làm trong ngày hôm nay (có thể dựa trên các tiêu chí: tính cấp bách, độ thoả mãn khi hoàn thành, niềm vui khi thực hiện); sau đó vào trạng thái LASER tập trung cao độ (như tia laser lúc bắn chỉ tập trung năng lượng vào 1 điểm đó); trong suốt quá trình thì phải ENERGIZE (bổ sung năng lượng) cho cơ thể để đảm bảo lúc cần thiết thì não có thể duy trì ở trạng thái tập trung cao độ; và cuối cùng có thể coi chính cơ thể mình là một mẫu vật thí nghiệm, sau đó thử các cách khác nhau và REFLECT (nhìn nhận lại bản thân). Ở mỗi mục tác giả lại chia sẻ 10-20 mẹo để thực hiện, mỗi mẹo viết vài dòng rất đơn giản cụ thể dễ làm, nên mình đánh giá đây là cuốn có tính thực hành rất cao.
Đầu tiên là phần đặt mục tiêu cho ngày (HIGHLIGHT), mẹo mới thì cũng không có gì nhiều mà quan trọng phải thực hiện và duy trì. Có một cái mình chưa làm được và sẽ muốn làm ngay là mỗi ngày đặt ra một block riêng là *do not schedule* (không chèn thêm việc khác vô đây) và coi nó là thời gian tập trung của ngày. Mình cũng quản lí thời gian theo phương pháp time blocking từ khá lâu rồi, nhưng khoảng thời gian tập trung trong ngày không cố định, nên cuối cùng chẳng tập trung được gì, thử thêm cái này và áp dụng deep work (đã giới thiệu ở đây) xem có cải thiện không. Lời khuyên nữa ở đây là bắt đầu một ngày bằng ánh sáng tự nhiên (cũng đã nhắc ở cuốn Why we sleep mình đã giới thiệu ở đây), cà phê và một việc gì đó để làm (đương nhiên cái này lại liên quan tới việc phải lên kế hoạch từ tối hôm trước).
Tiếp đến là làm thế nào để bật và duy trì chế độ LASER (tập trung) cho não, quan trọng nhất vẫn là chữa được những xao nhãng. Cách đơn giản nhất là làm cho mấy cái xao nhãng đó khó tiếp cận hơn (việc này cũng nhắc tới ở khá nhiều cuốn, mình cũng đã thực hiện một số từ sau khi đọc cuốn power of habit đã giới thiệu ở đây). Ý tưởng của tác giả cũng không khác nhiều lắm, các thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại phải được thiết kế kiểm soát cẩn thận sao cho nó không gây ra những xao nhãng (ít ứng dụng hơn, tắt thông báo tự động, v.v…). Buổi sáng ngủ dậy thì bớt ngó điện thoại, thời gian buổi sáng từ lúc tỉnh tới lúc check điện thoại là thời gian vàng có thể tập trung làm được nhiều việc, rồi chỉ một cái ngó điện thoại hoặc ngó qua thứ khác thôi sẽ làm mất tập trung mà phải cố gắng rất nhiều mới có thể quay lại được cái mạch lúc trước.
Ở đây có hai mẹo nhỏ mà mình sẽ cố gắng áp dụng thử luôn, một là “để ý tới một hơi thở”, cụ thể là tập trung vào việc hít vào thở ra (tư tưởng chắc giống “hành thiền”, để ý vào từng hành động cụ thể, kiểu đường đi của hơi thở, cử động trong khoảnh khắc v.v…), chỉ cần thời gian một hơi thở cũng có thể giúp lấy lại sự chú ý khi đầu óc đang bay bổng; hai là tạo một danh sách câu hỏi vớ vẩn, để lúc nào trong đầu nghĩ ra cái gì thì viết vô đó rồi sau này có thời gian rảnh tra một loạt, thay vì mỗi lần đầu nghĩ ra câu hỏi gì hay ho lại đi tra cứu luôn và sức chú ý bị di dời.
Một phần nữa là cách để ENERGIZE (tiếp sức mạnh) cho cơ thể, thì là những cái cũng khá phổ biến hay được nhắc tới, đọc xong gật gù nhưng mãi mà không thực hiện được thôi: kiểu mỗi ngày nên tập thể dục tối thiểu 20 phút cho dù là đi bộ hay vận động work out nhẹ nhàng, rồi thời gian đói thì sẽ tập trung nhiều hơn vân vân và mây mây. Đọc để rồi gập sách vào lại không thực hiện :(. Vậy nên mình cố gắng chọn ra hai cái mà mình có khả năng thực hiện nhất, bắt đầu từ đó trước rồi sau sẽ cố dần cuộc sống khoẻ mạnh lý tưởng hơn vậy. Đầu tiên là thời điểm sử dụng cà phê trong ngày, thì quan sát cái biểu đồ sau sẽ thấy khá rõ:

Quy tắc cơ bản thì đừng để cà phê đánh thức mình, nghĩa là không nên uống ngay khi thức dậy mà phải dậy một lúc rồi hẵng uống, thứ hai là phải uống cà phê trước lúc buồn ngủ thì sẽ có hiệu quả hơn, nên thời điểm vàng để uống cà phê là từ 10 giờ sáng tới 2 giờ chiều. Ở đây cũng phải chú ý là cà phê nạp vào người sẽ tốn thời gian để tiêu hoàn toàn, mất từ 4 tới 6 tiếng nên không nên uống quá muộn, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ buổi tối. Một chi tiết nữa mà mình sẽ cố gắng áp dụng là “caffeine nap”, là do cà phê uống xong thì mất 15 phút mới bắt đầu hoạt động nên nếu uống cà phê xong đi chợp mắt thì đúng tới lúc cà phê có tác dụng thì mình cũng sẽ tỉnh luôn, người khoan khoái. Trước mình đã đọc cái này trong một vài cuốn khác rồi nhưng vẫn chưa áp dụng lần nào, đọc ở đây tới lần thứ n mà vẫn thấy hay ho nên mình sẽ áp dụng trong một vài tuần tới xem kết quả thế nào.
Cuối cùng có một cái mình thấy khá hay ho là “đắm mình trong thiên nhiên” tiếng Anh họ dịch là “forest bathing” từ từ gốc tiếng Nhật 森林浴, khi chìm mình trong tự nhiên thì sẽ thấy được thoải mái thư giãn hơn, giúp cơ thể sạc đầy năng lượng. Nhân ở Nhật cũng có nhiều công viên cây xanh các kiểu, thôi đặt mục tiêu tháng 1-2 lần lượn công viên để lấy năng lượng xanh ^^.
Tổng hợp lại thì cuốn này viết khá cô đọng và dễ thực hành, có mấy điểm hay ho có thể thực hiện được ngay, đặt kỳ vọng vào bản thân có thể làm được theo sách này và trở thành con người có ích hơn xíu nên cho điểm hơi cao tẹo.
Đánh giá chung:
Em vẫn đang ở Nhật à 😀 Ở Nhật nhiều đồi núi và công viên cây xanh nên dễ shinrinyoku hơn VN đó ^^ Mà HN đang nóng thấy sợ luôn. Cây cối thì chặt hết :(((( Đáng sợ lắm.
Hình như ko chỉ Nhật có “bệnh tháng 5” mà VN cũng có luôn hay sao ấy =)) Đợt này c thấy mình lười dễ sợ!