Flow: The Psychology of Optimal Experience

Tạm dịch tên: Dòng chảy: Tâm lý học cho trải nghiệm tối ưu

Cuốn này được giáo sư tâm lý học Mihaly viết từ cách đây khá lâu về cách sống một cuộc sống có ý nghĩa và cảm thấy hạnh phúc hơn, thông qua một trạng thái mà ông này định nghĩa là flow (dòng chảy), là một trạng thái tối ưu mà ở đó người ta sẽ chìm đắm hoàn toàn và tận hưởng đúng giây phút đó.

(lâu lắm mới viết blog tại mỗi lần mở ra đều nhìn thấy bài “Nỗi buồn” xong buồn quá không viết luôn… thôi nay hạ quyết tâm đẩy dần thông tin các cuốn đã đọc lên, để cái bài buồn buồn đó nó trôi xa xíu…)

nguồn: goodreads

Trước hết thì nói thêm một chút về khái niệm “flow” xuyên suốt cuốn này, có thể dịch nghĩa là dòng chảy nhưng không khớp lắm nên mình sẽ giữ nguyên chữ tiếng Anh. “Flow” được định nghĩa là sự gắn kết 100% với cuộc sống, là trạng thái mà người ta đắm chìm vào hoạt động mà họ đang làm tới mức tất cả những thứ xung quanh không còn quan trọng nữa, cái việc được trải qua kinh nghiệm này tự thân nó đã là một điều hạnh phúc, nên cho dù phải đánh đổi rất nhiều thứ thì người ta vẫn cố gắng thực hiện nó. Cái này cũng khá giống với khái niệm mà tác giả nhắc tới Trang Tử đã nói một cách đúng đắn để thực hành Đạo giáo là dạo chơi, âm tiếng Trung được nhắc là “yu” mà mình vẫn chưa có thời gian để kiếm xem chữ Hán là gì và ý nghĩa gốc Trang Tử muốn nói là gì. Theo trích dẫn của tác giả thì “yu” là trạng thái sống đúng đắn, không cần quan tâm đến bên ngoài, dành tất cả tâm trí để tập trung vào một việc, đúng là ở trạng thái “flow” mà tác giả miêu tả.

Viết nghe ra thì hơi chung chung cộng với mình muốn dùng đúng ngôn ngữ của tác giả để diễn đạt lại nên nghe trúc trắc, còn đây là cách hiểu của bản thân mình. Mình cũng có những việc mà mình cảm thấy đạt được trạng thái “flow”, là tập trung làm tới mức quên thời gian. Ví dụ đơn giản nhất mà mình nghĩ chắc có nhiều người cũng có trải nghiệm tương tự là trước đây mình rất thích chơi game, mình có chơi một game mnorpg online và cũng đầu tư khá nhiều thời gian cho nó, nhưng trong lúc chơi thì mình không cảm thấy thời gian luôn, thậm chí nhiều khi đang tập trung đánh phó bản hoặc pk thì còn không nghe thấy tiếng người khác nói, hoặc không nhìn thấy chữ chat ngay trên màn hình trước mặt. Gần đây thì mình đang thực hiện một thử thách hàng tháng (cái này chắc hết tháng sẽ viết bài tổng kết riêng), đang cố gắng tập viết chữ thư pháp lại một cách tử tế hơn, thì mỗi khi mình cầm bút viết chữ và những con chữ thấm dần xuống lớp giấy thì mình cảm giác thời gian lắng đọng thật sự luôn, nhiều lúc ngồi xuống viết mà không biết thời gian trôi cả 30 phút 1 tiếng, không hề lướt nhìn điện thoại hay đồng hồ lấy một lần. Mình nghĩ tất cả những thời điểm này đều khớp với khái niệm “flow” của tác giả, nhưng quan trọng là làm thế nào để áp được cái trạng thái “flow” này vào những công việc thực sự mình phải làm, ví dụ học một cái gì đó, viết blog chứ không phải chơi game =))

Có hai khái niệm phải phân biệt để có thể đi tiếp là “pleasure (hài lòng)” và “enjoyment (tận hưởng)”. Những thứ ngắn ngủi kiểu chơi game, mua mấy đồ đắt tiền chẳng hạn có thể đưa ra sự hài lòng ngắn hạn, nhưng nếu nó không gắn với mục tiêu sống và đẩy mình tiến về hướng mà mình muốn trở thành thì sẽ không thể mang lại hạnh phúc thực sự được. Nãy giờ mình có nhắc chơi game như hành động xấu, nhưng ý mình muốn diễn tả ở đây là với bản thân mình ở thời điểm hiện tại thôi, là hình ảnh mình muốn trở thành thì mình phải có rất nhiều ưu tiên khác trên chơi game, nên tự nhiên chơi game biến thành việc không nên làm, hoặc rõ hơn là không nên làm ngay, chứ không phải một việc xấu. Mặt khác, sự tận hưởng chỉ có được khi mình thật sự tập trung và chú ý vào nó một cách có ý thức, đây mới là thứ dẫn tới hạnh phúc, và cũng chính thứ tận hưởng này sẽ kéo bản thân gần hơn tới mục tiêu và đẩy sức bật xa hơn những gì gene quy định.

Ở vài chương đầu tác giả có định nghĩa lại khái niệm “hạnh phúc” mà mình có giải thích sơ qua như ở trên, ngoài ra còn miêu tả lại cơ chế hoạt động của “nhận thức”. Nhận thức nói cho chúng ta biết những gì đang xảy ra, và thực tế là nó rất chủ động trong việc định nghĩa lại những sự việc xung quanh chúng ta theo những lăng kính riêng, chính nhận thức là thứ cung cấp cho chúng ta “cuộc sống”: cuộc sống không gì hơn ngoài tổng tất cả những thứ chúng ta đã nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy, hi vọng và chịu đựng từ khi sinh ra tới khi mất đi. Vậy nên quan trọng nhất là làm thế nào để khống chế được nhận thức, ý thức, tác giả có nêu ra phương án là dùng sự chú ý vì chính sự chú ý sẽ giúp định nghĩa thứ gì còn lưu lại trong ý thức và thứ gì không, chúng ta tạo nên chính mình chính bởi cách mà chúng ta tiêu hao thứ năng lượng mang tên ý thức này: tất cả trí nhớ, suy nghĩ và cảm xúc đều là do sự chú ý quyết định nên.

Nói một cách đơn giản thì có khá nhiều phương pháp áp dụng lý thuyết của sự chú ý này: cái gì đó mới mẻ, gây xúc cảm đặc biệt, nhắc đi nhắc lại thì sẽ nhớ lâu hơn, thứ gì bạn nhìn suốt ngày, thứ gì bạn nghe đi nghe lại, sẽ hình thành nên con người bạn, cho dù bạn có ý thức là mình đang hấp thụ nó hay không. Vậy thì để có thể kiểm soát được bản thân (mà sự kiểm soát này sẽ dẫn tới hạnh phúc), thì phải kiểm soát được những nguồn thông tin ra vào trong đầu, tiếp nhận mọi thứ một cách chủ động và có kế hoạch thì ý thức mới được sắp xếp một cách trật tự và không tự bật ra những thứ linh tinh mỗi khi định tập trung làm gì đó nghiêm túc.

Vậy thì “flow” này có thể đạt được khi nào? Nói trong một câu thì flow sẽ đạt được khi thử thách và kỹ năng khớp với nhau, thời gian sẽ trôi như thoi đưa. Nếu thử thách quá khó so với kỹ năng thì mình sẽ phát điên và bỏ cuộc, ngược lại nếu thử thách quá đơn giản so với kỹ năng thì sẽ sớm chán và cũng bỏ luôn (xem thêm hình dưới). Lý tưởng nhất là thử thách đó chỉ hơi khó hơn kỹ năng một chút, để mình có thể kiễng chân với tới và có thể duy trì trạng thái kiễng chân đó một thời gian vừa đủ để kỹ năng có thể cùng tiến với thử thách.

Một trải nghiệm có ý nghĩa được tác giả định nghĩa khi nó liên kết một cách tích cực tới mục tiêu của một người, cuộc sống có ý nghĩa hơn khi có một mục tiêu nào đó để theo đuổi, mục tiêu đó sẽ giúp định hướng và đánh giá những hành động những cố gắng hàng ngày của chúng ta. Để đạt được cái đó thì bản thân phải xây dựng được “autotelic self (bản thể tự thân?)”, được ghép từ 2 chữ gốc tiếng Hy Lạp là “auto” nghĩa là bản thân và “telos” nghĩa là mục tiêu. Một bản thể tự thân là người có thể tìm được mục tiêu từ bên trong, tức có nghĩa là những nguy cơ thì đều có thể biến thành những thử thách thú vị, và coi trọng những gì diễn ra ở hiện tại. Để trở thành con người như thế này thì có mấy thứ:
– học cách đặt mục tiêu tốt hơn, những mục tiêu tốt nhất là mục tiêu mà tự bản thân nó đã mang lại thành tựu, mục tiêu phải được đặt một cách rõ ràng và có phản hồi liên tục (nếu thành công, nếu thất bại, bước tiếp theo, v.v..)
– tập cách chìm đắm vào trong hoạt động đó: học cách cân bằng cơ hội/thách thức với khả năng/kỹ năng của bản thân
– để ý vào việc những gì đang xảy ra ở thời điểm hiện tại đó: mấy thứ vui vẻ dễ dàng thì thường cần ít sự tập trung hơn, và vì vậy nó cũng mang lại ít giá trị đáng nhớ hơn, nên làm gì cũng phải bỏ công bỏ sức để đạt được hiệu quả tốt nhất
– tận hưởng trải nghiệm hiện tại, cố gắng tích luỹ được nhiều thứ nhất từ trải nghiệm đó

Ngoài ra trong cuốn này còn khá nhiều điều hay ho nữa mà mình quá lười để viết thêm, nên chắc để dành lại khi nào đó áp dụng được hết mấy cái này tới một mức độ nào đó, mình sẽ đọc lại cuốn này và viết thêm những khám phá mới sau. Có hai lời khuyên nhỏ của tác giả là cách tốt nhất để đối mặt với stress là chuyển trạng thái tuyệt vọng sang một hành động flow mà ta có thể kiểm soát được (tất cả mọi thứ đều trong tầm tay ta, đừng bao giờ nghi ngờ là tài nguyên hiện tại của mình không đủ để bản thân quyết định tình huống), tiếp tới là phải chú ý đến những sự chuyển động của thế giới xung quanh bằng cách cập nhật và xử lý thông tin xung quanh liên tục, phải không ngừng tìm tòi cái mới.

Tác giả này có một vài bài nói trên TED, một vài bài trao đổi với các học gia khác dưới dạng video hoặc podcast nên mình cũng có nghe tương đối nhiều sau cuốn này, càng nghe càng thấy ngấm, cộng với việc cuốn này không được viết dưới dạng dành cho chuyên gia mà viết theo cách đại chúng hơn, tập trung vào việc định nghĩa “flow” nên đọc khá ngấm. Cuốn này viết khá nhiều chi tiết nhưng lại ít ví dụ nên nhiều lúc đọc hơi trôi, nhưng mình là người ghét đọc những câu chuyện ABC xyz dài dòng không liên quan, nên ngược lại lại thấy học được rất nhiều mà không tốn thời gian (nhưng lượng chữ và kiến thức của cuốn này cũng rất dài). Mình học được một khái niệm “flow” và thấy có thể cố gắng kết hợp nó vào cách học tập và làm việc hiện tại được ngay nên đánh giá cuốn này rất cao, trước mắt chắc là top 3 đã đọc của năm nay, cho 5 sao đã cuối năm nhìn lại rồi sẽ đánh giá lại.

Đánh giá chung

Rating: 5 out of 5.

3 Comments

  1. Cái này cũng khá giống với khái niệm mà tác giả nhắc tới Trang Tử đã nói một cách đúng đắn để thực hành Đạo giáo là dạo chơi, âm tiếng Trung được nhắc là “yu” mà mình vẫn chưa có thời gian để kiếm xem chữ Hán là gì và ý nghĩa gốc Trang Tử muốn nói là gì. Theo trích dẫn của tác giả thì “yu” là trạng thái sống đúng đắn, không cần quan tâm đến bên ngoài, dành tất cả tâm trí để tập trung vào một việc, đúng là ở trạng thái “flow” mà tác giả miêu tả.

    >> Yu chắc là Du đó ạ. Trang Tử có 1 chương trong Nam Hoa Kinh là Tiêu dao du.
    Tiêu dao (tiêu diêu) là tự do tự tại, du là ngao du. Tiêu dao du có nghĩa là ngao du, rong chơi tự do tự tại.

Leave a Reply