Cuốn này gồm hai phần, nửa đầu là câu chuyện của một vị bác sĩ tâm lý bị phát xít Đức giam giữ và luân chuyển trong các trại tập trung, nửa sau là công trình nghiên cứu của bác sĩ này về “liệu pháp ý nghĩa” giúp người ta có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Một tác phẩm quá nổi tiếng, theo sách ghi là bán được hơn 12 triệu bản bằng 24 ngôn ngữ, chắc có lẽ là kim chỉ nam truyền cảm hứng cho rất nhiều người, và đặc biệt là bản thân mình tìm thấy được rất nhiều điều đồng điệu với tư tưởng của tác giả trong cuốn này nên muốn viết một chút. Cuốn này theo lời cuối sách của tác giả thì lúc đầu có tựa đề “a psychologist experiences the concentration camp (những trải nghiệm của một nhà tâm lý học trong trại tập trung) sau đó qua nhiều lần chỉnh sửa và bổ sung thêm phần liệu pháp ý nghĩa ở cuối để ra ấn bản như hình và là ấn bản mình đã đọc và viết vài dòng về nó ở dưới đây.
Trước hết thì mình có ấn tượng vô cùng không tốt với những cuốn của First News và đặc biệt là ba cái bìa nhìn có cảm giác nội dung vô thưởng vô phạt đọc xong trôi tuột như thế này, nên có rất nhiều người bạn, rất nhiều người nổi tiếng giới thiệu cuốn này nhưng mình vẫn chưa hề đọc. Đợt này đọc sách tiếng Anh nhiều quá nhức đầu nên muốn kiếm cuốn tiếng Việt đọc cho đỡ nản thì thấy cuốn này nên mới đâm đầu vô, không ngờ lại hay như vậy. Mình vốn nghĩ cuốn này sẽ viết một cách rất chung chung kiểu câu chuyện anh A chị B và chúng ta rút ra bài học C, khuyên kiểu rất trên đỉnh núi mà dân dưới chân núi chẳng biết thực hành thế nào ấy. Thực tế tới lúc đọc mới ngỡ ngàng là cuốn này viết nó thật một cách đáng sợ, tới những lúc mình đọc đang đi đường mà thấy lạnh sống lưng, phải gập sách lại nhìn lên bầu trời sáng để thấy cuộc đời còn tươi đẹp.
Nửa đầu cuốn sách là tình hình những người tù Do Thái trong các trại tập trung, họ bị phủ nhận tất cả, bị tước đi từ quần áo đồ dùng tới danh tính, tới phẩm cách, thứ họ còn lại chỉ là một con số tượng trưng cho bản thân và những chuỗi ngày hành hạ bởi chính những đồng loại của mình nhưng tự cho là sinh vật cao quý hơn. Nhà tù ở đâu cũng đáng sợ, nhưng thực sự mỗi lần đọc những tác phẩm liên quan đến phát xít Đức lại thêm một lần kinh hãi trước sự tàn độc của phát xít Đức, của những nhà ngạt những lò hơi mà chỉ nghe tên gọi đã gợi nhớ về một quá khứ diệt chủng kinh hoàng. Trong suốt câu chuyện của mình, Frankl luôn trung thành với quan điểm: những thế lực vượt quá khả năng kiểm soát của bạn có thể lấy đi mọi thứ mà bạn có, chỉ trừ một thứ, đó là sự tự do chọn lựa cách bạn phản ứng trước hoàn cảnh.
Frankl có trích lời Dostoevski đã từng nói “chỉ có một điều mà tôi sợ: không xứng đáng với những đau khổ của mình” và lời của Nietzsche “người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh” để thấy dù có khổ, cũng phải để nỗi khổ đó có ý nghĩa chứ đừng phụ lòng nỗi khổ đó.
“Cơ chế vận hành của nỗi đau khổ trong con người cũng tương tự như cách vận hành của chất khí. Nếu người ta bơm một số lượng khí nhất định vào một căn phòng trống thì lượng khí đó sẽ lấp đầy hoàn toàn căn phòng, cho dù căn phòng ấy có lớn đến thế nào chăng nữa. Tương tự, đau khổ sẽ chế ngự tâm hồn và trí não của một người, cho dù nỗi đau khổ ấy là lớn hay nhỏ.”
Đi tìm lẽ sống, Victor Frankl
Sau những tháng ngày dài đằng đẵng từ trại giam này tới trại giam khác, tự mình trải nghiệm và thông qua quan sát hoàn cảnh của những người bạn tù, Frankl nhận ra sự tự do là thứ duy nhất mà không ai có thể tước bỏ, mà cụ thể là sự tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và sự tự do lựa chọn hướng đi của mình. Cụ thể ví dụ như cách nhìn nhận một con người cũng vậy, ở lâu trong các trại tập trung giúp Frankl nhận ra lòng tốt của con người thậm chí có thể tìm thấy ở cả “phe ác”, không có một ranh giới rõ nét giữa người tốt và người xấu, giữa thiên thần và ác quỷ nên mỗi khi nhìn nhận sự vật sự việc đừng để ánh mắt tiêu cực soi lên tất cả mọi thứ.
Kết thúc câu chuyện về những năm tháng trong trại tập trung, cuối cùng Frankl cũng có thể được giải thoát phần nào và bắt đầu xây dựng “Liệu pháp ý nghĩa” để giúp đỡ những người lạc lối tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống của chính mình. Liệu pháp này tập trung chính vào ý nghĩa của sự hiện hữu của con người cũng như ý nghĩa của việc con người đi tìm lẽ sống của đời mình. Trong tâm lý liệu pháp có thể nói đến trường phái phân tâm học của Freud thường dùng mà tác giả nhắc là dựa trên khát khao được thoả mãn và phương pháp của Adler (ở Nhật rất hot) là khát khao quyền lực, ở đây liệu pháp ý nghĩa dựa trên “khát khao lẽ sống”, chính hành động một người đang cố gắng kiếm tìm lý do mình tồn tại là động lực thúc đẩy người đó sống tiếp.
Trong một số nghiên cứu của liệu pháp ý nghĩa, các học giả nhấn mạnh sai lầm của những nghiên cứu về sức khoẻ thần kinh hiện nay khi định nghĩa bất hạnh là một điều xấu, làm gánh nặng của sự bất hạnh càng nặng nề hơn, và một khi đã chìm vào trong suy nghĩ mình đang bất hạnh thì người này sẽ rất khó để thoát ra mà càng lún sâu hơn vào sự tự trách và một vũng lầy cảm giác mình là người kém may mắn. Nên thông qua liệu pháp này thì mỗi người phải tự rèn luyện suy nghĩ đảo nghịch, tránh việc phán ứng thái quá, và cuối cùng là hướng về một mong ước và nhiệm vụ cụ thể, thì mới có thể cắt đứt được vòng luẩn quẩn của nỗi ám ảnh. Cụ thể hơn thì trong liệu pháp ý nghĩa có ba con đường để giúp người ta có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Một là làm một việc gì đó, hai là trải nghiệm một việc nào đó hoặc gặp một ai đó, dựa trên lý thuyết “trải nghiệm cũng có giá trị như một thành công” để tận hưởng cái trải nghiệm đó, và cách thứ ba là phải giữ vững tinh thần “lạc quan trong bi kịch (tiếng latin: argumenta ad hominem”).
Như mình đã nói ở phần đầu, đây là một cuốn sách viết rất cụ thể, nhưng tới kết thì mình muốn nhấn mạnh thêm một điểm là nó cũng rất mang tính gợi mở, theo nghĩa là mỗi người khác nhau chắc chắn sẽ nhận ra được những điều khác nhau sau khi đọc cuốn này. Với bản thân mình, điều mình tâm đắc nhất là nó gắn liền và kết nối những thứ mình nhận ra trong giai đoạn gần đây, bắt đầu từ cuốn Flow (đã review ở đây) nhấn mạnh vào việc phải mở các giác quan để cảm nhận và tận hưởng “hiện tại” – “trạng thái đang vận động” một cách chủ động nhất, rồi tới gần đây mình có nhận ra được nỗi buồn hay những cảm xúc tiêu cực cũng là thứ nên trân trọng chứ không phải giấu đi (đã viết một bài tản mạn ở đây), và cuốn này nối lại những điều đó, để mình thấy được mỗi thứ mỗi giây phút trôi qua trong cuộc đời đều có ý nghĩa của riêng nó, nên cảm nhận nó một cách chủ động hơn, biết ơn mỗi yếu tố xuất hiện trong cuộc đời, sống mỗi ngày đáng nhớ hơn một chút ^^
Xin dùng một câu của tác giả để kết thúc bài viết này, cũng là một lời nhắn tới bản thân mình và những ai đang đọc tới đây, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh kéo dài miên man mà điểm kết thúc vẫn mịt mờ như hiện nay: “thế giới trong tình trạng tồi tệ, nhưng mọi thứ sẽ vẫn tồi tệ trừ khi mỗi chúng ta cố gắng hết mình”.
Đánh giá chung
Cảm ơn bạn, mình cũng có cuốn này mà vẫn còn nguyên bookcare chưa đọc. Đọc xong bài viết có cảm hứng đọc liền hehe
Chị từng xem bộ phim The Pianist chưa ạ. Bên trong quân đội của phe phát xít vẫn có những người âm thầm giúp đỡ người Do Thái mà họ gặp được.
Huhu em cũng hay bị mấy chấp niệm về công ty phát hành sách nên thường bỏ qua những cuốn mà công ty nào đó phát hành dù mọi người review hay tới mức nào ấy ạ