Cuốn này nói về ngưỡng đạo đức khi đồng tiền xen vào thị trường và các khía cạnh của cuộc sống, phân tích thứ gì có thể đưa ra mua bán thứ gì không dựa trên những chuẩn mực nào.

Dông dài một chút trước khi vào đề là mình có một thói quen không biết là tốt hay xấu là một khi đã thích ai thì sẽ cố gắng kiếm những cuốn sách khác của người đó để đọc tiếp, như bác này sau cuốn mình đọc bản tiếng Nhật là 日本で「正義」の話をしよう (tiếng Việt dịch là Phải trái đúng sai, mà đáng ra mình phải viết cảm nhận từ 1000 năm rồi nhưng vẫn lười nên bài đó vẫn ngủ quên trong đám nháp), thì mình đã kiếm tiếp các cuốn khác đọc, và phát hiện ra cuốn này nói về khía cạnh đạo đức của thị trường quá là hay, tiếp theo chắc sẽ mò tới cuốn The Tyranny of Merit, bác này có cách viết rất rõ ràng rành mạch, đọc tới đâu nắm được ý tới đó nên mình rất thích.
Cuốn này mở ra với việc là nhìn vào thị trường hiện nay, thì hầu như, nếu không muốn nói là tất cả, đều có thể gắn mắc giá và đưa ra thị trường trao đổi, có những ví dụ cảm thấy vô cùng là… vô cùng, ví dụ như: thuê trán để xăm quảng cáo, tù nhân có thể dùng tiền để nâng cấp phòng tù, v.v… Trong cuốn sách này cho mình thấy rất nhiều ví dụ kỳ quặc mà đồng tiền đã làm bánh xe cuộc sống chuyển sang hướng khác, có nhiều sự vật sự việc vẫn đang diễn ra một cách rất khó dùng tư duy ếch ngồi đáy giếng của mình để lý giải, tỉ dụ như có những công ty bán bảo hiểm cho người bị bệnh ung thư và sắp chết, họ càng chết sớm thì công ty càng lãi, như là một kiểu đặt cược vào sinh mệnh của người ta vậy, và còn nhiều rất nhiều các ví dụ được chia rõ thành 5 chương với các phần nhỏ hơn một cách rất hệ thống.
Ví dụ chương một về chuyện xếp hàng chen lên đầu, thì cơ bản nhất là ai cũng thấy: ở nhiều nơi có các loại vé VIP giúp tiết kiệm thời gian xếp hàng, rồi có làn đường riêng, thì có thể tạm hiểu là người ta đang dùng tiền để mua thời gian. Tuy nhiên sau sẽ có nhiều biến thể khác, chẳng hạn như vé khám bệnh nộp nhiều tiền hơn thì được chọn bác sĩ, vậy thì chẳng phải là những người không có tiền thì không những phải đợi, mà họ còn có nguy cơ bị mua mất cả cái quyền được khám các bác sĩ “tốt” hơn hay sao. Rồi tới chương hai phân tích về động cơ, có ví dụ kiểu như: trả tiền cho người triệt sản, thưởng tiền cho học sinh để giúp nâng cao thành tích, tiền bảo hiểm. Tới chương phân tích về việc thị trường lấn át đạo đức thì có nêu quan điểm phản đối tặng quà, vì về mặt thị trường thì đó không phải là lựa chọn tối ưu, người tặng phải mất thời gian đi đoán và chọn một thứ mà người nhận có khi cũng không xài, gây lãng phí chẳng hạn, nhưng về mặt đạo đức thì đưa ai đó một xập tiền vào dịp sinh nhật thì cũng không phải là một điều bình thường, ít nhất là ở xã hội hiện tại. Đương nhiên cũng có những phương án trung hòa, ví dụ như một ai đó thích đọc sách thì có thể tặng thẻ mua sách trị giá xyz tiền chẳng hạn, có thể chắc chắn người được nhận sẽ xài quà của mình mà không lãng phí, người mua cũng bớt lo mà người nhận cũng giảm được một phần rác.
Sở dĩ tại sao trong cuốn này thấy có quá nhiều ví dụ, và mình cũng nhắc lại một phần không ít ở đây, là tại vì chắc khi bất kỳ ai đọc cũng sẽ thấy, những vấn đề này thực sự đúng là chỉ có thể trả lời: tùy từng trường hợp. Vậy thì tại sao mà cùng một cơ chế, chen hàng chẳng hạn, tại sao khi mua vé VIP lên máy bay sớm hơn thì thấy hợp lí, nhưng trả nhiều tiền hơn để chọn bác sĩ trong thì lại phải nhận ý kiến phản đối, vậy thì đâu mới là ngưỡng mà đạo đức cho phép, và đâu là vượt ngưỡng, hơn hết là liệu cái ngưỡng của mọi người có giống nhau không? Đấy là điều mà mình khi đọc phải nán lại giữa chừng khá nhiều lần để định nghĩa lại cái thước đo công lý cho bản thân, xem mình có thể chấp nhận việc tiền xen vào tới đâu.
Tác giả có rất nhiều phân tích và rất nhiều ý tưởng hay, có một cái mình thấy thấm nhất là tác giả đưa ra hai lý do chính để phản đối thị trường là tính công bằng và sự tham nhũng.
Tính công bằng khá dễ hiểu vì khi có sự xuất hiện của đồng tiền, khoảng cách của người giàu và người nghèo sẽ ngày càng kéo rộng hơn, hoặc nếu đơn cử xét việc bán thận, nếu nói trao đổi công bằng vì người bán được tiền và người mua được thận, nhưng sự thực là người nghèo đã chịu bất công vì họ không có lựa chọn công bằng, chưa chắc là họ đã tự nguyện mà có thể bị đặt vào tình thế bắt buộc. Lập luận về tính công bằng nhằm vào sự bất công xuất hiện khi con người mua bán hàng hoá trong tình thế bất công hoặc trong điều kiện thiếu thốn về mặt kinh tế, ở đây tác giả không phản đối thị trường hoá một số hàng hoá nhất định, mà phản đối việc mua bán trong tình trạng bất công dẫn tới điều kiện mặc cả của hai bên là không bình đẳng với nhau.
Việc tham nhũng thì cần xem lại định nghĩa về tham nhũng mà tác giả có nhắc, là hành vi mà mua bán những thứ không nên đem ra trao đổi, làm thay đổi ý nghĩa thực sự của nó. Tại sao hối lộ bị lên án trong khi thật ra cả hai đều được lợi: bên đưa tiền giải quyết xong công việc, còn bên nhận tiền đã thu “phí bôi trơn” đầy túi? Vì cho dù các nhà khoa học hay giả định thị trường không làm ảnh hưởng hàng hóa, nhưng thực sự là thị trường có thể làm xói mòn các chuẩn mực xã hội. Lập luận tham nhũng đề cập đến ảnh hưởng xấu của giá trị thị trường và việc mua bán trao đổi một số hàng hoá dịch vụ, chú trọng đến đặc điểm vốn có của bản thân hàng hoá và những chuẩn mực chi phối chúng.
Thử nhìn vào một ví dụ cụ thể là một người mẹ không có khả năng nuôi nên đã đem cho đi đứa con của mình và nhận lại một khoản tiền bồi dưỡng (hay nói cách ngắn gọn là “bán con”), thật sự cũng không phải là việc quá hiếm. Mình cũng có khi đã gật gù, biết đâu đến một nhà tốt hơn lại là một câu chuyện tốt cho tất cả mọi người, cả đứa bé, cả gia đình không có khả năng nuôi và cả gia đình hiếm muộn? Nhưng thực tế là đứa con đáng ra là đối tượng được yêu thương nhưng lại bị mang ra ngã giá, hoặc trong trường hợp cho phép bán nội tạng cũng vậy, con người vốn là chỉnh thể hoàn chỉnh nhưng lại bị biến đổi cách nghĩ thành mỗi người chỉ là tập hợp các bộ phận trong cơ thể, từ đó có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy trong tương lai, ở trường hợp 1 vốn đã coi “con” là món hàng nên biết đâu sẽ trả giá lên xuống làm tổn thương đứa bé, rồi tới lúc thấy “món hàng” của mình được nuôi dưỡng tốt lên thì đã có không hiếm những vụ cha mẹ tìm lại đứa con mình đã bán và bắt nó phụng dưỡng, rồi ở trường hợp 2 thì tin tức cũng đã đưa không ít những vụ bắt cóc giết người cướp nội tạng man rợ.
Sự tham gia quá sâu của thị trường vào cuộc sống đã làm biến dạng rất nhiều giá trị bản chất, có rất nhiều ví dụ hay được nêu ra cho cái này, cũng làm mình ngẫm nghĩ rất nhiều khi đọc. Ví dụ như tiền phạt lái xe quá tốc độ, sau đó người ta nghĩ rằng nộp tiền phạt thì có thể lái xe với tốc độ tuỳ thích, nên thực ra từ tiền phạt lại trở thành tiền phí, và nó mất đi cái tính răn đe, người ta vẫn lái xe quá tốc độ như thường vì tự tin mình đã nộp đủ tiền :). Hoặc chăng là việc đón con muộn thì bị phạt, nếu cân đo đong đếm việc nộp tiền phạt thấy có lợi hơn là phải thuê một bảo mẫu trông theo giờ, thì rõ ràng là trả “phí” (= tiền phạt) cho giáo viên ở trường sẽ yên tâm hơn rất nhiều. Thị trường đã len lỏi quá sâu vào từng góc cạnh của cuộc sống, và cũng như vậy mà thay đổi giá trị của rất nhiều hàng hoá, đọc mỗi ví dụ lại ngẫm ra được rất nhiều.
Ngoài ra còn rất nhiều ý tưởng hay mà tác giả đã chia sẻ nhưng chỉ xin trích dẫn thêm một câu cuối sách của tác giả mà mình thấy rất thích: “dân chủ không đòi hỏi xã hội phải công bằng tuyệt đối, nhưng vẫn cần các công dân chia sẻ cách sống với nhau, điều quan trọng là người dân có trình độ khác nhau, vị trí xã hội khác nhau vẫn có thể gặp gỡ nhau, va chạm, cạnh tranh với nhau trong mọi hoạt động của đời sống hằng ngày. Nhờ vậy, chúng ta mới học được cách thoả hiệp và tôn trọng sự khác biệt, và biết cách quan tâm đến lợi ích chung.”
Cuối cùng thì trong cuốn này có rất nhiều “bài tập” như vậy để thử xem mình suy nghĩ kỹ tới đâu trước mỗi sự vật hiện tượng, và coi thử chuẩn mực đạo đức của mình là như thế nào, nên mình cũng kết bài viết về cuốn này của mình bằng một “bài tập về nhà nho nhỏ”: mọi người đồng ý với hợp thức hoá mại dâm hay không :)?
Đánh giá chung
P/s: bài này (và rất nhiều bài khác) đã viết từ năm ngoái nhưng quá lười nên chưa chỉnh sửa xong để đăng 🙁 hic hà năm nay sẽ cố chăm hơn, chúc mừng năm mới mọi người ^^
cảm ơn bạn, bài viết rất hay làm mình muốn ngay lập tức mua sách để đọc.