Hảo nữ Trung Hoa – Hân Nhiên

Cuốn sách này miêu tả một Trung Quốc rất khác dưới lời kể của một nhà báo nữ giới, người dẫn chương trình của đài phát thanh Trung Quốc, nói về những câu chuyện mà bà đã được nghe từ những người phụ nữ ở những vùng đất khác nhau, thật đến đau thương, đau thương tới bóp nghẹt tâm can nước mắt nghèn nghẹn trong lòng. Biết là giới thiệu để nhiều người biết đến tác phẩm hơn, nhưng với cuốn này mình xin phép chèn cảnh báo nho nhỏ: những ai tâm hồn đang mong manh xin lùi lại 3 bước, đợi khi nào chuẩn bị sẵn tinh thần hơn thì hãy đọc.

Lân la chuyện ngoài lề một chút trước khi vào nói về cuốn này thì hôm qua trên Weibo (mạng xã hội của TQ) có một vụ nhiều người đàn ông to khoẻ xông vào tấn công vũ lực một chị nữ đang ăn trong quán chỉ vì lý do cỏn con, chị nữ khác vào cứu cũng bị đánh tới thừa sống thiếu chết, công an cũng chỉ bắt xong thả về, tới lúc tin đưa lên mạng thì mới bị bắt xét xử tử tế. Dư luận chia làm nhiều luồng khác nhau, có ý kiến phê phán những người đàn ông khác lúc đó ở quanh đó không vào cứu, lại có người nói toàn dân xã hội đen, không vào mới là lý trí, cũng có ý kiến nói tại sao chỉ có chị nữ vào cứu mà không có nam, rồi chủ quán rồi đủ cách khác nhau dùng đạo đức để đánh giá hành động của người mà không ở trong hoàn cảnh ấy. Bản thân mình nghĩ, cứu hay không có quá nhiều biến số làm thay đổi quyết định, giống như bài toán Trolley, không thể nào có một câu trả lời vạn năng cho mọi trường hợp, nhưng đọc rất nhiều bình luận ở bên TQ có một câu mà mình thấy rất thấm: người ta chỉ dạy con gái cách bảo vệ mình, dạy con trai phải bảo vệ phái yếu mà quên mất không triệt để dạy con trai việc không được tấn công người khác.

Lan man một chút để lại vào đề, tác giả cuốn này vốn là dẫn chương trình của Khinh Phong Dạ Thoại, là chương trình của đài phát thanh Nam Kinh, chương trình thực hiện dưới dạng lắng nghe tâm sự của độc giả và phản hồi. Đương nhiên chương trình gọi điện trực tiếp và trả lời trực tiếp nên rất nhiều khi có những pha cần xử lý gấp, nếu không sẽ “trái với đường lối” và có thể dẫn đến nguy hiểm tới không chỉ bà mà cả đài phát thanh (có một đoạn miêu tả có khách gọi tới bất ngờ, nói chuyện hơi “va chạm” mà cả sếp của Đài cũng phải tới trực tiếp theo dõi, nghe bà đáp mà toát mồ hôi hột).

Cuốn sách này được viết khi bà đã sang Luân Đôn, nghĩa là phần nào đó có thể tự do trong phát ngôn hơn, và những câu chuyện bà viết trong cuốn này có những câu chuyện rất riêng tư, liên quan trực tiếp tới tác giả, cũng có những câu chuyện chỉ gửi riêng cho bà, cũng có những câu chuyện có cái duyên mới dẫn bà tới, 15 chương 15 câu chuyện về những người phụ nữ với những khó khăn khác nhau (mà đa phần nguồn gốc khó khăn đều từ đàn ông) rất đặc trưng của từng tầng lớp xã hội, ví như người trẻ gặp vấn đề vì thiếu giáo dục thường thức, hay như người phụ nữ tưởng như thành đạt có tất cả thì thật ra bị nhà chồng khinh rẻ, vân vân và vân vân.

Mỗi chương đều là những câu chuyện mà tác giả đã trải nghiệm hoặc tham dự, hoặc lắng nghe trực tiếp, được kể một cách rất thẳng, vô cùng trần trụi, mình đọc có cảm giác như một người cô lớn đang từ từ kể lại những quan sát thế giới của mình vậy. Bản thân câu chuyện và cả tác giả cũng không hề nâng cao quan điểm, rằng phụ nữ cần phải giải phóng, đòi tự do đòi bình đẳng hay gì cả, mà chỉ là thông qua tác phẩm này để truyền đạt một sự thật về những câu chuyện ở nơi nào đó trên thế giới, tuy vô lý tới ngỡ ngàng nhưng vẫn đang diễn ra hàng ngày hàng giờ.

Mình sẽ không nhắc cụ thể quá vì mỗi chương nếu viết thì cảm nhận sẽ rất dài rất dài mà mình cũng không dám nhớ hết, nhưng có những chi tiết mình vẫn nhớ rất kỹ cái cảm giác cả người run rẩy khi đọc, ví dụ như ở chương cuối cùng, ở cái làng nơi Đồi Hét, nơi mà phụ nữ bị coi như những chiếc máy đẻ, sinh ra những đứa con không biết bố mình là ai, và vẫn phải làm việc tới tận ngày lâm bồn nhưng không hề mảy may được bảo hộ từ chuyện đơn giản nhất như băng vệ sinh vào ngày kinh (họ phải dùng lá cây, trời ạ, đúng là không thể tưởng tượng nổi) chứ chưa nói tới thứ xa xỉ như lòng yêu thương hay sự cảm thông đỡ đần. Hay ví dụ như có chương tác giả đặt câu hỏi: người bẩm sinh đã điên sẽ khổ hơn hay người sau này mới điên thì sẽ khổ hơn, để rồi dẫn tới câu chuyện làm sao mà một nữ thanh niên còn cả tương lai tươi sáng phía trước lại phát điên như một cách để trốn tránh quá khứ gợi về.

Cách mạng Văn Hoá kéo theo sự đổi mới quá nhanh, để lại những bóng đen ký ức trong lòng của một thế hệ rất nhiều người phụ nữ. Mỗi câu chuyện lại ở một góc cạnh khác nhau, mình nhìn lại tên chương để viết bài này mà nghĩ lại từng câu chuyện cũng thấy nhói trong tim. Rõ ràng là mỗi câu chuyện đều có tên nhân vật cụ thể, đều là những người xung quanh tác giả, nhưng mình cảm thấy đáng sợ ở chỗ, nó là câu chuyện riêng nhưng chắc chắn không phải là cá biệt, vẫn có không nhỏ những mảnh đời tương tự, lặp đi lặp lại ở những nơi khác nhau, có rất nhiều người hẳn cũng mang chiếc dằm đâm sâu trong tim, và cũng có thể nhiều người đã đi tới bước đường cùng là tự sát như nhiều nhân vật trong cuốn sách này.

Quay lại câu chuyện mở đầu trước khi mình giới thiệu cuốn này thì bạn mình đã xem clip chị nữ kia đi ăn rồi bị đánh trong quán, rồi nói một câu có nói một câu làm mình thấy rất ám ảnh, là: “điều đáng sợ nhất là bật clip đó rồi nghĩ bản thân mình mà là chị trong clip thì cũng chẳng thể nào khác được”, đáng sợ là việc bản thân mình bị đánh hội đồng nó không phải là một điều vô lý, đáng sợ là giữa thế kỷ 21 này rồi nó vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở cái xã hội tự xưng là văn minh hiện đại này.

Cuốn sách này được viết năm 2002, kể về những câu chuyện rất cũ, và cũng tương tự như trên, là điều đáng sợ là mình thấy có những câu chuyện tới bây giờ có thể vẫn sẽ lặp lại, ví như khinh thường đàn bà yêu đàn bà, hay là lợi dụng quan hệ gia đình để lạm dụng tình dục, hay là phái nữ bị đối xử “đặc biệt”, rất nhiều rất nhiều nữa. Đáng sợ ở đây là câu chuyện xưa cũ, nhưng vấn đề vẫn đang ở thì hiện tại, chứ không phải một câu chuyện đã vượt qua để mà kể lại có thể thở phào. Mình đánh giá cuốn này 5 sao, và nếu không đọc được thêm nhiều cuốn nào làm mình cảm thấy chấn động hơn nữa thì chắc chắn đây là một trong những cuốn hay nhất mà mình đọc năm nay.

Đánh giá chung

Rating: 5 out of 5.

//Ngoài lề nữa, wordpress báo hôm nay là kỷ niệm 10 năm mình lập chiếc blog này ^^, tuy viết không đều lắm nhưng vẫn duy trì được chiếc nhà này 10 năm rồi, cũng coi như là một sự cố gắng, hi vọng wordpress sống lâu để mình cũng có động lực duy trì thói quen viết lách 💪

One Comment

  1. Cuốn sách này thật sự rất hay. Mặc dù nội dung chính là nói về số phận kém may mắn của người phụ nữ nhưng thật ra, một vài chương còn đề cập đến sự bất hạnh nói chung của cả một tầng lớp, xuyên suốt thời kỳ cách mạng chuyển đổi. Trong thời đại này, có thể bạn là vương giả, nhưng chỉ cần một sự thay đổi về chế độ, bạn có thể trở thành nô lệ.

    Cách miêu tả khiến người đọc như hòa cùng nhân vật, cảm nhận được nỗi đau của họ, có vài đoạn đau xé cả tâm can. Nếu mình cũng sống vào thời kỳ đó, không biết phải làm thế nào để đối mặt.

    Có thể ngày nay, đâu đó trên thế giới này vẫn tồn tại những câu chuyện tương tự, chỉ hy vọng, người trong cảnh có thể sớm chạm đến những ngày tháng hạnh phúc và an yên.

    Thank yuu30008 vì một bài review chất. =))

Leave a Reply