Stolen Focus – Sự tập trung bị đánh cắp

Tạm dịch tiêu đề: Sự tập trung bị đánh cắp: Lý do tại sao bạn không thể tập trung và làm thế nào để có thể suy nghĩ sâu.

Nguồn ảnh: amazon

Trong cuốn này có đề cập đến tóm tắt của rất nhiều cuốn khác, phần viết câu chuyện cũng hơi vụn vặt nhưng đã giúp mình được một vài ý chính mà mình thấy có ích với bản thân mình (đang rất khó tập trung).

Sau khi coi cuốn này thì mình sẽ cố gắng thực hiện hai điều: không chuyển đổi liên tục giữa các tác vụ, và tạo lịch trình riêng cho việc “để đầu óc đi lang thang (mind-wandering)”.

Điều thứ nhất là hạn chế tối đa việc chuyển đổi liên tục giữa các tác vụ, vì việc này làm não quen với việc xử lý các dạng thông tin ngắn, dần dần mất đi khả năng xử lý tác vụ phức tạp. Khoa học đã chứng minh là nếu đọc nhanh hơn thì sẽ khó lý giải được thông tin lớn và phức tạp hơn. Tác giả cũng có nhắc về việc đọc báo và mình cũng có trải nghiệm tương tự, đọc tin kiểu tin nhanh tin vắn như tin tức hàng ngày thì rất nhanh, nhưng để đọc một bài chuyên đề phân tích chuyên sâu về vấn đề gì đó thì rất ngại, chưa nói tới đọc sách còn ngại gấp 2000 lần. 

Một nghiên cứu khác cho thấy là con người tập trung hơn không phải là khi tăng tốc mà là khi giảm tốc, ví dụ như tập những môn như yoga hay thiền thì sẽ tăng sức tập trung hơn, vì “you have to shrink the world to fit our cognitive bandwidth (bạn cần làm chậm thế giới lại để khớp với nhịp nhận thức của mình).”

Điều đáng buồn là thực tế thế giới đang phát triển theo chiều ngược lại: mọi thứ đang bị đẩy nhanh với tốc độ chóng mặt, cùng lúc đó, thế giới hiện tại đang làm chúng ta cảm thấy được kết nối, nhưng thực tế các kết nối này rất nông. Mỗi ngày lượng thông tin mà chúng ta có thể tiếp xúc quá lớn, luôn cho ta cảm giác được kết nối với thế giới, có ảo tưởng là có thể học được bất cứ thứ gì và tìm kiếm bất cứ thứ gì thông qua mạng internet. Chúng ta đã quá quen với việc thiếu ngủ, mệt mỏi, và phải tìm đến các cách kích thích sự minh mẫn khác nhau (cà phê, nước tăng lực, v.v..). Tuy nhiên, đây chỉ là ảo giác: thực sự chúng ta đang đánh mất đi chiều sâu ở tất cả mọi mặt, chiều sâu cần rất nhiều thời gian, và cần phải phản tỉnh, bỏ thời gian thực sự suy nghĩ về nó.        

Các thiết bị điện tử, các trang mạng, các phần mềm đều được thiết kế một cách rất cẩn mật bởi những kỹ sư giỏi nhất trên thế giới, và mục đích chính là để có thể cuốn hút tâm trí của chúng ta một cách triệt để. Điện thoại trong tầm tay thì sẽ luôn cung cấp một lựa chọn dễ dàng: vuốt màn hình và làm một việc gì đó và có thể đạt được niềm vui trong chớp mắt (lướt facebook, đọc tin tức, game, v.v…), và lừa bản thân khỏi những công việc quan trọng và cần nhiều thời gian hơn. 

Trong cuốn Deep Work (mình đã giới thiệu ở đây) cũng có nhắc đến, nếu tâm trí cứ liên tục thay đổi từ việc này sang việc khác thì sẽ làm giảm khả năng tập trung, cụ thể là sẽ bắt não phải tải nhiều thông tin hơn cùng lúc, tăng xác suất lỗi hơn vì làm nhiều việc song song, làm khánh kiệt sức sáng tạo, và giảm trí nhớ do sử dụng não quá độ.

Trạng thái làm việc siêu tập trung, được đặt tên là Flow (mình đã giới thiệu cuốn nói kỹ hơn về khái niệm này ở đây) chí có thể đạt được khi mono-tasking, nghĩa là tập trung hết sức lực vào một việc nào đó, gác lại tất cả các việc khác sang một bên. Nói đơn giản thì điều kiện để đạt được trạng thái này là phải làm một việc gì khó vừa phải, không quá dễ, nằm ở chỗ mình phải hơi với mới có thể thực hiện được, và việc này phải có nghĩa và hướng tới mục đích lớn của mình.

Thế nên phải cố gắng tập thói quen tập trung 1 việc vào 1 thời điểm nhất định.

Đọc sách là một cách luyện tập sự tập trung rất tốt, nhưng thói quen đọc bây giờ đang chuyển dần từ sách sang đọc những tin vắn trên màn hình. Về cơ bản thì hai hoạt động này đều là đọc, nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì hai hoạt động này hướng chúng ta đến hai mục đích hoàn toàn khác nhau: đọc từ sách cho cảm giác tận hưởng khi được chìm đắm trong một thế giới khác, còn đọc thông tin vắn giống như lượn lờ ở siêu thị, nhặt một vài thứ mình cần rồi đi mất. Khi bạn trở nên quen thuộc với việc ham đi siêu thị, và cảm thấy thoả mãn với những niềm vui ngắn có thể đạt được ngay lập tức, việc đi sang một thế giới khác trở nên xa vời viển vông và thiếu mất ý nghĩa cũng như động lực để làm.

Điều thứ hai là phải để cho đầu óc thư giãn. Để đầu óc thư giãn có thể mang lại cho bản thân 3 tác dụng: cho phép dần dần cảm nhận được thế giới, có không gian để liên kết những kiến thức đã nhập vào đầu thành một hệ thống và đưa ra đáp án cho những vấn đề chưa giải được, và giúp nối từ quá khứ đến hiện tại từ đó dự đoán tương lai.

Cuốn này hơi bị dài dòng, cũng nhiều cái mình đang thực hiện rồi, nhưng có ý về việc không nên đắm chìm vào những thông tin vụn vặt mình thấy khá hợp lý, đọc xong rồi sẽ cố gắng cải thiện theo hướng nghĩ sâu hơn.

Đánh giá chung

Rating: 3 out of 5.

Leave a Reply