Đây chắc là cuốn sách mình thấy tâm đắc nhất 2022.

Cuốn này đi đâu cũng thấy giới thiệu nên đọc, nhưng dài quá mà lại thuộc thể loại phát triển bản thân năm nay mình đọc hơi nhiều nên lúc đầu không định đọc, nhưng rất may mắn là đã đọc, và đọc xong cuốn này cảm giác sang năm có thể tạm rời xa thể loại phát triển bản thân (năm nay đọc cũng hơi nhiều, sang năm là lúc áp dụng rồi). Mỗi chương nói về một vấn đề, mình sẽ cố gắng tóm lại những gì mình nhớ nhất về từng chương.
Thường thì các sách thể loại này đều viết rất dài nhưng chỉ nêu 1 quan điểm chủ chốt, còn cuốn này mình thấy vừa dài lại là tổng hợp của nhiều tác giả và kinh nghiệm riêng của cá nhân tác giả, nên có rất nhiều điểm muốn ghi lại, xem phần ghi chú của bản thân thì cũng đã thấy quá dài, nên hôm nay dành thời gian viết blog để tổng hợp lại một lần nữa vậy. Cảm giác đọc giống như một bản luận ngữ thời hiện đại, giống kiểu cuốn “Tôi tự học” của bác Nguyễn Duy Cần (ơ hoá ra vẫn chưa viết giới thiệu cuốn này, lại đào cái hố khi nào rảnh sẽ viết…), đọc lướt thì có thể nghĩ toàn lý thuyết suông, nhưng vừa đọc vừa ngẫm thì thấy rất thực tế.
Chương 1 là về Đại não, thông qua phân tích đại não thì tác giả giúp chúng ta nhận định lại bản thân.

Đại não được chia thành Não bản năng (本能脑), Não cảm xúc (情绪脑) và Não lý trí (理智脑) (à tất cả những khái niệm từ vựng trong bài này đều là mình dịch theo ý hiểu của mình, nếu không đúng thuật ngữ chuyên môn thì nhờ mng góp ý để mình sửa). Nếu so sánh theo tiến trình phát triển của 3 phần não này thì tính Não bản năng đã có 100 năm phát triển, thì Não lý trí vẫn chưa tới 1 tuổi, thế cho nên bình thường mỗi khi gặp chuyện gì, bản năng đi trước rồi tới tình cảm cuối cùng mới là lý trí theo sau là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Do lịch sử phát triển, có thể thấy rõ Não bản năng hoạt động với mục đích chính là sinh tồn, cho nên tuy phản ứng nhanh nhưng chỉ nhìn được những điều trước mắt (mấy nghiên cứu khoa học liên quan tới suy nghĩ nhanh -chậm của não này có thể tham khảo thêm cuốn Thinking Fast and Slow, rất hay, nếu mình vượt lười review thì sẽ chèn link ở đây).
Phần lớn thời gian chúng ta nghĩ là chúng ta đang tư duy, nhưng thực chất là đang cố gắng tìm cách để hợp lý hoá những hành động và nguyện vọng của chúng ta. ví dụ buổi sáng ngủ dậy muốn ngủ tiếp, có phải ai cũng đã từng nghe thấy tiếng nói thứ hai trong đầu: vẫn chưa vội, ngủ thêm tí nữa =)) để rồi lúc tỉnh dậy đã quá giờ =))? Thói quen rất khó để thay đổi, vì nó càng lặp đi lặp lại càng thành thói quen, và vốn đã là thói quen nên càng lặp đi lặp lại. Thế cho nên để tránh được vòng lặp này, thì chúng ta phải hiểu một điều vô cùng căn bản là: Não lý trí không phải dùng để làm việc, mà dùng để điều khiển não bản năng và não tình cảm, không thể hi vọng thay đổi một thứ gì đó chỉ dựa vào quyết tâm. Điều này vô cùng đúng, mình đã rút ra được từ sau khi đọc cuốn Willpower doesn’t work (đã review ở đây), ngoài lề chút là cuốn này (Thức tỉnh nhận thức) có trích dẫn rất nhiều cuốn khác, cũng như có rất nhiều tư tưởng từ các cuốn khác nhưng được hệ thống một cách rất mạch lạc, vừa đọc vừa gật gù lại vừa được khai sáng rất nhiều.
Vấn đề lớn nhất cần giải quyết là lo âu (焦虑), ví dụ do bị deadline dí (完成焦虑): ngày nào cũng chạy đuổi theo những deadline vô hình do người khác hoặc do chính bản thân mình đặt ra, hay là do quá nhiều lựa chọn mà không biết làm gì (选择焦虑), hay bị hoàn cảnh gia đình, công việc (环境焦虑) hoặc áp lực từ những người đồng trang lứa (定位焦虑) hoặc do vớ phải cái gì đó quá khả năng (难度焦虑). Tựu chung lại là do cùng lúc muốn làm quá nhiều thứ, và muốn đạt được hiệu quả ngay lập thức, hay nói cách khác là lo âu là do khát vọng cao năng lực kém, lại còn thiếu nhẫn nại. Hay nhìn một cách vào đúng tâm của vấn đề, là do khát vọng được thoả mãn ngay lập tức (即使满足), là khi Não bản năng quyết định hành vi.
Vậy làm thế nào để rèn được tính nhẫn nại? Có ba điều. Thứ nhất là phải chấp nhận việc thiếu nhẫn nại là bản tính của con người, chấp nhận sống chung với nói chứ không tìm cách để “chiến đấu” chống lại nó. Thứ hai là là khi đối mặt với những cám dỗ, phải học cách tìm kiếm sự hài lòng chậm hơn, chứ không phải hài lòng ngay trong chớp mắt, thay vì chống lại nó thì tìm cách đối thoại và thoả hiệp. Ví dụ như chuyện xài điện thoại, thật ra khi chán cầm điện thoại lên lướt lướt có thể đạt được sự thoả mãn ngay lập tức, nhưng ở đó cần học cách trì hoãn sự thoả mãn đó lại, ví dụ như nghĩ là: điện thoại cầm lên thì kiểu gì cũng vui ngay, sớm một phút muộn một phút cũng chẳng để làm gì, lát coi sau. Dùng cách đối thoại với khát vọng đòi vui ngay lập tức này của bản thân, dần dần từng chút một sẽ có thể giúp bản thân đổi từ vui trước (先娱乐) sang xong việc rồi vui cho đã (后娱乐). Cuối cùng là khi gặp khó khăn thì phải thay đổi góc nhìn, tìm cái vui trong cái khổ =)) (lại là một khái niệm mình đã từng đọc trong cuốn Đi tìm lẽ sống, đã viết ở đây). Cụ thể hơn thì sẽ nói ở các chương tiếp theo.
Chương 2 là về Tiềm thức. Chương này viết khá nhiều về các tầng ý thức, làm thế nào để loại bỏ sự mơ hồ, nhưng mình thấy phần hay nhất là phần nói về cảm tính. Tác giả khuyên là trước hết hãy dùng cảm tính để lựa chọn, sau đó dùng lý tính để tư duy.

Lý do tại sao là vì các vấn đề sẽ được phân thành 3 khu theo độ khó (như hình trên là từ trong ra ngoài): vòng an toàn (舒适区), chỗ phải hơi cố (拉伸区), chỗ khó (困难区), cảm tính sẽ lựa chọn vào khu vực phải hơi cố, chính là chỗ giúp chúng ta phát triển tốt nhất, vì không phải quá dễ để chán, và cũng không phải quá khó để nản. Lấy ví dụ với việc đọc sách, lý tính sẽ bảo chúng ta phải đọc hết cả cuốn sách sau đó hiểu chi tiết tới mức có thể dạy cho người khác và vận dụng vào thực tế cuộc sống mới là cách đọc lý tưởng, thiên tính (bản năng) bảo chúng ta thôi vất sách đi đọc vô ích, thì dựa vào cảm tính có thể đặt câu hỏi: điều gì làm chúng ta thấy hứng thú và thôi thúc nhất đối với quyển sách này, và chỉ cần học một điểm đó, thực hiện một điểm đó là được. Ấy mới là khi chung sta thu hoạch được nhiều nhất.
Cách vận dụng tiềm thức/cảm tính có 6 cách:
– “Nhất”: tìm xem cái gì làm mình cảm động nhất, ví dụ như đọc xong sách thì thích cái gì nhất
– Cái gì lặp đi lặp lại trong đầu nhiều lần thì phải tìm nguồn cơn và xử lý ngay
– Phản xạ đầu tiên là thông tin chân thực nhất, cần phải lưu ý, ví dụ lần đầu tiên gặp một người, lần đầu tiên bước vào căn phòng, v.v…
– Giấc mơ
– Cơ thể: cho dù gặp vấn đề về sinh lý hay tâm lý thì cơ thể đều sẽ có biểu hiện để cảnh báo cho chúng ta, nên phải theo dõi sự thay đổi.
– Trực giác: không nên phớt lờ những thông tin mà trực giác báo cho
Chương 3 là về nhận thức gốc (元认知), về cơ bản thì muốn vận dụng tiềm thức tốt thì bản thân mình phải có năng lực kinh nghiệm tốt, nên phải phát triển về nhiều hướng: học tập kiến thức của người trước, ghi lại kinh nghiệm của bản thân, tự giám sát chính mình và ngẫm nghĩ (thiền). Để khống chế được bản thân mình thì có ba cái: nắm chắc thời gian , cụ thể là vào mỗi thời điểm đưa ra lựa chọn thì phải suy nghĩ kỹ xem đó có phải là lựa chọn đúng không (ví dụ sáng dậy sờ điện thoại thì phải dừng lại 2s để nghĩ coi thực sự muốn sờ để làm gì, và sau khi thực hiện xong đúng mục tiêu đó thì bỏ điện thoại xuống), thứ hai là không được để mọi thứ mơ hồ, ví dụ như lịch trình hàng ngày phải nắm được rõ, không cần quá chi tiết nhưng phải có một mường tượng về bước tiếp theo, và cuối cùng là có mục tiêu lâu dài, không cần quá rõ ràng nhưng phải duy trì thói quen tư duy.
Chương 4 là về sức tập trung (专注力), để tập trung thì: cần định nghĩa mục tiêu rõ ràng, luyện tập tập trung cao độ, có feedback kịp thời, và phải duy trì độ khó ở mức vừa phải, sẽ có thể tập trung (trạng thái này được gọi là Flow, mình đã viết về cuốn đó ở đây).
Chương 5 là về năng lực học tập (学习力).
Học sâu: bao gồm tiếp thu kiến thức sâu, kết nối những thứ đã biết, và tìm cách giải thích lại những kiến thức này. Ví dụ như chuyện đọc sách, nông nhất là có thể nghe tóm tắt sách, rồi tới tự mình đọc, rồi đọc và ghi chép lại, tiếp đến là viết cảm nhận và tóm tắt sách, sau tới là thực hiện những gì trong sách, và cuối cùng là đem nó liên kết với những gì đã biết để dạy cho người khác.
Không liên quan thì không học, có nhiều người (kể cả mình) có thói quen là dùng suy nghĩ độc lập để xem xét sự việc, bỏ rất nhiều thời gian để thu thập thông tin, nhưng thực ra khi đọc, con người rất dễ thoả mãn nhu cầu đầu tiên là tiếp thu tri thức mới, nhưng thực ra để hiểu sâu thì phải tiến hành thêm hai bước, là liên kết những tri thức đó, và lập thành một hệ thống tri thức của riêng bản thân.
Chương 6 là về năng lực hành động (行动力). Phải nhớ một điều quan trọng là mỗi buổi sáng thức dậy đều được tặng một món quà vô giá: đầu óc tỉnh táo.

Chỗ này có một điều mình thấy thấm là nếu buổi sáng lướt điện thoại, và bị những tin tức ngắn, niềm vui ngắn thu hút thì ngày hôm đó sẽ khá vô dụng. Mỗi ngày thức dậy gần như là được “khởi động lại”, và 1 tiếng đầu ngày sẽ quyết định cả ngày hôm đó ở trong trạng thái như thế nào, ví dụ ngày nào mà mình dậy tập đàn hoặc chăm chỉ đọc sách thì ngày hôm đó cả ngày sẽ cảm giác làm được rất nhiều việc. Cho nên là mỗi ngày thức dậy cần phải vào trạng thái chiến đấu ngay :)) thì ngày hôm đó sẽ hiệu quả hơn.
Chương 7 là về năng lực cảm xúc (情绪力). Độ mở của tâm trí (心智的容量) quyết định năng lực tiếp thu, năng lực hành động và khả năng khống chế. Khi tâm trí đã quá đầy, phải tiếp thu nhiều nhiệm vụ cùng một lúc thì sẽ dễ mất kiểm soát. Bạn thử nghĩ xem, khi bận có phải bản thân rất dễ cáu giận không?
Vậy làm thế nào để có một tâm trí luôn rộng mở? Thứ nhất là phải biết rõ về môi trường xung quanh, lựa chọn một cách lý trí, thứ hai là biết rõ về mục tiêu, biết rõ mình cần gì, ít luôn tốt hơn nhiều, thứ ba là hiểu rõ khát vọng của bản thân, dùng nó để đánh giá và đặt mục tiêu, thứ tư là hiểu rõ cảm xúc của bản thân, tránh quyết định vào lúc đang bốc đồng hoặc cảm xúc cực đoan (rất buồn, rất vui, hoảng sợ, v.v…), thứ năm là đảm bảo có một khoảng thời gian trống nhất định, vừa đủ không nên quá nhiều kẻo lại dễ sinh nông nổi.
Một điều cũng khá là rập khuôn cũng được nhắc ở đây là phải nhìn vấn đề từ nhiều góc độ, nhìn từ một góc độ thì sẽ là người ngoan cố, nhìn được từ nhiều góc độ thì mới có thể bình tĩnh và bao dung được. Có nhiều người tâm trạng không tốt, là do không phân biệt rõ giữa tưởng tượng/kỳ vọng của bản thân và thực tế, phát tiết tâm trạng của bản thân trong trạng thái không biết rõ cảm xúc của đối phương. Để giao tiếp tốt thì có hai bước, một là lắng nghe suy nghĩ của đối phương, không bình luận, không tỏ thái độ, sau đó bước hai là nói cảm xúc của mình, chứ không phải về bản chất của sự việc.
Điều hay nhất mình thấy ở chương này là phải sống trong trạng thái “trò chơi”. Lý do mà các trò chơi đều rất hấp dẫn (hơn cuộc sống hàng ngày) là do mình được quyết định rất nhiều, và có thể thấy ngay được niềm vui của sự thay đổi. Trong cuộc sống nếu đem tâm trạng này vào áp dụng thì cũng có thể thấy được niềm vui: việc mình đang làm bản chất như thế nào không quan trọng, quan trọng là mình thông qua việc này có thể đạt được niềm vui như thế nào, tiện thể thì làm luôn việc lúc đầu. Trong tâm lý học thì khái niệm này được gọi là “thay đổi động cơ (动机转移)”. Ví dụ như bị sếp sai làm gì đó, có thể “đánh tráo khái niệm” là không phải mình làm do sếp sai, mà bản thân mình muốn nâng cao năng lực bản thân, sau đó tự tìm điểm tốt (suy nghĩ tích cực như AQ) thì sống sẽ thoải mái hơn rất nhiều.
Làm việc gì cũng vì mình thì có thể giải phóng cảm xúc, làm việc gì cũng như chơi thì có thể tăng sức tập trung, có được hai điều này rồi thì có việc gì là khó nữa đâu?
Chương 8 cuối cùng thiên về thực hành, nói về 5 điều: dậy sớm (早), thiền (冥), đọc (读), viết (写) và chạy (跑).
Đầu tiên là về dậy sớm, tác giả có nhắc lịch trình trong cuốn “Dậy từ 4 giờ sáng” là chia 1 ngày thành 3 giai đoạn: 4-12 giờ làm hết công việc trong ngày, 12-20 giờ bổ sung nốt, có thể coi như có thêm 1 ngày làm việc, và từ 20-4 sắp xếp nghỉ ngơi giải trí. Bản thân mình dạo này cũng có thể dậy rất sớm, không cần chuông báo thức đã nửa năm nay, mình thấy có mấy cái nếu duy trì được thì sẽ rất dễ: ban ngày làm việc trâu chó đêm sẽ dễ ngủ sâu ngay, tính giờ ngủ chia hết cho 90 phút, chuẩn bị sẵn đồ và kế hoạch cho ngày hôm sau từ đêm hôm trước, nếu có thể thì ngủ trưa hoặc power nap vào giữa chiều. Một số cái tác giả cũng có nhắc, mình sẽ cố duy trì cái đang làm và vận dung thêm xem sao.
Tiếp là về thiền, tác giả có nói rất nhiều, mình biết là rất tốt nhưng vẫn chưa nhét nó vào đâu trong lịch trình hàng ngày được, nên thôi để từ từ coi như là mục tiêu 2023, khi nào áp dụng sẽ quay lại đọc lại. Thiền thì về cơ bản là tập cách tập trung vào hơi thở, có thể rèn luyện sức tập trung.
Đọc sách thì được nhắc đến là cách ít tốn kém nhất để có thể đạt được cách phát triển cao cấp nhất.
Viết là phải dùng ngôn ngữ của chính bản thân mình, sắp xếp lại tư duy, để những người ngoài ngành cũng có thể hiểu.
Cuối cùng là chạy bộ. 1-2 tiếng sau khi hoạt động là khoảng thời gian não tập trung cao độ, có thể làm các hoạt động như giải đề, đọc, viết, v.v…
Ngâm dấm cuốn này khá lâu cuối cùng cũng đã viết xong, vừa viết cũng vừa đọc lại cuốn này một lần nữa, hi vọng năm 2023 sẽ áp dụng được nhiều hơn, bớt lười và tìm được cách sống thoải mái hợp với mình nhất ~