Lảm nhảm tiếp về Haiku

Mấy câu haiku hay mà mình đã xem ở show Purebato, là phần 2 tiếp nối phần 1 ở đây.

Vẫn là chiếc show thân quen đó, năm vừa rồi mình vẫn xem không bỏ sót số nào, và đang rất hóng là đợt Tết này sẽ có 1 tập đặc biệt trận mùa đông ~~~ háo hức. Ở đây sẽ viết lại vài câu mà mình ấn tượng.

スマホ死す画面に浮かぶ指紋と月 ー北山宏光(Kis-My-Ft2)

Điện thoại sập, màn hình nổi lên, dấu vân tay và bóng trăng

Ý nghĩa của câu này là khi điện thoại hết pin hoặc chết máy thì hay nói 死んだ (chết rồi), màn hình tắt thì mới thấy dấu vân tay nổi lên, và cùng với dấu vân tay là hình ảnh mặt trăng phản chiếu trên màu đen của màn hình điện thoại, có thể tưởng tượng được người cầm điện thoại sẽ dừng lại bước chân và ngẩng nhìn lên mặt trăng. Câu này quá hay và ấn tượng tới mức bây giờ mình vẫn còn nhớ y nguyên nội dung.

Như đã viết ở bài trước thì trong Haiku, quan trọng nhất là phải làm nổi bật được từ chỉ mùa, ở đây là 月 (mặt trăng). Nếu chỉ đọc nửa đầu của câu này thì không thể hiểu được tình huống, nhưng khi tới chữ cuối cùng khi bóng trăng xuất hiện thì nó giúp gợi ra một không gian rất mở. Chúng ta có thể biết được ngay về cả thời gian rất rõ ràng là vào buổi đêm khi trăng đã lên, và biết được chính xác cả về địa điểm là đang ở ngoài đường, có thể là đi làm hay đi học hay đi đâu trên đường về, hoặc bây giờ đang vội đi ra ngoài ở đâu đó. Bất kể là tình huống nào, thì người cầm điện thoại cũng đang tập trung (cắm mặt) vào điện thoại của mình, và rồi một khoảnh khắc ấy khi màn hình điện thoại tối đen thì mới kéo người này ra khỏi điện thoại.

Trong câu này mình còn rất thích chữ 浮かぶ (nổi), miêu tả dấu vân tay nổi lên chứ không phải là hiện lên. Nếu nhìn kỹ vào màn hình điện thoại tối thì có thể thấy dấu vân tay bám ở mặt kính trên cùng, nên nó sẽ hơi nổi lên trên một chút, và còn bóng trăng chắc cũng sẽ loang loáng. Chỉ một từ này thôi có thể kéo tầm mắt chú ý của người đọc vào thẳng cách màn hình điện thoại một khoảng rất gần, sau đó lại hiện ra bóng trăng và chữ “và” như một khoảng lặng để tầm mắt dịch chuyển từ màn hình điện thoại lên bầu trời. Đoạn trên mình có nói câu này miêu tả được thời gian và không gian, nhưng với đoạn cuối này dường như còn cảm được cả âm thanh, một khắc dừng lại không gian tĩnh mịch, và một người cầm điện thoại nhìn lên ánh trăng, thậm chí có thể tưởng tượng được bóng người đó trải dài ở con đường phía sau.

Cả câu này là một hình ảnh quá đẹp, một lát cắt quá đẹp, gợi quá nhiều tưởng tượng, cả đồng cảm nữa, mình cũng tưởng tượng lại dường như bản thân mình cũng có một ngày như vậy, bận rộn cả ngày mệt mỏi trên đường về nhà vẫn cắm đầu vào điện thoại, chỉ cho tới khi điện thoại sập nguồn, mới chợt nhận ra ánh trăng sáng trên cao, mới ngẩng lên nhìn để cho bản thân một giây tĩnh lặng. Hiu, quá là hay ~

秋夕焼へ音失っていく列車 ー村上健志 (フルーツポンチ)

Hướng về ánh chiều tà đỏ rực mùa thu, âm thanh dần nhỏ lại, một chuyến tàu

(Dịch thơ Haiku mới thấy sự bất lực về ngôn ngữ =)) ) Đại loại ý của câu này là một đoàn tàu, chạy về phía nắng đường chân trời, tiếng động dần dần nhỏ lại. Câu haiku này là ở trong phần thi thêm thơ cho hình ảnh quảng cáo của các tỉnh, đây là ảnh quảng cáo du lịch tỉnh Ibaraki.

Trước hết thì mình rất thích anh viết câu này (Murakami), ảnh có nói lúc sáng tác câu này là vì haiku kèm ảnh, mà hình ảnh đã truyền tải rất nhiều nội dung rồi, nên muốn đưa thêm một thông tin khác, và ở đây là tiếng động. Tuy đây là ảnh tĩnh, nhưng nhờ vào miêu tả “âm thanh dần nhỏ lại”, và ở trong câu tiếng Nhật có giới từ へ (mình dịch là “hướng đến”) thì có thể cảm giác được dường như ảnh đang chuyển động, và chính bản thân người xem cũng hướng mắt theo đoàn tàu đó, để xem phía bên kia, vượt ra ngoài bức ảnh là những khung cảnh ráng chiều nhuộm đỏ vạn vật như thế nào.

Mình vốn vô cùng thích anh này vì góc quan sát của ảnh rất dị, ví dụ như bài này cũng vậy, hình ảnh gốc là đoàn tàu nhìn từ góc xa rộng, nhưng đọc xong câu thơ này cảm giác như được di chuyển vị trí, lúc đầu là ở xa nhìn vào chuyến tàu và thấy nó đi ngày một xa, nhưng lại vô hình chung một thời khắc nào đó mình lại ở trên tàu, và thấy được ánh chiều tà đỏ rực ở một nơi nào đó, tất cả chỉ qua một chữ “hướng về” kia, thật là vi diệu~

帰省して貼られたままの犬シール ー千原ジュニア

Về quê mới thấy, vẫn còn dán nguyên, “nhà có chó”.

Ý nghĩa câu này là nhà có nuôi chó và đã qua đời, nhưng ở cửa vẫn còn miếng dán “nhà có chó”. Lâu ngày anh này mới về quê, thì cũng chưa ai nỡ giật miếng dán đó đi, miếng dán đó vẫn còn nguyên ở ngoài cửa.

Mình cũng khá thích haiku của anh này (Chihara Junior) vì lúc nào cũng có nét rất độc đáo, không quá hoa mĩ nhưng câu chuyện kể thông qua thơ của anh ấy rất hay gợi nhiều suy nghĩ. Ví như câu này cũng vậy, không có hình ảnh màu mè, là một câu chuyện rất đơn giản, nhưng đọc lên có thể mường tượng được hình ảnh người trong câu thơ thường ngày bận rộn lâu không về quê, vì một chuyện gì đó vội vã phải về, về tới cổng nhà mới chợt nhận ra mọi thứ vẫn còn như cũ. Thậm chí có thể hình dung được miếng dán “nhà có chó” đã nhuốm màu thời gian, có thể đã phai màu, cũng có thể đã sờn mép, nhưng vẫn ở đó như hình ảnh một chú chó thân thiết với gia đình vẫn còn đâu đó trong tâm trí người nhà.

Còn rất nhiều rất nhiều câu hay nữa, thôi mỗi lần cố gắng giới thiệu 3 câu vậy :)).

Leave a Reply