Practice makes perfect (or not?)

Gần đây mình nhận ra được hai điều: một là sự bình thường của bản thân, và hai là không phải cái gì học cũng làm được ngay. Hơn nữa những thứ gần đây cố gắng đa phần toàn những thứ cần lặp đi lặp lại rất nhiều lần để tiệm cận với sự hoàn hảo thì mới có thể tạm coi là nắm bắt được, thế nên mình đã đi tìm hiểu thử xem thực sự luyện tập có cần thiết hay không, và nếu có cần thiết thì nên làm thế nào cho hiệu quả.

Mình đọc được khá nhiều bài báo thực nghiệm trên những nhóm tình nguyện viên khác nhau, với các tác vụ khác nhau và đều cho ra kết quả là những người luyện tập thì sẽ có xu hướng đạt kết quả tốt hơn so với nhóm còn lại. Thực tế các mẫu thử cho thấy điều này, nhưng lý thuyết thì mình vẫn chưa rõ lắm, rất may đã tìm được bài báo này viết khá hay, mình sẽ tóm tắt lại vài ý chính và bổ sung thêm từ nhiều bài viết khác (nguồn mạng, sẽ trích dẫn ở cuối bài, mình ngoại đạo chỉ google search và tổng hợp nên thông tin có thể có sai sót, ai biết rõ xin hãy chỉ thêm).

Đầu tiên là phải hiểu được sơ qua cách hoạt động của các tế bào thần kinh. Đến tuổi 25, não đã hoàn thiện chức năng, sau đó sẽ không tạo mới hoặc mất đi các đường dẫn truyền thần kinh (neural connections, chức năng cho phép tín hiệu được gửi từ một vùng thần kinh đến một vùng khác). Sau độ tuổi này, não sẽ chỉ như “bột nặn” sẽ được nhào vào thành hình dạng dựa trên những trải nghiệm của mỗi người. Mỗi khi chúng ta làm một việc mới, não sẽ tổ hợp các đường dẫn này, nên những lần đầu làm sẽ cảm thấy dị, nhưng càng về sau sẽ càng cảm thấy quen hơn, mỗi khi học một thứ mới thì cũng sẽ thay đổi cách não tổ hợp.

Quá trình này được gọi là Myelination (tiếng Việt là myelin hoá, là Myelin hóa là quá trình chất béo bao bọc dần xung quanh dây thần kinh). Nhìn vào cấu trúc một tế bào thần kinh có thể thấy có một phần thân tế bào (soma) được nối với một sợi trục và tiếp tục đẩy thông tin thông qua sợi tục này tới các tế bào thần kinh khác. “Khi thân tế bào của một dây thần kinh nhận đủ tín hiệu để kích hoạt, một phần sợi trục gần thân tế bào sẽ khử cực. Điện thế màng nhanh chóng tăng lên và sau đó giảm xuống (trong khoảng 1.000 giây). Sự thay đổi điện thế này kích hoạt quá trình khử cực trong phần sợi trục bên cạnh nó. Và cứ thế tiếp tục, cho đến khi đã đi dọc theo toàn bộ chiều dài của sợi trục (Nguồn: [5])”. Bao myelin là một chất béo bao bọc bên ngoài sợi trục (màu vàng trong hình), ở đây đóng vai trò tránh thất thoát xung động thần kinh trong quá trình truyền đi, đảm bảo tốc độ và lượng thông tin truyền đi.

Nguồn ảnh: vinmec

Bình thường hay nói chất xám trong não, đây chính là chỉ những tế bào thần kinh không có bao myelin và các tế bào thần kinh khác, còn những tế bào có bao myelin được gọi là chất trắng, và chiếm tới 60% não bộ. Chất trắng này chính là nơi có nhiệm vụ dẫn tín hiệu thần kinh đi trong não, điều khiển não bộ hoạt động nhịp nhàng, thông qua đó giúp chúng ta có thể tập trung suy nghĩ và xử lý vấn đề một cách nhanh chóng và chính xác. Vậy nên có một bệnh lý là khi chất trắng này gặp vấn đề, người bệnh sẽ khó học điều mới, giải quyết vấn đề tốn nhiều thời gian hơn, bệnh đãng trí, vv… Mình tìm hiểu mới thấy ngoài ra chất trắng này còn đóng vai trò tương đối quan trọng trong việc điều tiết tâm trạng, nên phần này bị tổn thương sẽ có thể gây hậu quả suy nghĩ chậm hơn, dễ lo lắng, phiền muộn, v.v…

Vậy thì làm thế nào để tăng lượng myelin? Nghiên cứu đã chỉ ra là nếu lặp lại liên kết xynap nhiều lần thì nó có thể thúc đẩy tế bào thần kinh đệm tập trung myelin xung quanh sợi trục. Một cách để lặp lại liên kết xynap nhiều lần chính là tiến hành nhiều hành động lặp đi lặp lại liên quan tới liên kết đó, càng luyện tập nhiều thì lượng myelin bao bọc đường dẫn truyền thần kinh sẽ càng tăng, và khi lượng myelin nhiều lên thì tín hiệu đi qua sợi trục đó sẽ nhanh hơn, thể hiện ra bên ngoài sẽ là hành động đó tốn ít thời gian để xử lý trong não hơn.

Tới đây thì chúng ta đã kiểm chứng được câu nói: “practice makes perfect (luyện tập làm nên sự hoàn hảo”, nhưng còn một vấn đề quan trọng hơn là câu này thật ra đầy đủ phải là: “practice makes permanent, perfect practice makes perfect (luyện tập giúp cố định kỹ năng, luyện tập một cách hoàn hảo mới có thể hoàn hảo được)”. Nếu tập luyện sai, sẽ dễ thành tật vì myelin sẽ bao bọc quanh một tín hiệu sai, và càng dày thì càng khó để nó tổ chức lại sang một sợi trục khác chính xác hơn.

Mình tìm được 1 video rất hay của 1 chị nói về việc tập piano ở đây, cũng khái quát một phần những gì mình muốn thực hiện. Đại ý nói có 3 yếu tố chính làm nên một quá trình luyện tập hoàn hảo, là kiên trì quyết tâm, chia phần nhỏ để tập và rèn bản năng thông qua sự lặp lại. Mình cũng hơi hơi nhận được những điều này, nhưng thông qua việc hôm nay ngồi tìm hiểu cẩn thận lại mới có thể thấy tầm quan trọng của ba điều này, đặc biệt là việc phải chia nhỏ. Ví dụ như việc tập nhạc giống với ví dụ của chị này, mình trước giờ rất vội, thường mà đã thích là sẽ đi một lượt cả 4-5 trang bản nhạc, nhưng cuối cùng chỗ nào cũng chơi lởm khởm. Sau đó mình bắt đầu thử dùng giấy nhớ đánh dấu lại một vài khuông mà mình hay chơi sai, sau đó trước mỗi buổi tập thì sẽ chơi cái khuông đó đúng 10 lần, thì thường sẽ không sai chỗ đó nữa (và sai những chỗ không tập…).

Vậy nên theo bản thân mình nghĩ một sự luyện tập đúng là phải (1) đương nhiên, lặp đi lặp lại, phải đổ công đổ sức cho nó một lượng thời gian tương ứng và (2) phải thiết kế hợp lý để có thể nhận được phản hồi thường xuyên về sự đúng/sai: cụ thể là đối với bản thân thì phải chia quãng rất nhỏ để có thể vừa làm vừa kiểm tra, và kiểm tra thêm một lần nữa bằng cách nhờ một yếu tố ở ngoài (thầy cô, bạn bè, tự viết lại, v.v…). Và (3) mình thấy cũng khá quan trọng là phải tập trong cả tưởng tượng nữa. Cái này thì có thể đọc comment ở trong video youtube này, mọi người đều chia sẻ trải nghiệm khi bị chấn thương không luyện tập thực tế được nhưng chỉ luyện tập trong đầu thì sau khi khỏi chấn thương, trình độ vẫn tăng lên như đã luyện tập thực tế vậy.

Hải quân Mỹ có một câu khá hay về việc luyện tập: “Slow is smooth, smooth is fast (tạm dịch: chậm thì mới mượt, mượt thì mới nhanh được)”. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra những người chia khối lượng luyện tập thành nhiều phần nhỏ thì có vẻ học nhanh hơn và được điểm cao hơn. Từ giờ mình sẽ cố gắng áp dụng mấy điều sau để luyện tập một cách đúng và hiệu quả: bắt đầu thật chậm với từng phần nhỏ, lặp đi lặp lại và tự đánh giá, cuối cùng là thử các kiểu luyện tập khác nhau (thực tế và nghĩ trong đầu).

Trích dẫn

[1] https://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Anatomy-of-the-Brain

[2] https://journals.biologists.com/jcs/article/127/14/2999/54438/Myelination-at-a-glance

[3] https://www.nature.com/scitable/topicpage/myelin-a-specialized-membrane-for-cell-communication-14367205/

[4] https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/neuron-kinh-la-gi-chuc-nang-phan-loai-cau-truc

[5] https://youmed.vn/tin-tuc/te-bao-than-kinh-cau-tao-hoat-dong-va-chuc-nang

Leave a Reply