Cha cõng con

Vài dòng về một bộ phim Việt Nam.

Mình được một chị bạn rủ đi coi ở bên Nhật, chiếu ở trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo (thông tin thêm ở đây), mình nghĩ thể loại phim chậm như thế này thì mình ở nhà sẽ tua và không xem hết, nên cũng muốn dành vài tiếng cuối tuần đi xem để sống chậm lại, không ngờ buổi chiếu này mang lại cho mình khá nhiều điều.

Phim là câu chuyện của hai bố con anh Mộc và bé Cá, sống nhờ nghề bắt cá ở một vùng quê nghèo, là những vòng tay của những người dân chung tay vượt mưa kiếm lá lợp nhà trên thượng nguồn, chung tay góp gạo thổi cơm để cùng nhau chống chọi tồn tại qua cơn lũ, là những giấc mơ rất thơ, nhưng lại rất giản dị của mỗi người, cho dù là giấc mơ được đứng trên toà nhà cao nhất Việt Nam để nhìn ngắm cả thành phố, hay là giấc mơ ngô nghê được đuổi theo “con chim sắt” trên trời xem tổ nó ở đâu và bắt một con về nuôi, là hình ảnh người cha tần tảo lo lắng cho con và cũng hạnh phúc vì con, tựu chung lại là một câu chuyện rất đẹp, rất “Việt Nam”.

Nguồn ảnh: mạng

Trước khi đi vào nội dung phim thì mình phải khen về âm nhạc và phần hình ảnh rất mãn nhãn. Phim này quay sử dụng flycam khá nhiều, góc nhìn từ trên cao nhưng không bị kiểu “video du lịch” mà cảm giác được mỗi góc cảnh đều đã được đạo diễn tính toán kỹ. Phần hình ảnh ở nông thôn thì đa phần là một màu xanh lá cây rất tươi, về thành phố thì tông hơi xám, màu sắc không bị rực rỡ, không chói. Đoạn đầu tiên anh này ra phố thì đi đúng qua chỗ ngã tư nhà mình luôn, nhìn thấy được chiếc ngã tư ngày ngày đi qua thấy vô cùng thân thương haha. Màu sắc phim lúc xem mình đã hơi nhận ra, nhưng tới phần cuối xem credit sau phim thì mới xác nhận được chắc chắn, là do đội chỉnh màu phim là của Thái Lan nên màu phim rất “Thái”, màu xanh rất tươi và màu vàng được nhấn, nếu ai đã từng coi phim Thái chắc sẽ hiểu. Phần âm nhạc thì có được giới thiệu là nhạc sĩ Hàn Quốc Lee Dong Jun (từng làm nhạc cho Điều kỳ diệu trong phòng giam số 7), nhạc được sử dụng để dẫn dắt cảm xúc rất khéo.

Về diễn xuất thì mình khá thích em bé diễn bé Cá, lúc tìm hiểu mới biết là các em bé trong phim này đều là trẻ em ở làng trẻ SOS không có bố mẹ, mình có đọc một bài báo nói sau khi hết phim các em đều khóc vì phải chia xa bố mẹ trên màn ảnh của mình, nghe rất thương :(. Sau khi chiếu phim đợt này thì có giao lưu với đạo diễn tầm 1 tiếng rưỡi, đạo diễn cũng có chia sẻ là ông không muốn chọn diễn viên chuyên nghiệp, nên phim này nam chính (bố Mộc) cũng vốn là một nghệ sĩ vẽ minh hoạ, hay như chú mù trong phim là VĐV Hà Văn Hiếu dành nhiều huy chương bộ môn vật. Thoại của phim này nghe cũng không bị quá giáo điều kiểu dạy dỗ, nhưng thi thoảng vẫn hơi khô, hai người đi cùng mình còn kêu tiếng Việt khó nghe phải đọc phụ đề tiếng Nhật (haha). Lúc đầu tên bé Cá mình nghe cũng không rõ, phụ đề tiếng Nhật thì là カー (caa) mình còn tưởng ô tô chứ……

Nói chung lại thì, phim được rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, mình nghĩ cũng có lý do của nó.

===

(phần tiếp sau đây có chứa chi tiết tiết lộ nội dung phim)

Tiếp theo về phần diễn viên của phim thì đoạn sau là bé Cá bị máu trắng, có quay phim ở Bệnh viện Huyết học, thì đạo diễn có chia sẻ là các em bé nằm cùng phòng trong phim một số em là bệnh nhân máu trắng thật sự, và điều vui mừng nhất đối với đạo diễn là trong đó có 2 bé đã chữa khỏi, tóc mọc trở lại và quay về cuộc sống bình thường.

Mình thấy rất thích một cảnh trong phim là bé Cá nằm giữa rừng cỏ mọc cao, bốn góc xung quanh đều là cỏ, chỉ hở phần ở giữa nhưng vẫn mải miết ngắm bầu trời xanh, ngắm máy bay lượn qua khung trời ấy. Mình thấy phim hay ở chỗ nó rất thật, nói nó như một thước phim tài liệu cũng không sai, câu chuyện kể rất chầm chậm, không cố tình lên gân để lấy đi nước mắt, nhưng khi xem và nghĩ mới thấy nỗi buồn man mác vương trong từng góc quay.

Đương nhiên khen thì khen thế nhưng phim vẫn có nhiều điểm làm mình gợn, ví dụ như cảnh khung cửa hình ảnh Bitexco được bế từ miền nam ra khung cửa sổ của viện Huyết học ở miền Bắc, hay nhiều đoạn chuyển cảnh hơi gắt, hoặc một số nhân vật mình thấy hơi khiên cưỡng, và mình có cảm giác đạo diễn muốn nhồi nhét quá nhiều thông điệp qua phim bằng những hình ảnh biểu tượng nên thấy hơi ngợp. Tuy nhiên mình thấy với 1 tiếng 30 phút mình cảm thấy thoả mãn sau khi xem bộ phim này.

Cuối cùng có phần giao lưu, mình có hỏi đạo diễn (câu hỏi duy nhất bằng tiếng Việt haha), một câu về phim và một câu về vấn đề gần đây mình hay suy nghĩ: làm thế nào để nghĩ sâu hơn. Cụ thể mình hỏi là trong thời đại bây giờ ai cũng lướt lướt nhanh để tìm thông tin, không thể phủ nhận sức hấp dẫn của các phim ngắn và video ngắn, vậy ý nghĩa thực sự của phim truyền thống, nhất là chủ đề kén người xem như thế này? Thì đạo diễn cũng nói chia sẻ là chủ đề kén người xem nhưng vẫn muốn làm vì rất yêu gia đình, muốn thể hiện tình yêu qua đó, và sẽ kiên trì làm phim truyền thống, nhưng mình vẫn chưa tìm được câu trả lời mình mong muốn thông qua hồi đáp của đạo diễn, chắc là do hỏi đáp tại hiện trường, thời gian có hạn nên không kỹ được :(. Ngoài ra thì nghe được phần chia sẻ của đạo diễn là để quay được cảnh lũ thực như trong phim, thì đạo diễn đã đến đúng vào mùa lũ, và đã từng có một năm bị lũ cuốn hết nhà cửa dựng để làm phim, phải đợi 2 năm sau mới quay lại được. Được lắng nghe rất nhiều câu chuyện bên lề cũng làm mình cảm thấy bộ phim ý nghĩa hơn.

Tuy mình hỏi như vậy, nhưng thực sự thông qua bộ phim này, mình đã cảm nhận được phần nào câu trả lời. Trong phim có một cảnh cuối là người cha cõng con, đi bộ theo thang thoát hiểm để lên tới tầng cao nhất của toà Bitexco. Cảnh phim vô cùng đơn giản, chiếu từ trên xuống, chuyển cảnh ít, chỉ có một hình ảnh rất mộc là người cha cứ từng bước từng bước leo lên, nhưng mỗi bước chân dường như lại đẩy cảm xúc trong mình lên thêm một chút, chầm chậm chầm chậm lên tới cao trào. Một phim ngắn ăn liền hay một video 15s khó có thể cho mình được cảm giác được lắng đọng cùng thời gian như thế này.

Mình nghĩ phim này rất hay, và mình thấy nó hay là vì xem đúng thời điểm (khi đang sống nhanh muốn tìm về cái chậm), đúng không gian (đang ở Nhật), nên cảm thấy rất thấm, cộng thêm được nghe chia sẻ trực tiếp từ bác đạo diễn, nên cảm thấy quả thực là một buổi chiều cuối tuần có ý nghĩa, cảm ơn người chị đã rủ đi coi ^^.

One Comment

  1. ” những bàn tay khéo léo làm thức tỉnh những cảm xúc đẹp đẽ vốn có của con người. viên ngọc trong trẻo bị lu mờ bấy lâu nay và giờ lại trên hành trình thức tỉnh để có lại vẻ đẹp trong trẻo ấy”

Leave a Reply