Một cuốn sách dạy cách tiêu tiền.

Ý chính của cuốn sách này là không nên quá tiết kiệm, mà phải tìm cách tiêu tiền làm thế nào để lúc chết số dư tại khoản đúng = 0, nếu không thì sẽ chết trên đống tiền một cách lãng phí. Tác giả cực đoan tới mức khuyên người đọc tính thử xem mình sẽ chết năm bao nhiêu tuổi dựa trên việc theo dõi sức khoẻ và thống kê khoa học về tuổi thọ trung bình, từ đó tính lùi lại xem nên tiêu tiền từ năm bao nhiêu tuổi (câu trả lời trong sách là từ trung bình 45-50 tuổi thì phải bắt đầu tiêu nhiều hơn kiếm thì lúc chết mới hết tiền được, đương nhiên đặt trong bối cảnh từ góc nhìn của tác giả là người kiếm kha khá – a hedge fund manager with more than $120 million in assets, Hollywood film producer, high stakes tournament poker player (nguồn:amazon)).
Mình không hoàn toàn đồng ý với tất cả các ý mà tác giả đã nêu trong cuốn này, hơn nữa cuốn này khá lặp lại, thực ra viết đúng kiểu đếm chữ ăn tiền, nhưng mình thấy có một ý rất hay và thấm thía: phải tận dụng tối đa ưu thế của tiền để mua các trải nghiệm. Các trải nghiệm này cũng như các khoản đầu tư vậy, muốn có được ưu thế lãi kép thì phải tích luỹ càng sớm càng tốt, nghĩa là khi còn trẻ thì càng phải đầu tư vào các trải nghiệm nhiều hơn, vì các trải nghiệm này sẽ mang lại càng nhiều giá trị cộng dồn theo cùng năm tháng. Mỗi ngày chúng ta thức dậy nói là một khởi đầu mới, nhưng thực ra nhiên liệu trong tay đã có rất nhiều, là những tích luỹ từ nhiều ngày trước, và chúng ta sẽ dùng nó để tiếp tục lái đi trên chặng đường của ngày hôm đó, nên càng tích luỹ nhiều, càng có nhiều cơ hội và khả năng để nắm bắt cơ hội.

Nhìn theo mấy đường biểu đồ ở trên thì có khi cùng một số tiền chi ra, càng già thì mình càng không thể tận hưởng được bằng khi trẻ, nên phải điều chỉnh tỉ lệ tiết kiệm theo độ tuổi một cách hợp lý. Ngoài tìm kiếm tỉ lệ hợp lý xem nên tích luỹ tiền hay tích luỹ kinh nghiệm, tác giả cũng có nói về việc phải điều chỉnh sự cân bằng giữa tiền-thời gian-sức khoẻ ở các lứa tuổi khác nhau. Một ví dụ đơn giản là không nên bán rẻ thời gian, ví dụ nếu có tiền thì có thể dùng tiền để giải quyết những tác vụ đơn giản (thuê giặt đồ, làm việc nhà, v.v…) Đương nhiên nếu ai thích làm việc nhà thì vẫn có thể làm, nhưng ý tác giả muốn nói là bằng việc dùng tiền để giải quyết những tác vụ mình không muốn làm hoặc cảm thấy lãng phí thời gian, thì chính là đang giảm số trải nghiệm đem lại năng lượng âm, và tăng khả năng cũng như không gian cho những trải nghiệm tích cực, mà trải nghiệm tích cực nhiều thì chẳng lẽ đời lại không vui? Gợi ý của tác giả là có một thứ ngay lập tức đầu tư vào mà sẽ sinh lời theo thời gian: đó chính là sức khoẻ.
Tác giả còn một lời khuyên nữa mình thấy khá hay là hãy lập một bucket list tương ứng với từng độ tuổi. Bucket list là danh sách những việc mình muốn làm, mình cũng có gạch khá nhiều gạch đầu dòng, nhưng theo lời tác giả thì bằng cách phân từng việc muốn làm ra theo độ tuổi, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về việc là độ tuổi nào thích hợp làm việc gì, và việc nào làm sớm hơn thì sẽ có lợi hơn.
Mình thấy ý tưởng của tác giả tuy cực đoan nhưng cho mình rất nhiều gợi mở, sẽ cố gắng tìm ra điểm hợp lý và đầu tư nhiều vào bản thân hơn, ít nhất là cố gắng giữ gìn sức khoẻ và lập được một kế hoạch hợp lý để có nhiều trải nghiệm thú vị hơn trong cuộc sống.
Đánh giá chung