The War of Art – Steven Pressfield

Một cuốn sách siêu ngắn về cách làm thế nào để có thể hoạt động nghệ thuật (nhưng mình thấy lý thuyết có thể áp dụng được với bất kỳ việc gì: học một ngoại ngữ, tập đàn, etc…), nói chung là làm thế nào để duy trì được những việc mà mình muốn làm nhưng chưa hoàn toàn nghiêm túc cống hiến cho nó.

The War of Art - Kindle edition by Pressfield, Steven, Coyne ...

Lúc đầu mình thấy cuốn này thì để ý tên tiêu đề, vì nó ngược lại với cuốn “The art of war” (Tôn Tử binh pháp), khi đọc xong thì mới thấy tên sách bao quát rất rõ nội dung cuốn sách: những khó khăn vất vả và cách vượt qua để có thể làm nghệ thuật. Cuốn này trên goodreads không hiểu sao review toàn 1-2 sao (may mà mình không coi review trước khi đọc), nhưng mình lại thấy là một cuốn rất hay và đáng để đọc, chưa kể tới nội dung thì cách viết của tác giả rất thẳng, thậm chí còn hơi chua chát, từ vựng dùng rất hay và mỗi chương chỉ cỡ 1 trang, đọc cả cuốn chắc không tới 1 giờ mà có nhiều thứ hay ho rút ra được.

Trong cuốn này thì có một khái niệm nhắc đi nhắc lại là “Resistance“, được định nghĩa là những chướng ngại làm chúng ta không làm việc, suy nghĩ lại thì đúng là thời gian cố gắng vượt qua cái lười còn dài hơn thời gian làm việc rất rất nhiều. Muốn chiến thắng nó thì phải trở thành một người chuyên nghiệp, có trách nhiệm và nghĩa vụ gắn với nó. Gần đây việc làm ở nhà cũng khá nhiều, mình thì từ khá lâu thời gian đều do tự quản và quản không hiệu quả lắm, nhân đợt này viết review thì ôn lại vài điểm mình rút ra được từ sách để áp dụng cho quản lý thời gian tốt hơn.

Resistance có thể xuất hiện ở rất nhiều hình thức khác nhau. Hình ảnh dạng đầu tiên của Resistance được nhắc đến trong sách chính là tiếng nói vọng lại trong đầu kéo chúng ta lại về với chăn ấm nệm êm mỗi buổi sáng khi đang quyết tâm thức dậy. Ngoài ra trong sách còn kể về hàng nghìn tỉ Resistance khác, có thể nói đây là một cuốn sách đầy đủ nhất về những “lý do lý trấu” để không làm việc, tỉ dụ như mình là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn xung quanh, đổ lỗi cho ngoại cảnh, hay là do hôm nay ốm mệt vân vân hằng hà sa số những lý do mà bạn tự đặt ra với mình hàng ngày để không làm việc, đều được nhắc đến trong sách và được phản bác, chữa trị bằng một giọng điệu rất hài hước. Nhấn mạnh lại lần nữa là cách viết của cuốn này rất cuốn, đọc tuy không quá dài nhưng đọc xong cảm thấy rất sảng khoái, và còn rút ra được vài thứ áp dụng, mình nghĩ đây mới là hướng mà các cuốn self help hợp với mình.

Vậy làm thế nào để chiến thắng Resistance? Trong sách không đề cập một phương án cụ thể, nhưng đối với mình thì mình rút ra được hai điều mà mình cho là mấu chốt: bắt đầu luôngiảm bớt sự lựa chọn.

Điều thứ nhất là việc bắt đầu ngay lập tức rất quan trọng, nếu bạn bắt đầu thì thực sự công việc nó là một thứ vô cùng gây nghiện, sẽ thành một guồng quay kéo bạn theo tới khi nào bạn kiệt sức thì thôi. Vấn đề nhiều ví dụ như chuyện viết blog này cũng vậy, mình rất hay chuẩn bị quá nhiều trước khi bắt đầu đặt bút xuống, nào là đã có ai viết về vấn đề này chưa, rồi mình sẽ phải triển khai ý như thế nào, hình ảnh minh hoạ ở đâu, rất nhiều thứ loằng ngoằng, và trong quá trình tìm hiểu ấy nhỡ bỗng dưng đâu đó nảy lên một từ khoá hay ho, thì mình sẽ sa đà vào đó cả tiếng và kết quả là blog vẫn chưa viết được dòng nào. Một chuyện khá buồn cười nhưng mình nghĩ không phải là kinh nghiệm của riêng mình đâu (ít nhất tác giả ở đây cũng xác nhận cái kiểu mất tập trung loanh quanh luẩn quẩn này là một vấn đề chung nhất mà ai cũng mắc phải, dù dưới hình thức nào). Điều này sẽ được giải quyết nếu mình cứ đặt bút xuống viết những thứ đang có trong đầu, xây dựng khung cơ bản rồi mới bắt đầu đắp những thứ còn thiếu vào, khi ấy thì mục tiêu lớn nhất trong đầu sẽ là làm thế nào để hoàn thiện bài viết, nhờ đó mà những cám dỗ đọc về những chủ đề ngoài cũng giảm sút đáng kể và (một cách thần kỳ) mình có thể hoàn thành được bài blog.

Điều thứ hai là giảm bớt sự lựa chọn. Thử nghĩ về buổi sáng hoặc khi mình lười mà xem, sẽ có một âm thanh vọng trong đầu, “mai làm cũng được” chẳng hạn, chính âm thanh đó đã tạo cho mình một cái lựa chọn về đường rút lui rất nhẹ nhàng: để mai làm. Để chiến thắng được Resistance thì phải xoá bỏ những lựa chọn này, biến những thứ này thành một việc ép buộc. Nhiều lúc mình cũng nghĩ học thêm một ngoại ngữ chẳng hạn, cho dù 30 phút một ngày ngắn ngủi thôi nhưng thật khó duy trì, nghĩ lại mới thấy vì trước mỗi lúc học bài thì mình đều tự chiều bản thân mình bằng một “lựa chọn” nào đó khác nghe có vẻ vui hơn, bất kể đó là xem phim, đọc truyện hay gì khác. Nếu mình đặt một quy tắc không lựa chọn, không thoả hiệp về việc học 30 phút một ngày, thì nó sẽ thành một thứ giống như công việc từ 9 đến 5 hàng ngày vậy, bắt buộc phải tới, không có lựa chọn nào khác. Đương nhiên sẽ có khó khăn, nhưng nếu quen được với việc ít lựa chọn thì chắc chắn sẽ làm việc có hiệu quả hướng đúng mục tiêu hơn rất nhiều.

Đánh giá chung: 8.0/10.

3 Comments

  1. Cảm ơn bạn về bài viết này. Mình tìm thấy Blog này của bạn vì có cùng sở thích đọc sách và là Fan của nhà văn Nhật Higashino Keigo.

Leave a Reply