Cánh cửa – Szabó Magda

“Cánh cửa” là câu chuyện về quá trình tự tìm cách để bước vào cuộc sống của nhau của nhân vật nhà văn Magda và bà giúp việc Emerence, trong đó cũng lồng ghép nhiều hình tượng khác nhau để kể về một đoạn lịch sử bất hạnh của Hungary.

Viết vài dòng cho một cuốn khá đặc biệt, khác với thể loại mình hay đọc, là cuốn “Cánh cửa” này đây.

Cánh Cửa | Tiki.vn: Sách,Truyện

Câu chuyện thì cũng khá đơn giản, như mình đã nói ở trên, giữa hai nhân vật nữ là nhà văn Magda (tự xưng “tôi”) và bà giúp việc tên Emerence. Nhân vật ở ngôi thứ nhất này có khá nhiều nét tương đồng với tác giả, cùng tên, trong truyện còn nhắc tới cả tên thời con gái, Magduska, hay có lần đi dự giải thưởng danh giá. Tác giả theo như mình tìm hiểu trên mạng sau khi đọc truyện, Szabó Magda là nữ nhà văn có số lượng tác phẩm dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất trong các tác gia Hungary, bà cũng được hai lần đề cử vào danh sách xét tặng giải thưởng Nobel văn học. Tuy nhiên câu chuyện này không nhằm vào nhân vật chính quá nhiều, mà là ở bà giúp việc Emerence vừa nhắc tới ở trên, được nữ nhà văn Magda bắt đầu thuê khi chuyển sang căn nhà lớn hơn khi sự nghiệp vừa tươi sáng trở lại.

Trước hết thì, bản thân mình rất thiếu sót không biết về lịch sử Hungary ngoài việc quốc gia nhỏ bé này bị thiệt hại sau Thế chiến 2, sau đó thân Liên Xô và theo cộng sản rồi chuyển sang dân chủ nhiều thành phần (và nhớ là nghe bạn Hung của mình kể thì phân biệt giới tính vẫn rất dữ dội, và rằng Hungary là một quốc gia siêu nghèo…), nói như vậy để biết nếu có quá nhiều ẩn dụ về lịch sử trong cuốn sách này mình không hiểu được thì rất hi vọng ai đó hiểu được rồi có thể giải thích giúp mình. Mình tin chắc dịch giả khi làm cuốn này cũng khá tâm huyết, có trích dẫn footnotes một vài rồi, nhưng có lẽ vẫn là chưa đủ và khá rối rắm đối với người lần đầu tiên động tới văn học Hungary như mình.

Quay lại nói một chút kỹ hơn về nhân vật được khắc hoạ trọng tâm mang tên Emerence này. Emerence được khắc hoạ dưới lời kể của Magda là một người rất kỳ lạ, mạnh mẽ hơn bất kỳ ai để bảo vệ điều mình tin tưởng, tới mức ngoan cố và có phần gàn dở, nhưng lại thực sự rất ấm áp theo một cách nào đó, luôn bảo vệ chăm sóc để ý tới những người chung khu phố. Bà không chỉ đơn giản là một người giúp việc, mà là người giúp việc chắc là có cá tánh nhất mà mình từng đọc quá (lol), không chịu xếp đồ vào tủ chỉ đơn giản vì không thích (nhưng thật ra biết rõ vị trí đồ ở đâu), có khi biến mất cả ngày trời, tuy lúc nào cũng làm việc vô cùng năng suất nhưng lại vô cùng bí ẩn một cách quái dị, căn nhà bịt kín cửa sổ cửa ra vào và nghìn năm từ bác đưa thư tới nữ nhà văn đều không thể liếc mắt nhìn nổi chút nào không gian trong nhà cho dù từ khe hở nhỏ nhất, rồi là nữ giúp việc nhận tiền nhưng có thể mắng chửi lại chủ nhà (?) Nhân vật Emerence được khắc hoạ vô cùng rõ nét, từng hình ảnh, từng hành động cử chỉ, văn tả của Magda không rườm rà hoa mĩ, đọc mà mình có thể cảm nhận được rõ nét bối cảnh mối quan hệ giữa các nhân vật, tới nỗi hiện giờ ngồi gõ những dòng này cũng có thể nhớ lại hình ảnh cánh cửa trong truyện.

Mối quan hệ này ngay từ đầu đã được tác giả hé lộ một cái kết không vui vẻ cho lắm là Emerence qua đời, và nguyên nhân chính là do nhân vật “tôi”. Hơi lạc đề chút, có một điều gần đây mình nhận thấy, và mình cũng cảm nhận được ở trong cuốn này, chính là hình ảnh một con người trong mắt mình thật ra là sự phản ánh của mối quan hệ của mình với người đó. Nói cụ thể hơn một chút thì chính là, ví dụ mình quý mến người đó, hai người là bạn thì góc nhìn về một hành động của người bạn đó sẽ được tô vẽ dưới lăng kính màu hồng rất nhiều, còn một khi người bạn này không còn là người mình quý mến nữa thì cho dù hành động có tương tự như trước nhưng sẽ được kể lại dưới một góc nhìn hoàn toàn khác. Ở đây cũng khá tương tự như vậy, khi ban đầu Emerence mới tới ngôi nhà này, những điều bà làm được mô tả một cách vô cùng kỳ quặc cộng thêm bản thân sự việc đã đủ kỳ quặc rồi, nên nó càng đẩy cho nhân vật này một bức màn thần bí, nhưng rồi dần dần dần dần mọi người tìm hiểu được nhân vật này có quá khứ như thế nào, và rồi mọi điều kỳ quặc đó đều có một lai lịch rõ ràng, gắn với những câu chuyện gợi cảm xúc rất riêng, càng khiến người ta thôi thúc mở “cánh cửa” nhà bà, cũng là chốn phòng bị cuối cùng của Emerence để bảo vệ những gì riêng tư nhất. Còn một hình ảnh mình thấy cũng khá hay là em chó đực nhưng lại mang tên Viola, nó gần như là hiện trưng của mối quan hệ giữa hai nhân vật nữ này, đọc qua từng tình tiết có thể thấy được khắc hoạ rất rõ.

Cho đến cuối cùng, khi Madga đã mất đi người “còn hơn cả tình yêu” đối với mình, thì bà rơi vào một vòng trầm luân mà người chồng đã cảnh tỉnh “em không tìm được ai mà em có thể chịu đựng được ở bên cạnh mình, vì không phải em tìm một người nào đó, mà em đi tìm người duy nhất, người ấy không trở về với em nữa”. Một mối quan hệ gắn kết thấu hiểu biết mấy, từng chút từng chút cẩn thận đặt từng viên gạch xây nên, nhưng cho tới cuối cùng đổ vỡ mới phát hiện ra hoá ra từ đầu bức tường thân thiết này đã vốn không có một cái nền vững chắc, quả là đáng tiếc. Quen đọc mấy tác phẩm theo dạng cốt truyện là chính, đầu mở thân kết rồi, tự dưng đọc một cuốn văn học đặt nặng vào những thứ tích luỹ ở từng đoạn truyện thế này, đọc xong cảm thấy nặng nề quá, thôi viết vài dòng dừng ở đây cho bớt rối. Cuốn này đúng như bạn giới thiệu với mình cuốn này nói, khá kén người đọc, và chắc chắn là không dành cho mình (xin lỗi bạn huhu) :(, chắc sẽ hợp với những bạn đầu óc văn chương thích ẩn dụ thích mấy cái hình tượng và những câu chuyện gợi đồng cảm (?) hơn.

Đánh giá chung: 6.0/10

Leave a Reply

%d bloggers like this: