Giới thiệu về Shakespeare và các vở kịch lớn

Đôi nét về Shakespeare

Shakespeare sinh ra vào thế kỷ thứ 16 (đến nay vẫn chưa xác nhận được chính xác ngày sinh, chỉ có tài liệu xác nhận ông đã rửa tội ở Stratford-upon-Avon vào ngày 26 tháng 4 năm 1564). Shakespeare sinh ra trong một gia đình giàu có và danh giá. John, cha của ông, là nhà kinh doanh xuất thân từ một thợ làm đồ da phục vụ cho găng tay và các sản phẩm tương tự. Mary, mẹ của ông là con gái của dòng họ Arden danh giá. Trước Shakepeare có hai chị gái đã mất trước lúc sinh ra, sau ông có 3 em trai và 2 em gái. Ông lập gia đình với Anne Hathaway vào năm 1582, khi này ông 18 tuổi và bà Anne 28 tuổi, họ có với nhau một cặp sinh đôi. (Nghe tên bà vợ giống diễn viên nổi tiếng không xD, có đợt rộ lên hình anh chồng của chị diễn viên Anne Hathaway nhìn mặt giống hệt Shakespare, bảo là hai người họ hẹn nhau tới kiếp này :)).) Ông sinh ra vào thời của nữ hoàng Elizabeth, là đỉnh cao của thời phục hưng của nước Anh, cũng là thời điểm gợi nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thơ và các nhà viết kịch.

Lý do mình thích Shakespeare vì các vở kịch của ông đều miêu tả tâm trạng một cách rất rõ nét dù đôi lúc hơi cực đoan, và những tư tưởng hình ảnh ở trong kịch đến nay vẫn có thể thấy trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt nhất là những triết lý và những suy tư ở thế lưỡng nan của ổng đòi hỏi người xem phải có lập trường vững vàng để nhìn nhận mọi thứ, tránh bị cuốn theo hai dòng cảm xúc đối lập của các nhân vật. Mình sẽ chia sẻ rõ hơn theo từng vở kịch ở dưới. Kịch của Shakespeare đa phần được viết xen kẽ giữa thơ và văn xuôi, thường những nhân vật phụ sẽ nói văn xuôi và thoại của những nhân vật chủ chốt sẽ là thơ (mọi người có thể tìm kiếm theo từ khóa iambic pentameter để tìm hiểu thêm về thể loại này trong văn học vào khoảng thời gian này). Thời này xem lại hình ảnh thì sân khấu cũng khá đơn giản, nên tất cả các hình ảnh trên sân khấu đều được miêu tả rất rõ thông qua lời thoại của các nhân vật. Ngôn từ của Shakespeare đẹp và đặc sắc tới mức đưa vào chương trình học cho tụi bên Mỹ, và có nhiều từ do chính ổng tạo ra tới giờ vẫn còn dùng. Mình không đọc được tiếng Anh cổ, tất cả tác phẩm Shakespeare mình đều đọc là bản dịch qua tiếng Anh hiện đại ở đây: https://www.sparknotes.com/shakespeare/. Shakespeare có vẻ là xuất bản tiếng Việt bản rút gọn và diễn xuôi lại cũng khá nhiều, mình chưa đọc nên không dám gợi ý, nhưng nếu ai có hứng thú có thể kiếm thử.

Tứ đại bi kịch của Shakespeare

Các vở bi kịch ở thời của Shakespeare rất được ưa chuộng, bản thân ông cũng viết rất nhiều về thể loại này và đưa tên tuổi của ông còn mãi tới bây giờ (ít nhất là có một fan cuồng đang ngồi đây chia sẻ). Đa phần các tác phẩm đều đi theo nội dung là cuộc đời thăng trầm của một nhân vật quý tộc, nhân vật này rất có quyền lực và/hoặc sức ảnh hưởng, nhưng có một lỗi sai nghiêm trọng làm dẫn đến một kết cục thảm khốc.

Chú ý: nội dung có yếu tố spoil (thực ra là mình sẽ kể tóm tắt từ đầu tới cuối).

Romeo và Juliet

Đây là vở quá nổi tiếng rồi, nội dung chính là một tình yêu rất đẹp nhưng lại có kết cục buồn thảm của Romeo nhà Montague và Juliet nhà Capulet. Vở kịch bắt đầu với mâu thuẫn của hai nhà Montague và Capulet ở Verona, Ý. Lúc này vốn Romeo đang si tình Rosaline (nhưng không được nàng đáp lại, và nàng còn chuẩn bị làm nữ tu sĩ), còn Juliet cũng đã định sẽ phải gả cho Paris. Benvolio (em họ của Romeo, người luôn cố gắng hòa giải mối mâu thuẫn của hai nhà) cố gắng động viên Romeo thoát khỏi mối tình này bằng cách đưa chàng đi một bữa tiệc giấu mặt. Ở đây hai nhân vật chính đã gặp và yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, nhưng bị người nhà ngăn cản nên họ hẹn tối đó sẽ gặp nhau. Màn đêm kéo xuống và ở đây chính là cảnh ban công nổi tiếng, chàng tới tìm nàng và xác nhận tình cảm với nhau, họ hẹn sẽ gặp nhau vào tối hôm sau nữa.

Which Romeo and Juliet Couple Makes Your Heart Race Most
Leonardo DiCaprio and Claire Danes trong vở Romeo Juliet ’96. Nguồn: mạng =))

Trong một ngày hôm sau đó thì Romeo đi tìm Friar Laurence để chứng hôn cho cả hai, rồi tối đó hai người kết hôn. Hôm sau Mercutio (bạn thân của Romeo, người không thuộc phe nhà nào) gặp và đánh nhau với Tybalt (em họ Juliet, căm thù Romeo) trong lúc vẫn đang giận dữ vì Romeo bỏ qua lời thách đấu sinh tử của Tybalt, Mercutio thấy bạn mình quá hèn nhát nên anh phải đứng lên thay mặt để đáp lại lời thách đấu. Tybalt đâm chết Mercutio, Romeo không thể nhẫn nhịn thêm cậu em rể sau đám cưới bí mật thêm một chút nào nữa, giết ngay Tybalt và trốn đi, nhưng bị bắt gặp và xử đày tới Mantua, lệnh thi hành ngay ngày hôm sau.

Juliet biết được tin thì rất mâu thuẫn, nhưng quyết định sẽ theo chồng (Romeo), bà đỡ đầu (Nurse) khuyên cô nên tạm kết hôn chờ thời nhưng cô không nghe, ngược lại cảm thấy rất thất vọng vì bà có thể nói ra lời như vậy, nên đi tìm Friar Laurence để nghe lời khuyên. Friar cho cô thuốc độc để chết giả, sẽ không phải cưới Paris, khi cô tỉnh lại từ thuốc độc thì Romeo sẽ tới cứu và hai người được đoàn tụ. Đáng tiếc thay người đưa tin (Friar John) đã không hoàn thành nhiệm vụ và Romeo không biết gì đến kế hoạch này. Romeo tưởng Juliet đã qua đời, xông tới giết Paris và uống thuốc độc tự tử cạnh nàng, lúc đó Juliet tỉnh dậy nhận ra sự việc, dù được Friar Laurence khuyên bảo nhưng vẫn quyết định sẽ tự tử bằng chính lưỡi kiếm của Romeo. Kết thúc là hai dòng tộc thấy cái chết của con cháu mình mới cảnh tỉnh, kết thúc hận thù và dựng tượng Romeo và Juliet cạnh nhau, hòa bình lập lại ở Verona.

Vở này cho thấy rất rõ luật nhân quả, hai nhà Montague và Capulet gieo cái mâu thuẫn ấy quá lâu để rồi chính con cháu nhà mình phải chết một cách rất đau lòng.

Hamlet

Nội dung vở này xoay quanh việc vua Đan Mạch, bố anh Hamlet qua đời xong nhắn ảnh phải trả thù cho mình, tức là giết ông Claudius vua hiện tại, cũng chính là bác của Hamlet. Hamlet mới đắn đo trằn trọc (có câu nổi tiếng “to be or not to be” đó), xong đi giết người, vua mới cũng bày mưu để giết anh, cuối cùng chết hết :)).

Cụ thể hơn thì sau khi Claudius đầu độc em trai mình cũng là vua Đan Mạch chết, thì ổng lấy Gertrude, vợ của em trai mình luôn. Hoàng tử Hamlet vừa buồn cha vừa cáu mẹ xong lại gặp được hồn ma của cha nên càng nuôi lòng thù hận muốn báo thù. Ở phe kia thì Claudius có một cận thần thân thiết tên là Polonius có con gái là Ophelia, là vợ tương lai của Hamlet. Trong quá trình trả thù của mình thì Hamlet dựng vụ việc cha mình bị đầu độc thành vở kịch, rồi diễn cho mọi người xem để coi phản ứng của Claudius thế nào. Claudius dừng vở kịch lại, mưu tính đuổi Hamlet sang Anh làm sứ giả xong giết giữa đường. Hamlet phát hiện mưu kế nên quay về, đấu kiếm với con trai của Polonius (nhớ đây là ai không? bố cô vợ tương lai của Hamlet đó, ổng đã bị Hamlet giết trong lúc lẩn trốn ở phòng bà má Hamlet để bảo vệ cho bả). Claudius và con trai Polonius, tên Laertes bày kế đầu độc Hamlet bằng rượu độc hoặc độc trong kiếm thì bà má Gertrude uống nhầm rượu độc nên chết, còn hai ông lúc giao đấu lỡ tay dính độc cũng cùng chết theo. À trước khi chết thì anh Hamlet còn giết được Claudius nữa, kết cục là chết hết…

Vở này hay ở mấy đoạn anh Hamlet suy tư về sống và chết, kiểu cứ thỉnh thoảng anh lại dừng lại đắn đo về cuộc đời, xong thở ra một vài triết lý khá hay, ví dụ như “That one may smile, and smile, and be a villain”: chỉ ông bác Claudius cười cười cợt cợt mà hại chết cha mình xong lấy mẹ mình, “There is nothing either good or bad, but thinking makes it so.” đây là lúc ảnh đang tự cố thoát ra khỏi ý nghĩ tiêu cực khi bạn bè bị thành gián điệp cho phe đối địch, người tình thì ghét bỏ xa lánh. Câu này mình khá thích vì đúng thực mỗi sự vật tồn tại không định nghĩa nó, mà chính chúng ta mới là người định nghĩa sự vật hiện tượng ấy :D.

Ngoài ra còn hai vở “Vua Lear” và “Macbeth” cũng khá hay nhưng mình không hay đọc đi đọc lại bằng hai vở trên. Macbeth còn dựng phim đã từng chiếu ở Việt Nam rồi đó.

Hài kịch và Kịch lịch sử

Hai thể loại này thì mình không khoái lắm, nên đọc cũng không vô, cũng có thể là do số lượng nhân vật và tình tiết phức tạp hơn bi kịch nữa. Hài kịch thì thường sẽ có một nhân vật giả dạng làm giới tính khác, vở nổi tiếng có thể kể đến “Much ado about nothing” hay “Người lái buôn thành Venice” (xin 1s đau lòng vì vở này mới diễn nhạc kịch ở TQ có diễn viên mình thích mà mình không đi coi được TT_TT). Kịch lịch sử thì có mấy vở cũng nổi là Henry V, King John hay Richard III.

Vở mình thích nhất

Giấc mộng đêm hè

Vở kịch này có rất nhiều tình tiết và đoạn chuyển biến khác nhau, nhưng diễn ra gói gọn trong một đêm, và ở lúc kết thúc vở kịch, Puck (yêu tinh) cũng có nhấn mạnh lại đây chỉ là một giấc mộng.

Xoay quanh chính của vở kịch là một mối tình tay bốn, Hermia và Helena là bạn thân, Helena yêu Demetrius, Demetrius yêu Hermia còn Hermia yêu Lysander (và anh này cũng yêu Hermia). Câu chuyện bắt đầu khi Egeus (bố Hermia) muốn con gái mình cưới Demetrius nhưng cô từ chối và đòi được gả cho Lysander, nên kéo cả con mình và hai chàng trai tới trước nhà vua Thesus đòi trừng trị. Lysander và Hermia bỏ qua mọi lời đe dọa, định bỏ trốn.

Song song đó có một câu chuyện khác của giới tiên, vua Oberon và hoàng hậu Titania đang cãi nhau vì một cậu trai. Oberon sai yêu tinh Puck dùng nước của một loài hoa cỏ thần kỳ để trả thù Titania, lúc này lại thấy Demetrius đang phũ Helena nên Oberon ra lệnh cho Puck dùng hoa để khiến Demetrius yêu Helena, Puck lại dùng nước hoa này nhầm sang Lysander khiến Lysander yêu Helena say đắm, tới mức bỏ Hermia (là người yêu và đang bỏ nhà ra đi cùng mình). Puck sửa sai bằng cách dùng nước hoa cho cả Demetrius, thành thử cả hai chàng trai từ yêu Hermia chuyển sang yêu Helena, Helena thì tưởng mình đang bị trêu đùa còn Hermia quá đau lòng đòi thách đấu với Helena. Hoàng hậu Titania tỉnh dậy thì yêu nhầm Nick Bottom (mặt mông =)), đầu con lừa)

Puck nhận ra sai lầm và sửa sai lại, Oberon giành được cậu nhóc lúc đầu, hoàng hậu Titania tỉnh giấc thoát khỏi tình yêu với đầu lừa, Lysander quay lại yêu Hermia, kết thúc là đám cưới tập thể, nhảy múa tưng bừng, cả nhà đều vui.

Vở này rất tươi vui, giống kiểu Higashino Keigo hay viết u ám xong viết cuốn “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya” ấy, thì đây cũng là vở tươi vui hiếm có của Shakespeare. Mình thích nhất ở vở này là một kết cấu khá trọn vẹn, có thể vì nó là giấc mộng nên thấy mọi thứ quay lại điểm khởi đầu theo một cách tốt hơn, thành một vòng tròn nên mình rất thích. Những vở khác thì thường hay kiểu đẩy cao trào lên cao xong tất cả đều chết, hết kịch nhưng vở này thì cấu trúc khác hơn.


Từ hồi xưa thì mình chỉ thích đọc kịch thôi, có những vở đọc đi đọc lại, đặc biệt là mấy vở của Shakespeare, gần đây thì mới có hứng thú thêm xa xỉ chút là đi xem kịch, nhưng những vở cổ này chỗ mình không diễn, chỉ còn cách kiếm hình ảnh lậu trên mạng nhưng cũng không quá rõ nét. Hi vọng sau bài giới thiệu này mọi người có thể có hứng thú hơn với kịch, đi tìm đọc thử hoặc đi xem thử một vở kịch nào đó, chắc chắn rồi sẽ thấy cuốn hút và rồi hiểu tại sao thứ nghệ thuật này có thể tồn tại được lâu tới như vậy :D.

5 Comments

  1. Cô cũng thích mấy vở kịch của Shakespeare. Cháu nói tứ đại bi kịch mà chỉ mới nhắc đến hai bi kịch và một hài kịch. Hai bi kịch kia chắc phải là Macbeth và King Lear.

      1. Cô đọc sót hai câu này. Có một giả thuyết là không phải một mình Shakespeare viết ra tất cả các tác phẩm này, mà có thể do nhiều người viết. Cháu nghĩ sao?

        1. Mình thích tác phẩm chứ không phải quá thần tượng con người nên thực ra sao cũng được thôi ạ, trân trọng cái hay của tác phẩm vẫn hơn là đi coi tin tức bên lề quá nhiều.

Leave a Reply

%d bloggers like this: