Phương pháp ghi nhớ cao cấp – 一流の記憶法

Cuốn này khá cơ bản viết về cách ghi nhớ, cũng toàn những điều chắc là đã biết rồi nhưng một cách hệ thống và nhiều ví dụ, rất bổ ích cho những người bắt đầu cảm thấy khó khăn trong việc ghi nhớ tự nhiên (như mình) và cần vài mẹo để ghi nhớ kỹ và lâu hơn.

一流の記憶法: あなたの頭が劇的に良くなり「天才への扉」がひらく | 六波羅穣 | ビジネス交渉・心理学 | Kindleストア | Amazon
Nguồn: amazon jp

Lỗi thường gặp quen thuộc là đọc rất nhiều sách phương pháp các kiểu nhưng khôgn áp dụng, tác giả của cuốn này cũng nhấn mạnh rất rõ, cách ghi nhớ kỹ thì ai cũng có thể nghe được, nhưng để nó thực sự hiệu quả thì phải trải qua một quá trình luyện tập dài. Và bất kỳ sự luyện tập nào cũng phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất: bắt đầu bước đi đầu tiên. Mình dạo này phát hiện ra kiến thức hổng rất nhiều, có quá nhiều thứ phải nhớ phải học, nên tóm tắt sơ những điều học được từ cuốn này ở đây, để thi thoảng nhìn lại và áp dụng thực sự.

Đầu tiên là nắm được ba bước cơ bản trong vận hành trí nhớ: ghi nhớ (mã hoá) – lưu trữ – gợi nhớ (tìm kiếm và gọi tên). Cả ba bước này đều rất quan trọng, chỉ cần thiếu một bước thì quá trình ghi nhớ cũng không hiệu quả. Thường thì mình gặp lỗi là tự tin với trí nhớ của bản thân nên rất hay bỏ qua bước mã hoá mà trực tiếp vào bước lưu trữ luôn, nên tới lúc nhớ lại thì không có “ngàm” gợi ý nào để có thể nhớ ra được. Ký ức thì trải qua ba giai đoạn: cảm giác – trí nhớ ngắn hạn – trí nhớ dài hạn. Trong cuốn này gợi ý cho rất nhiều phương pháp khác nhau để có thể mã hoá thứ cần nhớ một cách có hệ thống, giúp khắc sâu vào trí nhớ dài hạn và dễ gọi ra khi cần hơn.

Nguyên tắc lớn của cuốn này dựa trên Hiệu ứng đường cong của Ebbinghaus, hiểu một cách đơn giản thì càng lặp lại càng nhiều lần, thì ký ức sẽ càng được khắc sâu hơn, và lần lặp lại hiệu quả nhất là trong khoảng 1 ngày sau khi ghi nhớ ký ức lần đầu tiên. Xem biểu đồ bên dưới sẽ có thể hiểu rõ lý do tại sao nên nhắc đi nhắc lại, nên sử dụng kỹ thuật lặp lại ngắt quãng (Spaced Repetition) sẽ giúp nhớ rất hiệu quả.

Trong sách gợi ý 14 phương pháp khác nhau, thường thì thông tin nào càng có nhiều gợi ý, liên kết với nhau thì sẽ càng dễ nhớ, mình sẽ tóm tắt lại vài phương pháp mà mình cảm thấy mình sẽ áp dụng:

関係法 (phương pháp liên hệ): gộp những thứ liên quan lại với nhau để nhớ cùng lúc. Phương pháp này đòi hỏi chuẩn bị kha khá, như mình học từ mới rất lười làm nhưng lần nào mà làm thì nhớ cũng sẽ rất lâu, cho dù chỉ đơn giản là tìm vài từ liên quan đến nhau một chút xong gộp lại trên cùng 1 tờ flashcard thôi.

頭文字法 (chữ cái đầu tiên): sử dụng chữ cái đầu tiên của danh sách những thứ phải nhớ để làm gợi ý nhớ chữ. Ví dụ phương pháp ho-ren-so cũng là dùng cách này, sử dụng chữ cái đầu tiên của ba từ hokoku (báo cáo) – renraku (liên lạc) – soudan (thảo luận).

物語法 (phương pháp câu chuyện): nối liền các từ/mảnh thông tin cần nhớ thành một câu chuyện, dần dần tới lúc nhớ ra từ thì sẽ gợi nhớ từ câu chuyện mà nhặt ra được các mảnh thông tin.

数字形システム・数韻システム/数字イメージ変換システム (phương pháp mã hoá con số): đối với các loại con số khó nhớ thì có thể lập sẵn một hệ riêng cho bản thân, ví dụ 1 là cái bút chì, 2 là dấu hỏi, lúc cần nhớ kiến thức ví dụ cô ấy du học năm 21 tuổi, thì sẽ kết hợp với phương pháp ở trên để nhớ là “cô ấy khi đi du học thì hỏi (2) bút chì (1) ở đâu” chẳng hạn. Mới nghe thì thấy rất buồn cười, nhưng những điều thú vị buồn cười này mới dễ ghi nhớ vào trong não.

場所法 (phương pháp đặt vị trí): cái này có từ khoá tiếng anh là mind palace nếu kiếm sẽ thấy rất nhiều, giải thích dễ hiểu nhất là gắn mỗi kiến thức với một vị trí nhất định. Người sử dụng phương pháp này phải xây một cái lâu đài trí nhớ cho riêng mình, tốt nhất là nên dựa trên những địa điểm quen thuộc để dễ nhớ, sau đó gắn mỗi thứ cần nhớ vào một vị trí nhất định.

Ngoài ra còn có rất nhiều thông tin về kiểu nên ăn gì, ngủ như thế nào, tập như thế nào để tốt cho trí nhớ, nói chung là một cuốn khá trọn vẹn về những điều cơ bản, nhưng do ngược lại do viết đơn giản dễ hiểu nên rất dễ để áp dụng.

Đánh giá chung:

Rating: 4 out of 5.

Leave a Reply