Tại sao nên đăng ký thi các kì thi ngoại ngữ

Mình chính là dạng người thích rước khổ vào người, suốt ngày đi thi đây.

Mấy tháng trước khi tới Nhật tháng nào cũng thi, có tháng còn thi 2 lần :). Mình viết bài này không phải đang cố dạy đời ai hay gì cả, chỉ là đang dụ khị ai đọc bài này hãy mau mau rơi vào con đường ham hố đi thi kiểm tra các kiểu thôi, nhất định một bước vào rồi sẽ không hối hận :).

Tại sao lại cứ phải đi thi làm gì cho đời thêm khổ?

Sau khi đã kinh qua rất nhiều kì thi, mình mới ngộ ra được một chân lí là, à thì ra các kì thi đó không phải là chướng ngại vật hay các trò thu tiền mà các tổ chức khác nhau bày ra để lừa tiền (và tình cảm và tuổi thanh xuân của rất nhiều người T.T, ờ mà nếu có thì cũng chỉ một phần thôi). Nói vui vậy thôi, 16 năm giáo dục đọc-chép-học thuộc-thi xem ai nhớ nhiều hơn đã làm cho mình hiểu sai về mục đích của các kì thi như vậy đấy.Sau rất lâu mình mới hiểu ra, thật ra các kì thi chỉ là sự kiểm tra xem mình đã đủ sẵn sàng cho bước tiến tiếp theo hay chưa. Chuyện này cũng giống như người ta đặt một cái cân đặt ngay trước cầu, cân thử coi bạn có đủ nhẹ không vì trọng tải của cây cầu đó là giới hạn. Nếu bạn vượt quá cân, nhưng làm đủ mọi trò để ngay lúc người ta kiểm tra trọng lượng giảm đi, thì sau khi vượt qua cầu rồi bạn sẽ bước vào một thế giới không-thuộc-về-bạn, vậy thì việc qua cầu đâu còn ý nghĩa gì nữa. Cái cân đặt ở đó, là để đảm bảo mỗi người đều ở đúng vị trí của mình các kì thi, cũng chỉ là để bạn biết mình đang ở đâu mà thôi.

Một đã thoát khỏi được nỗi sợ hãi của các kì thi, mình chợt nhận ra chỉ vài tiếng đồng hồ đi thi có thể giúp ích cho bản thân nhiều đến nhường nào.

Có thể thi rất nhiều lần

Thi ngoại ngữ một năm có tới vài lần, năm nay không thi được sang năm thi tiếp, và thông thường cũng ít có kì thi nào lưu lại lịch sử điểm của mình lắm. Năm trước thi điểm liệt, liền đi học hành chăm chỉ cố gắng, năm sau có thể như phượng hoàng truyền kỳ vùng dậy từ tro tỏa sáng rồi. Thi them một lần là lại thêm kinh nghiệm, vậy nên mình luôn khuyến khích tất cả người quen hay học sinh của mình đi thi, bất kể đang ở trình độ nào. Có một đôi lần cọ xát mới thực sự biết được mình đang ở đâu, còn thiếu gì và phải bù đắp lỗ hổng ấy như thế nào. Ở nhà làm bài kiểm tra thử cũng được thôi, nhưng tin mình đi, đi thi cảm giác khác hoàn toàn. Thi nhiều còn được cái lợi là đi thi không thấy run, 9h vào thi 9h kém 5 mới đủng đỉnh đi tới, không vội vã bình tĩnh làm bài như thường.

Chi phí ư? Tốn khoảng bao nhiêu tiền cho một kỳ thi?

Tiếng Nhật-Hàn thì chỉ mất khoảng 400k, tiếng Trung tùy cấp tới 1tr là cùng, tiếng Anh hay Đức-Pháp-Tây Ban Nha-Ý thì cũng không tới 4tr. Cứ coi mục tiêu 1 năm được 1 ngôn ngữ, 1 chứng chỉ đi, thì mỗi ngày chỉ bỏ ra 15k tiền để dành vào quỹ-đi-thi là đủ rồi. Thử đi học một vài khóa ngôn ngữ, phần lớn sẽ vượt qua con số 4tr này, thậm chí còn vượt qua rất rất nhiều lần. Lệ phí thi đắt rẻ là do hoàn cảnh mỗi người, nhưng mình tin đầu tư cho học tập không bao giờ là uổng phí. Lệ phí thi rẻ? Đương nhiên nên đăng kí rồi, năm thi mấy lần cũng được. Lệ phí thi đắt? Lại càng phải đăng kí, đăng kí xong mới có thêm động lực học. Cứ bảo tiền không mua được tất cả đi, có thể dùng tiền mua động lực đó haha. Sau khi bỏ cục tiền dăng kí thi và nhận tờ hóa đơn về, mình đã vô cùng có mong muốn dán cái hóa đơn đó lên ngay bảng to trong phòng để tự nhắc nhở bản thân. Haha, không dán thì lúc nào cái hạn thi đó cũng đóng đinh trong đầu rồi, không trốn không viện cớ lười học được.

Đi thi vừa tốn tiền vừa tốn thời gian, thi làm gì khi mà không cần bằng?

Cho dù mới bắt đầu một ngôn ngữ, hoặc đã học từ rất lâu rồi nhưng trình độ chỉ lờ ngờ, hoặc chăng chỉ xài được mà cũng không biết khả năng tới đâu? Mình cũng đã từng rơi vào tình trạng như vậy, nhưng điều hay ho của việc đi thi chính là, các kì thi đều phân trình độ rất rõ ràng, đi thi nhất định bạn sẽ biết trình độ của mình tới đâu, từ đó mới có các bước tiếp theo.

Ví dụ như tiếng Nhật, học 50 bài được N3, 1 tuần 1 bài + 1 tháng ôn, 1 năm là đỗ N3 rồi, quá lí tưởng.

Tốn nhiều thời gian vô ích?
Tốn nhiều thời gian, mình công nhận, nhưng không hề vô ích. Nếu có vô ích, thì là do cách mình tư duy và ôn tập cho các kì thi đang gặp vấn đề (mời đọc lại phần trên). Mình đã từng cảm thấy vô ích khi học cả đống từ mới tiếng Anh chỉ-phục-vụ-cho-thi-cử, nhưng nhờ có thời gian vật vã với đám từ mới đó lúc ôn thi mà bây giờ lượng từ mới của mình cũng được kha khá, và mình gặp rất nhiều từ đó trong các tài liệu mà mình đang phải gặm.

Các kì thi đều phân chia theo phần các kĩ năng rõ ràng (Nghe-Đọc-Viết, nhiều khi có cả Nói), đòi hỏi mình phải có kiến thức tổng hợp và thực chất chứ không phải cứ học gạo là qua (được nhiên không chấp các bạn học đáp án). Khi mình cảm thấy trình độ của mình “tự lên”, mình không cần ôn thi nhiều nữa mà cứ thế đi thi thôi, vì như câu chuyện cái cân đó, lúc đó mình tự nhẹ đi được rồi, không cần cố gắng hít vào thở ra uống ít nước hay gì cả.

Không cần bằng thì thi làm gì?

Điều mình thích nhất từ các kì thi, là có một tấm bằng vật lí cầm-được-sờ-được-khoe-được. Tất cả những mông lung khi người ta hỏi mình, “biết đến đâu?” “một chút” “nói được” “nghe được phim” hay gì đó đều có thể định lượng được bằng một tấm bằng. Bản thân mình cũng có thể biết được mình đang ở đâu, đương nhiên đi thi cũng có phần nhiều may mắn, nhưng một lần thành công lại cảm giác như mình đã bước lên được một nấc thang mới, càng cao lên lại càng nhìn thấy nhiều đích hơn, nhiều cơ hội hơn.

Mình cũng đã từng nghĩ thi lấy cái bằng chỉ phục vụ mục đích thỏa mãn hứng thú cá nhân, nhưng từ lúc có bằng, đã có rất nhiều cơ hội hay ho đến với mình mà mình chắc chắn nếu chỉ lơ mơ về trình độ bản thân thì mình không thê nào nhận được. Nói là không cần bằng, chẳng qua là chưa thấy được mình sẽ làm gì với tờ giấy đó, nhưng có bằng rồi, ai biết được tờ giấy đó sẽ đưa mình đến ngã rẽ nào?

Vậy thì tại sao không bắt đầu luôn?

Mình luôn cho rằng, ở bất kì giai đoạn nào của việc học ngôn ngữ, bất kể cho là mới xong bảng chữ cái hay đã sử dụng quá thuần thục, việc thi lấy một cái bằng giá trị là vô cùng cần thiết. Tờ giấy ấy không chỉ giúp mình có định hướng rõ ràng hơn, mà tới cuối cùng, chính nó lại không phải là điểm kết thúc của hành trình, mà là bước đệm để mình thấy một (hoặc rất nhiều) ngã rẽ khác mà bản thân có thể hướng tới.

Cuộc sống sẽ trở nên thú vị hơn, nhỉ ;).

Leave a Reply

%d bloggers like this: