The Empty Chair (Cái ghế trống) – Jeffery Deaver

Cái ghế trống là quyển thứ 3 trong chuỗi truyện trinh thám với cặp đôi Rhyme-Sachs. Câu chuyện mở ra khi cảnh sát đến nhờ hai người tìm kiếm hai cô gái Lydia và Mary-Beth đã bị bắt cóc.

Thông tin chính

Tên tác phẩm: Cái ghế trống (The Empty Chair)

Tên tác giả: Jeffery Deaver

Lincoln Rhyme #3

Cốt truyện và vài suy nghĩ

Truyện nhắc rất nhiều lần “trong các vụ bắt cóc thông thường, chỉ sau 24 giờ là kẻ bắt cóc sẽ mất kiên nhẫn với con tin, và khả năng tử vong là rất cao”. Vậy nên, trong vòng 24 giờ đợi phẫu thuật, để giết thời gian (như Rhyme và Sachs đã nói), cặp đôi này lại tiếp tục phối hợp để tìm ra Insect Boy (Thằng Bọ) – kẻ bắt cóc hai cô gái và giết hại một cảnh sát bằng ong bắp cày.

Rhyme đã quá tuyệt vọng với tình trạng của bản thân khi gần như không thể cử động được và đương nhiên, không thể sinh hoạt bình thường nếu thiếu đi sự trợ giúp từ Thom. Sau 14 tháng chờ đợi, cuối cùng anh cũng được xếp lịch mổ để cải thiện tình hình ở Trung tâm y tế của Đại học North Carolina. Sachs không ủng hộ cho lần mổ này, bởi cô nghĩ khả năng mổ thành công không cao trong khi khả năng thất bại trở thành người thực vật hoặc chết thì cao hơn rất nhiều, hơn nữa cho dù ca mổ có thành công, Rhyme sẽ lại đi lại được, trở thành một Rhyme mà cô không biết, và liệu có thể không còn cần cô nữa hay không. Phần này đọc cảm giác hơi bị OCC (sai tính cách nhân vật) một chút, Rhyme không còn là Rhyme mà Sachs cũng có vài lựa chọn không hề phù hợp với tính cách của nhân vật (bản thân Rhyme cũng nhận định khi Sachs quyết định như vậy, nhưng cho dù là quyết định bồng bột khác thường, mình không cho là Sachs có thể đưa ra những quyết định như ở nửa sau của truyện).

Kẻ bắt cóc mà Rhyme và Sachs đuổi theo được biết đến là Thằng Bọ, một kẻ bất hảo có quá khứ sống cô độc vì gia đình đều qua đời trong một tai nạn, bị ảnh hưởng thần kinh và bị bạn bè tẩy chay bắt nạt. Người duy nhất mang lại ánh sáng, bảo vệ cho Thằng Bọ dù chỉ một lần là Mary-Beth, nên từ đó hắn theo dõi cô mọi nơi. Thằng Bọ sở dĩ được gọi như vậy vì nó rất thích các loại côn trùng, tìm hiểu và nuôi đủ loại. Cũng nhờ những kiến thức về côn trùng mà Rhyme “đọc vị” được những tính toán của Thằng Bọ trong quãng đường trốn chạy.

Vấn đề nảy ra khi phương pháp điều tra hiện trường một cách vô cùng tỉ mẩn của Rhyme khó có thể thực hiện được khi cảnh sát ở đây không tôn trọng nguyên tắc bảo vệ hiện trường (hút thuốc lá, để lại vết giày tứ tung, khám nghiệm không theo quy trình, gió từ cánh máy bay trực thăng thổi nát hiện trường, rồi thì trao giải thưởng nên người dân đổ xô đến tìm kiếm,…). Sau đó là các đối tượng muốn tung thông tin phản điều tra, và sự hợp tác với một cộng sự hoàn toàn mới trong điều kiện trang thiết bị không đầy đủ như ở nhà (phải đặt mẫu xét nghiệm trên tờ hoạ báo quảng cáo haha).

Nửa đầu của truyện có mạch phát triển khá ổn định, đến nửa sau mạch bị đẩy hơi nhanh, và cái kết đến quá nhanh và bất ngờ làm người đọc (mình) có cảm giác hơi hẫng (cộng khó tin). Riêng tập này, mình có cảm giác là được viết từng kỳ chứ không phải thành một quyển hoàn chỉnh, vì cao trào cứ đẩy nối tiếp cao trào, rồi người chết lại nối tiếp người chết, nút thắt này chưa gỡ nút thắt khác lại mở ra chồng chéo lên nhau, suy luận cũng hời hợt.

Chi tiết chính nhất của truyện cũng được đặt làm tên truyện, “chiếc ghế trống” (một phương pháp điều tra tâm lí tội phạm, yêu cầu đối tượng nói chuyện với chiếc ghế khi tưởng tượng đó là một người đặc biệt với đối tượng), cũng không hẳn là bước ngoặt thay đổi tình huống truyện, nên mình không rõ tại sao tác giả lại đặt tên như vậy nữa. Hai tập trước đều là đặt theo tên của thủ phạm, tập này muốn “giấu” hay sao? Nếu theo tư duy tương tự, có lẽ mình sẽ nhớ nội dung của tập này hơn nếu đặt tên là “tổ ong bắp cày” (chi tiết có nhắc tới xuyên suốt, và khẳng định lại ở phần cuối truyện).

Tuy các vụ án không liên quan đến nhau, nhưng quan hệ nhân vật và sự phát triển trong mối quan hệ của hai nhân vật chính thể hiện rõ sự thay đổi theo từng tập nên càng đọc càng cảm thấy nên đọc đúng theo thứ tự nếu muốn hiểu rõ mạch truyện. Tập này tác giả có vẻ chú trọng vào mối quan hệ của Rhyme và Sachs, tỉ như chuyện Sachs đã tích cực tìm đọc sách của Rhyme để có thể chủ động hơn trong việc điều tra hiện trường, hay như ở giữa truyện có một cuộc đấu trí đấu mưu giữa hai người, và những suy nghĩ của Sachs về ca mổ, về “chiếc ghế trống” xuyên suốt truyện.

Tuy nhiên so với hai quyển trước thì kết thúc của vụ này hơi bị cổ tích một chút, nên tạo cảm giác hẫng, đọc xong một thời gian rồi mà vẫn không thể tin được có một cái kết hoàn mĩ (đầy tính sắp đặt khiên cưỡng) như vậy. Tổng kết thì đây là một quyển đáng đọc để hiểu thêm về hai nhân vật, cũng như rất hấp dẫn với các phần dẫn dắt người đọc qua việc Thằng Bọ đặt bẫy dựa theo tập quán sống của côn trùng; ngoài ra thì giống các tác phẩm khác, việc Rhyme ghi chép lại các gợi ý trên bảng và giải thích mạch suy nghĩ cũng biến việc đọc vụ án (hơi dở hơi này) hấp dẫn lên rất nhiều.

Đánh giá tổng thể: 7.0/10.0⭐️.

One Comment

Leave a Reply