Truyện về hacker mạng từ rất lâu rồi nên kiến thức khá cũ nhưng yếu tố suy luận hấp dẫn rất đáng để đọc!
Thông tin chung
Tên tác phẩm: The Blue Nowhere (Sát nhân mạng)
Tên tác giả: Jeffery Deaver
Độ dài/tình trạng xuất bản: 430 trang
Năm xuất bản: 2001
Một vài đường dẫn quan trọng: goodreads

Giới thiệu nhân vật
Xin được phép tạm coi nhân vật trung tâm là Wyatt Gillette, một hacker chuyên nghiệp thay vì vị thám tử Frank Bishop, bởi có lẽ cả câu chuyện xoay quanh Gillette nhiều hơn, và cuộc đời cũng như suy nghĩ của nhân vật này được gợi mở và nhắc đến nhiều hơn. Gillette là một hacker thiên tài với tình yêu máy tính hơn tất cả, có thể nhận thấy rất rõ từ việc chọn đồ uống (đối với Gillette, đồ uống không quan trọng ở mùi vị hay nhãn hiệu, mà như bao hacker khác, là đồ uống có thể giữ cho mình tỉnh táo được bao lâu), tới thói quen hay hình dạng móng tay quen thuộc của dân hacker. Cũng chính vì tất cả sự chú ý của Gillette đã dồn vào máy tính mà anh đã mất đi nghề nghiệp, sự tín nhiệm của người vợ và kết quả là sống những tháng ngày quanh quẩn trong tù. Gillette khác với những hacker khác, chính mọi người trong ban chuyên án hỗ trợ cũng nhận xét như vậy. Anh luôn tạo cảm giác mình đang đứng về phe “chính nghĩa”, cho dù anh có làm gì cũng chỉ là do quá… rảnh, và mục tiêu tấn công không bao giờ là dân thường, cũng như anh căm ghét chính hành động tấn công vào dân thường của tên hacker đối địch kia.
Nội dung chính
The Blue Nowhere (Sát nhân mạng) nằm trong bộ ba truyện về công nghệ cao “Jeffery Deaver’s High-Tech Thrill Trilogy” của Jeffery Deaver cùng với The Broken Window (2008) nằm trong chuỗi truyện về Lincoln Rhyme và Roadside Crosses (2009) nằm trong chuỗi truyện về Kathryn Dance. The Blue Nowhere (khoảng vô định màu xanh) chính là cách mà Gillette gọi thế giới mạng, thế giới nằm sau những dòng code ấy. Cái tên này bắt nguồn từ bài hát của không quân Mỹ (Wild Blue Yonder), và người thân yêu của Gillette đã ra đi nên anh đổi nơi xác định (Yonder – đồi cao) thành một nơi vô định (nowhere).
Câu chuyện bắt đầu với cái chết kinh hoàng của một người phụ nữ trẻ mang tên Lara Bigson. Cảnh sát nhận định đây chỉ là một vụ giết người bình thường và nạn nhân xấu số bị lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Thế nhưng, sau điều tra người ta mới nhận ra tất cả đều không phải ngẫu nhiên, và nạn nhân là kết quả của một quá trình chọn lọc điều tra rất kỹ càng của một tên hung thủ cẩn mật và nguy hiểm ẩn mình sau những dòng code. Cảnh sát quyết định nhờ đến sự hỗ trợ của Gillette, một thiên tài hacker đang ở trong tù, để tìm ra hung thủ và ngăn chặn những vụ án có thể xảy tới sau này.
Đối thủ của Gillette sử dụng tên trên mạng là Phate, và được sự hỗ trợ của một kẻ tên là Shawn. Toàn bộ câu chuyện là cuộc đấu trí giữa hai bên, tuy sử dụng cùng một thủ pháp, nhưng thắng lợi sẽ thuộc về bên nào tính toán được xa hơn bên còn lại, cho dù chỉ một nước. Tất cả đều chỉ là bẫy lồng trong bẫy, đều rất bất ngờ đến tận chi tiết cuối cùng. Ai mà ngờ được thân thế thực sự của Shawn, hay trong bất kỳ cuộc đấu trí nào, ai mà biết được là Gillette tính cao hơn, hay là Phate đã đi trước một bước.
Vài suy nghĩ
Kỹ thuật sử dụng trong The Blue Nowhere là kỹ thuật máy tính của những năm 80, 90 của thế kỷ trước, với những siêu máy tính cồng kềnh, tốn kém và những hệ thống máy đa phần đều chỉ đặt ở các trường đại học. (Đương nhiên cũng có lúc nhắc tới đĩa mềm làm mình thấy hơi buồn cười vì công nghệ đã quá cũ rồi, giờ thì vài MB chứa được gì chứ?). Tuy kỹ thuật đã cũ, nhưng về lý thuyết chắc vẫn giống nhau, đặc biệt với những người ngoại đạo như mình thì đọc vẫn thấy vô cùng hấp dẫn.
Nếu phải ghi chú lại một thuật ngữ duy nhất từ tập truyện “Sát nhân mạng” này, mình sẽ không ngần ngại mà nhắc tới “social engineering (tấn công phi kỹ thuật)”, một điều mà không chỉ Gillette mà tất cả các nhân vật đều lặp đi lặp lại và xuyên suốt cả câu chuyện. Cấp độ đơn giản hơn là phreaking (hành vi khai thác thông tin đối tượng thông qua việc sử dụng các hệ thống viễn thông liên lạc), phishing (hành vi cố ý giả mạo để lấy được thông tin riêng tư của đối tượng). Social engineering liên quan đến các thao tác phức tạp hơn, thậm chí có thể liên quan đến các cuộc gặp gỡ trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với đối tượng để có thể thao túng các thông tin cá nhân nhằm phục vụ cho các mục đích lừa đảo gian lận.
Nhìn lại trong cuộc sống bình thường hàng ngày của mình, mới càng nhận thấy việc bảo mật thông tin cá nhân quan trọng như thế nào. Ở Nhật có người “dị” tới mức sẽ không bao giờ nói sinh nhật của mình cho người khác, chỉ vì sinh nhật cộng với các thông tin bắt buộc phải công khai khác như tên, giới tính, sẽ hoàn toàn định vị được một con người giữa hàng triệu người khác. Tất cả công ty, ví dụ như khi đăng ký điện thoại hay các loại thẻ ngân hàng, ký hợp đồng lao động đều yêu cầu người ký hợp đồng phải ký thêm một bản chấp nhận cho phép các công ty này sử dụng thông tin cá nhân với các mục đích đã nêu rõ. Đọc The Blue Nowhere (Sát nhân mạng) mới càng thấy được sự nguy hiểm của thế giới mạng ngày nay, khi mọi thứ đều có khả năng sẽ bị rơi vào tầm kiểm soát của các hacker.
Quyển này đọc rất hay, mình tự đánh giá là hay nhất trong các quyển của Jeffery Deaver mà mình đã từng đọc (có lẽ ngang với Kẻ tầm xương). Cốt truyện liền mạch xuyên suốt từ đầu tới cuối, các bí ẩn thắc mắc ở đầu truyện hoặc các vướng mắc nảy ra ở giữa ví dụ như thân thế những người trong đội điều tra, bí mật về Shawn, quá khứ của Gillette đều được dần dần tiết lộ. Và đúng như phong cách của Jeffery Deaver, chi tiết bất ngờ nhất được giữ đến cuối truyện, và mình hoàn toàn không đoán được cho dù đã có rất nhiều gợi ý từ đầu (gợi ý là: tất cả quan trọng ở việc đánh vần). Đọc cuốn này lại nhớ loạt truyện của Lôi Mễ cũng vậy, thỉnh thoảng sẽ có một đoạn văn bản tưởng chừng không liên quan đến nội dung chính nhưng đọc tới cuối mới biết là không những vô cùng liên quan mà còn là gợi ý đắt giá để đoán ra được chân tướng của sự việc.
//Hơi không liên quan tí, anh Gillette trong truyện hacker chuyên nghiệp mất ăn mất ngủ ngày ôm bàn phím, có lần trâu tới thức xuyên vài đêm, đánh tới sứt cả phím E để hack mà tốc độ gõ cũng chỉ 110 từ/phút thôi (haha), cũng có thể là ngày xưa chất lượng bàn phím/tốc độ nhận và xử lý phím của máy tính chưa có nhanh nên không gõ được nhanh hơn, nhưng mà cũng hơi tự hào tí là có lúc mình gõ nhanh hơn ảnh rồi đó (haha). Nói vậy thôi chứ gõ còn phụ thuộc vào lượng dấu ký tự và dòng suy nghĩ nữa, nếu gõ văn bản khó hoặc vừa nghĩ vừa khó thì mình cũng chỉ tầm 70 thôi à… Thông tin thêm về tốc độ đánh máy ở đây.
Đánh giá tổng thể: 9.0/10.0⭐️.
One Comment