Ai không biết tiếng Nhật chắc sẽ tin câu: tiếng Nhật khó lắm, có tận mấy bảng chữ cái cơ. Thật ra không phải vậy đâu, đúng là có nhiều bảng chữ cái thật, nhưng cái khó không phải ở đó, muốn biết về bảng chữ cái chắc chỉ cần đọc bài này là đủ, còn muốn học thì…
Bốn bảng chữ cái!?
Nhân chuyện này lại nhớ lại phản ứng của rất nhiều người khi biết mình học tiếng Nhật là nói: “Uầy, nghe nói tiếng Nhật khó lắm, có tận 4 bảng chữ cái lận”. Cả hai vế này đều đúng, đúng là tiếng Nhật rất khó (đương nhiên độ khó của một ngôn ngữ phụ thuộc vào nhiều yếu tố), đúng là có bốn “kiểu chữ” có thể được sử dụng khi viết tiếng Nhật, nhưng mà cái khó của tiếng Nhật không nằm ở việc nó có 4 “bảng chữ”, và cũng không phải là cả 4 “bảng chữ” đều được sử dụng với vai trò như nhau.
“Bốn bảng chữ cái” mà mọi người nhắc đến bao gồm romaji, hiragana, katakana và kanji. Tuy nhiên, romaji không phải là bảng chữ cái, mà chỉ đơn giản là các kí tự la tinh được sử dụng để ghi phiên âm tiếng Nhật, và nhiều khi chính người Nhật cũng không đọc được các ký tự này. Mình đã từng chứng kiến có bác Nhật chỉ viết được chữ A hoa chứ không viết được chữ a thường, thấy các bài báo có chữ ABC mà cũng phải phiên âm katakana lên phía trên,… Đương nhiên, đối với các bạn trẻ tuổi và những người theo học trường lớp cũng như thấy các văn bản tiếng Anh thường xuyên thì không gặp vấn đề với các ký tự la tinh, nhưng họ vẫn không thể hoàn toàn nắm bắt được ý nghĩa một văn bản viết bằng romaji.
Thực tế khi người Nhật viết tiếng Nhật chỉ sử dụng các kí tự hiragana, katakana và kanji. Kanji không được gọi là bảng chữ cái, mà đây chỉ là các chữ Hán được người Nhật sử dụng để giản lược văn viết (thay vì biểu âm như trước thì dùng để thể hiện nghĩa). Một sai lầm thứ hai của người học là kêu kanji khó, và mong muốn tiếng Nhật không còn kanji… (Mình chỉ nghĩ tới đã thấy thảm hoạ rồi, lúc đó có đọc oang oang cả đoạn dài lên cũng không thể hình dung nổi nghĩa, và đúng là học từ nào chỉ biết từ đó thôi. Muốn đọc văn bản nắm nghĩa nhanh nhất định phải dựa vào kanji rồi.)
Sau khi loại trừ một vài “hiểu lầm”, có thể thấy “bảng chữ cái tiếng Nhật” thực sự chỉ bao gồm hiragana và katakana (gọi chung là kana) mà thôi.
Lịch sử bảng kana 仮名
Bảng chữ cái kana là một hệ thống văn tự ký hiệu âm tiết rất quan trọng, mỗi ký tự thể hiện một âm tiết trong tiếng Nhật. Kukai 空海 (cũng được biết đến với hiệu Kobodaishi – 弘法大師), một thiền sư dưới thời Heian, được cho là người có công khởi đầu cho sự phát triển của bộ chữ này. Nguồn gốc sơ khai của bảng kana mà chúng ta sử dụng ngày nay bắt nguồn từ “Vạn diệp tập” 万葉集, là công trình tuyển tập thơ đồ sộ (20 chương) và cổ đại của Nhật Bản. Vào khoảng nửa sau của thế kỷ 6, văn hoá Trung Hoa thâm nhập vào Nhật Bản, các học giả bắt đầu tiếp xúc với chữ Hán. Thuở ban đầu chữ Hán được dạy và học để hiểu các văn bản Trung Quốc, dần dần người Nhật sử dụng chính các chữ Hán này để ghi lại tiếng Nhật trên văn bản. Các chữ Hán được sử dụng trong tập thơ “Vạn diệp tập” (tham khảo hình ảnh ở dưới) thể hiện rất rõ điều này, chữ Hán ở đây được dùng để ghi âm tiết thay vì thể hiện ý nghĩa. Cách sử dụng chữ Hán này do tập quán và thói quen nhưng không có quy định cụ thể, một chữ Hán có thể thể hiện một hoặc nhiều âm tiết hoặc các chữ Hán khác nhau có thể được sử dụng để thể hiện cùng một âm tiết.
Hiragana 平仮名 gồm 48 ký tự, được sử dụng chính cho phần cuối của từ (được gọi là okurigana – 送り仮名), sử dụng trong các tài liệu cho trẻ em hoặc viết các từ có kanji khó hoặc hiếm thấy. Hiragana còn được sử dụng để ghi phiên âm cho các chữ kanji khó hoặc các từ có cách đọc đặc biệt. Phần phiên âm này được gọi là furigana 振り仮名 (là một phần của ruby ルビ), được viết ở phía trên đối với văn bản thông thường và viết ở bên phải đối với văn bản viết theo chiều dọc). Hiragana được cho là xây dựng từ cách viết Thảo thư của các âm Hán trong bộ manyogana đã nhắc tới ở trên. Đặc điểm của chữ Hiragana là có các đường cong và không gian bao rộng. Thứ tự 5 hàng aあ, iい, uう, eえ, oお được cho là bắt nguồn từ chữ Tất-đàm (Bonji 梵字, một dạng chữ cổ của tiếng Phạn được sử dụng để ghi chép kinh phật).

Bảng đối chiếu Hiragana và chữ Hán gốc (màu đen: hiragana, màu đỏ: chữ Hán gốc, màu da cam: chữ Hán viết theo lối Thảo thư). Nguồn: http://frytiger.com/archives/790.html
Hiragana còn được gọi là onna de 女手 do ở thời Heian, phụ nữ chỉ được dạy Hiragana và viết ghi chép tất cả đều bằng hệ chữ viết này. Một tác phẩm nổi tiếng được viết hoàn toàn bằng hiragana là Nhật ký Tosa 土佐日記, là hành trình 55 ngày từ Kyoto về Tosa của Tsurayuki 貫之, cũng là tác phẩm văn học đầu tiên dưới dạng nhật ký của Nhật. Ở thời kỳ đầu, một âm tiết có thể được ghi lại bằng nhiều ký tự hiragana khác nhau, nhưng sau này để tránh nhầm lẫn và tiện ghi chép, chính phủ Nhật Bản đã chuẩn hoá hệ chữ này vào năm 1946, thành một âm tiết tương ứng với một ký tự như những gì chúng ta học và sử dụng ngày nay.

Hình ảnh cuốn Nhật ký Tosa. Nguồn: http://kseibo.exblog.jp/14707009/
Katakana 片仮名 cũng gồm 48 ký tự, được sử dụng chủ yếu bởi đàn ông. Đặc điểm của chữ Katakana là gẫy gọn, các nét đều có góc cạnh. Chữ Katakana được xây dựng từ một phần của chữ Hán trong bộ manyogana (tham khảo hình ảnh đối chiếu ở dưới). Chữ Katakana phần lớn được sử dụng để nhấn mạnh, ghi tên riêng nước ngoài, các từ mượn từ các thứ tiếng khác ngoài Trung Quốc, ví dụ như baito バイト (làm thêm) mượn từ tiếng Đức arbeit (công việc, lao động). Ngoài ra, có rất nhiều từ thực ra có thể viết bằng kanji nhưng người Nhật vẫn sử dụng katakana để ghi chép, do cách sử dụng kanji dùng các chữ Hán khó hoặc không thường dùng, gây lẫn lộn và khó khăn trong đọc và viết, ví dụ như tên măng tây asparagus アスパラガス có thể được viết là 竜髭菜, hay tên các quốc gia ví dụ như Pháp フランス có thể được viết là 仏蘭西.

Bảng đối chiếu Katakana và chữ Hán gốc (màu đen: katakana, màu xanh: chữ Hán gốc, phần khoanh đỏ là phần được lấy ra để tạo chữ). Nguồn: http://frytiger.com/archives/797.html
Tuy nhiên, 48 âm tiết trong bảng Katakana không đủ để ghi lại các âm của tiếng nước ngoài. Một ví dụ rất đơn giản có thể thấy là Việt Nam khi phiên âm sang tiếng Nhật sẽ biến thành betonamu ベトナム do người Nhật không có âm v, và bản thân người Nhật cũng gặp khó khăn khi phát âm âm này. Tương tự với chữ v của tiếng Việt thì âm xát môi kêu (voiced labiodental fricative 有声唇歯摩擦音) còn có v của tiếng Anh, w của tiếng Đức và f của tiếng Tây Ban Nha khi du nhập vào nhật đều biến thành âm b. Gần đây người Nhật bắt đầu sử dụng ヴ để ký hiệu cho âm này thay vì chuyển sang âm b như trước đây, sử dụng đầu tiên bởi Fukuzawa Yuikichi trong Tuyển tập Fukuzawa 福澤全集緒言. Tuy nhiên các chữ vẫn thông dụng từ trước, ví dụ như betonamu ベトナム (Việt Nam) hay intabyuu インタビュー (interview – phỏng vấn), thì không thay đổi. Nhắc tới ví dụ này để có thể thấy tuy vấp phải nhiều phản đối (ví dụ như có thật sự cần thiết phải thêm âm v hay không, v.v…) nhưng tiếng Nhật vẫn không ngừng đổi mới không ngừng chuẩn hoá.
Bắt đầu học tiếng Nhật
Việc học tiếng Nhật một cách nghiêm túc trước hết phải bắt đầu từ bảng chữ này. Đương nhiên để tiếp xúc và làm quen với ngôn ngữ thì mỗi người có nhiều cách khác nhau, như xem phim nghe nhạc… Người Việt mình khi học tiếng Nhật không mắc phải sai lầm này, nhưng có rất nhiều bạn Tây học tiếng Nhật tới giao tiếp căn bản được rồi nhưng vẫn không biết viết kana, dẫn đến rất khó có thể tiếp tục học lên cao hơn, giống như xây nhà mà bắc cái thang đó rồi đắp luôn mái xong xây tầng 2 đó, không có căn bản sao xây được cao. Thông thường thì bảng chữ này chỉ tốn khoảng một hoặc hai tuần nếu chăm chỉ cần mẫn mỗi ngày tầm 30p, nếu tập trung thì chắc một buổi cũng xong, rồi một buổi ôn tập là có thể tự tin đi đánh vần truyện tranh rồi (truyện tranh ở Nhật tất cả các kanji đều có ghi kèm phiên âm hiragana ở cạnh – gọi là furigana).
À còn một sai lầm nữa là, cũng có nhiều người hỏi mình “mới học tiếng Nhật thì chọn học bảng chữ nào là thông dụng nhất?”… Hoàn toàn không giống phồn thể giản thể của tiếng Trung, muốn học tiếng Nhật thì phải bắt đầu với cả hai bảng chữ, hiragana được sử dụng nhiều hơn nhưng không có nghĩa là có thể bỏ qua katakana, cả hai đều được sử dụng rất thông dụng và đều cần thiết như nhau. Nên nếu muốn học thì bắt đầu từ một trong hai bảng ngay thôi ^^