30日間片づけプログラム – Chương trình 30 ngày dọn nhà

Phương pháp dọn dẹp và sắp xếp đồ đạc được giải thích rất rõ ràng, được thể hiện dễ hiểu thông qua rất nhiều hình minh hoạ. Thông tin được đưa ra rất cụ thể, từ lý do mục đích tới phương pháp áp dụng nên có thể thực hành ngay.

Thông tin chung

Tên sách: 30日間片づけプログラム – Chương trình 30 ngày dọn nhà

Tên tác giả: 吉川 永里子

Một số đường dẫn quan trọng: Sách trên amazon

Ghi chú ngắn về nội dung sách 

Sách được chia thành 3 phần: các nguyên tắc khi dọn nhà, chương trình cụ thể cho 30 ngày và cuối cùng là hình ảnh mục tiêu của các khu vực ở trong nhà. 

Trong phần 1 thì điều quan trọng nhất mình học được là nguyên tắc để vứt đồ, nên vứt gì, nên giữ lại gì. Đi kèm với nguyên tắc này là đối với lượng đồ ít ỏi còn lại thì LUÔN LUÔN phải có vị trí cho mọi đồ vật, đặc biệt ở 3 khu vực dễ vứt đồ linh tinh là cửa vào nhà, bàn làm việc và ghế sô pha. 

足るを知ればムダなく暮らせる (Biết đủ thì sẽ sống mà không bị thừa thãi)

Trong nhà ai chắc cũng sẽ có cả tỷ thứ “bây giờ thì không dùng nhưng cứ trữ đó đã, biết đâu sau này sẽ dùng tới” và kết quả là chả bao giờ dùng luôn. Tương tự vậy, con gái chắc ai cũng sẽ có một vài bộ quần áo “khi nào gầy sẽ mặc” nhưng mà cân nặng thì cứ thế lên thôi, hoặc lúc gầy đi thì đồ đó lại không thích nữa rồi. Trong sách có giới thiệu 3 bước để vứt đồ (về cơ bản thì mình cũng thấy giống cuốn minimalism của chị KonMari mình đã giới thiệu ở đây):

  • Bước 1: Lấy hết đồ xếp ra ngoài
  • Bước 2: Chọn xem có những gì đang dùng để riêng ra
  • Bước 3: Phần còn lại chia làm 3 loại: Đồ vứt được ngay, đồ còn lưỡng lự và đồ kỷ niệm

Đối với đồ còn lưỡng lự, phân loại theo công dụng rồi đếm số những đồ vật cùng tương tự nhau, sau đó dùng phương pháp 1 đối 1 để so sánh giữa các đồ tương tự để lựa ra đồ có thể vứt được. Bí quyết để lựa chọn chính là xác định thứ tự ưu tiên của các món đồ (整理するには優先順位をつける). 

Phần 2 thay vì nói là 30 ngày thì là 30 mẹo nhỏ, mà mỗi mẹo nhỏ theo sách hướng dẫn là thực hiện theo từng ngày để hình thành thói quen. Tổng hợp lại thì 

  • Quần áo: quyết định trước số quần áo cần thiết (vd 1 tuần quay vòng thì cần mấy áo mấy quần v.v…) rồi khi mua 1 thứ mới phải vứt 1 thứ cũ đi. Giá treo đồ chỉ treo tới 8 phần, không treo đầy để lúc nào cũng có thể dọn đồ lên được.
  • Đồ ăn: đồ trong tủ lạnh chỉ nên tích 1-2 tuần, đặt ra “ngày xử lý đồ đông lạnh” để ăn bớt đồ để lâu trong tủ.
  • Sách vở, đồ sở thích: có hộp dán nhãn đặt ở một vị trí cố định để quản lý.

Phần 3 tổng hợp lại một số điểm lưu ý ở các khu vực khác nhau:

  • Phòng khách: tủ có thể bớt thì nên bớt (nhiều thì dẫn đến để nhiều đồ), có các hộp dán nhãn cho từng người/từng mục đích loại đồ khác nhau
  • Phòng bếp: khu vực không với tới không tiện dùng thì không cần thiết phải xếp đồ vào, ngược lại khu vực dưới bồn rửa mặt có thể tiện lấy nên cần tích cực sử dụng hợp lí
  • Tủ quần áo: tầng trên cùng để quần áo hết mùa, treo quần áo phân theo độ dài, cùng loại mắc
  • Nhà tắm nhà vệ sinh: để đồ vật ở ngay vị trí có thể với tay tới dùng
  • Cửa vào nhà (khu hiên nhà): không để đồ vật, hoặc chỉ để giày của ngày hôm sau 

Bên Nhật có rất nhiều sách dạy dọn dẹp nhà cửa các kiểu này, độ này mình cũng dự định chuyển nhà và nhìn lại nhà năm vừa rồi thấy cũng hơi (quá) bừa bộn nên cũng có để ý đọc một vài cuốn thuộc dòng sách này. Cuốn 30 ngày dọn nhà này thì là mình thấy ở trên amazon kindle unlimited được đọc miễn phí nên tải về, đọc trên đường đi tàu điện lướt lướt qua nhưng không ngờ lại hay thế, dễ áp dụng nữa. Gần đây mấy sách self-help nhiều, toàn viết mấy cái cao sang khó xài nên phàm càng là những quyển nhiều hình vẽ chia đề mục thế này lại vừa dễ đọc vừa dễ áp dụng lại hay nữa.

Leave a Reply

%d bloggers like this: