Chắc bạn cũng như mình rất nhiều lần quyết tâm muốn làm gì đó, ý chí cao vời vợi thiếu điều đứng ra ngã tư đường hét cho cả thế giới thấy, nhưng không được bao lâu là thấy ngọn lửa đó lụi dần lụi dần và cuối cùng là quên mất luôn lý do bắt đầu (huhu). Cuốn sách này viết về lý do như thế, và đưa ra giải pháp là khi mình tạo dựng được môi trường xung quanh đủ áp lực và yêu cầu thì động lực để tiến tới thành công sẽ mãi bùng cháy, mà không cần dùng tới quá nhiều nhiên liệu là ý chí.

Cuốn này tập trung ở tư tưởng chính là tại sao môi trường lại có ảnh hưởng to lớn tới bạn thân bạn, thậm chí ở những nơi bạn không ngờ tới, và sau khi hiểu được nguyên lý hoạt động của môi trường rồi thì làm thế nào để có thể xây dựng một môi trường hợp lý để có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân. Trong sách có rất nhiều mẹo nhỏ cũng như ví dụ cụ thể, nội dung hơi dài và dày nhưng chắc có thể tính nó thuộc vào dạng sách thực hành, mỗi ví dụ có thể tính là một bài tập nhỏ để mình có thể điều chỉnh và áp dụng vào trong thực tiễn ngay.
Ở phần đầu tiên thì tác giả nhấn mạnh vào việc giải thích cơ chế của việc môi trường sẽ đúc khuôn bạn như thế nào. Có một câu nói khá nổi tiếng: “bạn là trung bình của 5 người bạn dành nhiều thời gian nhất”, hay có câu khác cũng tương tự là, nói cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào, để thấy được những dấu vết của sự tác động từ những người xung quanh còn hằn rõ trên chúng ta như thế nào. Môi trường xung quanh có thể tác động theo rất nhiều cách, còn để mình lợi dụng được sự tác động đó, muốn thay đổi cuộc sống thì cách đơn giản nhất là thay đổi môi trường và/hoặc thay đổi vai trò mà mình đang giữ.
Trong phần chính về cách để sử dụng thiết kế hợp lý về môi trường để giảm “chi tiêu” trong việc sử dụng ý chí, thì tác giả đưa ra rất nhiều cách hay, có phần mình áp dụng rồi nhưng chưa triệt để, có phần thấy hay ho thì làm thôi nhưng sau khi đọc cuốn này xong và bị thôi miên bởi đống lý luận đằng sau thì có thêm niềm tin và sựu hứng thú để duy trì hơn.
Đầu tiên là phải tìm các cách khác nhau để “tái khởi động” cuộc sống. Ở đây tác giả nói đến một hiện tượng rất hay ho, là đa phần những quyết định quan trọng, hoặc những bước ngoặt cuộc sống đều diễn ra ở một môi trường hoàn toàn xa lạ khác với những gì mà mình thấy và sinh sống hàng ngày. Nghĩ lại bản thân mình lúc nộp vào hội sinh viên cũng là khi đang ở Đài Loan và lúc đó đợi một bạn khác đang chuẩn bị xong và đi chơi, cuối cùng đưa ra quyết định đó và thay đổi cuộc sống của mình nguyên một năm tiếp theo. Chính vì mình bị cuốn vào cuộc sống hàng ngày quá nhiều, nên mới không nhìn ra được giải pháp. Ngoài ra thì thỉnh thoảng cũng nên F5 cuộc sống bằng cách nhìn lại những gì đã làm được, tự đánh giá bản thân dựa trên những tiêu chí cố định, kế hoạch cho tuần tiếp và hoạch định cụ thể chi tiết cho tương lai.
Tiếp tới có một vài gợi ý chi tiết hơn là nên chọn thời điểm và không gian như thế nào, nhưng có một điều quan trọng nhất là trước khi nghĩ xem nên thêm gì thì phải nghĩ lại coi sẽ bớt gì (tối giản tối giản nào). Cứ tưởng tượng bạn là con lạc đà đang đi trên sa mạc nóng bỏng rát, bạn sẽ thấy được ngay mỗi một cân hành lý bỏ xuống sẽ có tác dụng lớn như thế nào, và tốc độ cũng sẽ được cải thiện ngay khi biết vứt bỏ đúng. Với đa số tất cả mọi người thì chất dopamine mang lại hạnh phúc trong não sẽ được sản sinh khi chúng ta rời khỏi hoạt động chính và làm gì đó nhỏ nhặt, nên những thứ dễ gây mất tập trung nên được loại bỏ càng nhiều càng tốt. Ngoài việc loại bỏ những thứ gây xao nhãng, một thứ khác cũng rất nặng nề và đòi hỏi chúng ta phải trả giá nhiều, cần được loại bỏ bớt, đấy chính là lựa chọn. Có nhiều lựa chọn không phải là một chuyện tốt, vì mỗi lựa chọn đều có cái giá phải trả cho nó, cũng như bắt chúng ta bỏ đi chi phí cơ hội của lựa chọn còn lại, số lượng quyết định đưa ra càng ít thì trọng lượng của mỗi quyết định càng lớn. Một cái nữa mình cũng học được ở đây là phải tiết kiệm working memory (bộ nhớ làm việc?), tức là những gì mình đang nghĩ hoặc đang làm phải trực tiếp được output ra ngoài và chuyển tiếp cho người tiếp theo, không nên đòi hỏi quá hoàn hảo ở bản thân, ngược lại sẽ rút ngắn thời gian để người sau mình có thể hoàn thành công việc với lượng thông tin ấy. Nếu thông tin được đưa ra sớm hơn, vừa có thể tiết kiệm được bộ nhớ làm việc của bản thân, vừa giúp cho đối phương có thêm không gian để phát huy.
Một điều quan trọng nữa là phải thay đổi lựa chọn mặc định, tức là biến những thứ tốt thành mặc định, thành thói quen thay vì mỗi lần đứng trước nó lại phải băn khoăn có nên làm hay không. Cái này khá liên quan đến cuốn nói về sự cần thiết của giảm bớt lựa chọn mà mình đã review ở đây (đọc thêm về the war of art). Có mẹo nhỏ ở đây là khi lên kế hoạch thì nên tính luôn là có thể có những cám dỗ nào, và khi gặp những cám dỗ ấy thì mình phải đối mặt và vượt qua như thế nào, ừm, nghe cũng có vẻ lý tưởng nhưng hơi phiền nên mình cũng chưa áp dụng được. Nếu có thể vượt qua được những khoảnh khắc xao nhãng thì có thể sẽ vượt qua được nó, nên phải chú ý tới từng trigger nhỏ, xem hành động của mình có phải là do tự bản thân muốn, hay là do bị bên ngoài tác động, và nếu bên ngoài tác động là yếu tố kiểm soát được thì nên kiểm soát ngay.
Phần cuối cùng là làm thế nào để chúng ta có thể ouput tốt ngược lại ngoài môi trường, chủ yếu là làm thế nào để đặt được những cái khuôn hợp lý để ép bản thân làm việc, từ hoạt động mình có thể sẽ làm thành hoạt động mình phải làm. Vài biện pháp có thể kể đến như: đầu tư thật nhiều, sẽ làm bạn cảm thấy sợ bị mất mát phần đã bỏ ra (sunk cost fallacy), cái này mình rất hay áp dụng, ví dụ như đăng ký thi mắc tiền rồi thì bản thân mình phải cố học để thi cho đỡ phí chẳng hạn; tự gây áp lực từ xã hội bằng việc công bố với người khác, cái này cũng khá là hay, ví dụ mình đang tự đặt ở trên goodreads là mỗi năm cố gắng đọc 50 quyển , nhiều người nhìn vào nhiều người cùng cố nên mình cũng sẽ muốn cố theo; rồi tăng độ khó lớn bằng việc thêm trách nhiệm cá nhân; hoặc tính gì đó rất mới giúp bản thân có thêm trải nghiệm của sự thay đổi.
Kết thúc phần chia sẻ về cuốn này thì có một danh sách các bước để tiến tới “tự động hoá”, biến việc học thành thói quen không điều kiện ở môi trường lý tưởng mà mình đã xây dựng: đầu tiên lặp đi lặp lại việc học một lượng kiến thức nhỏ, sau đó tăng dần độ khó, khó dần khó dần nhưng không được quá khó dễ gây nản, nếu không biết tăng độ khó chừng nào cho vừa thì có thể thêm giới hạn về thời gian và rút ngắn dần giới hạn này, cuối cùng là làm việc với lượng công việc lớn hơn. Đương nhiên để làm được điều này thì phải ghi chép lại đầy đủ, tin mình đi, theo dõi bản thân cho nhiều câu trả lời hơn bất kỳ cuốn sách phát triển bản thân nào khác. Bản thân mình đã áp dụng theo dõi thời gian, tiền bạc, sức khoẻ của mình từ khoảng 1,2 năm trở lại đây, và mỗi lần nhìn lại đều phát hiện ra rất nhiều cơ sở để có thể chỉnh sửa thay đổi hướng tới cái tốt hơn.
Một câu cuối thì cuốn này nói về việc cắm đầu vào làm việc và kêu ca chất lượng làm việc không hiệu quả, thì hãy nhìn lại môi trường xung quanh, xem có biện pháp nào cải thiện hay không, từ những mẹo rất nhỏ này thì việc làm việc sẽ không phải tốn sức như trước nữa, có nhiều mẹo nhỏ áp dụng được, khá hay và toàn diện.
Đánh giá chung
2 Comments