Đây là cuốn tự truyện của Edward Snowden, cựu mật vụ tình báo Mỹ đã cung cấp thông tin hồi năm 2013 về chương trình do thám toàn cầu của cơ quan tình báo Mỹ, sau đó đã bị trục xuất và phải tị nạn ở Nga. Cuốn sách này được viết từ thời còn nhỏ, từ xuất thân về gia đình của anh này và mối quan hệ với các công việc chính phủ, rồi sự phát triển của các thể loại hack khác nhau, rồi sự thay đổi của nước Mỹ sau sự kiện ngày 9 tháng 11, những công việc và cơ cấu bên trong tổ chức, những lần thuyên chuyển của anh này qua các nước với các nhiệm vụ khác nhau. Trong mỗi khoảng thời gian đó, anh ấy đều mang theo những băn khoăn về xã hội xung quanh, được thể hiện rất rõ và thống nhất, một cuốn tự truyện rất hấp dẫn đáng đọc từ trang đầu cho tới tận những chương cuối khi anh này kể về cuộc sống của mình khi bắt đầu sang Hong Kong và lựa chọn nguồn tin để công bố những phát hiện của mình, và cả những ngày tháng bắt đầu tị nạn.

Trước tiên thì phải khen tiêu đề một chút, mình chọn sách đa phần do bìa và tiêu đề (siêu hời hợt haha, cho nên rất dễ chọn nhầm vào sách dở hơi), và chọn cuốn này cũng bởi vì tiêu đề giống như một nhát búa đập thẳng vào đầu vậy: một bản ghi vĩnh cửu. Cái này có được nhắc tới ở chương 24 về việc mã hoá (encrypt), cho dù bạn cố gắng xoá hết các thứ, nhưng thực ra cái mà bạn xoá được chỉ là đường dẫn hay nói cách khác là cách tìm ra tệp dữ liệu đó thôi, thử tưởng tượng mà xem khi bạn sao chép một tệp tin nào đó, nó tốn rất nhiều thời gian trong khi để xoá hoàn toàn một tập dữ liệu, tất cả chỉ diễn ra trong nháy mắt. Vậy nên động tác xoá tệp dữ liệu chỉ đơn giản là giấu nó giữa một rừng dữ liệu khác, và với hệ thống theo dõi mà cục tình báo xây dựng lên thì có thể dễ dàng tìm kiếm lại bất kỳ một thông tin dữ liệu nào gắn với một cá thể trong hệ thống, với hàng loạt hệ thống tag dữ liệu đồ sộ khổng lồ.
Cuốn này chia làm 3 phần, phần đầu hồi còn nhỏ thì đọc hơi nhàm một chút nhưng có lẽ khá cần thiết để hiểu được logic của những hành động sau này của anh này, điểm chuyển giao cuộc đời có lẽ là khi anh này bắt đầu đến Nhật để xây dựng một hệ thống có thể lưu lại được dữ liệu của tất cả mọi người một cách vĩnh viễn. Hồi còn nhỏ câu chuyện có thể hơi dài dòng nhưng có khá nhiều ẩn dụ về những sự kiện xảy ra sau này, ví dụ có câu mình đọc thấy khá giật mình là khi anh này bắt đầu học lập trình thì anh này nhận ra là “in the fact that these machines do what they do because somebody tells them to, in a very special, very careful way” (tạm dịch: thực tế là những cái máy này chỉ thực hiện các lệnh nó đang chạy theo ý đồ vô cùng vô cùng cẩn mật của một ai đó).
Tự truyện nên khá nhiều chi tiết vụn vặt và câu chuyện cũng đi theo nhiều giai đoạn của cuộc đời anh này nên mình sẽ chỉ nhắc một vài điểm mà cuốn này giúp mình nhận ra. Đầu tiên là việc “hack”, thật ra đó giờ vẫn hiểu là hack là phá vỡ quy tắc, nhưng thực tế đúng hơn là hacker chỉ đơn giản là lợi dụng những quy tắc mà người làm ra nó cũng không phát hiện ra, và hacker là người hiểu sâu hơn về hệ thống mà thôi. Ngay cả những người thông minh nhất cũng bị mắc vào những bẫy tư duy theo mẫu, vô thức hành động theo những giả thiết dựa trên những sự kiện mà mình đã trải qua, nhưng có những giả thiết có thể có sai sót nhưng chúng ta chưa từng kiểm chứng. Một ai đó có sự hiểu biết sâu rộng hơn, hoặc có thể suy nghĩ nhanh hơn, có thể lấy đó làm bàn đạp để tấn công và tạo ra những kết quả mà chúng ta không thể lường trước được. Hacker hiểu một cách cơ bản nhất là những người “debunk” (tháo gỡ) hệ thống và hiểu nó một cách sâu sắc, rồi dùng chính những hiểu biết đó để điều khiển hệ thống theo cách mà họ muốn.
Một câu nữa mình thấy khá giật mình vì đúng là “law is always lags behind technological innovation by at least a generation” (tạm dịch: luật pháp luôn luôn chậm hơn sự phát triển công nghệ ít nhất một thời đại). Vậy nên nhiều quyết định liên quan đến công nghệ thường được dựa trên việc “có thể hay không” hơn là “có nên hay không”, mọi thứ quá dễ vượt qua khỏi tầm kiểm soát.
Ngoài ra còn rất nhiều câu chuyện khác như việc anh này làm việc máy tính quá sức và rồi ôm một cục bí mật không nói được với ai nên bị bệnh suy nhược cơ thể và sau này là đến bệnh về tâm lý phải nghỉ và chữa phục hồi, rồi sự xuất hiện của cách vào mạng mà không để lại dấu vết sử dụng Tor, vân vân và vân vân. Rồi một hệ thống kiểm soát internet toàn diện mang tên PRISM của chính phủ Mỹ, có thể kiểm soát bất kỳ kết nối nào với internet, đưa nó vào một bộ lọc và nếu kết nối này có từ khoá trùng với những từ khoá mà NSA quy định thì kết nối đó sẽ bị đánh dấu là nguy hiểm, tát cả chỉ diễn ra trong vòng 686 mili giây, và người truy cập mạng không hề biết về điều đó, nhưng NSA đã có thể truy cập không chỉ dữ liệu metadata mà còn tất cả những dữ liệu riêng tư nhất của bạn.
Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão như hiện nay, tầm quan trọng của dữ liệu mạng cá nhân cũng chẳng khác nào tầm quan trọng của cái khoá cửa trong nhà. Trước khi kết lại phần chia sẻ của mình quanh cuốn này thì có một câu hỏi mình thấy rất thấm với bản thân, và có lẽ những ai nghĩ mình không có gì phải giấu nên cũng không cần phải bảo mật có thể tự hỏi bản thân mình: bạn sẽ chọn phương án nào, để đồng nghiệp của mình ở nhà của bạn trong vòng 1 tiếng hay đưa điện thoại của bạn cho anh ta trong vòng dù chỉ mười phút? Wow. Mình có thể tưởng tượng được việc đưa chìa khoá cho bạn ở lại nhà mình khi mình vắng mặt, nhưng đưa điện thoại 10 phút khi mình không có mặt ở đó thì … lol.
Câu chuyện được kể từ lúc còn nhỏ, khi mọi thứ liên quan đến mạng vẫn còn rất sơ khai cho đến lúc phát triển như hiện tại, giúp người đọc hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân và lý do đằng sau quyết định tiết lộ thông tin của anh này năm đó. Tuy là viết về vấn đề vô cùng chuyên môn nhưng tương đối dễ đọc, mình không chắc là hiểu đúng hết những thứ anh ta muốn truyền tải trong tự truyện này, nhưng về tư tưởng cơ bản thì có khá nhiều điều mà mình cảm thấy tâm đắc. Từ ngữ anh này sử dụng cũng rất hay, không có mấy kiểu slang của Mỹ, mà toàn những từ rất “tinh tế”, theo nghĩa là những cụm từ ngắn mà thể hiện được rất nhiều ý và sắc thái, đọc xong mình còn học được thêm vài từ tiếng Anh mới rất dễ xài (ví dụ ignominious là nhục nhã vì cảm giác thua cuộc). Tựu chung lại thì mình khá thích cuốn này vì nó không chỉ là tự truyện của một nhân vật tạo rất nhiều ảnh hưởng tới toàn cuộc, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về bảo mật, mà còn cho mình nhiều thông tin hơn về thế giới của tình báo, nói chung là đọc xong cảm thấy vừa gật gù khá nhiều vì đồng tình và vừa hoảng sợ vì sự đáng sợ của thế giới mạng, một khi tham gia là đã bị vướng vào dưới tầm lưới theo dõi…
Đánh giá chung
One Comment