Già rồi càng phải chăm học hơn thôi…

Vài điều mình rút ra được từ hai cuốn sách liên quan đến việc tự học là “大人になってからの勉強法 (phương pháp học tập cho người trưởng thành)” và “独学大全 (bách khoa toàn thư về việc tự học)”, cộng với một số cái lại phải viết ra để cố mà thực hiện, hi vọng thành công để thành serie chữa căn bệnh lười cố hữu …

Phương pháp học tập cho người trưởng thành

Nguồn ảnh: amazon

Đầu tiên là người trưởng thành thì cần và có lợi thế trong việc học logic, công nhận là việc gì cũng cần logic, đơn cử như việc viết cái bài suy nghĩ quanh sách này thôi thì đôi lúc cũng thấy diễn đạt của mình khá là lủng củng, nên đúng như sách nói, cần luyện tập nhiều hơn. Tóm tắt ngắn gọn thì phương pháp tốt nhất là viết các bài tiểu luận theo đúng kết cấu logic suy nghĩ : mở – phát triển – kết luận, hoặc kết luận – giải thích – tổng kết, về các vấn đề suy nghĩ, sẽ giúp ích cho bản thân trong việc diễn đạt điều mình muốn nói cũng như rèn luyện khả năng tư duy.

Cái thứ hai mình đọc được ở đây và muốn thực hành luôn là biến sổ tay thành “tổng kết kiến thức và những gì mình làm được” thay vì chỉ đơn giản là “sổ kế hoạch”. Trước giờ mình chia rõ thành 2 phần: sổ tay là để lập kế hoạch những công việc, còn mình dùng notion (thông tin kỹ hơn về notion ở đây) để lưu lại những suy nghĩ vụn vặt trong ngày cũng như tổng kết về một ngày, nhưng cái này có nhược điểm là khi sang ngày mới thì mình chỉ xem sổ tay và hầu như không xem lại các ghi chú trong notion, thành ra các ngày nối ngày cứ trôi đi mất. Nhân đây đọc được cuốn này thì sẽ thử viết một vài điểm sáng mình học được trong ngày vào sổ ghi chú, coi như tăng thêm một lần output xem có hiệu quả không.

Bách khoa toàn thư về việc tự học

Nguồn ảnh: amazon

Cuốn này khá dày, tổng kết 55 mẹo để có thể tự học tốt hơn. Mình sẽ ghi chú lại vài cái mà mình nghĩ bản thân sẽ muốn thực hiện ngay, hoặc đã/đang thực hiện và muốn tiếp tục. Hi vọng sau 1-2 tháng nữa sẽ có được vài thay đổi và tổng kết lại (nếu có thì link tới bài đó sẽ ở đây).

Kế hoạch 1/100 (1/100プランニング), hiểu đơn giản là chia nhỏ kế hoạch để đỡ lười, tiến bước nhỏ sẽ vững chắc hơn bước lớn. Mình trước giờ vẫn hay theo trường phái chạy quá sức trong thời gian ngắn nên rất dễ dẫn tới kiệt sức, sẽ thử chia nhỏ công việc cụ thể hơn nữa, gắn kết với cái học được ở trên là cần phải giúp bản thân thấy có cảm giác thành tựu, chia nhỏ công việc ra thì cảm giác thành tựu sẽ đến nhiều hơn mà.

Thời gian vùng xám (グレー時間クレンジング), nói một cách dễ hiểu hơn là lúc nào tâm trí vẫn đang còn dư chỗ thì nhét thêm cái khác vào. Phân chia thời gian trong một ngày thì có vùng trắng (chơi bời hát hò nhảy múa, tâm trí giải phóng 100%) và vùng đen (tập trung học tập làm việc gì đó, tâm trí tập trung 100%), nhưng ngoài ra còn khá nhiều khoảng thời gian ở “vùng xám” mà mình có thể kết hợp được nhiều hoạt động cùng lúc: ví dụ như lúc đi bộ hay đi tàu điện có thể nghe sách nói hoặc tranh thủ đọc sách chẳng hạn. Nếu lợi dụng được tốt khoảng thời gian này thì theo ý mình hiểu là sử dụng “multitasking (làm nhiều việc cùng lúc)”, ở một tầm cao hơn xíu, khi công việc tập trung thì tập trung 100% nhưng với những thứ không cần quá tập trung vẫn có thể làm được thì có thể kết hợp làm chung với việc khác luôn. Với bản thân mình thì rất hay xem video giới thiệu sách hoặc nghe kể chuyện bằng các thứ tiếng khác nhau khi phơi quần áo hoặc rửa bát =)) thành thói quen luôn rồi, giờ biết nó là một phương pháp hợp lý thế này thì sẽ cố lên kế hoạch cụ thể để tích hợp nhiều hơn.

Các cách đọc sách, ghi lại để tuỳ cuốn tuỳ mục đích chọn (các) cách đọc phù hợp

転読: lật trang nhanh như chảo chớp, 1 phút hết sách =))

掬読: đọc lấy tinh tuý, đọc đoạn đầu của chương 1 và đoạn cuối của chương cuối rồi mới đọc ở giữa

間読: vừa đọc vừa đối thoại với sách, dự đoán xem câu trả lời là gì, và đọc xong có câu trả lời thì dùng kiến thức trong sách để trả lời cho câu mình vừa hỏi luôn

限読: đặt giới hạn thời gian cho việc đọc, ví dụ đúng 30 phút là dừng, tạo áp lực đọc

Nhóm 35 phút (35ミニッツ・モジュール法): vừa học vừa ôn tập, kỹ thuật lặp lại ngắt quãng (Spaced repetition) rất quan trọng, nói chung có nhiều cách để lặp đi lặp lại, mình cũng dùng nhưng đọc cuốn này rồi thử cách này mới cho đỡ chán coi sao :D. Mỗi lần học cái mới thì chia thời gian thành nhóm 35 phút một: từ 0-20 là học cái mới, 21-24 nghỉ, 24-26 ôn bài hôm qua, 26-28 ôn bài tuần trước, 28-30 ôn bài tháng trước, 30-35 ôn bài hôm nay, lặp đi lặp lại như vậy.

Phương pháp thì nhiều, quan trọng là có làm hay không thôi ha. Hôm nay đã ngồi tổng hợp lại chỉ những thứ muốn thực hành ngay rồi, nên sẽ thực tế áp dụng luôn coi sao :D!

One Comment

Leave a Reply

%d bloggers like this: