Atomic habits – James Clear

Cuốn sách viết rất cụ thể và chi tiết về tầm quan trọng của việc xây dựng thói quen cũng như cách để xây dựng thói quen tốt và tập để bỏ dần thói quen xấu.

Nguồn ảnh: amazon

Trước khi vào giới thiệu sách thì có lời mở đầu chút, mình nghĩ để luyện tốt một thói quen thì về cơ bản cũng là chúng ta đang cố gắng tìm mọi cách để thôi miên bản thân mình, nói đỡ đáng sợ hơn chút thì chính là tìm những lý do hợp lý để thuyết phục bản thân mình khỏi những cám dỗ. Suy nghĩ theo hướng này thì đọc sách self-help về xây dựng thói quen rất có ích bởi chúng ta sẽ thu thập được thêm nhiều lý do hơn để thuyết phục bản thân mình. Cuốn này đọc càng ngấm hơn sau khi mình đã ứng dụng kha khá từ cuốn  The power of habit – Sức mạnh của thói quen và đọc thêm từ cuốn Willpower doesn’t work – Sức mạnh ý chí chưa chắc đã đủ. Cuốn này có khá nhiều ý tưởng tương đồng với các cuốn trên, ví dụ như tư tưởng thói quen chính là các vòng lặp của cue (gợi ý) – routine (hành động mang tính lặp lại) – reward (phần thưởng) như ở cuốn The power of habit – Sức mạnh của thói quen và việc thay đổi môi trường có tác động lớn tới việc thay đổi thói quen như ở cuốn Willpower doesn’t work – Sức mạnh ý chí chưa chắc đã đủ, ngoài ra thì còn có rất nhiều ví dụ cụ thể chi tiết và một vài cheatsheet (bảng hướng dẫn chi tiết) để có thể thực hành luôn, nên mình đánh giá cuốn này rất cao.

Một thói quen được tác giả định nghĩa là một chu trình hoặc hành động nào đó được thực hiện thường xuyên, và trong rất nhiều hoàn cảnh, thậm chí còn được thực hiện một cách tự động trong vô thức. Cấu trúc sách thì cũng giống như khá nhiều cuốn khác cùng chủ đề, đầu tiên là sẽ nêu tới tầm quan trọng của việc xây dựng thói quen, sau đó là các bước cụ thể mà ở đây tác giả viết rất rõ theo 4 quy tắc: thói quen cần rõ ràng, hấp dẫn, dễ và tạo sự thoả mãn.

Sau rất nhiều thời gian áp dụng nhiều biện pháp tự cảnh tỉnh bản thân thì mình cũng biết thói quen vô cùng quan trọng, nhưng trong cuốn này tác giả nêu thêm một vài điểm mà mình ghi nhớ, và càng cảm thấy thêm được tầm quan trọng của việc xây dựng từ những điều nhỏ nhặt nhất. Điều đầu tiên là mỗi thói quen nhỏ đều sẽ có tác động rất lớn tới tương lai, nếu bạn đang tiến theo hướng lùi thì tương lai sẽ lùi rất xa, còn đang tiến theo hướng về phía trước thì nó sẽ đẩy bạn theo cấp số mũ. Cái này tương tự câu hồi xưa mình học Toán thầy Lương bên Tổng hợp cũng nói, thông minh thì như người lớn hơn số 1, càng học càng luỹ thừa càng lớn, còn thằng ng* thì như 0.xx càng mũ càng nhỏ đi *đại ý thế mình cũng không nhớ chính xác*, mình sẽ đặt ở đây thêm cái hình để thấy mỗi chuyển động nhỏ bây giờ sẽ ảnh hưởng lớn như thế nào đến quỹ đạo cuộc sống trong tương lai.


Ngoài ra thì việc đặt mục tiêu cũng dễ làm chúng ta quá mù quáng vào việc đạt kết quả, cộng thêm tâm lý xả hơi sau khi đạt được mục tiêu nên quên mất là mình vẫn đang phải không ngừng thay đổi, cho nên điều quan trọng nhất không phải đặt mục tiêu cao và đạt được nó mà là phải xác định được đúng xu hướng cho bản thân, thay đổi từ identity (định vị bản thân) chứ không phải thay đổi từ bề mặt. Cách hiệu quả nhất để thay đổi thói quen không phải là bạn muốn đạt được thành tựu như thế nào mà nó phụ thuộc vào việc bạn muốn trở thành người như thế nào.

Trước hết là phải định nghĩa rõ ràng thói quen mình muốn làm là gì. Ở bước này thì tác giả cho một phương pháp rất hay là thử liệt kê tất cả các thói quen mình đang làm, bất kể là kiểu đánh răng rửa mặt tập thể dục thể thao hay hút thuốc lá gì đó, sau đó đánh giá xem nó là thói quen tốt (+) hay thói quen xấu (-) hay không xác định (=), từ đó xác định phương hướng xử lý tiếp theo. Khi đã lên được danh sách các thói quen để hướng mình tới con người mình muốn, thì phải cụ thể hoá nó hơn, bằng cách gắn nó với thời gian và địa điểm cụ thể. Chỗ này mình cũng học được một bài học rất lớn là mỗi không gian chỉ phục vụ cho một việc duy nhất để tăng sự tập trung, mỗi thói quen cũng phải có một cái “nhà” xây riêng cho nó thì mới “an cư lạc nghiệp” được. Trước giờ từ khi theo tối giản mình luôn nghĩ tới các “đường hoạt động” và bố trí đồ vật hợp lý, nhưng chưa hề nghĩ phải phân tách các hoạt động chính. Lấy ví dụ cụ thể là điện thoại phục vụ cho hai mục đích vừa đọc truyện vừa học từ mới chẳng hạn, như vậy sẽ rất dễ lẫn lộn giữa hai thói quen, và thường sẽ dẫn tới thói quen xấu (đọc truyện nhảm) chiến thắng và lặp lại nhiều hơn. Qua cái này mình mới phát hiện ra là hồi xưa xài iphone và ipod touch song song, iphone dùng để chơi còn ipod touch dùng để học cảm thấy chăm chỉ học hơn hẳn, về sau đúng là càng đa tác dụng càng dễ phân tán.

Câu khẩu hiệu cho phần này là phải định nghĩa rõ tới mức: Tôi sẽ *làm gì đó* ở *thời gian* tại *vị trí*, sau đó tôi sẽ *…*. Sau khi làm rõ được trong tâm trí rồi thì phải xác định đảm bảo được đúng “nhà” bao gồm thời gian, địa điểm và tâm trí cho nó, có lời khuyên nhỏ là xây dựng thói quen mới ở nơi mới thì sẽ dễ hơn vì mình không phải chiến đấu với những cám dỗ cũ. Ví dụ muốn chăm học thì đi thư viện rồi tạo thói quen học ở thư viện sẽ dễ hơn là ở nhà rồi lại đi ra đi vô không tập trung.

Tiếp đến phải làm cho thói quen trở nên hấp dẫn hơn, ví dụ như ghép một thói quen muốn làm và một thói quen cần làm chẳng hạn. Hoặc giống tư tưởng ở bên cuốn Willpower, đặt mình vào một môi trường xung quanh mọi người đều như vậy thì sẽ thúc đẩy bản thân tạo dựng thói quen hơn.

Việc quan trọng nhất khi học tập là phải thực hành, chứ không phải lên kế hoạch (bệnh này mình mắc rất nặng đây, chúa kế hoạch nhưng không thực hành T.T), thế nên phải xây dựng thói quen sao cho càng dễ thực hiện càng tốt. Tác giả nhấn mạnh là thời gian thực hiện không quan trọng bằng số lần thực hiện nó. Có hai cách mình đã ghi chép lại để áp dụng, một là nếu hôm nào không làm được gì đó thì vẫn phải thực hiện nó ở một phiên bản đơn giản hơn trong 2 phút để tạo dây thói quen, ví dụ như phiên bản đơn giản của “đọc sách trước khi đi ngủ” là “đọc một trang trước khi đi ngủ” và có thể thực hiện trong hai phút chẳng hạn; hai là lợi dụng các commitment device (các phương tiện ràng buộc) để ép mình phải làm, đảm bảo thói quen thực hiện dễ hơn đỡ tốn sức: ví dụ như nộp sẵn tiền thi để ép mình phải học chẳng hạn.

Cuối cùng là phải làm thế nào để tự mình cảm thấy thoả mãn khi hoàn thành được thói quen. Mình có áp dụng từ hồi viết nhật ký hàng ngày với đọc cuốn The power of habit là ghi chép lại các thói quen hàng ngày, cảm giác thực hiện xong rồi bấm dấu tick rất thoả mãn. Có bạn youtuber mình hay coi, chuyên làm về chủ đề phương pháp học tập cũng có một trò rất hay là lên kế hoạch bằng lịch, để các màu khác nhau, khi nào thực hiện xong việc nào là đổi cái màu của kế hoạch đó về màu ghi, cuối ngày thấy tất cả hoàn thiện cảm thấy rất thành tựu.

Trên đây là 4 quy tắc để xây dựng một thói quen tốt, cũng tức là làm “ngược” lại với các quy tắc này thì sẽ phá vỡ được các thói quen xấu.

Đầu tiên là phải làm thói quen xấu ẩn đi, ví dụ ham chơi điện thoại thì để máy qua chỗ khác chẳng hạn, hoặc như mình độ này nghiện coi youtube thì phải đặt thời gian giới hạn cho mỗi ngày. Bí quyết mình đã nhận ra sau khá lâu lâu là không nên quá tin tưởng bản thân mình, sức quyết tâm yếu hơn mình tưởng rất nhiều, nên tốt nhất nếu không muốn làm thì ngay từ đầu giảm bớt điều kiện để thói quen xấu thực hiện được sẽ ngăn chặn được tận gốc luôn.

Tiếp là làm cho thói quen xấu bớt hấp dẫn, nghĩ về những tác hại xấu chẳng hạn, cần tự kỷ ám thị tự tẩy não nhiều hơn. Rồi thì tăng độ khó cho việc thực hiện thói quen này, thêm nhiều bước nữa thì mới thực hiện được thói quen đó, ví dụ như để kiêng ăn vặt thì không trữ sẵn đồ ở nhà, tăng độ khó cho mỗi lần ngứa miệng bằng việc thêm một bước là phải thay đồ ra ngoài mua thì mới có đồ ăn vặt chẳng hạn. Cuối cùng là làm cho nó kém vui hơn, nhờ ai đó theo dõi, nếu mình không làm được thì sẽ rất mất mặt nè, thậm chí tác giả còn cho hẳn mẫu “hợp đồng thói quen”, mục đích là để sự nhục nhã khi không thực hiện được thói quen càng cao càng tốt, càng công khai càng tốt để biết sợ mà tránh.

Kết bài thì lấy một câu nói nhỏ tác giả viết ở phần cuối “những bí kíp nâng cao” là ai cũng có thể làm việc khi thấy hứng thú, nhưng chính việc tiếp tục làm việc khi công việc không còn hấp dẫn nữa mới tạo nên sự khác biệt. Sau khi viết xong bài này thì mình cũng sẽ đi lên thử danh sách thói quen hiện tại và làm theo từng bước đây, nếu qua vài tháng không thấy tiến triển chắc phải đăng công khai lên blog cho ai qua lại đọc cùng cùng giám sát mới dược :'(.

Đánh giá chung

Rating: 5 out of 5.

One Comment

  1. tuyệt vời.

    không phải ngón tay
    mà là phương hướng
    không phải con đường
    mà là bước chân

    đường đã có, hướng đã có. chỉ chờ bước chân của em. 😀

Leave a Reply